Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng là người có nhiều đóng góp cho lĩnh vực y học, đặc biệt là phẫu thuật gan tại Việt Nam. Ông là cha đẻ của “phương pháp cắt gan khô”. Thành tựu và tài năng của ông không chỉ được giới y học trong nước mà các chuyên gia nước ngoài không ngớt lời ngợi khen. Thông tin chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của vị bác sĩ này sẽ được đưa tới bạn đọc qua bài viết dưới đây.

Giáo sư Tôn Thất Tùng
Giáo sư Tôn Thất Tùng là cha để của phương pháp phẫu thuật gan khô

Tiểu sử của Giáo sư Tôn Thất Tùng

Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912 – 1982) là một người con sinh ra trong gia đình quyền quý có truyền thống làm quan. Ông sinh ngày 10 tháng 5 năm 1912 tại Thanh Hóa. Bấy giờ cha ông là Tôn Thất Niên đang đương nhiệm chức Tổng đốc Thanh Hóa. Sau khi bố mất khi ông mới được 3 tháng tuổi, Tôn Thất Tùng theo mẹ trở về Huế sinh sống. Nhà ngoại của ông cũng thuộc diện khá giả, với ngôi biệt thự có vườn rộng nằm ven sông Hương. Nhưng thay vì theo đuổi con đường chức tước của gia đình, năm 1931 ông lên đường lên Hà Nội theo học trường Trung học Bảo Hộ (trường Chuyên Chu Văn An sau này). 

Thời gian từ năm 9 tuổi cho đến khi trở thành cậu thanh niên ngành Y, Tôn Thất Tùng được nuôi dưỡng và truyền cảm hứng bởi bác sĩ Hồ Đắc Di – nhà phẫu thuật duy nhất tại Đông Dương thời điểm đó và sau này là Hiệu trưởng trường Đại học y Tuyên Quang. Năm 1935, ông tốt nghiệp và thi đỗ trường Y khoa Hà Nội – lúc bấy giờ là thành viên của trường Đại học Đông Dương, đồng thời cũng là trường đào tạo y khoa duy nhất tại Đông Dương.

Tuy nhiên, do ngôi trường và nền y khoa nói chung chịu sự quản lý dưới ách thống trị của chính quyền thuộc địa nên ông cùng các bác sĩ bản xứ không được phép tham dự các kỳ thi nội trú, chỉ được thực tập nội trú. Bởi lẽ chính phủ cầm quyền lo sợ các bác sĩ bản xứ có trình độ chuyên môn và tay nghề cao hơn sẽ lấn áp các bác sĩ của chính quốc. Tuy nhiên, những điều bất công đó không đủ mạnh mẽ để làm nhụt ý chí của cậu sinh viên Tôn Thất Tùng say mê với nghề.

Sự nghiệp của Giáo sư Tôn Thất Tùng

Tôn Thất Tùng được phân công thực tập tại bệnh viện Phủ Doãn (bệnh viện Việt – Đức) trong những năm 1938. Tuy nhiên do không chịu nổi sự bất công và mong muốn học tập mãnh liệt, ông đã tham gia đấu tranh buộc chính quyền phải tổ chức cuộc thi cho các bác sĩ bản xứ có cơ hội thực tập nội trú. Và trong kỳ thi đầu tiên, ông đã xuất sắc giành suất thực tập duy nhất. Từ đó, ông trở thành người tiên phong và truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên y khoa sau này, mở ra tiền lệ chưa từng có trước đó. 

Trong một lần tình cờ bắt gặp trường hợp người bệnh có giun xuất hiện trong đường mật, ông đã quyết định dùng lá gan bị nhiễm giun để phân tích thêm về bộ phận này. Giai đoạn 1935 – 1939, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã phân tích thành công trên 200 lá gan, vẽ và đối chiếu sơ đồ mạch máu. Ở tuổi 28, ông đã hoàn thành bản luận án tốt nghiệp với đề tài: “Cách phân chia mạch máu của gan” và gây tiếng vang lớn trong cộng đồng y khoa trong nước lẫn quốc tế.

phương pháp cắt gan khô
Giáo sư Tôn Thất Tùng luôn say mê học hỏi đào sâu kiến thức

 Bác sĩ Tôn Thất Tùng vinh dự nhận được Huy chương Bạc của Đại học Tổng hợp Paris, đề cử vào Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris và giải thưởng quốc tế Lannelongue. Cùng lúc đó, ông trở thành chủ nhiệm Khoa Ngoại Trường Y Hà Nội. Tuy nhiên, giới y học phương Tây dường như vẫn chưa thể chấp nhận những giả thuyết quá mới mẻ của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Từng bị báo chí nghi ngờ, phản bác, vấp phải sự phản đối của các bác sĩ phẫu thuật hàng đầu từ Phương Tây đã khiến người bác sĩ ấy đau buồn và không cầm dao mổ gan đến tận 20 năm sau.

Sau khi cách mạng năm 1945 kết thúc thắng lợi, ông được giao nhiệm vụ làm bác sĩ chữa bệnh cho Bác Hồ. Thời gian này, giáo sư Tôn Thất Tùng đã biên soạn nên cuốn sách: ”Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật” nói lên những kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này. Đây chính là cuốn sách y khoa đầu tiên được xuất bản khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.

Giáo sư Tôn Thất Tùng
Giáo sư Tôn Thất Tùng trở thành bác sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong suốt những năm chiến tranh chống Pháp, khi đó ông đang đương nhiệm vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế (1947- 1961) và Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn nhưng Giáo sư Tôn Thất Tùng vẫn cùng người thầy là Giáo Sư Hồ Đắc Di và Giáo Sư Đặng Văn Ngữ có mặt tại chiến trường và phẫu thuật cho nhiều thương binh của quân ta. Ngoài ra, ông vẫn tham gia điều trị, nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên y khoa và góp phần cùng giáo sư Đặng Văn Ngữ bào chế Penicillin.

Giáo sư Tôn Thất Tùng còn truyền cảm hứng và giảng dạy cho rất nhiều lớp học sinh sau này đã trở thành những bác sĩ tài giỏi. Người thầy Tôn Thất Tùng luôn dạy các học trò cần đào sâu nghiên cứu kiến thức y khoa, việc căn bản của khoa học là quan sát, đề cao việc dùng trí tuệ hơn máy móc. Khoa học kỹ thuật chỉ nên đóng vai trò kiểm định, tổng hợp chứ không thể ra quyết định thay cho bác sĩ. Ông khuyến khích sinh viên nên mở rộng tầm hiểu biết sang các lĩnh vực hóa học, vật lý, tham khảo tiến bộ của phương Tây về ứng dụng cho thực tế tại Việt Nam, tránh tư tưởng bảo thủ, giáo điều, cứng nhắc.

Năm 1958 Giáo sư là người đầu tiên mổ tim ở Việt Nam. Và trong năm 1960, niềm say mê với phẫu thuật gan từ những năm 28 tuổi lại trở về với ông. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã nghiên cứu thành công phương pháp mổ gan khô. Vào năm 1961, ông đã cắt thành công thùy gan của một người bệnh ung thư sơ phát chỉ sau 6 phút thay vì tốn 3 – 4 tiếng theo phương pháp của phương Tây. Để bảo vệ cho luận điểm khoa học của mình, Giáo sư đã quyết tâm sang tận nước bạn, lắng nghe các ý kiến, trình bày, phản biện, tự tin với vốn y khoa và ngoại ngữ của mình, niềm tin vào bản thân, không né tránh, sợ hãi. Và vào năm 1962, công trình của ông đã được giới y học công nhận.

Giáo sư Tôn Thất Tùng - Người thầy làm rạng danh y học VIệt Nam
Giáo sư Tôn Thất Tùng – Người thầy làm rạng danh y học Việt Nam

Phương pháp mổ gan khô của giáo sư Tôn Thất Tùng có rất nhiều ưu điểm vượt trội và tính ứng dụng đến tận hôm nay:

  • Dễ thực hiện về mặt kỹ thuật.
  • Có thể tiến hành cắt tại nhiều vị trí khác nhau của gan như hạ phân thùy, phân thùy tới nửa lá gan.
  • Phù hợp điều trị nhiều bệnh lý như sỏi biến chứng ở gan, vỡ gan, u gan và tạo tiền đề cho ghép gan.
  • Hạn chế mất máu từ đó giảm thiểu chi phí phẫu thuật.
  • Có thể áp dụng cho bệnh nhân ung thư hoặc áp xe khi chỉ cần loại bỏ một phần của gan và tiến hành điều trị triệt để.

Ngày 7 tháng 5 năm 1982, giáo sư qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi để lại hơn 123 công trình nghiên cứu và nhiều thành tựu y khoa cho đời sau.

Danh hiệu và giải thưởng trong sự nghiệp

Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho sự phát triển của nền y học Việt Nam và sự nghiệp đào tạo, giáo sư Tôn Thất Tùng đã vinh dự được nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng cao quý:

  • Anh hùng Lao động
  • Huân chương Lao động hạng Nhất
  • Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất
  • Huân chương Kháng chiến hạng Ba
  • Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I ( Truy tặng 1996)
  • Huân chương Hồ Chí Minh ( Truy tặng 1992)
  • Ra đời giải thưởng Y học Tôn Thất Tùng (2000).

Đến nay, ông vẫn luôn sống mãi trong lòng những người học trò và là tấm gương sáng cho những người trong ngành y. Hy vọng qua bài viết trên đây đã giúp người đọc thêm yêu mến vị giáo sư vĩ đại Tôn Thất Tùng và trân trọng thêm những cống hiến của ông cho nền y học. 

Bài viết liên quan