Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ Lê Phương | Nơi công tác: Nhất Nam Y Viện

Phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa bao gồm các chỉ dẫn cụ thể về hướng xử trí và thực hiện các biện pháp hồi sức cấp cứu. Quý độc giả quan tâm tới nội dung này có thể tham khảo các thông tin liên quan tới xuất huyết tiêu hóa và phác đồ điều trị được Bộ Y tế khuyên dùng dưới đây.

Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa theo tiêu chuẩn Bộ y tế

Trước khi đưa ra hướng dẫn điều trị xuất huyết tiêu hóa, các bác sĩ cần tiến hành công tác chẩn đoán. Khi đã xác định được mức độ và nguyên nhân chảy máu, phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa thích hợp sẽ được đưa ra.

Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa bao gồm các hoạt động: chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và chẩn đoán nguyên nhân.

Chẩn đoán xác định:

Nhận biết xuất huyết điển hình và không điển hình:

  • Xuất huyết tiêu hóa điển hình: có các dấu hiệu mất máu cấp tính và các triệu chứng điển hình là nôn ra máu, đại tiện phân đen.
  • Xuất huyết tiêu hóa không điển hình: không có các triệu chứng điển hình mà chỉ xuất hiện các biểu hiện mất máu cấp. Trường hợp này bệnh nhân sẽ được nội soi dạ dày và thăm khám trực tràng để xác định chính xác mức độ xuất huyết và vị trí xuất huyết.

Xác định xuất huyết tiêu hóa trên hay dưới:

  • Xuất huyết tiêu hóa trên: vị trí xuất huyết nằm trong khu vực từ thực quản xuống tới điểm D4 trên dây chằng Triez.
  • Xuất huyết tiêu hóa dưới: vị trí xuất huyết nằm trong khu vực từ điểm D4 trên dây chằng Triez xuống tới hậu môn.

Tình trạng xuất huyết dạ dày nghiêm trọng được xác định với các trường hợp sau:

  • Trạng thái dòng chảy của máu không ổn định với biểu hiện: tụt huyết áp, rối loạn ý thức, da lạnh, tiểu ít.
  • Chảy máu tươi sau khi đặt ống thông dạ dày hoặc đại tiện có nước màu đỏ trong phân, lượng máu mất trên 500ml
  • Chỉ số HC < 2tr/L, Hb <7g/dL và Hct < 20%.
  • Bệnh nhân trên 60 tuổi hoặc có các vấn đề sức khỏe kết hợp như bệnh huyết áp, bệnh tim mạch.
Xuất huyết tiêu hóa dưới
Xuất huyết tiêu hóa dưới.

Chẩn đoán phân biệt:

Xuất huyết tiêu hóa cần được phân biệt với các trường hợp như:

  • Người bệnh có hiện tượng chảy máu chân răng, hay chảy máu cam
  • Ho ra máu: có thể gây nhầm lẫn khi bệnh nhân ho ra máu sau đó nuốt lại rồi nôn ra.
  • Đại tiện phân đen do dùng thuốc như: viên bổ sung sắt, bismuth…

Chẩn đoán đánh giá nguy cơ xuất huyết tái phát và mức độ nghiêm trọng hơn

  • Đánh giá nguy cơ chảy máu tái phát: dựa trên các dấu hiệu huyết áp dao động, bị kẹt hay tụt dần; mạch tăng.
  • Đánh giá mức độ nặng: thực hiện nội soi tiêu hóa và đối chiếu kết quả dựa vào thang điểm Rockall hoặc bảng phân loại Forrest để đưa ra kết quả chẩn đoán.

Chẩn đoán nguyên nhân:

Chẩn đoán nguyên nhân được thực hiện bằng các biện pháp:

  • Thăm khám lâm sàng, xác nhận triệu chứng và hỏi tiền sử bệnh lý.
  • Tiến hành nội soi tiêu hóa ngay khi tình trạng bệnh nhân đã ổn định để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và can thiệp cầm máu kịp thời.

Các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa:

  • Nguyên nhân chính: viêm dạ dày tá tràng, loét dạ dày tá tràng, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.
  • Nguyên nhân khác: u lành tính ở đường tiêu hóa, dị dạng mạch, bệnh Crohn, hội chứng mallory weiss…
Viêm dạ dày là một trong những nguyên dẫn đến xuất huyết tiêu hóa
Viêm dạ dày là một trong những nguyên dẫn đến xuất huyết tiêu hóa

Phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa Bộ y tế

Dựa trên kết quả chẩn đoán cuối cùng, bác sĩ sẽ thực hiện phác đồ điều trị với sự kết hợp các biện pháp chuyên khoa bao gồm hồi sức và cầm máu. Xuất huyết tiêu hóa dưới thường ít gặp, dưới đây sẽ trình này phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa trên được Bộ Y tế khuyến cáo.

Biện pháp hồi sức trong phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa

Hồi sức bao gồm việc thực hiện các biện pháp cấp cứu, phục hồi thể tích và chống sốc.

Các động tác cấp cứu cơ bản:

  • Để người bệnh nằm ở tư thế đầu thấp (chú ý đến việc ngăn ngừa nguy cơ sặc phổi).
  • Cho thở oxy mũi 2-6l/phút.
  • Cho đặt nội khí quản khi có nguy cơ trào ngược vào phổi, rối loạn ý thức hay suy hô hấp.
  • Đặt 2 đường truyền tĩnh mạch chắc chắn và đủ độ lớn. Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm để đo áp lực tĩnh mạch trung tâm trong trường hợp có suy tim.
  • Đặt 1 ống thông tiểu để theo dõi lượng nước tiểu.
  • Đặt 1 ống thông dạ dày để tiến hành rửa sạch máu trong dạ dày.
  • Lấy máu để làm xét nghiệm và điện tim.

Các biện pháp hồi phục thể tích và chống sốc:

Nguyên tắc: ưu tiên tái hồi lại tình trạng huyết động và bù lại lượng dịch bị mất.

Mục đích: giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc, biểu hiện bởi hết kích thích, da ấm trở lại, huyết áp tối đa trên 90, nước tiểu trên 30ml/giờ.

Bệnh nhân được truyền muối và dịch để hồi phục thể tích và chống sốc
Bệnh nhân được truyền muối và dịch để hồi phục thể tích và chống sốc.

Cách thực hiện:

  • Truyền khoảng 1-2 lít muối đẳng trương để bù lại thể tích dịch bị mất.
  • Nếu người bệnh vẫn chưa hết sốc sau khi truyền muối đẳng trương với liều lượng 50ml/kg thì tiếp tục truyền thêm dung dịch keo.
  • Điều chỉnh số lượng và tốc độ truyền dựa trên mức độ mất máu và tình trạng tim mạch của bệnh nhân.

Lưu ý:

  • Không nên nâng huyết áp lên quá cao trong trường hợp nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa là do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản vì sẽ làm tăng áp lực lên tĩnh mạch cửa dẫn đến tăng nguy cơ chảy máu tái phát.
  • Trong suốt quá trình hồi sức, cần theo dõi sát mạch, huyết áp và nghe phổi; đặc biệt là với các bệnh nhân bị bệnh tim mạch.

Tiến hành truyền máu:

  • Trường hợp bệnh nhân bị chảy máu nặng, mất nhiều máu. Truyền máu để ổn định huyết động và hematocrit ở mức trên 25% (với người cao tuổi có bệnh lý mạch vành hay suy hô hấp vì phải đạt mức trên 30%).
  • Trường hợp bệnh nhân bị rối loạn đông máu do khối tiểu cầu hoặc huyết tương tươi có dấu hiệu đông lạnh.

Điều trị cầm máu theo nguyên nhân

Trong phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa, nội soi dạ dày là phương pháp quan trọng để điều trị cầm máu theo nguyên nhân. Nội soi nên được tiến hành sớm ngay khi tình trạng bệnh nhân ổn định.

Hướng điều trị:

  • Xuất huyết do viêm dạ dày tá tràng cấp tính: cắt bỏ yếu tố gây kích thích, sử dụng thuốc omeprazole 80mg tiêm tĩnh mạch, sau đó truyền tĩnh mạch 8mg/giờ. Nếu còn thấy chảy máu có thể kết hợp truyền tĩnh mạch somatostatin liều tương tự.
  • Xuất huyết do loét dạ dày – tá tràng: Nội soi can thiệp kết hợp dùng thuốc omeprazole 80mg, sau đó truyền tĩnh mạch 8mg/giờ. Chỉ định phẫu thuật nếu bệnh nhân chảy máu nặng, dai dẳng, điều trị nội soi thất bại.
  • Xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản: nội soi can thiệp kết hợp thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa. Lựa chọn sử dụng một trong các loại thuốc: somatostatin (tiêm bolus tĩnh mạch 0,25mg, sau đó truyền tĩnh mạch 6mg/24 giờ), octreotide (tiêm bolus tĩnh mạch 100 μg, sau đó truyền tĩnh mạch 25 -50μg/giờ) hoặc terlipressin (1mg x 4 lần/24 giờ).

Trường hợp bệnh nhân bị chảy máu nặng chưa thể thực hiện nội soi xác định nguyên nhân hoặc chưa phân biệt được nguyên nhân chảy máu thì xử trí như sau:

  • Truyền máu và dịch để chống sốc.
  • Dùng thuốc kết hợp truyền tĩnh mạch: omeprazol (tiêm bolus tĩnh mạch 80mg sau đó truyền tĩnh mạch 8mg/ giờ) và somatostatin (tiêm bolus tĩnh mạch 0,25mg, rồi truyền tĩnh mạch 6mg/24 giờ) hoặc sử dụng terlipressin (1mg x 4 lần/24 giờ).

Lời khuyên chuyên gia dành cho người bị xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là bệnh lý có thể để lại những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào của xuất huyết, bệnh nhân cần nhanh chóng di chuyển tới bệnh viện để được thăm khám và cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân cần ngưng sử dụng một số loại thuốc trong quá trình điều trị và sau điều trị xuất huyết tiêu hóa
Bệnh nhân cần ngưng sử dụng một số loại thuốc trong quá trình điều trị và sau điều trị xuất huyết tiêu hóa.

Trong quá trình điều trị và sau điều trị xuất huyết, bệnh nhân cần ngừng sử dụng một số loại thuốc có khả năng làm trầm trọng và tái phát tình trạng xuất huyết, bao gồm:

  • Thuốc làm loãng máu: gây gián đoạn quá trình đông máu tự nhiên, làm tăng nguy cơ xuất huyết và khiến tình trạng xuất huyết trở nên trầm trọng hơn. Loại thuốc điển hình nhất trong nhóm này là warfarin.
  • Thuốc chống viêm không chứa steroid: loại thuốc này có thể khiến cho quá trình lưu thông tiểu cầu bị gián đoạn, là một trong những nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa và khiến tình trạng bệnh tăng nặng. Điển hình nhất là các thuốc: aspirin, ibuprofen.

Khi tình trạng xuất huyết tiêu hóa đã được kiểm soát ổn định, bệnh nhân cần tiến hành điều trị dứt điểm bệnh dạ dày, tránh để xuất huyết tái phát sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần được cấp cứu kịp thời. Dựa trên cơ sở chẩn đoán mức độ và nguyên nhân gây xuất huyết, các bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp theo phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa phù hợp. Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị cũng như thực hiện các biện pháp chăm sóc để giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát.

Bài viết liên quan
kem-boi-tri-earth-mama
sau-khi-noi-soi-dai-trang-nen-an-gi
dau-hieu-mat-nuoc-tren-benh-nhan-tieu-chay
benh-co-that-tam-vi
chua-viem-dai-trang-co-that-bang-thuoc-nam