Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ Lê Phương | Nơi công tác: Nhất Nam Y Viện

Hiện nay bệnh trĩ xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau, tuy không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người mắc. Vì vậy việc thăm khám, chẩn đoán và tìm biện pháp điều trị phù hợp vô cùng cần thiết đối với người nghi ngờ mắc bệnh. Đồng hành cùng bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về các phương pháp và quy trình chẩn đoán bệnh trĩ.

Khi nào cần chẩn đoán bệnh trĩ?

Chẩn đoán bệnh trĩ là việc làm nhằm phát hiện, đánh giá và đưa ra những kết luận về tình trạng bệnh trĩ mà người bệnh đang mắc phải. Thông thường bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán, thăm khám ngay khi nghi ngờ bệnh nhân có hiện tượng trĩ.

Đối với người bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác ngay khi phát hiện mình có những biểu hiện, triệu chứng dưới đây:

  • Cảm giác đau rát vùng hậu môn, đặc biệt là khi đi đại tiện.
  • Ngứa hậu môn do có dịch nhầy từ hoạt động bài tiết còn đọng lại ở ống hậu môn.
  • Khi đi vệ sinh xuất hiện một ít máu do vỡ búi trĩ.
  • Vùng hậu môn bị sưng tấy và đỏ ửng.
  • Có hiện tượng thấy cộm, vướng víu ở hậu môn.
  • Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược do bị mất máu.
Chẩn đoán bệnh trĩ là việc làm cần thiết khi có những biểu hiện bất thường
Chẩn đoán bệnh trĩ là việc làm cần thiết khi có những biểu hiện bất thường

Chẩn đoán bệnh trĩ là việc làm cần thiết để bác sĩ xác định chính xác tình trạng cũng như mức độ mà bạn đang gặp phải, từ đó đưa ra chỉ định điều trị và lời khuyên phù hợp. Chẩn đoán bệnh càng sớm, khả năng chữa khỏi càng cao và thời gian chữa nhanh. Ngược lại, nếu bạn chủ quan, e ngại không thăm khám bác sĩ sẽ khiến bệnh diễn biến nặng hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống, thậm chí có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Phương pháp chẩn đoán bệnh trĩ

Để chẩn đoán bệnh trĩ một cách chính xác nhất, hỗ trợ cho quá trình điều trị về sau, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán cận lâm sàng, lâm sàng và chẩn đoán phân biệt.

Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng là bước đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành để kiểm tra tình trạng bệnh, mức độ nghiêm trọng, tổn thương hay loại trĩ bạn đang gặp. Thông thường, bệnh nhân được chỉ định cởi bỏ đồ và nằm trên giường bệnh để bác sĩ trực tiếp thăm khám. Mỗi đối tượng khác nhau, tư thế nằm khám sẽ khác nhau:

  • Đối với nữ giới: Nằm nghiêng, hơi cong lưng, cho hai chân đan xen vào nhau và đầu hơi gập xuống. Bệnh nhân giữ tư thế này và quay lưng về phía bác sĩ để thuận tiện trong quá trình thăm khám và giúp người bệnh thoải mái hơn.
  • Đối với nam giới: Nằm ngửa, dùng 2 tay ôm 2 đầu gối và dùng khăn để che đi bộ phận nhạy cảm.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ quan sát trực tiếp bằng mắt thường, đồng thời dùng tay để sờ xung quanh vùng hậu môn. Việc làm này giúp bác sĩ xác định được mức độ tổn thương ở hậu môn, có vết nứt hay hiện tượng sa trực tràng hay không. Sau đó dùng ngón tay trỏ để cho vào lỗ hậu môn để kiểm tra thêm một lần nữa.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Dựa vào kết quả khám lâm sàng sơ bộ, bác sĩ sẽ đưa ra một số kết luận ban đầu về loại trĩ của bệnh nhân, sau đó chỉ định phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp để xác định chính xác tình trạng bệnh

Xét nghiệm máu

Một trong những biểu hiện thường thấy của bệnh trĩ đó là đi ngoài ra máu. Nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu máu. Do đó tiến hành xét nghiệm máu sẽ dễ dàng phát hiện liệu bệnh nhân có đang bị bệnh trĩ hay không.

Bên cạnh đó, khi bị trĩ, người bệnh có thể bị nhiễm trùng hậu môn, làm tăng lượng bạch cầu trong máu. Vì vậy xét nghiệm máu cũng giúp ích nhiều trong việc đưa ra kết luận chính xác về tình trạng của bệnh nhân.

Nội soi hậu môn, đại tràng

Khi nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ dùng một ống mềm có gắn đèn và camera để đưa vào hậu môn, đến trực tràng. Thông qua camera, bác sĩ sẽ biết được chính xác tình trạng bệnh và những tổn thương bên trong đường ruột.

Nội soi hậu môn, đại tràng
Nội soi hậu môn, đại tràng

Phương pháp này thường áp dụng trong trường hợp bệnh trĩ nhẹ còn nếu bệnh đã ở giai đoạn nặng, không nên nội soi đại tràng. Nguyên nhân là bởi khi bị trĩ, vùng hậu môn rất dễ bị chảy máu. Nếu luồn ống soi từ hậu môn vào đường ruột khiến hậu môn bị tổn thương và có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Thông thường, việc nội soi đại tràng sẽ gây cảm giác thốn nhẹ vùng bụng dưới và có thể mắc cầu. Tuy nhiên một số người có mức chịu đau thấp hơn sẽ được bác sĩ gây mê trước khi nội soi để thuận lợi thực hiện mà không gây đau đớn.

Phương pháp nội soi đại tràng là một kỹ thuật dễ thực hiện, có chi phí tương đối thấp nhưng mang lại kết quả chẩn đoán chính xác nên được áp dụng phổ biến trong việc chẩn đoán bệnh trĩ.

Chẩn đoán phân biệt

Biểu hiện của bệnh trĩ thường là cảm giác đau rát, chảy máu khi đi đại tiện. Tuy nhiên các triệu chứng này khá giống với một số bệnh lý khác về đường ruột hay trực tràng. Vì vậy bác sĩ cần tiến hành các chẩn đoán phân biệt để khẳng định chắc chắn liệu bệnh nhân có đang bị bệnh trĩ hay gặp các vấn đề khác.

Ung thư bóng trực tràng và ung thư ống hậu môn

Khi bị tình trạng này, người bệnh thường có biểu hiện đi ngoài ra máu. Nếu thăm khám không đúng phương pháp hay đưa ra nhận định sai có thể gây nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán. Thông thường máu chảy khi bị ung thư không đỏ thắm mà đỏ lơ đờ kèm theo chất nhầy, máu trộn lẫn với phân. Rất nhiều trường hợp đi ngoài ra rất nhiều máu do máu chảy ra bị đọng lại trong lòng trực tràng, sau đó mới đi ra ngoài. Vậy nên thăm khám hậu môn trực tràng là kỹ thuật bắt buộc khi chẩn đoán bệnh trĩ.

Sa trực tràng

Những người bị sa trực tràng, khi đi đại tiện sẽ lòi trực tràng ra ở hậu môn. Tính chất của khối trực tràng sa này khác với búi trĩ sa. Khối sa trực tràng có hình thù đều đặn và được phủ bởi niêm mạc hồng tươi, ngay trên khối sa có những nếp niêm mạc hình vòng tròn đồng tâm với tâm là lỗ hậu môn. Chiều dài khối trực tràng sa có thể chỉ 1 – 2cm nhưng có thể lên đến 10 – 15 cm. Với kích thước này, khi người bệnh ngồi xổm, khối sa có thể chạm mặt giường, ngược lại, khối sa của búi trĩ chỉ tối đa 1 cm.

Bệnh trĩ thường bị nhầm với bệnh sa trực tràng
Bệnh trĩ thường bị nhầm với bệnh sa trực tràng

Polyp hậu môn trực tràng, bệnh đa polyp đại trực tràng hay polyp đơn độc

Những chứng bệnh này đều có biểu hiện đại tiện ra máu. Polyp thường nằm ở phần thấp nhất của bóng trực tràng và ống của hậu môn, đặc biệt là khi có cuống dài. Những trường hợp này khi đi đại tiện có thể lòi ra bên ngoài hậu môn nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ. Vì vậy nếu có những biểu hiện nghi ngờ, bác sĩ cần tiến hành nội soi hậu môn trực tràng để chẩn đoán chính xác liệu bệnh nhân có bị trĩ hãy không.

Nứt kẽ hậu môn

Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm, thường có biểu hiện là những vết rách, nứt giống hình giọt nước ở phần niêm mạc hậu môn. Sau một thời gian, các vết nứt này ăn sâu vào trong sẽ gây chảy máu và tạo cảm giác đau đớn khi đi lại, nhất là khi đi đại tiện. Bệnh lý này thường dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ, tuy nhiên khi quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng phát hiện ra.

Rò hậu môn

Rò hậu môn thường phát triển khi áp xe chứa nhiều dịch mủ nhưng không được chữa trị kịp thời. Lúc này người bệnh xuất hiện một rãnh nhỏ thông từ niêm mạc ống hậu môn đến vùng da bên ngoài hậu môn.

Biểu hiện của bệnh rò hậu môn khá giống với triệu chứng bệnh trĩ như: Đại tiện ra máu, đau rát mỗi khi đi đại tiện hay sưng tấy vùng hậu môn. Vậy nên bác sĩ cần kiểm tra cẩn thận xem có lỗ rò không để phân biệt với bệnh trĩ.

Quy trình chẩn đoán bệnh trĩ

Quy trình chẩn đoán bệnh trĩ gồm các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Thăm khám sơ bộ ban đầu

Để nắm rõ tình hình của bệnh nhân cũng như có thể đưa ra những kết luận sơ bộ cho các bước chẩn đoán bệnh tiếp theo, bác sĩ sẽ bắt đầu với những câu hỏi liên quan đến các vấn đề như:

  • Thói quen ăn uống, sinh hoạt.
  • Tiền sử bệnh hoặc gia đình có người mắc bệnh.
  • Những loại thuốc bạn đang sử dụng hoặc đã dùng gần đây.
  • Quá trình đi đại tiện, thời gian đi và những vấn đề gặp phải khi đi đại tiện.
  • Những triệu chứng nghi ngờ bị bệnh trĩ.

Lúc này khi trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân cần phối hợp trả lời trung thực, không được che giấu bất kỳ vấn đề gì về bệnh để đảm bảo kết quả thăm khám chính xác. Sự tương tác với bệnh nhân sẽ giúp bác sĩ nắm rõ tình hình hiện tại, nguyên nhân gây bệnh và mức độ của bệnh, từ đó dễ dàng đưa ra phương án điều trị thích hợp. Trong trường hợp có vấn đề thắc mắc hay chưa hiểu rõ, người bệnh có thể chủ động hỏi để bác sĩ giải đáp.

Bước 2: Thăm khám bên ngoài hậu môn

Sau khi nắm bắt được những thông tin ban đầu về tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ thăm khám bằng cách kiểm tra vùng bên ngoài hậu môn. Việc làm này giúp xác định chính xác các biểu hiện liên quan đến bệnh mà người bệnh đang gặp phải, có thể kể đến như:

  • Búi trĩ có dấu hiệu bị sa xuống.
  • Có các vết nứt ở hậu môn
  • Hậu môn có nhiều chất nhầy.
  • Vùng da hậu môn bị kích ứng.
  • Ở tĩnh mạch xuất hiện cục máu đông.
  • Có dấu hiệu sưng phồng, nổi cục ở hậu môn và rất dễ nhìn thấy bằng mắt thường.
Chẩn đoán bệnh trĩ - Thăm khám bên ngoài hậu môn
Chẩn đoán bệnh trĩ – Thăm khám bên ngoài hậu môn

Bước 3: Khám trực tràng

Đây là một trong các bước quan trọng trong chẩn đoán bệnh trĩ. Thông qua bước này, bác sĩ sẽ nắm rõ hơn về mức độ bệnh và tình trạng búi trĩ ở bệnh nhân.

Khi tiến hành khám trực tràng, nhiều người, đặc biệt là nữ giới sẽ cảm thấy e ngại, xấu hổ do phải cởi bỏ trang phục để thăm khám. Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng vì các bác sĩ khi thăm khám luôn tâm lý và nhẹ nhàng. Hãy giữ cho mình một tâm lý thoải mái để quá trình kiểm tra diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.

Quá trình khám trực tràng sẽ diễn ra như sau:

  • Bệnh nhân được yêu cầu cởi bỏ trang phục, sau đó mặc đồ của cơ sở y tế cung cấp.
  • Bác sĩ đeo găng tay đã bôi trơn và đưa một ngón tay vào trực tràng của bệnh nhân.
  • Bước này giúp bác sĩ kiểm tra cấu trúc bên trong hậu môn để phát hiện những bất thường nếu có.
  • Một số trường hợp khác, bác sĩ có thể kiểm tra, thăm khám bằng cách quan sát xem có máu hay chất nhầy dính ở găng tay hay không.

Nếu việc thăm khám trực tràng không cho kết quả khả quan hoặc chưa thể nhận định chính xác vấn đề bệnh nhân đang gặp phải, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm và phương pháp khám cận lâm sàng.

Bước 4: Chẩn đoán cận lâm sàng

Một số xét nghiệm hoặc phương pháp chẩn đoán khác giúp bác sĩ có kết quả chính xác về tình trạng của bệnh nhân bao gồm: Nội soi hậu môn, trực tràng hoặc xét nghiệm máu.

Ngoài ra, để tránh nhầm lẫn bệnh trĩ với các bệnh khác có cùng dấu hiệu, triệu chứng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ hơn những bộ phận nghi ngờ đang gặp vấn đề, từ đó khẳng định chính xác người bệnh có đang bị trĩ hay không.

Bước 5: Kết luận

Sau khi hoàn thành xong các bước thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán, sau đó tùy vào tình trạng bệnh, mức độ tổn thương để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Đồng thời người bệnh cũng được bác sĩ hướng dẫn cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách hợp lý để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị.

Sau khi hoàn thành xong các bước thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán
Sau khi hoàn thành xong các bước thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán

Những lưu ý khi khám bệnh

Bệnh trĩ không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vì vậy bạn cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, thăm khám ngay khi có những biểu hiện bất thường. Để quá trình chẩn đoán bệnh trĩ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và cho kết quả tốt, bạn nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Khi đi khám trĩ, bạn nên mặc quần áo rộng, thoải mái, thoáng mát. Tốt nhất nên dành thời gian đi khám vào buổi sáng để tránh chờ đợi lâu.
  • Nên nhịn ăn sáng khi khám bệnh trĩ để tránh trường hợp đau bụng trong quá trình thăm khám.
  • Khi được hỏi các câu hỏi liên quan đến bệnh, bạn hãy chia sẻ thành thật, trung thực, không nên che giấu để đảm bảo kết quả chẩn đoán, kiểm tra chính xác nhất.
  • Bạn có thể khám tại nhà để nhận biết sơ bộ triệu chứng của bệnh, sau đó cần phải đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và đưa ra kết luận đúng về tình trạng của bản thân.
  • Hậu môn trực tràng là vùng khá nhạy cảm, nếu không cẩn thận rất dễ nhiễm trùng, vì vậy khi có bất kỳ biểu hiện lạ nào, bạn không nên chủ quan mà hãy nhanh chóng đến các bệnh viện, phòng khám uy tín để kiểm tra và sớm có biện pháp điều trị phù hợp.
  • Người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, chỉ định về loại thuốc, liều lượng thuốc cần dùng, không tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều lượng.
  • Kết hợp dùng thuốc với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh để việc điều trị nhanh chóng đạt kết quả tốt.
  • Đối với trường hợp nặng bắt buộc phải cắt trĩ, bạn nên chuẩn bị tâm lý trước, đến bệnh viện đúng thời gian đã hẹn và thực hiện chăm sóc vết thương theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về quy trình, phương pháp chẩn đoán bệnh trĩ cho bạn đọc tham khảo. Có thể rất nhiều người còn e ngại và lo lắng khi đến bệnh viện để thăm khám trĩ, tuy nhiên bạn nên gạt bỏ những nỗi sợ hãi, chủ động trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Bài viết liên quan
trao-nguoc-da-day-o-tre-em-4-tuoi
Ăn ngô luộc cần đảm bảo liều lượng
chua-benh-tri-bang-toi
chua-viem-dai-trang-co-that-bang-thuoc-nam
thuoc-dieu-tri-viem-dai-trang-man-tinh