Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Bác sĩ CKI Đỗ Thanh Hà | Nơi công tác: Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Thuốc Dân Tộc

Lạc nội mạc tử cung chủ yếu hình thành do máu kinh trào ngược. Tuy lành tính nhưng bệnh lý này lại thường xuyên khiến nữ giới đau bụng, gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và cuộc sống, thậm chí là vô sinh. Chính vì vậy, việc hiểu biết về bệnh và kịp thời có biện pháp can thiệp ngay khi mới khởi phát là điều rất cần thiết.

Lạc nội mạc tử cung bệnh học

Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc bao phủ toàn bộ bề mặt bên trong của tử cung. Cơ quan này phát triển dựa vào nguồn estrogen ở cơ thể nữ giới. Dưới sự tác động của hormone sinh dục nữ, mỗi tháng lớp nội mạc sẽ dày lên để chuẩn bị đón trứng đã thụ tinh vào làm tổ. Nếu sự thụ tinh không diễn ra lớp niêm mạc sẽ bong tróc và tạo thành hiện tượng kinh nguyệt. Trong thời kỳ nữ giới mang thai, lớp niêm mạc cũng dày lên và đảm nhận vai trò cung cấp dưỡng chất cho sự phát triển của phôi thai.

Lạc nội mạc tử cung (adenomyosis) xảy ra khi tế bào nội mạc tử cung “đi lạc” và được tìm thấy ở bên ngoài tử cung của nữ giới. Trên thế giới hiện có khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi từ 35-50 tuổi đang gặp phải tình trạng này và con số vẫn đang không ngừng tăng trong nhiều năm trở lại đây.

Hình ảnh mô phỏng nội mạc tử cung đi lạc sang các cơ quan vùng chậu
Hình ảnh mô phỏng nội mạc tử cung đi lạc sang các cơ quan vùng chậu

Yếu tố nguy cơ:

  • Tiền sử gia đình (mẹ, chị em gái) từng có người bị lạc nội mạc tử cung.
  • Đường sinh dục có cấu trúc bất thường, tiềm ẩn nguy cơ tắc kinh.
  • Những người có kinh lần đầu sớm hoặc mãn kinh muộn.
  • Nữ giới không sinh con hoặc trì hoãn việc sinh đẻ.
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 27 ngày nhưng số lượng kinh lại nhiều và kéo dài trên 8 ngày.
  • Bệnh nhân có ống Müllerian bị khiếm khuyết.

Căn nguyên gây bệnh

Theo các bác sĩ sản khoa, cho đến nay nguyên nhân khiến nội mạc tử cung “đi lạc” vẫn không rõ ràng. Một số giả thuyết cho rằng bất cứ sang chấn nào tác động, làm phá vỡ rào cản giữa nội mạc tử cung và cơ tử cung đều có thể gây nên tình trạng này. Ở chiều ngược lại, một số giả thuyết lại khẳng định tình trạng này chủ yếu liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của bào thai.

Tuy nhiên, những giả thuyết trên hoàn toàn chưa có căn cứ, chỉ có thể khẳng định một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành bệnh lý này gồm:

  • Trào ngược máu kinh: Ở thời kỳ kinh nguyệt máu kinh có thể đi ngược và mang theo các tế bào nội mạc vào ống dẫn trứng, vùng chậu. Khi đó, các tế bào “đi lạc” này dính vào khu vực chậu cùng bề mặt các cơ quan tại đây rồi phát triển, gây nên hiện tượng lạc nội mạc tử cung.
  • Tế bào phúc mạc biến đổi: Trong “Thuyết cảm ứng” các nhà khoa học cho rằng hormone hoặc những tác nhân miễn dịch sẽ thúc đẩy quá trình biến đổi của tế bào phúc mạc, sau đó khiến nội mạc tử cung đi lạc.
  • Sự biến đổi của tế bào phôi: Hormone sinh dục nữ estrogen có thể biến đổi các tế bào phôi thai thành tế bào nội mạc tử cung ở giai đoạn dậy thì.
  • Sẹo sau phẫu thuật: Một số phẫu thuật có thể để lại sẹo như cắt tử cung, mổ lấy thai nhi, phẫu thuật bóc tách u xơ tử cung, nạo phá thai,… cũng khiến tế bào nội mạc tử cung dính lại vết mổ hình thành nên bệnh lý.
  • Sự dịch chuyển của tế bào tử cung: Dịch mô, mạch máu có thể khiến tế bào nội mạc tử cung bị dịch chuyển sang các phần khác của cơ thể.
  • Những bất ổn của hệ miễn dịch: Khi hệ miễn dịch của cơ thể gặp trục trặc sẽ không phát hiện những mô nội mạc nằm ngoài tử cung, tạo điều kiện cho chúng phát triển và gây bệnh.

Dấu hiệu nội mạc tử cung đi lạc

Ở giai đoạn đầu, lạc nội mạc tử cung khiến nữ giới đau nhức vùng chậu, nhất là trong những ngày hành kinh. Mức độ đau thường có xu hướng tăng lên theo thời gian.

Đau bụng kinh, máu kinh ra nhiều là triệu chứng điển hình của bệnh
Đau bụng kinh, máu kinh ra nhiều là triệu chứng điển hình của bệnh

Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Đau bụng kinh dữ dội: Tuy đau bụng kinh là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng ở nữ giới bị lạc nội mạc tử cung tình trạng này cũng có thể diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn. Cơn đau sẽ bắt đầu sớm sau đó kéo dài đến khi hết kinh hoàn toàn. Bệnh nhân thường bị đau vùng bụng và phía dưới lưng.
  • Đau khi quan hệ vợ chồng: Nữ giới cảm thấy đau nhức trong hoặc sau khi giao hợp, gây cảm giác ám ảnh chuyện chăn gối.
  • Chảy máu bất thường: Người bệnh chảy máu ồ ạt trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc giữa các chu kỳ kinh.
  • Một số triệu chứng khác: Táo bón, tiêu chảy, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn,… trong thời kỳ kinh nguyệt.

Tuy nhiên, đây chỉ là những triệu chứng điển hình của bệnh và rất dễ bị nhầm lẫn với nhiều vấn đề sức khỏe khác như u buồng trứng, viêm vùng chậu, thậm chí là các bệnh lý tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, táo bón, tiêu chảy,… Để xác định chính xác tình trạng đang gặp phải, tốt nhất nữ giới nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa.

Biến chứng

Việc các tế bào nội mạc tử cung xuất hiện ở những vị trí khác nhau trong cơ thể là sự đáp ứng những thay đổi nội tiết tố estrogen. Khi những tế bào “đi lạc” này phát triển đến một giai đoạn nhất định có thể gây nên hiện tượng chảy máu giống như việc lớp niêm mạc tử cung bong tróc trong thời kỳ kinh nguyệt.

  • Gây nên sự kết dính: Nội mạc tử cung đi lạc có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các mô xung quanh, hình thành nên phản ứng sưng và viêm. Mỗi tháng, các mô này đều gây chảy máu và tạo ra nhiều mô sẹo được gọi chung là sự kết dính. Nếu như sự kết dính xảy ra có thể khiến nhiều cơ quan bị dính vào nhau, gây nhiều hệ lụy xấu về sức khỏe.
  • Tăng nguy cơ thiếu máu mãn tính: Lạc nội mạc tử cung khiến kinh nguyệt kéo dài, làm nữ giới mất đi một lượng máu khá lớn mỗi kỳ hành kinh. Do vậy, nếu không được điều trị dứt điểm thì tình trạng thiếu máu mãn tính có thể xảy ra và gây nguy hại cho sức khỏe.
  • Hình thành khối u: Ở những bệnh nhân mà mô lạc nội mạc phát triển mạnh có thể hình thành khối u tại khu vực chúng tồn tại. Thậm chí, nếu các khối u này thuộc dạng ác tính hoàn toàn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Lạc nội mạc tử cung có thể khiến nữ giới thiếu máu mãn tính
Lạc nội mạc tử cung có thể khiến nữ giới thiếu máu mãn tính

Nhiều báo cáo y tế đã chỉ ra có tới gần 40% phụ nữ bị vô sinh có liên quan đến việc nội mạc tử cung “đi lạc”. Bởi nếu các tế bào nội mạc tử cung “lạc” vào buồng trứng, ống dẫn trứng có thể cản trở sự di chuyển của tinh trùng đến gặp trứng khiến quá trình thụ tinh không thể diễn ra. Trầm trọng hơn, lạc nội mạc tử cung còn làm tắc ống dẫn trứng do sự kết dính hoặc mô sẹo.

Phương pháp chẩn đoán

Trước tiên, để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh bác sĩ sẽ yêu cầu chị em mô tả triệu chứng đang gặp phải. Bên cạnh đó là một số thói quen liên quan đến thói quen ăn uống, sinh hoạt, tiền sử gia đình.

Các thăm khám, xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác lạc nội mạc tử cung gồm:

  • Thăm khám vùng chậu: Bác sĩ dùng tay kiểm tra các bất thường ở vùng chậu, nhằm tìm ra khối u hoặc các vết sẹo ở cơ quan sinh dục.
  • Siêu âm: Hai phương pháp phổ biến nhất là siêu âm đầu dò và siêu âm ổ bụng. Đây đều là những biện pháp giúp bác sĩ có được hình ảnh chi tiết về bộ phận sinh dục, từ đó đưa ra kết luận khối u lạc nội mạc tử cung.
  • Chụp MRI: Sử dụng sóng vô tuyến để thu lại hình ảnh bên trong tử cung và vùng chậu. Thông qua xét nghiệm này bác sĩ xác định được kích thước, vị trí, mức độ ảnh hưởng của các mô “đi lạc”.
  • Nội soi kết hợp sinh thiết: Nhằm chẩn đoán vị trí và tính chất các mô nội mạc, từ đó sớm đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp.

Điều trị lạc nội mạc tử cung

Nguyên tắc trong điều trị lạc nội mạc tử cung là kết hợp dùng thuốc và phẫu thuật. Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, mong muốn sinh con của nữ giới mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Trong đó, phương pháp điều trị bảo tồn vẫn luôn được ưu tiên hơn cả, sau đó mới là các hình thức phẫu thuật.

Mục tiêu điều trị

Việc điều trị lạc nội mạc tử cung chỉ nên diễn ra khi các cơn đau xuất hiện, gây vô sinh hoặc khi cả 2 trường hợp xảy ra.

  • Mục tiêu điều trị: Giảm đau, ngăn chặn mức độ tiến triển và tái phát bệnh, đồng thời nâng cao khả năng có con cho nữ giới.
  • Phương pháp tác động: Sử dụng thuốc điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa ở vùng chậu, bảo tồn tối đa khả năng mang thai.

Phương pháp điều trị của y học hiện đại

Hiện nay, y học hiện đại đã phát triển vượt bậc và có bước tiến mới trong điều trị lạc nội mạc tử cung. Tùy thuộc vào thể trạng, mức độ tổn thương ở mỗi người mà bác sĩ có thể đưa ra phác đồ cụ thể.

Sử dụng thuốc

Hai nhóm thuốc được dùng trong điều trị lạc nội mạc tử cung là thuốc nội tiết và thuốc giảm đau:

  • Thuốc nội tiết: Các loại thuốc tránh thai, progestin và thuốc chủ vận hormone tiết ra gonadotropin. Trong đó nhóm thuốc này giúp ức chế sự phát triển của các mô nội mạc tử cung, ngăn chặn hiệu quả sự kết dính. Tuy nhiên thuốc nội tiết không thể giúp loại bỏ những mô nội mạc sẵn có.
  • Thuốc giảm đau: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), giúp giảm cơn đau trong thời gian đau bụng kinh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng tới xương khớp nên thường không được khuyến khích sử dụng.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là biện pháp giúp giảm đau, đảm bảo khả năng sinh sản ở nữ giới. Nếu chị em vẫn muốn có con thì phẫu thuật chỉ cắt bỏ một phần nội mạc tử cung, sau đó bảo tồn tử cung và buồng trứng là lựa chọn phù hợp. Tùy thuộc vào thể trạng mỗi người mà bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật thông thường.

Phẫu thuật bảo tồn giúp đảm bảo khả năng làm mẹ cho nữ giới
Phẫu thuật bảo tồn giúp đảm bảo khả năng làm mẹ cho nữ giới

Đông y trị lạc nội mạc tử cung

Theo Đông y, lạc nội mạc tử cung thuộc chứng Thống kinh, Bất dựng, Trưng hà. Bệnh lý này do khí huyết ứ trệ, bị tắc nghẽn tạo thành. Bởi khi máu không được lưu thông sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm nhiễm tấn công, làm một số vị trí trong tử cung bị kết dính.

Dưới đây là một số bài thuốc Đông y được đánh giá cao về tính hiệu quả:

Bài thuốc số 1:

  • Thành phần dược liệu: Gồm đương úy, chích cam thảo, xuyên khung, đào nhân, ô dược, xích thược, linh chi, chỉ xác, nguyên bồ, hồng hoa, hương phụ.
  • Cách sử dụng: Bệnh nhân nên sử dụng mỗi ngày 1 thang sắc cùng 1-1,5 lít nước, đến khi cô còn ⅓ thì dừng lại. Lượng nước thuốc thu được đem chia thành 3 phần và sử dụng hết trong ngày.

Bài thuốc số 2:

  • Thành phần dược liệu: Sử dụng câu kỷ tử, xuyên khung, bạch thược, hồng hoa, phục linh, sơn dược, thỏ ty tử, đỗ trọng, đào nhân, đương quy, thục địa.
  • Cách sử dụng: Đem nấu cùng 1,5 lít nước đến khi còn ⅓ thì chắt ra dùng dần. Toàn bộ nước thuốc thu được chia làm 3 phần và uống vào các bữa ăn trong ngày.

Bài thuốc điều trị theo thang của bác sĩ Đỗ Thanh Hà

Được nghiên cứu bởi bác sĩ Đỗ Thanh Hà – Nguyên Giám đốc Chuyên môn Phòng khám Đông y Việt Nam. Bài thuốc giúp cải thiện hiệu quả bệnh lạc nội mạc, thông huyết mạch,… từ đó ổn định kinh nguyệt sau 3-4 tháng sử dụng.

  • Thành phần dược liệu: Trinh nữ hoàng cung, đương quy, hương phụ, xạ đen, bạch thược, xuyên khung, thỏ ty tử, sơn thù, thục địa,…
  • Cách sử dụng: Sắc thuốc theo đơn kê của bác sĩ, nước thuốc thu được dùng sau ăn 30 phút khi thuốc còn ấm. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tham khảo dịch vụ sắc thuốc, đóng túi sẵn tại Phòng khám Đông y Việt Nam để thuận tiện cho quá trình điều trị.

Phòng ngừa bệnh

Thực tế, lạc nội mạc tử cung không có phương pháp phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, nữ giới vẫn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua các biện pháp sau:

  • Sử dụng liệu pháp hormone: Thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai giúp giảm nồng độ estrogen. Đây đồng thời cũng là liệu pháp giúp giảm đau, tác dụng kéo dài cho đến khi ngừng sử dụng hormone.
  • Thường xuyên tập thể dục: Điều này không chỉ giúp tinh thần thoải mái mà còn giúp nữ giới có cơ thể khỏe mạnh. Mỗi ngày chị em nên dành ra 30 phút để tập thể dục, từ đó kiểm soát trọng lượng cũng như duy trì lượng mỡ phù hợp cho cơ thể, kích thích hoạt động chuyển hóa estrogen…
  • Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá: Việc uống quá nhiều rượu bia, hút thuốc có thể làm tăng estrogen trong cơ thể, gây ra lạc nội mạc tử cung. Do vậy, để đảm bảo nguy cơ mắc bệnh, nữ giới nên bỏ thuốc, uống dưới 1 ly rượu (10ml) mỗi ngày.
  • Không lạm dụng chất gây nghiện: Những phụ nữ thường xuyên tiêu thụ lượng caffeine có trong trà xanh, soda có nồng độ estrogen cao hơn người không sử dụng. Tuy chưa có nghiên cứu về mối liên quan giữa hai yếu tố này nhưng nữ giới cũng nên tránh sử dụng.
  • Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ: Đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, giúp phát hiện sớm vấn đề chị em đang gặp phải.

Lạc nội mạc tử cung gần như là bẩm sinh và khó có thể phòng tránh. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán mắc bệnh thì các phương pháp điều trị hiện nay đều rất khả quan, giúp chị em phục hồi khả năng sinh sản hiệu quả. Nếu gặp những cơn đau của bệnh trong giai đoạn hành kinh thì có thể sử dụng thuốc giảm đau để vượt qua những ngày “đèn đỏ” một cách dễ dàng.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Chuyên gia tư vấn


Top phòng khám điều trị bằng YHCT


Bài viết liên quan