Chàm tổ đỉa là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Chàm tổ đỉa là một bệnh lý thuộc thể đặc biệt của bệnh chàm (Eczema). Đặc trưng của thể bệnh này là sự hình thành mụn nước ở lòng bàn chân hoặc bàn tay. Bệnh có thể khởi phát ở mọi đối tượng, trong đó người trưởng thành hoặc thanh thiếu niên là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả.
Chàm tổ đỉa là bệnh gì?
Chàm tổ đỉa là một thuật ngữ chỉ bệnh lý thuộc thể đặc biệt của bệnh chàm (Eczema). Đây là một tình trạng viêm da có đặc trưng là hình thành các mụn nước nhỏ, khô, ngứa ngáy tại bàn tay, bàn chân.
Bệnh chàm tổ đỉa thường khởi phát đổi ngột, thuộc thể bệnh mãn tính với các triệu chứng dai dẳng và dễ tái phát. Bệnh lý tổ đỉa này có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên, người trưởng thành.

Nguyên nhân mắc bệnh tổ đỉa
Về nguyên nhân bị tổ đỉa, hiện nay các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này. Theo đó, tổ đỉa trên da có thể hình thành do các nguyên nhân sau đây:
- Yếu tố di truyền: Theo một số nghiên cứu, có tới 50% bệnh nhân mắc chàm tổ đỉa có liên quan đến yếu tố di truyền.
- Yếu tố cơ địa: Những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm da dị ứng… sẽ có nguy cơ cao hơn mắc bệnh tổ đỉa.
- Khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước, đất bị ô nhiễm sẽ khiến da bị nhiễm khuẩn gây ra chàm tổ đỉa.
- Một số trường hợp người bệnh bị dị ứng với các hóa chất như chất tẩy rửa, xà phòng, nước hoa, mỹ phẩm hoặc kim loại gây ra bệnh tổ đỉa.
- Ở những người thường xuyên bị đổ mồ hôi tay, mồ hôi chân sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn gây tổ đỉa cao hơn.
- Một số thuốc kháng sinh có thể gây ra bệnh Eczema. Ngoài ra, tình trạng bệnh có thể bùng phát mạnh nếu người bệnh thường xuyên bị căng thẳng, stress quá mức.
Triệu chứng chàm tổ đỉa
Thông thường, các triệu chứng của bệnh chàm tổ đỉa khởi phát đột ngột, xuất hiện theo từng đợt. Tình trạng của chàm có thể kéo dài đến vài tuần. Người bệnh cần lưu ý đến các triệu chứng bệnh tổ đỉa sau đây:
- Người bệnh xuất hiện các mụn nước: Các mụn nước này có kích thước khoảng 1 đến 2mm, ăn sâu vào bề mặt da, tập trung thành chùm nhỏ và gồ ghề. Các mụn này thường tập trung ở lòng bàn tay, bàn chân và kẽ ngón tay, ngón chân.
- Hình thành các bóng nước khi những mụn nước nhỏ kết hợp với nhau thành những bóng nước lớn hơn.
- Khi các mụn nước chuyển sang màu đục, có dấu hiệu sưng đỏ, người bệnh bị sưng hạch bạch huyết ở vùng lân cận thì cần lưu ý đến tình trạng nhiễm khuẩn mụn nước.
- Da bị ngứa và có hiện tượng tróc vảy khi các mụn nước teo và khô lại. Tình trạng ngứa rát dữ dội, nếu người bệnh gãi nhiều sẽ khiến vùng da bị nóng rát, phồng rộp.
- Người bệnh có dấu hiệu đổ nhiều mồ hôi xung quanh vùng da có mụn nước.
- Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể gặp phải tình trạng biến dạng móng chân, móng tay.
Các triệu chứng này thường khá đặc trưng và rất dễ nhận biết. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện khi có các triệu chứng đầu tiên để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Chàm tổ đỉa có nguy hiểm không?
Chàm tổ đỉa vốn là một bệnh lý về da khá lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, do bệnh tái phát liên tục và gây ngứa ngáy, khó chịu sẽ khiến người bệnh bị ảnh hưởng về chất lượng cuộc sống cũng như thẩm mỹ. Các biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải là:
- Biến chứng chàm tổ đỉa bội nhiễm: Tình trạng này xảy ra do người bệnh gãi, cào mạnh vào các mụn nước gây chảy dịch và bội nhiễm.
- Biến chứng biến dạng móng: Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể gặp phải tình trạng biến dạng móng. Biến chứng này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và thẩm mỹ.
- Khi bị bệnh, người bệnh thường có tâm lý tự ti, mặc cảm do vùng da bị bệnh gây mất thẩm mỹ.
- Cảm giác ngứa ngáy do bệnh chàm tổ đỉa gây ra rất dữ dội, khiến người bệnh khó chịu.
Bị tổ đỉa phải làm sao? Cách điều trị
Thông thường, bệnh lý chàm tổ đỉa có thể thuyên giảm sau khoảng 3 đến 4 tuần nếu chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị tận gốc có thể diễn biến rất dai dẳng và tái phát nhiều lần liên tục. Vì thế, để điều trị bệnh lý tổ đỉa này dứt điểm, người bệnh cần khám và điều trị bệnh đúng cách.
Điều trị bằng thuốc Tây y
Để có được phác đồ điều trị tốt nhất, các bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng như tình trạng nổi mụn nước, ngứa da và làm một số xét nghiệm nhất định. Tùy vào mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo phác đồ khác nhau.
Điều trị bằng thuốc là phương pháp điều trị tích cực, có thể giúp người bệnh cải thiện nhanh chóng các triệu chứng bệnh. Nhóm thuốc điều trị có thể được chỉ định bao gồm:
Sử dụng thuốc bôi ngoài da
- Dung dịch sát khuẩn: Cồn BSI 1 – 3%, dung dịch Jarish, thuốc tím pha loãng… được dùng cho các trường hợp mụn nước đơn thuần, chưa bị chảy dịch.
- Nhóm thuốc Corticoid bôi ngoài: Bao gồm Flucinar, Eumovate, Dermovate… để ngăn ngừa, kiểm soát bệnh lan rộng.
- Nhóm thuốc chống nấm ngoài da bao gồm Griseofulvin và Neomycin.
- Thuốc ức chế miễn dịch là Tacrolimus.

Nhóm thuốc đường uống
- Bao gồm thuốc chống nấm và kháng sinh.
- Nhóm thuốc chống dị ứng, thuốc kháng Histamin H1.
- Nhóm thuốc Corticoid đường uống và vitamin tổng hợp.
Áp dụng liệu pháp ánh sáng
Trong trường hợp người bệnh có triệu chứng nặng, không đáp ứng với thuốc điều trị có thể được chỉ định áp dụng các liệu pháp ánh sáng. Liệu pháp này là sử dụng các tia tử ngoại có bước sóng ngắn như UVC hoặc UVB để chiếu trực tiếp lên da.
Việc điều trị theo Tây y phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh.
Bài thuốc Đông y trị chàm tổ đỉa
Theo Đông y, bệnh tổ đỉa hình thành do nhiệt tà, tà độc, phong kết và thấp khiến khí huyết vận hòa kém, từ đó gây tổn thương cho da. Việc điều trị tổ đỉa bằng Đông y giúp cải thiện các triệu chứng bệnh và điều trị căn nguyên gây bệnh.
Người bệnh có thể tham khảo các bài thuốc trị chàm sau đây:
- Bài thuốc số 1: Chuẩn bị 40gr thổ phục linh, 16gr ý dĩ, tỳ giải, ké đầu ngựa… Sắc mỗi ngày 1 thang thuốc và người bệnh chia thành 3 lần uống.
- Bài thuốc số 2: Sử dụng 12gr cây cam thảo đất, kinh giới; 14gr ké đầu ngựa, ý dĩ, hy thiêm, sinh địa; 20gr thổ phục… Người bệnh sắc mỗi ngày 1 thang thuốc và chia thành 3 lần uống.
- Bài thuốc số 3: Chuẩn bị 3gr sao xương truật, 9gr các loại bạch tiễn bì, chi tử, xích linh, nhân trần, ngân hoa, sinh ý dĩ; 4gr đan bì, xuyên bá; 6gr hoài ngưu tất. Bệnh nhân sắc thuốc và uống trong ngày.
Điều trị chàm tổ đỉa tại nhà
Cùng với việc sử dụng thuốc điều trị, người bệnh có thể áp dụng các mẹo điều trị tổ đỉa tại nhà để cải thiện hiệu quả các triệu chứng bệnh khó chịu. Các phương pháp mà chúng ta có thể áp dụng là:
- Sử dụng lá trầu không
Lá trầu không có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm và giúp ức chế sự hình thành, phát triển của vi nấm. Lá trầu không có thể giảm triệu chứng đau rát và ngứa ngáy do bệnh tổ đỉa gây ra, hỗ trợ phục hồi da rất tốt.
Người bệnh sử dụng một nắm lá trầu không, vò nhẹ và rửa sạch sau đó đun với khoảng 1,5 lít nước. Để nước nguội bớt và dùng ngâm rửa vùng da bị bệnh hàng ngày.
- Chữa tổ đỉa bằng tỏi
Tỏi có chứa hoạt chất kháng sinh rất mạnh, giúp sát trùng và kháng khuẩn hiệu quả. Tỏi được sử dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý về da liễu, trong đó có tổ đỉa.
Người bệnh sử dụng một củ tỏi tươi, rửa sạch và nghiền nát để lấy nước cốt. Pha loãng nước cốt tỏi và thoa lên vùng da bị bệnh trong vòng 10 phút sau đó rửa sạch với nước ấm.

- Sử dụng muối biển
Muối biển giúp làm sạch, kháng khuẩn, chống viêm và giảm ngứa hiệu quả. Sử dụng muối biển để ngâm tay, chân giúp cải thiện các triệu chứng bệnh về da rất tốt.
Người bệnh chỉ cần đun sôi nước, để nguội bớt sau đó pha một lượng muối biển vừa đủ và sử dụng để ngâm rửa tay chân hàng ngày.
Những lưu ý khi điều trị bệnh
Chàm tổ đỉa là bệnh lý mãn tính, rất dễ tái phát nếu không được chăm sóc và phòng ngừa khoa học. Để phòng ngừa bệnh tái phát và tăng hiệu quả điều trị, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:
- Không được gãi, chà xát vùng da bị tổn thương. Nên áp dụng phương pháp chườm lạnh hoặc ngâm nước muối để giảm ngứa.
- Người bệnh không tiếp xúc trực tiếp với xà phòng, hóa chất hoặc xăng dầu. Cần có đồ bảo hộ da hợp lý.
- Bệnh nhân giữ gìn vệ sinh da sạch sẽ và thận trọng khi sử dụng các sản phẩm dưỡng da, mỹ phẩm. Ngoài ra, người bệnh cần sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dành riêng.
- Các bạn vệ sinh nhà cửa và môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.
- Nên tránh các thực phẩm có thể gây dị ứng và các chất có hại cho sức khỏe.
- Chúng ta giữ tinh thần luôn được thoải mái, tránh căng thẳng. Nên vận động thường xuyên để cải thiện sức đề kháng.
Trên đây là những thông tin về bệnh chàm tổ đỉa. Người bệnh cần hết sức lưu ý với bệnh lý này và chủ động phòng ngừa cũng như điều trị bệnh để cải thiện tình trạng bệnh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống một cách tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!