Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Hiện nay lao cột sống là một bệnh lý về xương khớp nguy hiểm mà nhiều người gặp phải. Ở Việt Nam, có tới 65% số bệnh nhân bị lao xương khớp mắc lao cột sống. Căn bệnh này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe như phá hủy đốt sống và đĩa đệm, gây biến dạng cột sống, áp xe và các chèn ép lên dây thần kinh. Do đó việc thăm khám và điều trị bệnh kịp thời là điều vô cùng quan trọng.

Tìm hiểu về bệnh lao cột sống

Lao cột sống là tình trạng người bệnh bị nhiễm khuẩn ở đĩa đệm và đốt sống do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh có tên gọi khác là Pott (Mal de Pott) hoặc viêm đĩa đệm đốt sống do bệnh lao. Đây được xem là căn bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh nhiễm khuẩn ở xương khớp.

Bệnh chiếm tới 65% tổng số lao xương khớp, trong đó những tổn thương ở vùng lưng và thắt lưng chiếm tới 90% các trường hợp. Vi khuẩn lao thường gây tổn thương cho 2 đốt sống liền kề và một đĩa đệm ở giữa. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ để lại những di chứng nghiêm trọng cho thần kinh và cột sống, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh như: Liệt tứ chi, tàn phế, thậm chí là tử vong.

Vi khuẩn lao thường trú ngụ và phát triển ở những nơi có nhiều oxy. Chúng có khả năng phá hủy thân đốt sống, bởi nơi này có nhiều mạch máu và giàu oxygen. Một số ít trường hợp vi khuẩn lao gây những tổn thương ở cung sau đốt sống.

Bệnh lao cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất vẫn là ở từ 21-30 và 41-50 tuổi. Ngoài ra những người có tiền sử mắc bệnh lao phổi hoặc tiếp xúc thường xuyên với người bị lao phổi cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao cột sống.

lao cot song
Lao cột sống là một căn bệnh xương khớp nguy hiểm

Vị trí đốt sống dễ bị nhiễm lao nhất là đốt sống vùng ngực và thắt lưng (chiếm 96%). Bệnh có thể xảy ra nhiều nhất từ các đốt sống ngực thứ 7 đến đốt sống thắt lưng thứ 3. Trong khi đó đốt sống cổ là đốt sống có tỷ lệ nhiễm lao thấp nhất khoảng 4%.

Nguyên nhân gây ra bệnh lao cột sống chủ yếu là do vi khuẩn lao sau khi qua phổi hoặc hệ thống tiêu hóa sẽ theo đường máu hoặc bạch huyết đến trú ngụ tại một bộ phận nào đó của hệ thống cơ xương khớp và gây bệnh. Đặc biệt, nếu nguyên nhân gây bệnh lao cột sống là do vi khuẩn lao phổi thì bệnh lao cột sống có thể bị lây nhiễm từ người này sang người khác.

Khi vi khuẩn lao phổi đã xâm nhập vào hệ tiêu hóa sẽ đi theo tuần hoàn máu và di chuyển đến các bộ phận khác của xương. Từ đó phá hủy hệ thống xương khớp ở khu vực mà chúng trú ngụ. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm của bệnh lao cột sống không cao như bệnh lao phổi.

Triệu chứng, dấu hiệu

Lao cột sống là bệnh lý mạn tính, biểu hiện của bệnh xuất hiện chậm do các thân đốt sống bị phá hủy một cách âm thầm. Một số triệu chứng nhiễm trùng của bệnh tương tự như bệnh lao phổi như: Chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ về chiều, cơ thể dễ bị mệt mỏi,...

Các triệu chứng phổ biến của bệnh lao cột sống bao gồm:

  • Đau nhức

Các cơn đau thường âm ỉ và sẽ gia tăng vào chiều và đêm. Trong đó, các khu trú đốt sống bị tổn thương nên khi vận động đi lại sẽ tạo ra các cơn đau nhức. Các cơn đau sẽ ngày càng tăng với những trường hợp bị thể bệnh lao vùng thắt lưng. Đau thắt lưng có thể sẽ dữ dội hơn nhiều do chèn ép thần kinh tọa gây ra (hay còn gọi là đau giả thần kinh tọa).

  • Teo cơ vùng chi dưới

Dấu hiệu nhận biết lao cột sống tiếp theo chính là triệu chứng teo một hoặc cả hai chân. Chúng xuất hiện nhanh do bị chèn ép rễ thần kinh vùng cẳng chân. Trường hợp bị teo hai chân đồng bộ có thể do chèn ép tủy sống gây ra.

  • Rối loạn biến dưỡng da, móng, lông

Bệnh lý này còn dẫn tới tình trạng loạn biến dưỡng da, móng và lông do chèn ép tủy sống.

lao cot song
Người bệnh cảm thấy đau nhức ở vùng lưng, cột sống

  • Áp xe cột sống

Thông thường người bệnh có thể sẽ xuất hiện một khối phồng lên tại ổ bụng dưới. Khi khối ép xe lớn, chúng sẽ chui qua dây chằng bẹn và đi xuống đùi. Loại áp xe vùng cổ rất hiếm và thường nằm trên vùng ức - cổ - xương đòn. Biến chứng rò mủ xảy ra trong trường hợp khối áp xe quá lớn, gây vỡ và rò rỉ mủ ra da. Nếu người bệnh không được điều trị sớm, các vết thương này sẽ rất khó lành.

  • Liệt hai chân

Triệu chứng này thường gặp hơn là liệt tứ chi, đa phần là do lao cột sống ngực thấp. Liệt tứ chi hoặc liệt hai chân chính là biến chứng nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong.

Chẩn đoán lao cột sống

Các phương pháp chẩn đoán xác định lao cột sống:

Chẩn đoán xác định lao cột sống

Các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh lao cột sống bằng các biện pháp lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm.

Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng để xác định vị trí tổn thương, thường là một đĩa đệm ở giữa hai đốt sống liền kề. Tại vị trí tổn thương như: Đau kiểm viêm, có thể kèm đau kiểu rễ. Khi khám có thể phát hiện điểm đau chói tại đốt sống, lồi gai cột sống, biến dạng cột sống. Các triệu chứng lâm sàng khác có thể gặp như: Sốt về chiều, người gầy sút cân, thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn, ra mồ hôi trộm,...

Chẩn đoán hình ảnh

Các bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang, chụp cắt lớp CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI đoạn cột sống bị tổn thương. Qua đó có thể phát hiện hình ảnh viêm đĩa đệm đốt sống do lao như: Hẹp khe liên đốt, hủy xương về hai phía của thân đốt sống, có thể có hình ảnh xe lạnh, siêu âm phát hiện tổn thương khối cơ thắt lưng chậu trong trường hợp viêm hay áp xe cơ thắt lưng.

lao cot song
Thông qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ thấy được vùng cột sống có gặp vấn đề gì không

Xét nghiệm

Xét nghiệm bilan viêm sinh học: Quan sát tốc độ máu lắng cao, thấy được số lượng bạch cầu lympho tăng.

Lấy mẫu sinh thiết tại vị trí đốt sống đĩa đệm bị tổn thương để lấy bệnh phẩm làm mẫu xét nghiệm giải phẫu bệnh, soi, nuôi cấy, tìm vi khuẩn lao và làm xét nghiệm PCR lao.

Chẩn đoán nguyên nhân

Việc chẩn đoán nguyên nhân giúp phát hiện được vi khuẩn lao bằng các phương pháp PCR, nuôi cấy có trong bệnh phẩm lấy tại đốt sống bị tổn thương. Phát hiện thấy các cơ quan khác như phổi, màng phổi, hạch,... đều bị nhiễm vi khuẩn lao. Khi đó người bệnh cần chụp phổi, tìm vi khuẩn trong đờm, trong dịch rửa phế quản, hạch đồ hoặc sinh thiết hạch dọc ức đòn chũm.

Trong trường hợp lao phổi phối hợp sẽ ra kết quả AFB đờm dương tính. Có đến 90% số bệnh nhân có phản ứng Mantoux dương tính. Sau đó người bệnh sẽ được xét nghiệm huyết thanh để xác định kháng thể kháng vi khuẩn lao trong huyết thanh.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt bệnh lao cột sống với viêm đốt sống đĩa đệm do vi khuẩn sinh mủ, dựa trên đặc điểm lâm sàng và mô bệnh học.

Điều trị lao cột sống

Một số phương pháp điều trị bệnh lao cột sống được áp dụng nhiều nhất đó là:

Các phương pháp không dùng thuốc

Phương pháp điều trị không dùng thuốc người bệnh nên áp dụng:

  • Người bệnh cần bất động trong suốt thời gian điều trị bệnh nhưng không cần cố định hoàn toàn và không liên tục. Thời gian điều trị không dùng thuốc thường kéo dài từ 2-3 tháng, sau đó vận động tăng dần. Người bệnh có thể tập thể dục để duy trì chức năng cột sống.
  • Thời gian này người bệnh nên nằm nhiều để tránh các vận động, tránh mang vác nặng, không cần cố định bằng bột, đeo đai lưng khi ngồi hoặc đi lại.
  • Nâng cao thể trạng bằng chế độ ăn uống, nếu có tổn thương nghiêm trọng ở đốt sống cần cố định đoạn cột sống bị tổn thương bằng máng bột, bằng cách nằm trên giường hay mang áo bột cột sống.

Điều trị bằng các thuốc chống lao

Sử dụng thuốc chống lao đúng nguyên tắc, kết hợp với thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ nếu cần. Kết hợp với các biện pháp nâng cao thể trạng, trường hợp can thiệp ngoại khoa vẫn phải sử dụng thuốc chống lao theo đúng nguyên tắc. Nếu chẩn đoán và điều trị càng sớm thì tiên lượng càng tốt.

Các nguyên tắc sử dụng thuốc chống lao:

  • Cần phối hợp với ít nhất 3 loại trong giai đoạn điều trị tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn điều trị duy trì.
  • Phải sử dụng thuốc đúng liều, uống đúng giờ.
  • Cần dùng thuốc đủ thời gian, một liệu trình điều trị thường kéo dài từ 2-3 tháng, trong đó giai đoạn duy trì kéo dài từ 4-6 tháng.
  • Cần thường xuyên kiểm tra tình trạng toàn thân, tổn thương tại chỗ, sự tiến triển của bệnh và các tai biến khác của thuốc.

Liều thuốc chống lao:

  • Streptomycin (S): 15mg/kg.
  • Isoniazid (H): Rimifon 5mg/kg/ngày.
  • Rifampicin (R): Rifadine 10mg/kg/ngày.
  • Pyrazynamid (Z): Pyrilene 15-30mg/kg/ngày.
  • Ethambutol (E): Myambutol 20mg/kg/ngày.

Người bệnh thường bắt đầu điều trị với thuốc isoniazid, liều lượng từ 5mg/kg/ngày đến 300mg/ngày, pyrazynamid (15-30mg/kg/ngày cho đến 2g/ngày), rifampicin (10mg/kg/ngày cho đến 600mg/ngày).

Có thể ngừng sử dụng pyrazinamid sau 8 tuần điều trị. Nếu tỉ lệ kháng đa thuốc nhỏ hơn 4%, có thể thêm ethambutol (5-25mg/kg/ngày) hay streptomycin (15mg/kg) cho đến khi có dấu hiệu bị kháng thuốc.

lao cot song
Người bệnh khi sử dụng thuốc điều trị lao cột sống cần dùng đúng liều lượng quy định

Thời gian điều trị:

Có nhiều chế độ điều trị thuốc chống lao cột sống, tuy nhiên cần kiên trì điều trị trong vòng 6-9 tháng sau nuôi cấy âm tính, trong đó 3 tháng đối với đối tượng không bị AIDS và 6 tháng đối với bệnh nhân bị AIDS.

Chọn phác đồ chống lao:

Việc điều trị bệnh lao cột sống thường trải qua hai giai đoạn:

  • Giải đoạn tấn công: Phối hợp tối thiểu 3 loại thuốc chống lao trong số các thuốc như: Rimifon, streptomycin, pyrazynamid, ethambutol, rifampicin. Sử dụng hàng ngày trong vòng 2-3 tháng để tiêu diệt bệnh khuẩn, ngăn chặn lao phát triển.
  • Giai đoạn duy trì: Phối hợp 2-3 loại thuốc lao và tiếp tục sử dụng trong vòng 4-12 tháng, mỗi tuần dùng 2-3 ngày, tiêu diệt tận gốc bệnh khuẩn để tránh lao tái phát.

Đối với người mới phát hiện bị nhiễm lao lần đầu, chưa từng dùng thuốc chống lao bao giờ có thể áp dụng công thức điều trị 2SHRZ/6HE. Có nghĩa trong 2 tháng đầu sử dụng 4 loại kháng sinh phối hợp đó là: Streptomycin (S), isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazynamid (Z), sau 6 tháng điều trị tiếp tục dùng thêm hai loại thuốc khác là isoniazid và ethambutol (E) mỗi ngày.

Đối với những người điều trị lần đầu thất bại, bệnh tái phát hoặc điều trị lại cho các trường hợp tự ý bỏ điều trị, người bệnh sẽ được áp dụng công thức điều trị lại như 2SHRZE/1HRZE/5HR3E3. Có nghĩa là trong 2 tháng đầu dùng 3 loại kháng sinh phối H, R, E hàng ngày. 4 tháng tiếp theo dùng thêm 2 loại thuốc H, R mỗi ngày. Một số người bệnh có thể được áp dụng phác đồ điều trị 2HRZE/4HR hoặc 2HRZ/4HR, sử dụng hàng ngày. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể cân nhắc sử dụng phối hợp với streptomycin.

Đối với những trường hợp đặc biệt khác:

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần sử dụng phác đồ điều trị 2RHZE/4RH. Không dùng streptomycin vì có thể làm ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.
  • Rifampicin có tương tác với thuốc tránh thai nên khi được chỉ định dùng rifampicin người bệnh cần chuyển qua sử dụng phương pháp tránh thai khác.
  • Người có gan bị tổn thương nên dùng S, E hoặc kết hợp với ofloxacin.
  • Người bệnh bị suy thận nên áp dụng phương pháp 2RHZ/4RH.
  • Người bệnh bị nhiễm HIV cũng có phác đồ điều trị giống với người không bị nhiễm HIV, tuy nhiên cần lưu ý phối hợp điều trị thuốc chống lao với các loại thuốc kháng sinh phòng nhiễm trùng cơ hội.

Điều trị kết hợp

Thuốc giảm đau: Chọn một trong các loại thuốc như: acetaminophen (paracetamol, Efferalgan), Efferalgan codein, morphin. Người bệnh tùy theo tình trạng đau của mình mà điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. Cần lưu ý sử dụng các thuốc trên cho những bệnh nhân đang dùng thuốc chống lao vì có thể phối hợp gây độc cho gan. Do đó cần theo dõi chức năng gan để trong quá trình sử dụng các loại thuốc này.

Thuốc chống viêm không steroid: Trong trường hợp bệnh nhân bị đau nhiều có thể chọn một trong số các loại thuốc dưới đây:

  • Diclofenac (Voltaren) viên 50mg, uống 2 viên/ngày, uống sau khi ăn no. Có thể sử dụng dạng tiêm 75mg/ngày trong 2-4 ngày đầu khi bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.
  • Meloxicam (Mobic) viên 7,5mg, uống 2 viên/ngày sau khi ăn no. Có thể sử dụng dạng tiêm 15mg/ngày trong 2-4 ngày nếu bệnh nhân bị đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.
  • Piroxicam (Felden) viên 20mg, uống 1 viên/ngày sau khi ăn no. Có thể sử dụng dạng tiêm 20mg trong 2-4 ngày đầu khi bệnh nhân có dấu hiệu đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.
  • Celecoxib (Celebrex) viên 200mg, uống 1-2 viên/ngày sau khi ăn no. Không dùng thuốc cho người bệnh có tiền sử bị các bệnh về tim mạch, thận trọng với người cao tuổi.

Lưu ý không kết hợp các loại thuốc này với nhau bởi nó không những không làm tăng tác dụng điều trị mà còn gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra cần chú ý theo dõi chức năng gan thận trong quá trình sử dụng các loại thuốc này để điều trị lao cột sống.

Thuốc giãn cơ: Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc sau:

  • Tolperison (mydocalm) 150-450mg/ngày, ngày uống 2-3 lần.
  • Eperison (Myonal): 150mg/ngày, ngày uống 3 lần.

Điều trị ngoại khoa

Phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng cho những trường hợp như sau:

  • Người bệnh được chỉ định điều trị ngoại khoa khi phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả như mong muốn.
  • Người bệnh bị lao cột sống đã có ép tủy trên lâm sàng, có thể nhìn thấy trên phim chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ.
  • Lao có ổ áp xe lạnh to chèn ép các bộ phận tại chỗ hoặc có khả năng di chuyển xa.
  • Những tổn thương phá hủy đốt sống và có nguy cơ gây ép tủy.

lao cot song
Người bệnh sẽ được chỉ định mổ áp xe khi các phương pháp nội khoa hiệu quả

Phương pháp phẫu thuật trong điều trị lao cột sống:

  • Mổ giải phóng ép tủy để lấy xương chết, bã đậu, sau đó cố định bằng cách ghép xương hoặc buộc dây kim loại.
  • Mổ lấy ổ áp xe để mở rộng lỗ rò, đặt sond bơm thuốc kháng sinh.
  • Mổ chỉnh hình gu vẹo nhiều, phẫu thuật tạo hình khớp.

Người bị lao cột sống cần lưu ý gì?

Một vài lưu ý mà bệnh nhân bị lao cột sống cần ghi nhớ trong quá trình điều trị bệnh:

  • Để tránh lây nhiễm bệnh lao cột sống, người bệnh cần được cách ly. Những người có người thân trong gia đình là bệnh nhân bị lao cột sống cần chụp phổi hàng loạt nhằm phát hiện tình trạng nhiễm lao để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh lây lan sang cho người khác.
  • Đối với người đã bị lao, cần tuân thủ nguyên tắc điều trị để tránh bệnh tái phát gây ra tình trạng kháng thuốc. Phối hợp với chế độ ăn uống nhiều đạm, vitamin và các loại thuốc tăng cường sức khỏe, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Cần thường xuyên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe toàn thân, nhưng tổn thương tại chỗ và sự tiến triển của bệnh.
  • Tiến hành thăm khám và xét nghiệm chức năng gan thận định kỳ, những tổn thương ở cột sống và dây thần kinh.
  • Lên thực đơn dinh dưỡng hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh nên ăn những món ăn giàu canxi, vitamin D, kali và photpho để tốt cho xương khớp.

Lao cột sống gây ra nhiều vấn đề về xương khớp, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Do đó người bệnh cần phải tới gặp bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể, tránh để bệnh tiến triển nặng hơn.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Chuyên gia tư vấn


Top phòng khám điều trị Lao Cột Sống bằng YHCT


Bài viết liên quan