Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Bệnh viêm quanh khớp vai khởi phát với những cơn đau âm ỉ ở vùng vai. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những tác động cực kỳ nghiêm trọng tới sức khỏe và việc vận động của hai tay, thậm chí còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về những nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị bệnh viêm khớp quanh vai hiệu quả nhất.

Viêm quanh khớp vai là gì?

Viêm quanh khớp vai (tên tiếng anh là Periarthritis humeroscapularis) đây là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh lý viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như: Gân, cơ, dây chằng, bao khớp,... các dấu hiệu đặc trưng của bệnh đó là đau nhức xương khớp vùng vai, cổ. Quá trình này diễn ra lâu dài không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ khiến người bệnh bị hạn chế vận động.

Theo các nhà khoa học, có các thể lâm sàng của bệnh viêm quanh khớp vai bao gồm:

  • Đau vai đơn thuần do bệnh lý về gân.
  • Đau vai cấp do lắng đọng vi tinh thể.
  • Giả liệt khớp vai do đứt các gân của bó dài gân nhị đầu hoặc đứt các gân mũ cơ quay khiến cơ delta không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.
  • Cứng khớp vai do viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày, dẫn đến việc giảm vận động khớp ổ chảo - xương cánh tay.

Bệnh viêm quanh khớp vai nếu không được can thiệp y khoa kịp thời người bệnh có thể gặp phải tình trạng đau khớp vai dai dẳng, nhất là lúc cử động. Những cơn đau có thể ngừng một thời gian, nhưng sau đó lại tái phát với cảm giác đau dữ dội hơn. Điều này khiến cho cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh bị đảo lộn.

viem-quanh-khop-vai
Viêm quanh khớp vai để chỉ các bệnh lý viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai

Nguy hiểm nhất là khi người bệnh bị viêm quanh khớp vai nhưng không biết hoặc biết nhưng chủ quan không điều trị kịp thời, đúng cách, dẫn đến cứng khớp vai, làm cho người bệnh vận động khó khăn. Ngoài ra, viêm quanh khớp vai có thể gây ra những tổn thương ở gân, thậm chí đứt gân, làm mất khả năng vận động khớp vai.

Triệu chứng của bệnh

Tùy theo mức độ tổn thương mà bệnh viêm quanh khớp vai sẽ được biểu hiện bởi ba thể:

Viêm quanh khớp vai đơn thuần

  • Đau ở mỏm cùng vai, mặt trước và mặt ngoài vai, cơn đau tăng lên khi vận động, nhất là khi thực hiện các động tác dang tay ra ngoài, giơ tay lên cao và đưa tay ra gãi lưng.
  • Không có dấu hiệu sưng nóng đỏ vùng khớp vai.
  • Người bệnh thấy đau khi ấn vào vùng mỏm vai, mặt trước xương cánh tay, gân cơ nhị đầu trong rãnh cơ nhị đầu cánh tay, gân cơ tam đầu cánh tay.
  • Các động tác vận động khớp vai không bị hạn chế, hoặc bị hạn chế ít.
  • Chụp X-quang khớp vai không có bất thường.
  • Bệnh tiến triển nhẹ, những cơn đau giảm dần rồi khỏi trong vài tuần, tuy nhiên bệnh hay tái phát sau một thời gian ngắn.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng

  • Xuất hiện những cơn đau và hạn chế vận động khớp vai do co cứng bao khớp.
  • Người bệnh bị đau khớp vai đơn thuần, những cơn đau kéo dài vài tuần. Sau đó xuất hiện tình trạng nghẽn tắc, kéo dài từ vài tháng đến hằng năm.
  • Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Các cơn đau vai giảm dần, hạn chế vận động lại tăng, các động tác đều hạn chế, nếu bệnh lâu ngày có thể thấy teo cơ nhẹ do giảm vận động.
  • Khi người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục, các hạn chế vận động đều giảm dần, mọi cử động của khớp vai trở về bình thường mà không để lại di chứng.

Hội chứng vai - tay

  • Gồm các tổn thương viêm quanh khớp vai thể đông cứng giai đoạn nghẽn tắc và rối loạn thần kinh vận mạch ở bàn tay.
  • Bệnh nhân bị đau và hạn chế vận động khớp vai kiểu nghẽn tắc.
  • Bàn tay bị rối loạn thần kinh vận mạch với các dấu hiệu: Phù bàn tay lan lên một phần cẳng tay, phù cứng, da lạnh, màu da đỏ tía hoặc tím.
  • Đau nhức cả bàn tay, móng tay mỏng, giòn, dễ gãy, các cơ bàn tay teo rõ, những vận động ở bàn tay, ngón tay bị hạn chế.
  • Bệnh kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm, các triệu chứng giảm dần rồi khỏi hẳn. Tuy nhiên bệnh thường để lại những di chứng như teo cơ, giảm trương lực cơ, hạn chế vận động bàn tay.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh viêm quanh khớp vai có thể xuất phát từ những nguyên nhân gây bệnh như sau:

  • Thoái hóa gân do tuổi tác: Bệnh viêm quanh khớp vai thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Những người lao động nặng như bưng bê, khuân vác,... sẽ có những chấn thương cơ học lặp đi lặp lại, gây ra tổn thương tại các gân cơ quanh khớp vai như: Gân cơ trên gai, cơ nhị đầu cánh tay,...
  • Do bệnh lý xương khớp: Người bệnh bị viêm quanh khớp vai do mắc các bệnh như: Thoái hóa gân, viêm gân chóp xoay, lắng đọng calci, rách/đứt gân chóp xoay, viêm bao hoạt dịch, viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay.
  • Do tập thể thao quá sức: Một số môn thể thao đòi hỏi người bệnh phải nhấc tay lên quá vai liên tục như: Cầu lông, bóng bàn, tennis, bóng rổ, quần vợt, bóng chuyển,...
  • Do tai nạn: Người bệnh đã từng bị chấn thương vùng vai do ngã, trượt, tai nạn,...
  • Do một số bệnh lý khác: Ví dụ như tim mạch, tiểu đường, ung thư vú, bệnh thần kinh, bệnh hô hấp, lạm dụng nhiều thuốc ngủ....

viem-quanh-khop-vai
Viêm quanh khớp vai do tập thể thao quá sức

Chẩn đoán viêm khớp quanh vai

Một số phương pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp quanh vai được các bác sĩ áp dụng như:

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng như: Ấn vào thấy đau tại các vị trí tương ứng của gân như đầu dài gân nhị đầu, điểm bám gân trên gai, gân dưới gai,... kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm phần mềm quanh khớp vai để xác định vị trí tổn thương.

Các nghiệm pháp giúp phát hiện gân tổn thương

Dưới đây là một số nghiệm pháp giúp phát hiện gân ở vùng vai bị tổn thương khá chính xác:

  • Nghiệm pháp Palm-up giúp phát hiện tổn thương đầu dài gân cơ nhị đầu: Bệnh nhân ngửa bàn tay tư thế 90 độ, bàn tay xoay ra ngoài, nâng dần cánh tay lên kháng lại lực giữ của bác sĩ, bệnh nhân đau khi có tổn thương cơ nhị đầu, trường hợp có đứt gân nhị đầu để cánh tay dọc theo thân, cánh tay gấp tạo một góc 90 độ, lên gân sẽ thấy nổi cục vùng cơ cánh tay.
  • Nghiệm pháp Jobe giúp phát hiện những tổn thương cơ trên gai: Bệnh nhân dạng tay 90 độ, ngón cái hướng xuống dưới, đưa cánh tay về phía trước 30 độ và hạ thấp dần xuống. Nếu bị viêm quanh khớp vai, bệnh nhân sẽ thấy đau khi có tổn thương gân cơ.
  • Nghiệm pháp Pattes giúp phát hiện tổn thương cơ dưới gai và cơ tròn bé: Khủy gấp vào cánh tay 90 độ, cánh tay ở tư thế dạng 90 độ, hạ thấp cẳng tay và xoay vào trong khiến người bệnh cảm thấy đau.
  • Nghiệm pháp Neer giúp phát hiện tổn thương vùng dưới mỏm quạ: Bác sĩ đứng phía sau bệnh nhân, một tay giữ vùng vai, trong khi đó tay còn lại nâng dần cánh tay cùng bên sẽ gây lực ép vùng mỏm cùng vai, bệnh nhân sẽ thấy đau vùng tổn thương.
  • Nghiệm pháp Gerber giúp đánh giá tổn thương cơ dưới vai: Bệnh nhân đưa tay ra sau, mu bàn tay tiếp xúc với lưng, đưa tay bệnh nhân tách rời khỏi lưng bằng cách xoay khớp vào trong tối đa. Nếu người bệnh bị tổn thương cơ dưới vai thì không nên làm động tác này.
  • Nghiệm pháp Hawkins giúp phát hiện tổn thương dây chằng quạ cùng vai: Nâng tay người bệnh lên một góc 90 độ và làm động tác xoay trong bằng cách hạ thấp cẳng tay và đưa ra phía ngoài, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau vùng dưới mỏm cùng vai.
  • Nghiệm pháp Yocum: Đặt lòng bàn tay bệnh nhân lên mỏm khớp vai của bên đối diện và nâng dần khuỷu tay trong khi vẫn cố định khớp vai đang làm nghiệm pháp. Bệnh nhân sẽ thấy đau nếu có hẹp khoang dưới mỏm cùng của bên làm nghiệm pháp.

Chẩn đoán thể bệnh

Có 4 thể bệnh viêm quanh khớp vai mà các bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán được bao gồm:

  • Thể đau vai đơn thuần (hay còn gọi là thể bán cấp): Đây là thể bệnh thường gặp nhất. Bệnh chủ yếu gây ra những tổn thương gân cơ trên vai hoặc bó dài của gân cơ nhị đầu. Khi dùng lực ấn vào thấy đau tại chỗ. Áp dụng các nghiệm pháp Palm-up hoặc nghiệm pháp Jobe sẽ cho kết quả dương tính, siêu âm sẽ thấy có tổn thương ở gân nhị đầu hoặc gân bao xoay.
  • Thể đau vai cấp: Đây là biểu hiện lâm sàng của viêm túi thanh mạc vi tinh thể, có calci hóa các gân mũ cơ quay và các calci hóa này di chuyển vào túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ delta gây đau tại chỗ. Người bệnh có dấu hiệu sưng đau tại vùng mỏm cùng vai cấp tính, siêu âm có dịch ở khoang dưới cơ delta, dịch hút ra có màu vàng trong nhưng lại không phải dịch mủ.
  • Thể giả liệt khớp vai: Thể này do đứt một phần hoặc đứt hoàn toàn gân mũ cơ quay, gân nhị đầu thường xuất hiện sau một động tác mạnh khiến người bệnh thấy đau nhói vùng mặt trước khớp vai. Sau đó không thể giơ tay chủ động nhưng vẫn có thể giơ tay thụ động được. Gân bị đứt hoàn toàn sẽ co lại nổi cục tại vị trí 1/3 trên cánh tay. Siêu âm phát hiện thấy bị đứt gân toàn bộ hoặc một phần.
  • Thể đông cứng khớp vai: Thể này do sự dày lên và co cứng của các bao khớp tại vai. Các động tác của khớp vai đều hạn chế nhưng không sưng đau, có thể teo cơ cạnh khớp. Chụp khớp vai cản quang thấy thể tích trong khoang khớp đã giảm.

viem-quanh-khop-vai
Chẩn đoán viêm quanh khớp vai

Chẩn đoán cận lâm sàng

Siêu âm khớp vai:

  • Quan sát mặt trước: Thấy gân nhị đầu và gân dưới vai, dịch ở trong hoặc ở ngoài ổ khớp.
  • Quan sát mặt trên: Thấy gân cơ trên gai và dây chằng quạ cùng vai.
  • Quan sát mặt sau: Thấy gân dưới gai.

Chụp X-quang khớp vai thấy bình thường nhưng đôi khi phát hiện tình trạng calci hóa các gân, thoái hóa khớp kèm theo,...

Chụp khớp vai cản quang nhằm phát hiện viêm quanh khớp vai thể đông cứng bao khớp với hình ảnh bao khớp teo và co dày lên.

Chụp cộng hưởng từ khớp vai cho thấy hình ảnh toàn bộ khớp và phần mềm quanh khớp, giúp đánh giá chính xác vị trí, kích thước, tình trạng tổn thương gân và bao khớp, đặc biệt đối với những trường hợp bị đứt gân bán phần, rách sụn viền. Không nên lạm dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ, chỉ được áp dụng khi không chẩn đoán được bằng lâm sàng và siêu âm hoặc khi nghi ngờ viêm quanh khớp vai do nguyên nhân khác nằm trong bệnh cảnh phối hợp là viêm khớp dạng thấp thể một khớp.

Các xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, protein phản ứng C (CRP), yếu tố dạng thấp RF, glucose,... nhằm chẩn đoán phân biệt với những căn bệnh khác.

Chẩn đoán phân biệt

Phân biệt bệnh viêm quanh khớp vai với các bệnh như sau:

  • Thể đau vai cấp có sưng nóng vùng khớp vai cần phân biệt với bệnh lý viêm khớp thực sự do nhiễm khuẩn, viêm khớp trong bệnh hệ thống.
  • Thể giả liệt khớp vai cần phân biệt bệnh lý cơ như loạn dưỡng cơ, teo cơ sau tiêm một số thuốc, bệnh liệt chi do nguyên nhân thần kinh,...
  • Thể đông cứng khớp vai trên X-quang có hình ảnh xương cánh tay mất chất khoáng cần phân biệt bệnh lý xương như gãy các xương cấu tạo nên khớp vai sau chấn thương hoặc gãy xương bệnh lý, thiểu sản xương,...
  • Các thể viêm quanh khớp vai có đau tại chỗ cần phân biệt bệnh lý thần kinh như tổn thương thần kinh do nguyên nhân cột sống cổ, bệnh lý nội khoa vùng ngực cũng gây đau tại chỗ ở khớp vai.

Phòng bệnh viêm quanh khớp vai

Một số biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh viêm quanh khớp vai như sau:

  • Hướng dẫn người bệnh các tư thế lao động sinh hoạt hàng ngày khi đã có tổn thương ở khớp vai thì không nên lao động, khuân vác nặng.
  • Tránh những môn thể thao phải dùng nhiều đến khớp cai như cầu lông, quần vợt, bóng bàn, ném bóng,... các chấn thương dù nhẹ nhưng nếu lặp đi lặp lại nhiều lần cũng có thể khiến tình trạng viêm nhiễm tái diễn.
  • Thay vào đó bạn nên thực hiện những môn thể thao nhẹ nhàng như yoga, erobic,...
  • Quản lý và điều trị triệt để các bệnh lý nội khoa như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh mạch vành, bệnh phổi, tai biến mạch máu não,...
  • Phát hiện và điều trị sớm những trường hợp bị đau vai đơn thuần hoặc đau vai cấp tính.
  • Sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D, photpho và kali,... để giúp xương khớp luôn chắc khỏe.
  • Chú ý khi đi lại cẩn trọng, tránh để xảy ra tai nạn xe cộ, té ngã, đặc biệt với những người cao tuổi, sức yếu.

Điều trị bệnh viêm quanh khớp vai

Khi thấy xuất hiện triệu chứng viêm đau khớp vai do tai nạn hoặc do chơi thể thao người bệnh nên đến các chuyên khoa xương khớp để khám bệnh ngay, tránh để xảy ra các biến chứng. Nguyên tắc điều trị thường là dùng các loại thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm loại glucossamin, chondroitin để giúp giảm đau khớp và tái tạo khớp.

Tuy vây, việc sử dụng loại thuốc nào, liều lượng ra sao cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, người bệnh không tự động chẩn đoán hoặc mua thuốc về điều trị. Bên cạnh điều trị nội khoa người bệnh cũng có thể kết hợp liệu pháp xoa bóp bấm huyệt. Việc điều trị ngoại khoa sẽ được áp dụng trong những trường hợp thật cần thiết và phải do bác sĩ điều trị chỉ định.

Thuốc giảm đau

Theo WHO, các loại thuốc giảm đau đều có 3 bậc. Tuy nhiên người bệnh bị viêm quanh khớp vai thường được sử dụng các loại thuốc bậc 1 và bậc 2.

  • Thuốc bậc 1 bao gồm: Acetaminophen - Efferalgan 500mg uống 2-6 viên/ngày.
  • Thuốc bậc 2 bao gồm: Acetaminophen kết hợp codein: Efferalgan codein uống 2-6 viên/ngày.

viem-quanh-khop-vai
Sử dụng thuốc Tây mang lại hiệu quả nhanh chóng

Thuốc chống viêm không steroid

Đối với các loại thuốc chống viêm steroid bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng một trong số các loại thuốc sau:

  • Diclofenac (Voltaren) viên 50mg, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, uống sau khi ăn no, có thể uống mỗi ngày 1 viên 75mg. Ngoài ra, có thể sử dụng dưới dạng ống tiêm bắt 75mg/này trong 2-3 ngày đầu bệnh nhân bị đau nhiều, sau đó chuyển dần sang đường uống.
  • Meloxicam (Mobic) viên 7,5mg, uống mỗi ngày 2 lần, uống sau khi ăn no hoặc sử dụng dạng ống tiêm bắp 15mg/ngày, thực hiện trong 2-3 ngày liên tiếp nếu người bệnh bị đau nhiều, sau đó chuyển dần sang đường uống.
  • Celecoxib (Celebrex) viên 200mg, mỗi ngày uống từ 1-2 viên, uống sau khi ăn no. Không nên dùng cho những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim mạch, thận trọng khi sử dụng cho những người cao tuổi.
  • Các loại thuốc bôi ngoài da khác như: Voltaren emugel, Profenid gel,...

Những loại thuốc tân dược này thường mang đến hiệu quả nhanh chóng, tức thì. Tuy nhiên lại thường gây ra những tác dụng phụ cho cơ thể như: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, buồn ngủ, nặng hơn có thể dẫn tới suy thận, suy giảm hệ miễn dịch, viêm thận, viêm loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa,... Trường hợp nếu người bệnh sử dụng những loại thuốc giảm đau chống viêm này mà không thấy có tác dụng phụ thì có thể dùng lâu dài cho đến khi bệnh nhân hết sưng đau.

*Lưu ý: Tuyệt đối không phối hợp các loại thuốc trong nhóm trên bởi nó không những không làm tăng hiệu quả điều trị mà còn gây ra nhiều tác hại cho cơ thể.

Thuốc Corticoid

Hiện vẫn chưa có chỉ định sử dụng Corticoid cho toàn thân nên chỉ có thể dùng thuốc này để tiêm tại chỗ. Liệu pháp tiêm Corticoid được chỉ định thực hiện tại những tuyến đã được đào tạo cơ bản về kỹ thuật tiêm khớp. Mục đích là để đưa corticoid vào vị trí gân, bao gân bị tổn thương trong điều kiện phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối.

Liều dùng để tiêm các điểm bám gân quanh khớp vai là 0.5ml tại một vị trí tiêm, mỗi năm tiêm không quá 3 đợt tại cùng một vị trí. Một số loại thuốc corticoid được sử dụng phổ biến hiện nay đó là:

  • Hydrocortison acetat lọ 125mg/5ml, thuốc có dạng hỗn dịch, độ tan tốt, có tác dụng nhanh, thời gian bán thải ngắn. Mỗi đợt tiêm không quá 3 lần cho một vị trí, mỗi lần tiêm cách nhau 3 ngày.
  • Depo-Medrol lọ 40mg/ml, thuốc có dạng hỗn dịch có tính tan chậm, tác dụng lâu dài. Mỗi đợt chỉ tiêm một lần vào đúng một vị trí.
  • Diprospan lọ 1ml là phước hợp bao gồm: Betamethason natri phosphat (2mg betamethason) và Bethamethason dipropionat (5mg betamethason). Mỗi đợt chỉ tiêm một lần vào đúng một vị trí.

Các loại thuốc hỗ trợ khác

Một số loại thuốc được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh viêm quanh khớp vai như:

Thuốc giãn cơ: Có thể sử dụng một trong số các loại thuốc sau:

  • Mydocalm loại 50mg, 150mg uống tối đa 450mg/ngày.
  • Myonal 50mg, uống 3 viên/ngày.
  • Mydocalm 100mg, tiêm bắp sâu 2 lần/ngày.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Amitriptylin 25mg, uống mỗi ngày 1 viên, dùng liên tục trong vòng 5-7 ngày.

Những loại thuốc này khi uống cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng hoặc thay đổi liều lượng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.

Vật lý trị liệu

Người bệnh có thể kết hợp song song giữa việc sử dụng thuốc Tây y và tập các bài vật lý trị liệu để khớp vai được linh hoạt hơn.

  • Người bệnh bị viêm khớp quanh vai nhưng không có sưng nóng có thể áp dụng liệu pháp nhiệt như hồng ngoại, sóng ngắn, sóng siêu âm, bó nến,...
  • Giảm đau tại chỗ bằng các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu. Phương pháp này nên được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh tuyệt đối không được tự ý làm ở nhà hoặc đến thăm khám tại những cơ sở không uy tín.
  • Tập các bài tập vận động nhẹ nhàng. Bởi trong giai đoạn viêm cấp có sưng đau nhiều nên người bệnh phải hạn chế vận động trong thời gian ngắn. Sau đó khi bệnh đã được cải thiện thì cần phải tập phục hồi các động tác để bảo tồn chức năng vận động của khớp vai.

viem-quanh-khop-vai
Tập các bài vật lý trị liệu để khớp vai được linh hoạt hơn

Điều trị khác

Một số điều trị khác sẽ được bác sĩ áp dụng phù hợp cho từng hoàn cảnh và thể trạng của người bệnh:

  • Tiêm bao gân bằng thuốc corticoid thông qua việc siêu âm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
  • Tiêm bao khớp vai bằng thuốc corticoid dưới màn tăng sáng trong thể đông cứng khớp vai.
  • Nội soi khớp vai để chẩn đoán chính xác những tổn thương, đồng thời giúp điều trị như khâu mũi cơ quay, khâu sụn viền, làm rộng khoang dưới mỏm cùng vai điều trị hội chứng chèn ép mỏm cùng vai, nội soi ổ khớp loại bỏ các tinh thể calci.
  • Phẫu thuật khớp vai thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, chỉ áp dụng khi có bán trật khớp vai, nối các gân bị đứt trong thể giả liệt.
  • Kiểm soát tốt đối với các bệnh như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp.

Viêm quanh khớp vai là một căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những triệu chứng mà nó gây ra lại có những tác động vô cùng lớn đến sức khỏe người bệnh. Do đó ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của sức khỏe, đặc biệt là vùng vai gáy, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tìm ra phương pháp điều trị thích hợp nhất.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Chuyên gia tư vấn


Top phòng khám điều trị Viêm Quanh Khớp Vai bằng YHCT


Bài viết liên quan