Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan là một bệnh lý trong lâm sàng có diễn biến kéo dài, có thể dẫn tới nhiều di chứng thần kinh nghiêm trọng khác hoặc thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Việc nhận biết và điều trị đúng cách bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan sẽ giúp làm giảm các biến chứng nguy hiểm và đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.

Bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan là gì?

Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan là căn bệnh khi dịch não tủy có > 10 bạch cầu ái toan/mm3 và/hoặc số bạch cầu ái toan > 10% số bạch cầu trong dịch não tủy.

Bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan thường có liên quan đến nấm Coccidioido, ấu trùng của các loài giun sán như giun phổi chuột Angiostrongilus cantonensis, giun đũa chó Toxocara canis, giun gai Gnathostoma spinigerum và một số loại giun khác.

Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do các loại ấu trùng giun sán gây ra
Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do các loại ấu trùng giun sán gây ra

Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do những nguyên nhân này thường có diễn biến kéo dài, mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ phụ thuộc vào lượng ấu trùng có trong cơ thể. Bạch cầu ái toan có thể chỉ xuất hiện thoáng qua trong dịch não tủy hoặc trong máu, nên việc chẩn đoán đặc hiệu thường gặp nhiều khó khăn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới tử vong hoặc di chứng thần kinh nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan

Bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan chủ yếu do các ấu trùng của loài giun sán gây nên. Cụ thể như:

  • Giun phổi chuột Angiostrongilus cantonensis

Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Lí do người bệnh bị nhiễm A. cantonensis là do ăn phải các loại rau hoặc thức ăn chưa được nấu chín kỹ có chứa ấu trùng giun. Khi đã ký sinh vào cơ thể người, ấu trùng A. cantonensis sẽ xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương gây viêm nhiễm, xuất huyết, hoại tử và hình thành các u hạt quanh ấu trùng giun trong tổ chức não.

  • Các loại giun sán khác

Một số loại giun sán khác có khả năng gây viêm màng não tăng bạch cầu ái toan như: Toxocara canis (giun đũa chó), Gnathostoma spinigerum (giun gai), Trichinella spiralis (giun xoắn), Taenia solium (sán lợn),… Người nhiễm những loại giun sán này thường là do ăn phải các loại thức ăn có chứa ấu trùng chưa được nấu chín hoặc có thể nhiễm bệnh trực tiếp từ môi trường. Những ấu trùng này có thể xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, gây xuất huyết, hoại tử và phản ứng viêm.

Ăn ốc sên sống, ốc sên chưa được nấu chín kỹ sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm giun sán
Ăn ốc sên sống, ốc sên chưa được nấu chín kỹ sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm giun sán
  • Nguyên nhân khác

Trường hợp người bệnh bị tăng bạch cầu ái toan trong dịch não tủy mà không phải do nhiễm trùng có thể do sử dụng thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh hệ thần kinh trung ương, dẫn lưu não thất, dị ứng thuốc, bệnh máu ác tính, bệnh Hodgkin hoặc một số u ác tính khác.

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Việc chẩn đoán bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của người bệnh. Cụ thể như sau:

Triệu chứng lâm sàng

Người bệnh bị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan sẽ có những triệu chứng lâm sàng như:

  • Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài từ 6-30 ngày, trung bình rơi vào khoảng 1-2 tuần đối với người bị nhiễm A. cantonensis.
  • Triệu chứng của bệnh thường khởi phát hoặc bán cấp.
  • Người bệnh có dấu hiệu đau đầu, nôn, buồn nôn, rối loạn cảm giác, có thể bị sốt hoặc không.
  • Dấu hiệu màng não ngày càng trở nên rõ ràng.
  • Khi bệnh diễn biến ở giai đoạn nghiêm trọng có thể gặp phải tình trạng rối loạn tinh thần và tổn thương tinh thần khu trú.
  • Người bị nhiễm ấu trùng giun gai có thể xuất hiện tình trạng phù mặt và chi, đau dọc các dây thần kinh, rối loạn cảm giác và rối loạn vận động tại những nơi có ấu trùng cư trú. Sự xâm nhập của ấu trùng vào mắt có thể gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng dẫn đến mù lòa.
  • Tổn thương mắt có thể gặp trong trường hợp người bệnh bị nhiễm ấu trùng giun chó, ấu trùng sán lợn. Trong đó, ấu trùng sán lợn thường xuất hiện kèm với nang sán ở dưới da, trong cơ và các cơ quan nội tạng khác.
  • Trường hợp người bệnh bị nhiễm giun xoắn T. spiralis thường đi kèm với những cơn đau cứng cơ, đau toàn thân hoặc bị phù tứ chi.
Người bệnh bị đau đầu, nôn, buồn nôn, có thể sốt hoặc không
Người bệnh bị đau đầu, nôn, buồn nôn, có thể sốt hoặc không

Cận lâm sàng

Xét nghiệm cận lâm sàng sẽ giúp phát hiện các vấn đề như:

  • Xét nghiệm thấy dịch não tủy trong, áp lực tăng.
  • Sinh hóa dịch não tủy thấy protein tăng, hàm lượng glucose bình thường, một số trường hợp có thể tăng hoặc giảm nhưng không đáng kể.
  • Tăng bạch cầu ái toan trong dịch não tủy hoặc trong máu ngoại vi. Tỷ lệ bạch cầu ái toan thường tăng > 10% nhưng cũng có thể hoàn toàn bình thường.
  • Số lượng bạch cầu dịch não tủy dao động từ 20-5000 tế bào/mm3, bạch cầu ái toan > 10%.
  • Chẩn đoán không phụ thuộc vào việc xác định tác nhân gây bệnh bởi ấu trùng A. cantonensis gần như không được tìm thấy trong dịch não tủy.
  • Cộng hưởng từ giúp gợi ý chẩn đoán, có dấu lấm chấm bất thường trong bán cầu não và tiểu não, tăng tín hiệu trên T2W.
  • Enzyme miễn dịch (ELISA) thử nghiệm có tác dụng trong xác định chẩn đoán.

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan cần được chẩn đoán phân biệt với một số căn bệnh như sau:

Viêm màng não mủ do vi khuẩn

  • Bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn thường khởi phát một cách đột ngột.
  • Người bệnh sẽ có các biểu hiện như: Sốt cao, rối loạn tinh thần, dịch não tủy thay đổi (protein tăng, glucose hạ)
  • Số lượng bạch cầu đa nhân trung tính tăng rất cao trong cả dịch não tủy và máu ngoại vi.
  • Số lượng và tỷ lệ bạch cầu ái toan lại không tăng trong cả dịch não tủy và máu ngoại vi.
  • Vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ có thể được xác định thông qua nhuộm soi dịch não tủy, nuôi cấy dịch não tủy và máu.
Cần cần đoán phân biệt bênh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan với bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn
Cần cần đoán phân biệt bênh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan với bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn

Viêm màng não do virus

  • Bệnh có thể khởi phát một cách đột ngột hoặc bán cấp.
  • Người bệnh thường xuất hiện triệu chứng sốt, các dấu màng não có thể rõ ràng hoặc không rõ ràng, thần kinh khu trú bị tổn thương (trường hợp này khá hiếm gặp).
  • Dịch não tủy tăng nhẹ protein, tăng tế bào, chủ yếu là bạch cầu đơn nhân.
  • Số lượng và tỷ lệ bạch cầu ái toan không tăng cả ở trong dịch não tủy và máu ngoại vi.

Lao màng não

  • Căn bệnh này thường khởi phát một cách từ từ. Người bệnh sẽ có các triệu chứng lâm sàng như đau đầu, sốt tăng dần.
  • Các dấu màng não thường xuất hiện không rõ ràng, các dấu thần kinh khu trú xuất hiện muộn sau 2-3 tuần phát bệnh.
  • Các biến loạn dịch não tủy bao gồm tăng protein, giảm đường, giảm chlor, tăng tế bào lympho và trung tính hỗn hợp.
  • Số lượng và tỷ lệ bạch cầu ái toan không tăng trong cả dịch não tủy và máu ngoại vi.
  • Các tổn thương nhìn thấy trên chụp cắt lớp CT scan và chụp cộng hưởng từ MRI sọ não là các ổ nhồi máu trong nhu mô não.
  • Vi khuẩn lao có thể được xác định thông qua nhuộm kiềm toan, PCR-BIC hoặc nuôi cấy MGIT.

Bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus neoformans

  • Tình trạng này chủ yếu gặp ở những người bị nhiễm HIV hoặc có bệnh lý suy giảm miễn dịch.
  • Bệnh thường diễn biến kéo dài, dịch não tủy biến loạn nhẹ hoặc không có sự thay đổi.
  • Số lượng và tỷ lệ bạch cầu ái toan không tăng trong cả dịch não tủy và máu ngoại vi.
  • Nấm c. neoformans gây bệnh viêm màng não có thể được phát hiện qua nhuộm soi dịch não tủy bằng mực tàu và nuôi cấy.
Bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus neoformans
Bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus neoformans

Ngoài ra, bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan cũng có thể được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh nội khoa khác như: Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh bạch cầu,… Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt, có biểu hiện màng não và biến loạn dịch não tủy. Có thể phân biệt biểu hiện màng não trong các bệnh lý này với bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan trên cơ sở các biểu hiện tiềm tàng của bệnh nội khoa, và tình trạng không tăng bạch cầu ái toan trong xét nghiệm dịch não tủy và máu ngoại vi.

Chẩn đoán nguyên nhân

Chẩn đoán nguyên nhân giúp các bác sĩ sớm phát hiện bệnh viêm màng não tăng bạch cầu là do những tác nhân nào gây ra, từ đó tìm ra hướng điều trị thích hơp:

  • Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan được chẩn đoán chủ yếu trên cơ sở tăng bạch cầu ái toan trong dịch não tủy và trong máu ngoại vi.
  • Những người có thói quen sử dụng các loại thức ăn như ốc sên, tôm, ếch,… chưa được nấu chín thường là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, rất ít khi có thể khai thác được từ những bệnh nhân này bởi các xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu hiện nay rất khó tiếp cận.
  • Ấu trùng A cantonensis rất hiếm khi được tìm thấy trong dịch não tủy. Chụp cộng hưởng từ sọ não trong các trường hợp nhiễm A. cantonensis nghiêm trọng có thể thấy hình ảnh tổn thương màng não, các tổn thương dưới vỏ; tăng tín hiệu trên T2 ở vùng dưới vỏ và rìa não thất.
  • Xét nghiệm bằng phương pháp Western blot cho thấy kháng thể có đáp ứng với kháng nguyên 31 kDa của A. cantonensis. Tuy nhiên xét nghiệm này hiện chưa có tại Việt Nam.
  • Người bị nhiễm ấu trùng sán lợn khi chụp chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ sẽ cho hình ảnh các kén sán trong tổ chức não rõ nét trên phim.
  • Xét nghiệm huyết thanh học ngưng kết hồng cầu gián tiếp trong dịch não tủy và ELISA trong huyết thanh có thể sử dụng để khẳng định chẩn đoán.
  • Nhiễm ấu trùng giun đũa chó có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm tìm ấu trùng trong mô bị tổn thương.
    Xét nghiệm ELISA dùng sản phẩm từ ấu trùng T. canis có thể sử dụng để khẳng định chẩn đoán.
  • Nhiễm giun xoắn có thể được khẳng định bằng sinh thiết cơ và xét nghiệm mô bệnh học tìm giun trong tổ chức cơ vân.

Phác đồ điều trị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan

Điều trị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan chủ yếu nhằm mục đích chống viêm và làm giảm các triệu chứng của bệnh, việc điều trị căn nguyên gốc rễ của bệnh ít có tác dụng.

Điều trị triệu chứng

  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống nôn, hạ sốt, an thần, tương tự như các bệnh viêm màng não hay bệnh nhiễm trùng khác.
  • Chọc dò và dẫn lưu dịch não tủy để giảm áp lực nội sọ giúp cải thiện các triệu chứng lâm sàng.

Điều trị bằng thuốc steroid

  • Thuốc steroid được chỉ định cho các trường hợp viêm màng não nghiêm trọng. Các thuốc steroid có tác dụng giúp cải thiện các triệu chứng như đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn.
  • Liều prednisolon phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, giảm dần liều lượng trong vòng 2 tuần.
  • Trường hợp tái phát sau khi ngừng sử dụng steroid có thể cần điều trị nhắc lại bằng một đợt mới.
  • Bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn được chỉ định sử dụng steroid để ngăn ngừa phản ứng viêm do ấu trùng bị chết khi sau khi dùng các thuốc chống ấu trùng như praziquantel hoặc albendazol.
Thuốc steroid được chỉ định cho các trường hợp viêm màng não nghiêm trọng
Thuốc steroid được chỉ định cho các trường hợp viêm màng não nghiêm trọng

Điều trị bằng thuốc chống giun sán

  • Các loại thuốc chống giun sán có thể sử dụng trong điều trị bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan bao gồm các loại như: Albendazol, mebendazol, thiabendazol, levamizol, diethylcarbamazin và một số loại thuốc khác.
  • Albendazol với liều lượng 400mg nên uống 2 lần/ngày, liên tiếp trong vòng 10-14 ngày. Tuy nhiên, những loại thuốc này ít hoặc không có tác dụng đối với các ấu trùng đã xâm nhập vào tổ chức não.
  • Đối với tình trạng nhiễm ấu trùng giun gai, có thể điều trị bằng Abendazol 400 mg, uống 2 lần/ngày, liên tiếp trong 21 ngày. Hoặc sử dụng Ivermectin, uống 200 mcg/kg/ngày, chỉ dùng trong 2 ngày.

Người bệnh sau khi áp dụng phác đồ điều trị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan bằng thuốc chống viêm và thuốc chống giun sán sẽ được cải thiện nhanh chóng các triệu chứng lâm sàng như: Giảm sốt, giảm đau đầu; dịch não tủy cải thiện, giảm protein và tế bào. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể tái phát khi người bệnh giảm liều lượng hoặc ngưng sử dụng corticoid. Khi đó, người bệnh cần được chỉ định lại điều trị chống viêm và giảm đau.

Một số người bệnh bị viêm màng não nặng có thể gặp phải các biến chứng thần kinh. Tuy nhiên các di chứng này có thể phục hồi dần sau khi điều trị khỏi bệnh. Trường hợp người bệnh bị nhiễm ấu trùng giun gai có thể để lại di chứng vĩnh viễn do bị tổn thương não quá nghiêm trọng.

Cách phòng bệnh hiệu quả tại nhà

Bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan chủ yếu do ấu trùng gây bệnh, dưới đây là các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này mà bạn không nên bỏ qua:

  • Bệnh viêm màng não có thể được phòng ngừa bằng cách ăn chín uống sôi, nhất là với những loại thức ăn có khả năng mang mầm bệnh cao như: Ốc sên, ếch, tôm, cua, các loại rau mọc ở mương, cống rãnh, nơi có nhiều ốc sên và chuột.
  • Nên giữ vệ sinh môi trường sống, tránh để các loại phân động vật xuất hiện trong khu vực sống của con người.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ, sau khi chơi đùa với thú cưng,…
  • Giữ vệ sinh cá nhân, cắt móng tay, móng chân sạch sẽ, hạn chế đi chân đất.
  • Tẩy giun định kỳ cho cả người và động vật nuôi trong nhà.

Phác đồ điều trị bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan trên đây hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về căn bệnh này. Bên cạnh việc phòng bệnh nghiêm ngặt, khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chẩn đoán bệnh, tránh làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng.

Bài viết liên quan
meo-chua-roi-loan-tien-dinh
giam-tri-nho-sau-sinh
chua-suy-nhuoc-than-kinh-bang-dong-y
thuoc-chua-benh-mat-tri-nho-o-nguoi-gia