Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ Lê Phương | Nơi công tác: Nhất Nam Y Viện

Tiêu chảy là tình trạng phân lỏng hoặc có dạng nước kéo dài trên 3 lần trong 24 giờ. Bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn là tình trạng tiêu chảy không quá 14 ngày. Các chuyên gia đã chỉ ra tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây ra và việc điều trị sẽ cần sự phối hợp của nhiều biện pháp khác nhau.

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn

Tiêu chảy cấp được đánh giá là bệnh rất dễ gặp khi bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ở các nước phát triển, tỷ lệ mắc bệnh từ 0,5 đến 2 lần mắc mỗi người trong vòng 1 năm và những trường hợp tử vong đa số là người lớn tuổi.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh nhưng viêm ruột nhiễm khuẩn được đánh giá là nguyên nhân chủ yếu. Đường lây bệnh chính là đường tiêu hóa (phân và miệng).

Bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn là tình trạng tiêu chảy không quá 14 ngày
Bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn là tình trạng tiêu chảy không quá 14 ngày
  • Nhiễm virus: Các virus gây tiêu chảy cấp ở người lớn gồm Rota virus, Adeno virus, Norwark,…
  • Nhiễm vi khuẩn: Tình trạng này gặp nhiều ở các nước đang phát triển và nhiều nhất vào mùa hè. Các vi khuẩn gây bệnh là Yersinia, E.coli, Vibrio Cholera, Campylobacter jejuni, Shilgella, Salmonella,….
  • Nhiễm ký sinh trùng: Chủ yếu là các loại Entamoeba histolitica, Giardia, Cryptosporidium,…
  • Nguyên nhân khác: Dùng thuốc nhuận tràng, bị cường giáp, bị dị ứng, bệnh đái tháo đường, không dung nạp đường,….

Cơ chế gây bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn

Bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn gồm 4 nhóm cơ chế gây bệnh, cụ thể như sau:

  • Tiêu chảy xuất tiết

Tiêu chảy xuất tiết là tình trạng tăng bài tiết các men tiêu hóa, các chất điện giải, dịch vào lòng ruột và nó vượt quá khả năng hấp thu của đại tràng. Dạng này thường gặp nhất khi các độc tố của vi khuẩn tấn công đến hệ thống dẫn truyền tin nội bào của tế bào niêm mạc ruột. Điều này gây tăng bài xuất một lượng lớn dịch qua màng tế bào ruột vào lòng ruột, vượt qua khả năng tái hấp thu của đại tràng. Hậu quả là người bệnh bị mất nước cấp hoặc nặng.

  • Tiêu chảy thẩm thấu

Phần lớn tình trạng này là do ăn uống các chất không thể hấp thu được qua tế bào ruột. Lúc này một nồng độ lớn chất đó trong ruột làm kéo nước từ các tế bào biểu mô ruột vào trong lòng ruột vượt xa mức tái hấp thu của đại tràng. Những người dùng chất đường sorbitol, lactose, sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc các thuốc trung hòa acid dạ dày chứa magie có thể gây tiêu chảy cấp theo cơ chế này.

  • Tiêu chảy do tăng nhu động

Tình trạng cường giáp, bệnh thần kinh tự động do đái tháo đường, hội chứng cai nghiện ma túy hoặc dùng thuốc làm tăng nhu động ruột có thể khiến nhu động ruột vượt quá tốc độ hấp thu nước dẫn đến tăng lượng nước trong phân, gây tiêu chảy. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân đã tiến hành cắt đoạn ruột.

Tiêu chảy do tăng nhu động có thể xảy ra ở bệnh nhân đã tiến hành cắt đoạn ruột
Tiêu chảy do tăng nhu động có thể xảy ra ở bệnh nhân đã tiến hành cắt đoạn ruột
  • Tiêu chảy do viêm

Viêm các tế bào biểu mô ruột khiến dịch máu bị rò rỉ vào trong lòng ruột. Một số các vi sinh vật xâm nhập trực tiếp qua niêm mạc ruột cũng gây tổn thương tế bào và hậu quả là dịch bị rò, máu, protein vào lòng ruột khiến chức năng tái hấp thu nước của ruột bị ảnh hưởng. Lúc này bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy phân nhầy máu cùng hội chứng lỵ, đây cũng là cơ chế gây bệnh của Clostridium difficile.

Dấu hiệu nhận biết tiêu chảy cấp ở người lớn

Bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn có thể nhận biết được thông qua các dấu hiệu lâm sàng như sau.

Tiêu chảy

Tính chất của phân và thời điểm phân xuất hiện sẽ cho chúng ta sớm biết được bệnh tiêu chảy cấp.

Tính chất phân

Người bệnh có thể thấy phân nát không thành khuôn cho đến phân lỏng nước. Mỗi ngày bệnh nhân có thể đi tại tiện từ vài lần cho đến hàng chục lần. Tiêu chảy cũng gây phân nước lỏng đục nhiều, người bệnh không thấy sốt, không đau bụng.

Tiêu chảy kèm máu có thể là biểu hiện của viêm đại tràng do vi khuẩn mức độ năng. Các vi khuẩn xâm nhập thường là E.coli, Campylobacter, Shigella, Salmonella,… Phân máu có thể gây sốt cao kéo dài trên 2 ngày. Thời gian đầu phân có dạng lỏng và sau đó kèm theo phần nhầy máu, đau quặn bụng, mót rặn,…

Thời điểm xuất hiện

Tiêu chảy có thể xuất hiện sau bữa ăn bị nhiễm khuẩn hoặc giữa bữa ăn. Thông thường bệnh sẽ xuất hiện < 6 giờ do nhiễm độc tố của S.aureus, 6 – 24 giờ do độc tố C.perfingens và B.cereus, 16 – 72 giờ thường do nhiễm khuẩn.

Mất nước

Người bị tiêu chảy sẽ luôn cảm thấy khát nước, lượng nước tiểu khá ít, bị khô niêm mạc mắt miệng, mắt trũng xuống và thiếu sự đàn hồi của da. Bệnh nhân sẽ xuất hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, mệt mỏi. Ở người lớn, tình trạng mất nước đôi khi không tương xứng với độ nặng của tiêu chảy.

Buồn nôn

Nôn và buồn nôn có thể là triệu chứng đi kèm tiêu chảy. Một số bệnh nhân tình trạng nôn thường nổi trội hơn tình trạng tiêu chảy. Các bệnh nhân này nên lưu ý nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm độc tố vi khuẩn hay viêm dạ dày ruột do nhiễm virus.

Nôn và buồn nôn có thể là triệu chứng đi kèm tiêu chảy
Nôn và buồn nôn có thể là triệu chứng đi kèm tiêu chảy

Tình trạng tiêu chảy do nhiễm độc tố vi khuẩn thường khởi phát 2 – 7 giờ sau khi ăn. Lúc này nôn là biểu hiện rõ nhất và tiêu chảy không quá nặng, đôi khi kèm đau bụng nhưng không sốt. Thức ăn dễ gây bệnh là bánh ngọt, bánh mì hoặc cơm bị để lâu, hải sản chưa chín. Các vi khuẩn gây bệnh gồm B.Cereus, C.Perfringens, S.Aureus,… Triệu chứng của bệnh sẽ giảm và khỏi trong vòng 48 – 72 giờ.

Nếu viêm dạ dày ruột do virus, người bệnh sẽ bị nôn, buồn nôn kèm đau bụng, tiêu chảy. Một số trường hợp bị sốt nhẹ, đau đầu, mỏi cơ, ho, sổ mũi,… Các triệu chứng thường không quá nghiêm trọng và có thể khỏi trong 24 – 48 giờ.

Biến chứng của bệnh

Nếu xử lý đúng cách tình trạng tiêu chảy không quá nguy hiểm. Nhưng bệnh tiêu chảy kéo dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe như:

  • Đi ngoài quá nhiều gây nhiễm trùng hậu môn.
  • Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, mất nước, suy dinh dưỡng.
  • Nghiêm trọng hơn có thể bị tổn thương não và tử vong.

Phương pháp chẩn đoán bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn

Khi thấy những dấu hiệu sau đây người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị.

  • Sốt cao trên 38,5 độ C.
  • Đại tiện trên 6 lần mỗi ngày.
  • Đau bụng nhiều, đặc biệt là ở bệnh nhân trên 50 tuổi.
  • Bị mất nước.
  • Triệu chứng nặng hơn sau 48 giờ.
  • Bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch, bệnh nhân bị đái tháo đường, suy gan,…

Các chẩn đoán gồm:

Xét nghiệm lâm sàng

Chia thành 2 nhóm:

  • Nhóm 1: Tiêu chảy cấp xâm nhập có kèm sốt và phân máu, phân có nhầy, số lượng nhiều.
  • Nhóm 2: Tiêu chảy cấp không xâm nhập không kèm sốt và phân máu, ít đau bụng, phân toàn nước số lượng nhiều.

Các triệu chứng đi kèm:

  • Rối loạn phân, phân có máu, hoa cà hoa cải, nhầy, có máu, phân lỏng.
  • Đau bụng âm ỉ hoặc tăng lên mỗi khi đi đại tiện.
  • Bị nôn ra nước, dịch mật, thức ăn,…

Khám lâm sàng thấy:

  • Bị sụt cân nhanh kèm tiêu chảy và nôn nhiều.
  • Mất nước khiến da khô, mệt mỏi.
  • Khám bụng thấy bụng bị trướng, hơi đau nhẹ.
Khám lâm sàng thấy bệnh nhân bị đau chướng bụng
Khám lâm sàng thấy bệnh nhân bị đau chướng bụng

Người bệnh cũng cần cung cấp thông tin về cơ địa, bệnh tiền sử, thuốc đang dùng, các thức ăn đã từng ăn hoặc yếu tố môi trường có liên quan.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Tiến hành cấy phân và soi tươi phân cho bệnh nhân.

  • Cấy phân: Cấy phân chỉ định cho bệnh nhân đi ngoài ra máu, tiêu chảy nặng, mất nhiều nước, tình trạng tiêu chảy kéo dài, không đỡ sau vài ngày.
  • Soi tươi phân: Chỉ định với trường hợp nhiều người cùng bị bệnh trong một khu vực sống để dễ dàng xác định nhiễm tả và có phương pháp phòng dịch.
  • Nội soi đại tràng sigma hoặc toàn bộ: Chỉ định cho những bệnh nhân bị đại tiện ra máu, không đáp ứng điều trị kháng sinh.

Chẩn đoán phân biệt

Cần tiến hành chẩn đoán phân biệt với các trường hợp bị ung thư đại trực tràng, xuất huyết tiêu hóa,… đặc biệt là ở những bệnh nhân bị tiêu chảy kèm phân máu.

Tiêu chảy cấp ở người lớn cũng có thể xảy ở đối tượng suy giảm miễn dịch nên cần điều trị bệnh kết hợp với việc xem xét các thuốc đang dùng. Nếu bệnh nhân bị AIDS thì có thể có nhiều nguyên nhân như Campylobacter, Yersinia, Salmonella, Cryptosporidium,…

Phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh có thể dùng thuốc khác nhau để xử lý bệnh tiêu chảy.

Xử trí tiêu chảy cấp ở người lớn tại nhà

Có thể xử lý tiêu chảy cấp tại nhà bằng những cách sau đây:

  • Bổ sung nước: Người bệnh cần được bổ sung đủ chất lỏng và điện giải bằng cách uống nhiều nước lọc, ăn nhiều trái cây, bổ sung các nước giàu điện giải. Không nên uống nước có đường, rượu bia hoặc đồ giàu caffeine.
  • Sử dụng men vi sinh: Bổ sung men vi sinh dạng gói hoặc viên cũng là cách hữu ích để giảm tiêu chảy. Người bệnh nên chọn mua sản phẩm có chứa nấm men Saccharomyces boulardii vì đây là chủng được khuyến cáo dùng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Nấm men này cũng giúp tăng cường hoạt động của men tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng: Các thực phẩm người bệnh nên bổ sung gồm thịt gà, súp gà, khoai tây luộc, cháo yến mạch,… Nên tránh đồ dầu mỡ, rượu bia, bông cải xanh, cải bắp, sữa, ớt,…
  • Nghỉ ngơi và giảm căng thẳng: Người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng, mệt mỏi, làm việc quá sức, luôn giữ tinh thần thoải mái. Nếu đau bụng có thể chườm ấm để giảm cơn đau.
Khoai lang luộc tốt cho bệnh nhân tiêu chảy cấp
Khoai lang luộc tốt cho bệnh nhân tiêu chảy cấp

Sử dụng thuốc điều trị

Các phương pháp điều trị tiêu chảy cấp ở người lớn chủ yếu là dùng thuốc bù nước, thuốc kháng sinh cũng như các thuốc khác có liên quan.

Bù nước, chống mất nước

Các bệnh nhân tiêu chảy thường sẽ tự khỏi trong 2 ngày. Nếu mất nước ở tình trạng nhẹ, người bệnh chỉ cần dùng đường uống dung dịch oresol. Lượng oresol uống vào thường sẽ bằng 1,5 – 2 lần nước dịch bị mất và nên uống lượng nhỏ, nhiều lần.

Ngoài ra có thể thực hiện bù nước bằng đường tĩnh mạch nếu tình trạng mất nước nặng, bệnh nhân nôn nhiều không uống được, hoặc bệnh nhân bị giảm nhận thức gây nguy cơ trào ngược dịch vào đường hô hấp.

Dùng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được chỉ định với trường hợp tiêu chảy có máu, sốt cao trên 38,5 độ và có nghi ngờ nhiễm khuẩn. Một số trường hợp có thể cần sử dụng kháng sinh dự phòng ngay cả khi tiêu chảy phân nước, bệnh nhân nguy cơ nhiễm trùng máu.

Các thuốc kháng sinh gồm:

  • Norfloxacin 400mg: 2 viên mỗi ngày.
  • Ciprofloxacin 500mg: 2 viên mỗi ngày.
  • Levofloxacin 500mg: 1 viên mỗi ngày.

Các thuốc cầm tiêu chảy

Các thuốc này có thể giảm khả năng lượng dịch đã mất và giảm số lần đại tiện, lượng phân. Người bệnh chỉ dùng liều vừa đủ để giảm số lần đại tiện thay vì giảm hẳn tiêu chảy. Thuốc Loperamid 2mg được chỉ định liều đầu tiên là 2 viên mỗi ngày, sau đó tăng 6 viên mỗi ngày.

Thuốc Loperamid 2mg được chỉ định liều đầu tiên là 2 viên mỗi ngày
Thuốc Loperamid 2mg được chỉ định liều đầu tiên là 2 viên mỗi ngày

Với trường hợp đại tiện phân nhầy máu, tiêu chảy sốt thì không nên dùng thuốc vì có thể khiến bệnh nặng hơn do giảm khả năng tống vi khuẩn gây bệnh ra khỏi cơ thể khiến vi khuẩn dễ xâm nhập và gây tổn thương niêm mạc.

Thuốc kháng cholinergic

Giúp giảm số lần tiêu chảy, lượng phân, giảm nhu động ruột và qua đó giảm đau bụng cho bệnh nhân.Thuốc dùng là Buscopan 10mg: Dùng 4 – 6 viên mỗi ngày.

Probiotics

Probiotics là vi khuẩn không gây bệnh và sinh trưởng ở ruột của bệnh nhân, sản xuất ra các chất chuyển hóa giúp tăng acid trong phân, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Chúng ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào mô ruột và sản xuất acid béo giúp phục hồi ruột cũng như tăng hấp thu dịch và điện giải.

Điều trị theo các tác nhân gây bệnh

Với mỗi nguyên nhân gây bệnh khác nhau, thuốc dùng điều trị cũng sẽ không giống nhau.

Nhiễm Shigella nặng: Dùng ciprofloxacin 500mg – 2 viên/ngày x 3 ngày.

Nhiễm Salmonella typhi:

  • Dùng Ciprofloxacin 500mg – 2 viên/ngày x 10 ngày.
  • Dùng Amocxicillin 750mg – 4 viên/ngày x 14 ngày.
  • Dùng Cotrimoxazol 960mg – 2 viên/ngày x 14 ngày.

Nhiễm Salmonella:

  • Dùng Ciprofloxacin 500mg – 2 viên/ngày x 10 ngày.
  • Dùng Amocxicillin 750mg – 4 viên/ngày x 14 ngày.
  • Dùng Cotrimoxazol 960mg – 2 viên/ngày x 14 ngày.

Nhiễm Campylobacter:

  • Dùng Erythromycin 250mg – 4 viên/ngày x 5 ngày.
  • Dùng Clarithromycin 250mg – 4 viên/ngày x 5 ngày.
Clarithromycin 250mg được dùng để xử lý bệnh
Clarithromycin 250mg được dùng để xử lý bệnh

Nhiễm Yersinia doxycycline:

  • Dùng Doxycyclin 200mg ngày 1, sau đó 100mg/ngày – 4 ngày.
  • Dùng cotrimoxazol 960mg – 2 viên/ngày x 5 ngày hoặc Ciprofloxacin 500mg – 2 viên/ngày x 5 ngày.

Nhiễm bệnh do Lỵ amip:

  • Dùng thuốc Tinidazol 2g/ngày x 3 ngày.
  • Dùng Metronidazol 750mg – 3 viên/ngày x 5 ngày.

Nhiễm Vibrion Cholerae:

  • Dùng Ciprofloxacin 1g liều duy nhất.
  • Dùng Vibramycin 300mg liều duy nhất.

Nhiễm Giardia: Chỉ dùng Tinidazol 2g một liều duy nhất.

Nhiễm bệnh do Stronggyloides stercoralis:

  • Dùng Albendazol 400mg – 1 viên/ngày x 3 ngày.
  • Dùng Ivermectin 150 – 200mcg/kg liều duy nhất.
  • Dùng Tiabendazol 25mg/kg – 2 viên/ngày x 2 ngày, tối đa 1500mg/liều.

Nhiễm giun kim: Dùng Mebendazol 100mg – 2 viên/ngày x 3 ngày.

Dự phòng bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn

Là bệnh khá dễ lây lan nhưng chúng ta có thể phòng tránh bệnh bằng những cách sau đây:

  • Vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ hàng ngày.
  • Thực hiện các biện pháp giúp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Bảo vệ nguồn nước sạch trong quá trình ăn uống.
  • Vệ sinh nhà tắm, nhà vệ sinh bằng xà phòng mỗi ngày 1 lần.
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi làm vườn, sau khi chơi với thú nuôi.
  • Luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, ngăn tác nhân gây bệnh xâm nhập.
  • Đến cơ sở y tế ngay khi có những dấu hiệu của bệnh tiêu chảy.

Tiêu chảy cấp ở người lớn chủ yếu do virus, vi khuẩn gây ra. Người bệnh nên có lối sống khoa học, lành mạnh, bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để phòng ngừa bệnh. Ngoài ra, trong quá trình điều trị cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn từ bác sĩ, dùng thuốc theo đúng liều lượng để bệnh sớm được đẩy lùi.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan
Bài viết liên quan