Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Chuyên gia Da liễu cho biết tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Trong bài viết dưới đây, Tạp Chí Đông Y sẽ cung cấp những kiến thức chuẩn xác về tình trạng này, giúp bạn đọc có hướng điều trị và chăm sóc da phù hợp nhất.

Nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay là gì?

Đây là tình trạng da liễu phổ biến với những triệu chứng như nổi mẩn đỏ thành mảng hoặc rải rác với kích thước và hình dạng khác nhau. Người bệnh có cảm giác ngứa ngáy từ mức độ nhẹ đến nặng, khi gãi vùng da mẩn ngứa có thể lan rộng sang xung quanh. Một số trường hợp có kèm theo triệu chứng sưng tấy, phù nề, xuất hiện mụn nước li ti và những triệu chứng toàn thân như đau nhức, mỏi cơ, mệt mỏi,...

noi-man-do-ngua-o-chan-tay
Nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay là tình trạng da liễu phổ biến nhiều người gặp

Bị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay là bệnh gì?

Nếu ở chân tay xuất hiện các nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý dưới đây:

Bệnh da liễu

Chuyên gia Da liễu cho biết, nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay là một trong những dấu hiệu điển hình của một số bệnh như sau:

  • Chàm tổ đỉa: Bệnh gây ngứa ngáy dữ dội và hình thành mụn nước tại bàn chân, bàn tay, kẽ chân, kẽ tay. Khi mụn vỡ, bệnh sẽ lan đến những vùng da khỏe mạnh mà dịch chảy đến.
  • Bệnh ghẻ: Trên da chân tay xuất hiện mẩn đỏ kèm mụn nước và các khe rãnh nhỏ do ghẻ đào. Triệu chứng ngứa sẽ nghiêm trọng hơn vào ban đêm do lúc này ghẻ cái hoạt động mạnh hơn.
  • Nấm chân tay: Bệnh có nguyên nhân do vệ sinh chân tay không tốt khiến mồ hôi, nấm ngứa tích tụ. Triệu chứng khởi phát là trên da chân tay sẽ có nốt mẩn đỏ, mụn nước li ti, da hồng và ngứa ngáy, dễ bị bong tróc.
  • Viêm da tiếp xúc: Triệu chứng điển hình của viêm da tiếp xúc là nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay, cổ, mặt, bụng,... Bệnh gây ra do cơ địa hoặc tiếp xúc với các dị nguyên ngoài môi trường.
  • Mề đay: Thông thường, nếu đi giày dép chật, đeo găng tay trong thời gian dài gây bí bách, chân tay tiếp xúc với bụi bẩn, mủ cao su, hóa chất hoặc cách dị nguyên khác khiến da kích ứng, nổi mẩn đỏ mề đay.
  • Viêm nang lông: Tình trạng này do vi khuẩn, nấm tấn công vào nang lông gây sần ngứa và mẩn đỏ trên da, biểu hiện rõ nhất trong những người thời tiết nóng ẩm hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường nhiều bụi bẩn.
  • Bệnh lupus ban đỏ: Đây là bệnh tự miễn mạn tính, do hệ thống miễn dịch của của cơ thể bị nhầm lẫn và tấn công vào các tế bào - mô khỏe mạnh. Triệu chứng của bệnh là nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, sưng tấy tại khắp cơ thể, trong đó có chân tay.
  • Bệnh vảy nến: Vảy nến tại chân tay sẽ khiến da bong tróc, đóng thành từng lớp vảy dày, sưng đỏ, ngứa ngáy, nứt nẻ khó chịu.

noi-man-do-ngua-o-chan-tay
Nhiều bệnh da liễu gây nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay

Bệnh trong cơ thể

Ngoài bệnh da liễu, nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý bên trong cơ thể.

  • Bệnh về gan: Bao gồm viêm gan, xơ gan, gan ứ mật,... sẽ khiến chất độc tích tụ trong máu và kích phát ra ngoài với biểu hiện ngứa ngáy, mẩn đỏ da, khô da, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi.
  • Tiểu đường: Bệnh gây tổn thương sợi thần kinh tại chân tay, động thời kích thích cơ thể tiết hàm lượng lớn cytokine gây viêm và ngứa da. Mức đường huyết quá cao trong cơ thể cũng gây khô da và ngứa ngáy khó chịu.
  • Bệnh viêm mạch: Thường xảy ra khi tuần hoàn máu bị tắc nghẽn, gây viêm mạch máu nhỏ và xuất huyết, từ đó hình thành nốt mẩn đỏ li ti tại chân và tay. Các nốt này có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc tập trung thành đám, làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, tim mạch.
  • Bệnh thận: Thận yếu, thận suy khiến chức năng lọc máu suy giảm, khiến độc tố trong máu không được đào thải. Các chất này tích tụ trong cơ thể và kích phát triệu chứng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay và khắp người.

Những nguyên nhân khác

Tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay còn có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác như:

  • Da khô: Khi cơ thể thiếu nước hoặc vào mùa đông, da chân tay thường bị khô ráp, thiếu độ ẩm dẫn đến ngứa ngáy, bong tróc, nổi mẩn đỏ.
  • Cạo lông sai cách: Nhiều người cạo lông chân, lông tay sai cách gây tình trạng lông mọc ngược hoặc khiến lỗ chân lông tổn thương, điều này sẽ khiến da tại chân tay bị nổi mẩn  đỏ ngứa.
  • Dị ứng mỹ phẩm: Khi sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với da hoặc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, thành phần chứa các hoạt chất gây hại như paraben sẽ khiến da bị kích ứng nổi mẩn ngứa.
  • Côn trùng cắn: Khi bị các loại côn trùng như rệp, muỗi, sâu róm, ong,... tấn công tại chân tay hay bất cứ vùng da nào trên cơ thể sẽ hình thành sần ngứa, đỏ viêm, thậm chí sưng tấy.
  • Dị ứng thuốc: Các loại thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, thuốc hóa trị,... tiềm ẩn một số tác dụng phụ, trong đó có dị ứng mẩn ngứa.
  • Rối loạn nội tiết: Trong thời kỳ mang thai, chu kỳ kinh nguyệt, áp lực căng thẳng kéo dài, tiền mãn kinh khiến nội tiết tố trong cơ thể bị rối loạn. Điều này cũng kích thích phản ứng nổi mề đay ngứa ngáy ngoài da.

noi-man-do-ngua-o-chan-tay
Nổi mẩn đỏ ngứa có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh bên trong cơ thể

Nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay nguy hiểm không? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Theo phân tích từ chuyên gia Da liễu, tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách khiến bệnh kéo dài hoặc tái phát liên tục sẽ dẫn đến những biến chứng như:

  • Nhiễm trùng da, bội nhiễm da: Khi da bị ngứa, người bệnh có thói quen gãi nhiều sẽ khiến da tổn thương, xuất hiện vết thương hở tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, virus tấn công gây nhiễm trùng, bội nhiễm.
  • Nhiễm trùng máu: Nếu bội nhiễm da kéo dài, không được điều trị, vi khuẩn, virus và nấm sẽ tấn công vào máu gây nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng.
  • Hoại tử da: Cấu trúc da tổn thương nghiêm trọng sẽ khó phục hồi như ban đầu, nhiều trường hợp không chăm sóc đúng cách khiến vùng da này bị hoại tử, để lại sẹo kém thẩm mỹ, thậm chí phải loại bỏ phần da bị hoại tử này.

Vậy nên, để tránh những biến chứng không mong muốn, chuyên gia khuyến nghị người bệnh cần đi thăm khám bác sĩ khi có những dấu hiệu dưới đây:

  • Nốt mẩn đỏ ở chân tay lan rộng khắp cơ thể.
  • Ngứa ngáy chân tay dữ dội khiến người bệnh mất ngủ, căng thẳng thần kinh.
  • Xuất hiện mụn nước, mụn đỏ, mụn bọc trên các vùng da tại chân tay.
  • Có dấu hiệu sưng tấy, viêm nhiễm, lở loét nhiễm trùng.
  • Cơ thể xuất hiện một số triệu chứng bất thường khác như vàng da, nước tiểu sẫm, mệt mỏi,...

noi-man-do-ngua-o-chan-tay
Thăm khám bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường

Chẩn đoán nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay chuẩn xác

Để biết được chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành quá trình chẩn đoán như sau:

Chẩn đoán lâm sàng:

  • Bác sĩ trao đổi với bệnh nhân về tiền sử bệnh lý, triệu chứng đang gặp, các loại thuốc đang sử dụng và yếu tố môi trường sống xung quanh.
  • Bác sĩ kiểm tra vết nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay để xác định mức độ nghiêm trọng, đồng thời xem xét các dấu hiệu sức khỏe bất thường khác.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm xác định nguyên nhân tiềm ẩn gây nổi mẩn đỏ ngứa da như dị ứng, nhiễm trùng hay các bệnh lý tự miễn khác.
  • Sinh thiết da: Soi mẫu da dưới kính hiển vi sẽ giúp xác định nguyên nhân của mẩn ngứa chuẩn xác.
  • Cạo da: Phương pháp này có tác dụng xác định nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ ngứa có phải do ký sinh trùng không.
  • Nuôi cấy da: Nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh có phải do vi khuẩn hoặc nấm không.

Thông qua kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể xác định được tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay xuất phát do đâu, mức độ hiện tại thế nào để có hướng điều trị phù hợp.

Cách điều trị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay

Có nhiều phương pháp điều trị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy ở chân tay. Tùy vào từng tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ hiệu quả.

Mẹo dân gian

Đây là phương pháp được áp dụng trong trường hợp mẩn ngứa chân tay mức độ nhẹ. Các mẹo sử dụng nguyên liệu có sẵn tự nhiên, đảm bảo lành tính và tiết kiệm chi phí.

  • Vệ sinh bằng nước muối: Sử dụng muối trắng hòa cùng nước ấm để ngâm rửa chân tay. Phương pháp này giúp làm sạch da và lưu thông khí huyết, nhờ đó giảm cảm giác mẩn ngứa tại chân tay.
  • Chườm đá: Người bệnh bọc 3 - 5 viên đá lạnh trong khăn mỏng sạch, sau đó chườm lên vùng da đang bị mẩn ngứa. Thời gian chườm khoảng 5 - 10 phút, mỗi ngày thực hiện 2 lần để hiệu quả đạt tốt nhất.
  • Nha đam: Lấy 1 nhánh nha đam rửa sạch, cắt bỏ vỏ chỉ lấy phần thịt trắng bên trong. Thoa trực tiếp phần thịt trắng này lên vùng chân tay đang bị mẩn đỏ, sau đó nhẹ nhàng massage để tinh chất từ gel thấm sâu vào hạ bì, giảm ngứa nhanh hơn. Sau khoảng 10 phút rửa lại chân tay với nước.
  • Gừng: Chuẩn bị 3 lát gừng tươi cho vào ấm, thêm 500ml nước và đun sôi. Chắt nước ra cốc, đợi nguội bớt thì thêm ½ thìa mật ong vào, khuấy đều rồi uống khi còn ấm. Chuyên gia khuyến nghị mỗi ngày nên uống 1 cốc nước gừng mật ong, sau 5 - 7 ngày sẽ thấy triệu chứng mẩn đỏ giảm bớt.
  • Lá hẹ: Rửa sạch 1 nắm lá hẹ, nên ngâm nước muối trong 10 phút để loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn. Đem sao nóng lá hẹ rồi cho vào túi chườm để chườm lên vị trí mẩn ngứa trên chân.

Phương pháp dùng mẹo dân gian được bác sĩ khuyến khích áp dụng cho trường hợp mẩn ngứa nhẹ, mới khởi phát. Đối với trường hợp nặng sẽ cần điều trị bằng phương pháp chuyên sâu hơn.

noi-man-do-ngua-o-chan-tay
Nha đam giúp giảm ngứa ngáy hiệu quả

Thuốc Tây y

Đa phần các trường hợp bị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay sau khi thăm khám sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc Tây y trị bệnh.

  • Thuốc chống ngứa tại chỗ: Các loại thuốc có thành phần chứa petrolatum và kem steroid sẽ giúp làm mềm da, giảm ngứa cục bộ.
  • Thuốc kháng Histamin H1: Điển hình như Promethazin, Loratadine, Cetirizine,... giúp giảm mẩn đỏ, ngứa ngáy, hỗ trợ chống viêm tiêu sưng.
  • Thuốc kháng sinh: Sử dụng phổ biến là Aczone có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng, bội nhiễm trên vùng da bị bệnh.
  • Thuốc corticoid: Loại thuốc này được chỉ định trong trường hợp mẩn đỏ ngứa ở chân tay mức độ nặng và vùng tổn thương lan rộng.
  • Kem dưỡng ẩm: Bao gồm Aderma, Eucerin, Vaseline, Bioderma,... giúp làm dịu da, giảm kích ứng ngứa ngáy, đồng thời dưỡng ẩm, giúp da khỏe mạnh và nhanh phục hồi.

Thuốc Tây y mang đến hiệu quả nhanh chóng, lại rất tiện lợi nên được ưu tiên lựa chọn trong điều trị nổi mẩn đỏ. Tuy nhiên, do dược tính cao nên các loại thuốc này tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.

noi-man-do-ngua-o-chan-tay
Thuốc Tây y mang đến hiệu quả giảm ngứa nhanh chóng

Thuốc Đông y chữa nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay

Trong Đông y có nhiều bài thuốc chữa trị nổi mẩn ngứa ở chân tay như:

Bài thuốc 1

  • Chuẩn bị dược liệu: 20g ngải diệp, 18g đương quy,  20g xà sàng tử, 15g phòng phong, 30g khổ sâm, 18g kinh giới, 14g bạch liên bì.
  • Cách thực hiện: Cho các dược liệu đã chuẩn bị vào ấm, thêm 2.5 lít nước và đun nhỏ lửa. Đợi khi sôi sẽ chắt ra lọc lấy nước, pha nước này cùng 500ml nước mát để giảm nhiệt phù hợp cơ thể và dùng ngâm rửa chân tay.

Bài thuốc 2

  • Chuẩn bị dược liệu: 15g sinh địa, 12g thạch hộc, 15g mạch môn, 6g ngũ vị tử, 10g sơn thù nhục, 15g đương quy, 15g bạch tật lê, 10g huyền sâm, 10g kỷ tử, 15g ích mẫu thảo, 10g táo nhân (sao đen).
  • Cách thực hiện: Cho dược liệu vào ấm, sắc cùng 1 lít nước đến khi sôi thì chắt ra cốc uống trong ngày.

Bài thuốc 3

  • Chuẩn bị dược liệu: 6g long đảm thảo, 6g sài hồ, 10g chi tử (dành dành), 10g vỏ núc nác, 15g xa tiền tử, 10g trạch tả, 20g ý dĩ nhân, 15g thổ phục linh, 6g cam thảo.
  • Cách thực hiện: Cho các dược liệu với định lượng đã chuẩn bị vào nồi, thêm 1 lít nước và sắc đến khi cạn còn 500ml thì chắt ra cốc để uống.

Bài thuốc 4

  • Chuẩn bị dược liệu: 14g phòng phong, 25g sinh địa hoàng, 30g thổ phục linh, 8g cam thảo, 12g ý dĩ, 22g bạch tiêu bì, 10g thuyền thoái, 20g sinh thạch cao, 20g vỏ bí đao, 12g kinh giới.
  • Cách thực hiện: Sắc thang thuốc trên với 1.5 lít nước. Đun lửa nhỏ đến khi còn 250ml nước thì tắt bếp. Chắt nước thuốc bỏ bã, chia thành 3 phần uống sáng - trưa - chiều.

noi-man-do-ngua-o-chan-tay
Trong Đông y có nhiều bài thuốc chữa trị nổi mẩn ngứa ở chân tay

Lưu ý phòng ngừa nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay

Chuyên gia hướng dẫn cách phòng ngừa nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay như sau:

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt các vị trí dễ bám mồ hôi, bụi bẩn như kẽ chân, kẽ tay, lòng bàn chân, lòng bàn tay,...
  • Lựa chọn các sản phẩm sữa tắm, xà bông, bột giặt, nước xả vải có thành phần lành tính nhằm ngăn ngừa tình trạng kích ứng da gây ngứa ngáy.
  • Sau khi tắm nên dùng kem dưỡng ẩm cho chân tay để cân bằng độ ẩm, tránh tình trạng khô da sẽ gây mẩn ngứa, bong tróc cho da.
  • Giữ cho chân khô thoáng, cần vệ sinh giày và tất thường xuyên để loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn, vi khuẩn nấm ngứa tích tụ.
  • Nếu da đang bị mẩn đỏ và ngứa ngáy, không nên chà sát lên vùng da này để tránh tổn thương lan rộng và gây trầy xước da.
  • Bổ sung thêm vitamin, khoáng chất và chất xơ từ trái cây, rau xanh nhằm nâng cao đề kháng, tăng cường sức khỏe cho cơ thể và làn da, ngăn ngừa các bệnh gây triệu chứng da liễu này.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm có tính cay, nóng, các đồ uống chứa chất kích thích (rượu, bia hoặc cà phê,...) bởi sẽ khiến suy giảm hệ thống miễn dịch và kích phát các triệu chứng bệnh về da như vảy nến, viêm da dị ứng, lupus ban đỏ,...
  • Hạn chế tình trạng nhổ, cạo lông chân lông tay. Nếu có nhu cầu này, bạn nên đến spa uy tín để chuyên viên thực hiện đúng cách.
  • Lựa chọn các loại quần, váy hoặc tất làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi để tránh làm bít tắc lỗ chân lông.
  • Nếu có tiền sử bệnh da liễu hoặc bệnh về gan thận, bạn cần thăm khám thường xuyên và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Kết luận

Trên đây là những thông tin chi tiết liên quan đến triệu chứng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân tay mà nhiều người gặp phải hiện nay. Đây có thể chỉ là tình trạng da kích ứng thông thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sự bất thường của sức khỏe. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để được kiểm tra và điều trị kịp thời.


Top địa chỉ phòng khám Nổi Mẩn Đỏ Ngứa Ở Chân Tay


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan
Bài viết liên quan