Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Gai cột sống là một trong những căn bệnh về xương khớp rất phổ biến. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể nặng hơn và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy triệu chứng, nguyên nhân, cách chữa trị và phòng chống bệnh như thế nào? Hãy cùng tapchidongy.org theo dõi trong bài viết dưới đây.

Gai cột sống là bệnh gì?

Bệnh xảy ra khi cột sống xuất hiện phần xương mọc ra phía ngoài và hai bên (được gọi là các gai xương). Những mỏm gai xương này tập trung ở đốt sống, đĩa sụn và dây chằng quanh khớp. Chúng cản trở sự cử động của khớp, gây cảm giác đau đớn ở vùng thắt lưng, vai, cổ do gai chèn ép vào dây thần kinh.

Triệu chứng gai cột sống

Dưới đây là một số dấu hiệu tiêu biểu của bệnh gai cột sống:

  • Đau nhức, tê cột sống: Người bệnh bị gai đốt sống cổ sẽ cảm thấy cổ bị tê cứng, khó cử động, kèm theo đau đầu,  hoa mắt, chóng mặt… Cơn đau có thể kéo xuống cánh tay, bàn tay làm hạn chế cử động. Người bị gai đốt sống lưng sẽ cảm thấy thắt lưng bị tê mỏi, co cứng, cơn đau lan xuống mông, chân…
  • Mất cân bằng cơ thể: Do đau nhức kéo dài nên bệnh nhân lười vận động khiến khí huyết lưu thông kém, cản trở quá trình tuần hoàn máu. Vì thế họ có thể thấy choáng váng và mất cân bằng cơ thể.
  • Thần kinh thực vật bị rối loạn: Gai xương tác động lên dây thần kinh thực vật gây nên tình trạng rối loạn phản xạ, hạ huyết áp…
  • Chi dưới bị mất cảm giác: Người bệnh ít di chuyển khiến cơ bắp chi dưới yếu đi, máu tuần hoàn kém khiến các vùng chân, lưng, hông tê bì, lâu dần mất cảm giác.
  • Những triệu chứng khác: Chóng mặt, buồn nôn, sụt cân không rõ nguyên nhân…

Nguyên nhân gai cột sống

Có nhiều yếu tố hình thành nên bệnh gai cột sống. Sau đây là một số nguyên nhân chủ yếu:

Lão hóa

Tiến trình lão hóa diễn ra mỗi ngày, xương dần trở nên yếu đi, cột sống bị thoái hóa đĩa sụn hao mòn, mặt xương khớp trở nên gồ ghề. Gai xương dần hình thành và phát triển dựa trên những biến đổi hình thái của cột sống và các tổ chức xung quanh đĩa đệm.

Mắc bệnh xương khớp

Những bệnh lý về xương khớp như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm khiến các tế bào mất nước, xẹp và vỡ. Khi đĩa đệm không bảo vệ được khớp xương khiến chúng bị ma sát và bào mòn, tế bào xương bị kích ứng, mỏm xương nhô lên, hình thành gai xương.

Thói quen sinh hoạt sai

Người thường xuyên mang vác nặng khiến cột sống chịu áp lực đè nén lớn. Ngồi hoặc đứng một tư thế quá lâu, người có thói quen vận động, nghỉ ngơi sai tư thế khiến một số khớp nhất định phải làm việc liên tục trong thời gian dài, sụn khớp dễ bị khô. Từ đó khiến xương khớp, cột sống bị thương tổn, dần hình thành gai cột sống.

Lắng đọng canxi

Lắng đọng canxi là một trong những nguyên nhân tiêu biểu nhất gây gai cột sống thường gặp ở người già. Tuổi càng cao, sụn khớp càng xẹp, thoái hóa, dây chằng bị chùng giãn.

Để thích ứng với tình trạng này, dây chằng phải dày lên để giữ cột sống khiến canxi dần tích tụ ở vị trí này, lâu ngày tạo thành các gai xương.

Chấn thương

Nếu bạn bị ngã, va đập mạnh khiến cột sống gặp chấn thương, theo cơ chế tự nhiên, canxi sẽ được bổ sung vào để làm lành các vết nứt, vỡ. Quá trình tu bổ không chính xác có thể dẫn tới gai cột sống.

Nguyên nhân khác

Béo phì, gai đôi cột sống bẩm sinh… cũng có thể gây gai cột sống, tuy nhiên, tỷ lệ các trường hợp này khá thấp.

Các vị trí thường bị gai cột sống

Cột sống lưng và đốt sống cổ là hai vị trí thường bị gai cột sống.

Cổ và thắt lưng là hai vị trí dễ bị thoái hóa nhất
Cổ và thắt lưng là hai vị trí dễ bị thoái hóa nhất

Gai cột sống lưng

Thông thường, gai cột sống thường xảy ra ở đốt sống L4 và L5. Dấu hiệu tiêu biểu của bệnh là thắt lưng bị đau bất ngờ, đau dữ dội khi cử động mạnh và giảm thiểu khi được nghỉ ngơi. Tình trạng này không chỉ tiếp diễn ở lưng mà còn lan ra các vùng khác: Hông, mông, chân, bàn chân…

Gai đốt sống cổ

Đa số trường hợp gai đốt sống cổ thường hình thành ở vị trí C4, C5 và C6. Triệu chứng thường thấy của người gai đốt sống cổ là đau liên tục vùng chẩm đằng sau gáy, chóng mặt, nhức đầu… Trường hợp bệnh nghiêm trọng, cơn đau có thể lan ra những phần khác như: xương bả vai, cánh tay…

Cách chẩn đoán bệnh

Bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng để xác định chính xác bạn có bị gai cột sống hay không, tình trạng gai như thế nào để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:

  • Chụp X quang: Có thể xác định vị trí, tình trạng của phần xương bị tổn thương. Đây là cách tiếp cận cận lâm sàng quan trọng và phổ biến nhất.
  • Chụp cộng hưởng từ: Xem đĩa sụn chịu ảnh hưởng như thế nào, có bị tổn thương nặng không và có bị chèn ép thần kinh cột sống không
  • Xét nghiệm điện học: Đo vận tốc thần kinh gửi tín hiệu điện về não, tay, chân… từ đó xác định được mức độ thương tổn của dây thần kinh cột sống
  • Chụp cắt lớp vi tính: Giúp biết được sự thay đổi cấu trúc xương để tìm ra phương án điều trị hợp lý
  • Xét nghiệm máu: Giúp loại trừ những nguyên nhân gây bệnh khác

Phương pháp điều trị bệnh gai cột sống

Gai cột sống là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn, gây ra nhiều ảnh hưởng bất tiện đến cuộc sống của người bệnh. Nếu được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, các triệu chứng bệnh có thể kiểm soát tới 80%.

Dưới đây là các phương pháp điều trị gai cột sống đang được áp dụng:

Dùng thuốc Tây y

Bệnh thường được điều trị bằng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid hay corticoid, thuốc giãn cơ và vitamin. Nếu phần bị gai cột sống gây sưng viêm và đau thì bệnh nhân sẽ được dùng thêm thuốc giảm đau hoặc tiêm cortisone vào khớp bị tổn thương.

Dùng thuốc Tây y giúp kiểm soát triệu chứng đau nhức nhanh chóng
Dùng thuốc Tây y giúp kiểm soát triệu chứng đau nhức nhanh chóng

Dùng thuốc Tây y giúp kiểm soát nhanh các triệu chứng đau nhức, tê bì chân tay. Các thuốc thường được dùng là:

  • Thuốc giảm đau Paracetamol 

Giảm truyền cảm giác đau đớn đến não, ức chế các cơn đau do gai cột sống gây ra. Đồng thời, thuốc còn giúp kháng viêm, chống nhiễm trùng. Paracetamol thường được chỉ định cho các trường hợp gai cột sống nhẹ.

  • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid như Aspirin, Diclofenac, Ibuprofen, Meloxicam…

Có tác dụng giảm đau, chống viêm, chống cứng khớp nhưng thuốc gây nhiều tác dụng phụ có hại cho hệ tiêu hóa.

  • Thuốc giãn cơ Eperisone HCL như Deonas, Doterco 50, Epelax; Epezan…

Thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương và cơ trơn mạch máu, cho tác dụng giãn cơ vân và giãn mạch. Từ đó, tăng co giãn dây chằng ở cột sống, giúp giảm đau, người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái, vận động dễ dàng hơn.

Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, không tự ý bỏ liều, thay đổi liều lượng. Bởi các tác dụng phụ gặp phải khi dùng thuốc tân dược điều trị gai cột sống khá phổ biến.

Vật lý trị liệu

Phương pháp này giúp làm giảm các triệu chứng đau đớn của xương. Việc tập những bài thể dục phù hợp giúp tăng cường chuyển động và cải thiện cơ bắp xung quanh vùng bị gai.

Các phương pháp vật lý trị liệu trị gai cột sống bao gồm:

Kéo dãn cột sống bằng máy DTS: Bệnh nhân được kéo giãn cơ, mở rộng lỗ liên hợp, thúc đẩy đĩa đệm trở về vị trí ban đầu, tránh chèn ép rễ thần kinh, đồng thời ngăn gai xương phát triển.

Kéo dãn cột sống giúp giải phóng dây thần kinh bị chèn ép
Kéo dãn cột sống giúp giải phóng dây thần kinh bị chèn ép

Điện trị liệu sử dụng các dạng sóng điện khác nhau để kích thích tế bào mô, thần kinh. Từ đó giúp giảm đau, thúc đẩy tuần hoàn máu, tái tạo tế bào bị tổn thương.

Massage trị liệu: Bấm huyệt, xoa bóp giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết, thư giãn cơ, giảm đau nhức.

Vận động trị liệu: Người bệnh tập các bài tập vận động phù hợp mỗi ngày giúp tăng độ đàn hồi, độ linh hoạt của xương khớp, giảm đau, thư giãn.

Châm cứu: Châm cứu truyền thống là dùng kim nhọn tác động vào các huyệt đạo trên cơ thể, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau nhức. Trên cơ sở đó, y học hiện đại đã phát triển thêm các hình thức châm cứu mới như thủy châm, điện châm, cấy chỉ để tăng hiệu quả điều trị.

Trường hợp phát hiện bệnh từ giai đoạn bệnh nhẹ, vật lý trị liệu có thể giúp kiểm soát gai cột sống mà không cần dùng thuốc. Vì vậy, người bệnh nên tìm hiểu, lựa chọn các phương pháp vật lý trị liệu phù hợp, tăng cường sức khỏe xương khớp tự nhiên, giảm lệ thuộc vào thuốc Tây y.

Phẫu thuật mổ gai cột sống

Biện pháp điều trị này được thực hiện trong trường hợp gai xương chèn ép tủy, khiến ống tủy hẹp hoặc gai xương chèn ép dây thần kinh, gây ra đau đớn và khó khăn trong cử động.

Phẫu thuật gai cột sống là cách điều trị hiệu quả, quá trình mổ không gây đau nhức cho người bệnh. Phương pháp này được chỉ định khi các cách điều trị khác không cho kết quả tốt.

Các phương pháp mổ gai cột sống phổ biến nhất hiện nay là:

Phương pháp mổ hở (mổ truyền thống)

Đây là biện pháp phẫu thuật truyền thống được áp dụng phổ biến từ trước đến nay. Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ dùng dao rạch phần mô mềm, để lộ ra vùng gai cột sống và trực tiếp thao tác loại bỏ chúng.

Mổ hở có chi phí thấp, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây ra những biến chứng hậu phẫu nguy hiểm: Mất máu, nhiễm trùng vết mổ, tổn thương mô mềm quanh đốt sống… Quá trình phẫu thuật kết thúc, người bệnh phải chịu đau đớn kéo dài, trường hợp xấu phải làm phẫu thuật lại.

Phương pháp mổ nội soi

Với phương pháp này, tại vị trí gai đốt sống, bác sĩ sẽ rạch một vết ngắn để đưa ống banh nội soi vào bên trong cơ thể. Sau đó dùng kính hiển vi phẫu thuật để quan sát cấu trúc bên trong và tiến hành điều trị can thiệp.

Mổ nội soi giúp giảm diện tích mô mềm bị tổn thương, hạn chế tình trạng mất máu, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.

Ngoài ra còn có các phương pháp mổ gai cột sống như: Mổ lát cắt đốt sống, Cấy đệm gan mỏm gai, dùng tia laser, tạo hình cột sống qua da…

Phẫu thuật điều trị thoái hóa cột sống
Phẫu thuật điều trị thoái hóa cột sống

Phương pháp phẫu thuật càng tiên tiến, đòi hỏi kỹ thuật càng cao thì phạm vi xâm lấn càng hẹp, thời gian phục hồi của người bệnh càng nhanh, chi phí phẫu thuật càng lớn.

Chi phí phổ biến cho một lần phẫu thuật gai cột sống hiện nay dao động trong khoảng từ 15-50 triệu đồng. Người bệnh cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ, cân nhắc tình trạng bệnh và khả năng kinh tế của bản thân trước khi tiến hành phẫu thuật.

Hình thành gai là phản ứng tự nhiên của cơ thể, sau phẫu thuật gai cột sống vẫn có khả năng sẽ tái phát. Do vậy, bệnh nhân cũng không được chủ quan, cần tái khám đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ.

Chữa gai cột sống bằng bài thuốc dân gian

Ở giai đoạn bệnh nhẹ, người bệnh có thể lựa chọn sử dụng bài thuốc dân gian chữa gai cột sống sẵn có trong tự nhiên.

Bài thuốc từ ngải cứu:

  • Ngải cứu rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, thêm mật ong vào uống.
  • Lá ngải cứu rửa sạch, cắt nhỏ, thêm giấm nuôi vào trộn đều. Đun sôi hỗn hợp rồi đổ ra vải, đắp lên vùng cột sống bị đau trước khi đi ngủ.

Bài thuốc từ dền gai:

  • Dền gai rửa sạch, nấu lấy nước, uống hằng ngày thay nước lọc.
  • Dền gai rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng cột sống bị đau, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút.

Bài thuốc từ hạt đu đủ:

Chà xát hạt đu đủ rồi rửa sạch để loại bỏ lớp vỏ nhớt. Sau đó đem hạt đu đủ giã nát, bọc lại bằng vải mỏng, đắp lên vùng đau nhức, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút.

Bài thuốc từ lá lốt:

  • Lá lốt rửa sạch, cho vào nồi sắc, cô đặc lấy 1 bát (chén) uống sau ăn tối.
  • Giã nát lá lốt, đắp lên vùng cột sống bị đau trong 15-30 phút.

Bài thuốc từ cây chìa vôi:

Cây chìa vôi, cỏ xước, dền gai, lá lốt, cỏ ngươi đem sắc lấy nước uống.

Bài thuốc từ cây xương rồng:

  • Xương rồng bỏ gai, cho lên bếp nướng rồi giã nát với muối biển, đắp hỗn hợp lên vị trí cột sống bị đau.
  • Lấy 3 nhánh xương rồng bỏ gai, đem giã nát. Trộn cùng ½ bát cám gạo, ½ bát giấm nuôi rồi cho lên chảo xào nóng. Trải lá chuối hột ra sàn, đổ hỗn hợp lên trên, lót thêm một lớp lá chuối rồi người bệnh nằm đè lên.
Dùng mẹo dân gian trị thoái hóa cột sống tại nhà
Dùng mẹo dân gian trị thoái hóa cột sống tại nhà

Các bài thuốc dân gian tận dụng dược tính có trong các loại cây lá gần nhà nên tác dụng chậm, người bệnh cần kiên trì sử dụng mới thấy được hiệu quả. Mẹo dân gian chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, dùng khi gai cột sống ở mức độ nhẹ.

Bài thuốc Đông y chữa gai cột sống

Bài thuốc Đông y cũng sử dụng dược liệu có nguồn gốc tự nhiên, kết hợp với nhau theo tỷ lệ cân đối, phù hợp đặc tính. Phương pháp điều trị này vừa đảm bảo an toàn, lành tính, vừa cho hiệu quả cải thiện triệu chứng gai cột sống, bồi bổ gân cốt, tăng cường khí huyết, cải thiện sức khỏe.

Theo Đông y, gai cột sống xảy ra do thể trạng thoái hóa, quá trình chuyển hóa rối loạn khiến cột sống suy yếu. Chế độ ăn uống không lành mạnh, lao động quá sức, nhiễm phong hàn, thấp nhiệt lâu ngày khiến kinh lạc ứ trệ cũng là yếu tố nguy cơ làm khởi phát bệnh.

Các bài thuốc được dùng để cải thiện triệu chứng đau nhức, tê bì, giảm tình trạng gai xương chèn ép dây thần kinh, hỗ trợ phục hồi khả năng vận động.

Một số bài thuốc Đông y trị gai cột sống được áp dụng phổ biến là:

Bài thuốc trị gai cột sống thể hàn ngưng huyết ứ gây khó khăn đi lại, cúi ngửa

Sắc uống mỗi ngày 1 thang:

  • Chế phụ tử, đương quy, tần giao, quế chi, xích nhược, kỳ xà mỗi loại 9g
  • Uy linh tiên 15g
  • Tàm sa 30g
  • Sinh địa 50g

Chữa gai cột sống thể phong thấp huyết ứ gây đau một điểm cố định, cơn đau có thể lan xuống đùi, chân

  • Sắc uống mỗi ngày một thang”
  • Cam thảo, quế chi, hồng hoa mỗi loại 10g
  • Bạch nhược, một dược, huyền hồ, ngưu tất, đương quy, xương truật mỗi loại 15g
  • Uy linh tiên 30g

Một số bài thuốc khác

  • Bài thuốc 1: Bạch nhược 30g; cát căn, uy linh tiên, mộc qua, đỗ trọng mỗi loại 12g; kê huyết đằng 15g; cam thảo 10g.
  • Bài thuốc 2: Sinh địa, tục đoạn, long cốt mỗi loại 12g; độc hoạt 10g; lộc giác, tam thất mỗi loại 8g; đỗ trọng 6g.
  • Bài thuốc 3: Sinh địa 50g; tàm sa 30g; uy linh tiên 15g; tần giao, kỳ xà, quế chi, chế phụ tử, đương quy, xích thược mỗi loại 9g.

Ngoài ra, mỗi đơn vị Nhà thuốc sẽ có những bài thuốc bí truyền riêng. Đồng thời, căn cứ vào thể trạng, tình trạng bệnh ở từng người, các lương y sẽ có sự cân nhắc, điều chỉnh liều lượng thảo dược phù hợp.

Cách phòng tránh bệnh hiệu quả

Cảm giác đau nhức, khó khăn trong vận động khi bị gai cột sống khiến người bệnh mệt mỏi và gây ra nhiều phiền toái. Sau đây là một số cách phòng tránh bệnh gai cột sống hiệu quả:

Trong sinh hoạt thường ngày

  • Vận động, di chuyển đúng tư thế, không gù lưng, gập cổ khi ngồi
  • Hạn chế làm việc nặng, quá sức trong thời gian dài. Không chơi các môn thể thao cần nhiều sức quá lâu như cử tạ, thể dục dụng cụ…
  • Nhân viên văn phòng thường xuyên ngồi một chỗ nên dành ra chút thời gian để thay đổi tư thế, cử động cơ thể nhiều hơn hạn chế bị nhức mỏi..
  • Luyện tập thể dục, thể thao như yoga, chạy bộ và bơi lội. Tập các bài kiểm soát cân nặng như leo cầu thang, đi bộ.
  • Thư giãn, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi, để cơ thể có thể phục hồi tốt hơn.
Luyện tập yoga giúp phòng thoái hóa cột sống hiệu quả
Luyện tập yoga giúp phòng thoái hóa cột sống hiệu quả

Trong chế độ ăn uống

  • Bổ sung vào thực đơn các món ăn chứa nhiều vitamin C như cam, chanh… vitamin D như gấc, dầu cá…
  • Cần ăn nhiều các loại rau xanh: rau bina, cải xanh ngọt… Ăn nhiều các loại gia vị là tỏi, nghệ…
  • Nên ăn nhiều thực phẩm giàu Canxi có trong hải sản: tôm, cua, cá…
  • Không nên lạm dụng, ăn quá nhiều các loại thịt đỏ (thịt trâu, bò…).
  • Hạn chế đồ ăn nhanh, những thực phẩm chiên rán (gà rán, xúc xích, mì ăn liền…).

Bài viết trên đây đã tổng hợp những thông tin hữu ích về bệnh gai cột sống gồm: Triệu chứng, nguyên nhân, cách chữa trị và phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Bạn đọc có thể tham khảo để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm do gai cột sống gây ra.


Top địa chỉ phòng khám Gai Cột Sống


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan
Bài viết liên quan