Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Bác sĩ CKI Đỗ Thanh Hà | Nơi công tác: Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Thuốc Dân Tộc

Viêm phần phụ là bệnh phụ khoa nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới. Thống kê y khoa cho thấy, khoảng ⅛ số bệnh nhân mắc viêm phần phụ bị vô sinh. Tuy nhiên nhiều chị em vẫn còn chữa rõ phần phụ nằm ở đâu, tình trạng viêm nhiễm này là như thế nào.

Bệnh viêm phần phụ là gì?

Viêm phần phụ là tình trạng viêm, nhiễm trùng tại các cơ quan sinh sản của nữ giới gồm: dây chằng rộng, buồng trứng, vòi trứng. Bệnh thường bắt nguồn từ viêm ở vòi trứng rồi lan ra xung quanh.

viem-phan-phu
Viêm phần phụ là viêm nhiễm tại buồng trứng, vòi trứng, dây chằng rộng

Viêm phần phụ do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh phát triển với hai hình thức viêm cấp tính và viêm mãn tính. Mỗi cấp độ có những biểu hiện cụ thể. Viêm phần phụ có thể khởi phát ở phần bên trái, bên phải hoặc toàn bộ phần phụ.

Viêm phần phụ cần điều trị nhanh chóng, bởi vì căn bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ phận quan trọng thực hiện chức năng sinh sản. Nếu không chữa trị tốt, căn bệnh này hoàn toàn có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Triệu chứng bệnh điển hình

Viêm phần phụ diễn tiến từ cấp đến mãn tính. Mỗi cấp độ sẽ có những triệu chứng cụ thể. Sau đây là những dấu hiệu có thể cảnh báo bệnh:

Triệu chứng viêm phần phụ cấp tính

  • Đau vùng bụng dưới rất đột ngột, đôi khi đau nhiều một bên, đau khi đi lại, sờ nắn bụng.
  • Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt tới sớm hoặc muộn hơn bình thường, thời gian hành kinh cũng có thể ngắn hoặc kéo dài với lượng máu bất thường.
  • Tiểu khó, tiểu không hết nước, tiểu buốt: Triệu chứng này xuất hiện do vi khuẩn ở phần phụ lan tới bàng quang, niệu quản. Khi đó bàng quang bị chèn ép, gây tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Sốt, ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn. Bệnh nhân có thể sốt cao tới 40 độ C, nhiệt độ tăng giảm bất thường.
  • Nhiều khí hư, khí hư có màu xanh, vàng hoặc lần mủ. Khí hư có dạng đặc kèm theo mùi tanh hôi.

viem-phan-phu
Đau bụng dưới kèm theo khí hư bất thường cảnh báo mắc viêm phần phụ

Triệu chứng viêm phần phụ mãn tính 

  • Khí hư không nhiều nhưng có mùi hôi, lẫn mủ và có thể kèm máu.
  • Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh
  • Đa phần không sốt hoặc sốt nhẹ
  • Đau vùng hạ vị, hố chậu nhiều, đau tăng khi phải hoạt động, đi lại. Đau trội hơn ở một bên.
  • Âm đạo xuất huyết bất thường
  • Kiểm tra tử cung sẽ thấy có khối u bên cạn, tử cung ít lay động, ấn vào thấy đau

Các triệu chứng viêm phần phụ thường dễ nhầm với viêm mủ bể thận, viêm ruột thừa, viêm đại tràng… Vì vậy người bệnh cần đến gặp bác sĩ để làm chẩn đoán phân biệt. Thông qua đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về phác đồ điều trị phù hợp.

Nguyên nhân và triệu chứng bệnh

Viêm phần phụ thường khởi phát do nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, bệnh lý này cũng có những triệu chứng bệnh đặc trưng tùy theo tình trạng viêm nhiễm, cụ thể như sau:

Nguyên nhân viêm phần phụ

Theo ghi nhận của nghiên cứu y khoa, viêm phần phụ khởi phát do sự tác động trực tiếp của nhiều loại vi khuẩn như: Lậu cầu, chlamydia trachomatis, Mycoplasmas hominis, vi khuẩn nhóm ái khí, nhóm yếm khí, kỵ khí…

Bên cạnh các tác nhân trực tiếp tác động, viêm phần phụ còn do những yếu tố nguy cơ khác như:

  • Nạo, phá thai: Thực hiện thủ thuật này nhiều lần và không an toàn sẽ làm tổn thương tử cung và dễ gây viêm nhiễm.
  • Tác động ngoại khoa: Thực hiện các can thiệp ngoại khoa vào vùng chậu nhưng không đảm bảo vô khuẩn khi tiến hành.
  • Biến chứng: Viêm phần phụ không điều trị sớm có nguy cơ dẫn đến các tình trạng bệnh phụ khoa như: Viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm cổ tử cung, viêm âm đạo kéo dài...
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ quá mạnh bạo dễ khiến tổn thương bên trong âm đạo. Do đó vi khuẩn dễ gây viêm nhiễm. Bên cạnh đó quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su sẽ dễ lây nhiễm mầm bệnh qua đường tình dục và gây viêm phần phụ.
  • Vệ sinh không tốt: Vệ sinh vùng kín không đúng cách tạo cơ hội cho hại khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
  • Ngồi nhiều, ít vận động: Ngồi quá lâu khiến các bộ phận ở vùng đáy chậu bị tê, khó lưu thông máu. Khi đó âm đạo bí bách, khó thải chất độc, dễ gây viêm nhiễm.
  • Mặc đồ lót quá chật: Quần lót bó sát khiến âm hộ, âm đạo bí, ẩm, tạo môi trường cho vi sinh vật hại phát triển mạnh.

Biến chứng viêm phần phụ thường gặp

Khi mắc phải căn bệnh phụ khoa này, người bệnh có thể đối diện với những biến chứng nguy hiểm nếu bệnh tiến triển đến mức trầm trọng:

  • Viêm phúc mạc đáy chậu: Biến chứng này xảy ra do viêm phần phụ không được điều trị đúng cách. Tình trạng viêm phúc mạc thường khu trú ở đáy chậu, nhiều khi viêm nặng có thể cần phải cấp cứu. Người bệnh có các triệu chứng như thành bụng co cứng, nhấn vào phần bụng phía trên rốn thấy mềm, âm đạo, trực tràng đau nhiều, có hiện tượng viêm dính hạ vị.
  • Áp xe phần phụ: Khi vòi trứng bị viêm nhưng không được phát hiện hoặc phát hiện nhưng chữa không tốt, các ổ áp xe sẽ hình thành.
  • Áp xe buồng trứng: Biến chứng này hiếm gặp hơn. Đây là hiện tượng khá giống tình trạng vòi tử cung ứ mủ. Người bệnh cần phải cắt bỏ buồng trứng nếu phát hiện biến chứng này.
  • Viêm tấy lan tỏa đáy chậu: Tình trạng nhiễm trùng phần phụ sẽ dễ gây ổ áp xe dưới phúc mạc. Ổ áp xe có thể lan xuống phía dưới tầng sinh môn hoặc lan lên cao hơn tại các dây chằng rộng. Người bệnh cần phẫu thuật dẫn lưu mủ.
  • Viêm phúc mạc toàn thể: Khi nhiễm trùng lan khỏi hố chậu, bệnh nhân sẽ bị viêm phúc mạc toàn thể với các triệu chứng nặng như nhiễm độc, sốt cao, phản ứng phúc mạc,..
  • Di chứng nặng nề: Viêm phần phụ có thể dẫn đến thai ngoài tử cung, đau vùng chậy kinh niên. Khi viêm nhiễm trở nên trầm trọng các biến chứng như tắc vòi tử cung hai bên, hình thành sẹo trong ống dẫn trứng, dính tua loa vòi… sẽ gây vô sinh.

viem-phan-phu
Viêm phần phụ dễ gây thai ngoài tử cung

Như vậy những chị em còn chưa rõ về viêm phần phụ có nguy hiểm không hãy cẩn trọng với căn bệnh này. Chị em cần sớm nhận biết nguyên nhân và triệu chứng bệnh để có biện pháp phòng tránh hoặc điều trị bệnh kịp thời.

Cách phòng tránh hiệu quả

Viêm phần phụ là bệnh lý nguy hiểm vì liên quan trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới. Vì vậy chị em nên chủ động áo dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình tốt nhất. Sau đây là một số biện pháp chị em có thể tham khảo:

  • Tránh quan hệ tình dục với nhiều bạn tình. Khi quan hệ với nhiều bạn tình không nên sử dụng vòng tránh thai.
  • Nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn như thuốc diệt tinh trùng, bao cao su…
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ từ 6 - 12 tháng/lần để kiểm soát tốt tình trạng các cơ quan sinh sản và điều trị sớm nếu có bất thường.
  • Khi thực hiện các thủ thuật phụ khoa cần lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo vệ sinh vô khuẩn trong quá trình tiến hành.
  • Vệ sinh vùng kín hằng ngày, nên lựa chọn dung dịch vệ sinh có độ pH từ 4 - 6, chọn quần lót vừa size, có độ thấm hút tốt.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và giữ trạng thái tâm lý thoải mái để tăng cường sức đề kháng.

Điều trị viêm phần phụ như thế nào?

Tùy vào tình trạng viêm nhiễm cụ thể, bác sĩ  có thể chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc cần sử dụng đến các thủ thuật ngoại khoa. Sau đây là những cách thường được áp dụng hiện nay:

Các loại thuốc điều trị bệnh

Đối với những ca viêm nhiễm nhẹ và trung bình, bác sĩ thường chỉ định dùng kháng sinh đường uống nhằm kháng khuẩn, diệt nấm và tiêu viêm. Một số loại thuốc thường được sử dụng là Ofloxacin, Levofloxacin, Metronidazole, Doxycyclin…

Nếu phác đồ điều trị bằng thuốc uống không hiệu quả hoặc tình trạng viêm nhiễm đã khá nặng, bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc đường tiêm. Bệnh nhân có thể được tiêm tĩnh mạch các thuốc như Cephalosporin III, Doxycycline…

Thuốc kháng sinh thường dễ gây tác dụng phụ và dễ tương tác với các thuốc khác. Vì vậy người bệnh nên điều trị đúng theo phác đồ của bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Chữa viêm phần phụ bằng đông y

Đây cũng là giải pháp được nhiều người lựa chọn, nhất là những bệnh nhân viêm mãn tính. Đông y cho rằng viêm phần phụ khởi phát do thấp nhiệt, đàm thấp, thận hư, tỳ hư, can uất. Để loại trừ bệnh lý này cần bổ dung các bài thuốc có tác dụng điều lý và bổi bổ tạng phủ, giải độc, điều hòa khí huyết nhằm giải quyết bệnh từ căn nguyên.

Một số bài thuốc thường được sử dụng là:

Nhị Diệu Thang gia giảm: Dùng Thương Truật, Hoàng Bá mỗi vị 12 g sắc uống. Ngoài ra bài thuốc có thể gia giảm thêm một số thành phần khác như bồ công anh, liên kiều, xà sàng tử, hoàng liên, thổ phục linh…

Hoàn đới thang: Sắc uống các thành phần gồm: Xa tiền, thường truật, bạch thược, sài hồ mỗi vị 12g; Bạch truật 20g; đẳng sâm, hoàng sơn mỗi thứ 16g; bạch giới tử sao, trần bì mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Ngoài ra bài thuốc có thể gia giảm thổ phục linh, hoàng bá, khổ sâm, xà sàng tử…

Phụ Khang Tán: Bài thuốc gồm có hai dạng thuốc chính là thuốc uống trong và thuốc ngâm rửa.

  • Thuốc uống trong: Điều hòa khí huyết, bổ huyết, thanh nhiệt, kháng viêm, cân bằng lượng khí hư, bồi bổ sức khỏe cho các cơ quan sinh sản, dự phòng viêm nhiễm hiệu quả…
  • Thuốc ngâm rửa: Ức chế và tiêu diệt vi nấm, các loại vi khuẩn gây viêm, cân bằng pH âm đạo, giảm phù nề, hoạt huyết.

Các bài thuốc Đông y giúp loại trừ viêm phần phụ từ căn nguyên và có độ lành tính cao. Tuy nhiên khi sử dụng người bệnh cần kiên trì vì thuốc Đông y thường phát huy công dụng từ từ.

Mẹo chữa viêm phần phụ tại nhà

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể kết hợp sử dụng thêm các cách điều trị tại nhà từ thảo dược quen thuộc để hỗ trợ giảm viêm:

  • Sử dụng trinh nữ hoàng cung: Dùng khoảng 3 lá trinh nữ hoàng cung tươi dài khoảng ½ m. Rửa sạch lá, cắt khúc ngắn rồi đun cùng 2 chén nước đến khi cạn còn khoảng 1 chén là được. Dùng nước này chia thành 3 phần, uống sau các bữa ăn, áp dụng liên tiếp trong 1 tuần.
  • Dùng chè xanh: Chè xanh rửa sạch, đun sôi với nước. Dùng chè xanh vệ sinh bên ngoài vùng kín trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm triệu chứng khó chịu vùng kín. Sử dụng cách này từ 2 - 3 lần trong tuần.
  • Dùng trầu không: Đun một nắm lá trầu không bánh tẻ với 2 lít nước. Cho thêm một chút muối khi nước sôi. Dùng nước này xông hơi vùng kín. Khi nước nguội dùng để vệ sinh bên ngoài. Áp dụng cách này từ 2 -  3 lần mỗi tuần.

Ngoài các cách trên, chị em có thể áp dụng những cách khác tuy nhiên cần tìm hiểu kỹ lưỡng. Lưu ý rằng biện pháp tại nhà chỉ nên áp dụng nếu bệnh nhẹ hoặc dùng hỗ trợ các biện pháp khác. Phương pháp này không giúp loại bỏ viêm nhiễm hoàn toàn, chỉ giúp hỗ trợ giảm viêm và loại trừ các triệu chứng khó chịu như cảm giác ngứa ngáy, khí hư ra nhiều, khử mùi hôi...

Phẫu thuật

Phương pháp này được tiến hành khi sử dụng thuốc vô hiệu, viêm nhiễm ở cổ tử cung đã hình thành mủ, ổ áp xe. Phẫu thuật được tiến hành nhằm loại bỏ các ổ áp xe và ngăn ngừa khả năng các ổ này vỡ gây nhiễm trùng trên diện rộng, lan ra ổ bụng và hố chậu.

viem-phan-phu
Phẫu thuật được tiến hành khi viêm nhiễm nặng, kèm theo biến chứng

Tùy vào tình trạng viêm nhiễm, bác sĩ có thể đề nghị mổ mở để khảo sát các tạng hoặc mổ nội soi. Trước khi tiến hành các biện pháp này, người bệnh sẽ được gây mê.

Nếu tử cung hoặc buồng trứng có ổ áp xe, phẫu thuật sẽ tiến hành cắt tử cung hoặc buồng trứng. Do đó phụ nữ mắc bệnh có thể mất khả năng sinh sản.

Chính vì vậy người bệnh nên sớm điều trị bệnh viêm phần phụ khi có các triệu chứng cảnh báo. Không nên chần chừ, bệnh để lâu sẽ dễ biến chứng và có thể vĩnh viễn vô sinh nếu phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và tử cung.

Trên đây là những thông tin cụ thể về viêm phần phụ và cách điều trị, phòng ngừa bệnh. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp chị em phụ nữ hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh lý này và chủ động hơn trong việc bảo vệ phần phụ của mình. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hãy đi khám sớm để được các bác sĩ hỗ trợ tốt nhất.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Chuyên gia tư vấn


Top phòng khám điều trị Viêm Phần Phụ bằng YHCT


Bài viết liên quan