Chụp X-quang cột sống là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường quy giúp phát hiện những bất thường ở cột sống mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Đây là kỹ thuật được đánh giá là có giá trị cao nhất trong lĩnh vực tạo hình ảnh ở cột sống và tủy sống.

Chụp X-quang cột sống là gì?

Chụp X-quang cột sống là kỹ thuật phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh hiện nay. Đây là phương pháp tạo hình ảnh bằng tia X để giúp xây dựng và tái tạo hình ảnh cấu trúc bên trong của cơ thể. Những hình ảnh này là những thông tin có giá trị cao trong việc chẩn đoán y khoa cũng như điều trị các bệnh có liên quan.

Chụp X-quang cột sống là kỹ thuật phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh hiện nay
Chụp X-quang cột sống là kỹ thuật phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh hiện nay

Cột sống gồm có các bộ phận như: Cột sống cổ, cột sống thắt lưng, xương cụt, xương cùng,…  Tùy vị trí chụp mà khi có chỉ định chụp tại vị trí nào thì bác sĩ sẽ di chuyển máy đến vị trí đó và tiến hành chụp chiếu.

Đây được đánh giá là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nhanh, dễ thực hiện và chi phí khá hợp lý. Tuy nhiên nó tiềm ẩn nguy cơ người bệnh bị nhiễm phóng xạ X nếu như không được chỉ định chụp.

Khi nào nên tiến hành chụp X-quang cột sống?

Nếu bạn nhận thấy những cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc đau dữ dội vùng cột sống thì nên chụp X-quang để được chẩn đoán chính xác bệnh. Một số trường hợp bị chấn thương, tê bì chân tay dai dẳng nhiều ngày, đau cột sống nhiều ngày cũng có thể thực hiện phương pháp này. 

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn đang bị chấn thương hoặc bị bệnh lý vùng cột sống thì sẽ chỉ định chụp X quang để đánh giá và loại trừ những yếu tố sau:

  • Tổn thương các thân đốt sống.
  • Loãng xương.
  • Trật khớp.
  • Dị tật bẩm sinh hoặc bị va chạm mạnh, chấn thương.
  • Cong vẹo cột sống.
  • Thoái hóa đốt sống.
  • U xương, u nang.
  • Gai đốt sống.
  • Thoát vị đĩa đệm.

Đặc điểm một số cơ quan nổi bật của đốt sống

Mỗi cơ quan tại đốt sống sẽ có những đặc điểm khác nhau và những tổn thương tại các vị trí đó cũng sẽ không giống nhau. 

Đường cong sinh lý

Nhận biết đường cong sinh lý thông qua phim chụp cột sống tư thế nghiêng, chính là đường cong liên tục giúp nối liền bờ trước hoặc bờ sau của các thân đốt.

  • Ở cổ: Đường cong ưỡn nhẹ đều đặn ra phía trước.
  • Ở đoạn lưng: Đường cong vồng ra phía sau.
  • Đoạn thắt lưng: Đường cong ưỡn nhẹ ra phía trước.
  • Đoạn cùng – cụt: Đường cong có xu hướng vồng ra sau.

Thân đốt sống, mấu sống

Hầu như thân đốt sống ở cả người trẻ và người già đều có hình chữ nhật, bờ trên và bờ dưới thân đốt hơi lõm.

Đĩa đệm

Đĩa đệm nằm ở giữ 2 khe thân của đốt sống, bình thường đĩa đệm sẽ không cản quang và không thể thấy được trên phim chụp X-quang. Đĩa đệm liên đốt sống là bộ phận chính giúp liên kết các đốt sống. Bộ phận này được cấu tạo gồm 1 vòng xơ ở ngoài, trung tâm là nhân nhầy. Vòng xơ chính là các lá xơ sụn đồng tâm, có các lá gần như thẳng đứng bám vào các bờ của đốt sống. Các lá này được cấu tạo từ các sợi tổ chức liên kết dạng collagen, phía trước đĩa đệm là dây chằng dọc trước, phía sau bao phủ bởi dây chằng bọc sau.

Hình ảnh đĩa đệm bình thường và đĩa đệm bị tổn thương
Hình ảnh đĩa đệm bình thường và đĩa đệm bị tổn thương

Mặt thân đốt sát đĩa đệm thường có 1 đường sụn mỏng, lớp sụn này một mặt dính với thân đốt, mặt còn lại dính với bao thớ. Hạt nhầy nằm giữ bao thớ trong một lỗ là Luschka, nó có độ căng giãn và đàn hồi đặc biệt. Trong nhiều trường hợp, hạt nhầy có thể đè vào các vòng xơ về phía ống tủy để tạo nên hình ảnh lồi đĩa đệm.

Hạt nhầy có sự di chuyển khi cột sống cử động. Trong tư thế gập người, hạt nhầy di chuyển về phía sau và đĩa đệm hẹp lại phía trước. Khi nghiêng phải, nghiêng trái, đặc điểm của đĩa đệm cũng tương tự. Nếu bị thoái hóa đĩa đệm, có thể thấy được khe đĩa đệm ở vị trí nhất định, khác với há khe đĩa đệm khi không đau.

Các khớp ở cột sống

Cột sống vận động thông qua 3 mối liên hệ là đĩa đệm, khớp mấu móc cột sống và khớp sống – sống.

Hệ thống khớp sống – sống tạo nên bởi các mấu sống trên và mấu sống dưới của hai thân đốt kế cận và được nhận biết trên chụp X-quang cột sống tư thế thẳng.

Hệ thống khớp mấu móc cột sống hay khớp bán nguyệt có liên quan đến cử động của cổ. Mỗi đốt sống cổ sẽ có 2 mấu bán nguyệt ở bờ trên ngoài mỗi thân đốt, mấu bán nguyệt bình thường bình thường sẽ có hình gai hoa hồng và dễ nhận biết trên phim X-quang. Trong khi đó, mấu bán nguyệt của thân đốt dưới hợp với bờ dưới của thân đốt để tạo nên khớp bán nguyệt. Cấu tạo này có liên quan chặt chẽ đến hội chứng bệnh lý cổ vai cánh tay và cổ đầu khi đốt sống cổ bị thoái hóa.

Đường kính của ống sống

Đường kính của sống được xác định thông qua những giới hạn sau trên phim X-quang:

  • Đường kính ngang: Khoảng cách giữa bờ trong của hai bên cuống sống 2 bên.
  • Đường kính sau: Khoảng cách giữa bờ sau thân đốt tới giới hạn trước của mảnh sống.

Các phương pháp chụp X quang cột sống hiện nay

Có nhiều cách để chụp X-quang cột sống, tùy thuộc vào mức độ đau, vị trí đau cũng như kỹ thuật chụp chiếu tại cơ sở thực hiện. Một số phương pháp được sử dụng phổ biến tại các cơ sở y tế hiện nay gồm:

Hiện nay có nhiều phương pháp chụp X-quang cột sống
Hiện nay có nhiều phương pháp chụp X-quang cột sống

Chụp X-quang các tư thế đặc biệt

Có nhiều tư thế chụp đặc biệt giúp phát hiện nhiều bệnh lý liên quan đến cột sống.

  • Chụp đốt sống C1, C2 tư thế thẳng hoặc tư thế há miệng để phát hiện những biến đổi ở mỏm nha và khớp đội trục.
  • Chụp cột sống chếch 3/4 để giúp phát hiện những biến đổi của lỗ ghép.
  • Chụp tủy cản quang để phát hiện sự hẹp, tắc ống tủy.
  • Chụp bao rễ thần kinh giúp phát hiện các chèn ép túi cùng và rễ thần kinh, đặc biệt do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra.
  • Chụp cắt lớp vi tính giúp bộc lộ những tổn thương ở thân đốt sống với những bệnh nhân bị lao cột sống, di bào ung thư phá hủy đốt sống cổ, lưng,…

Tạo ảnh bằng cộng hưởng từ

Phương pháp này được đánh giá là có giá trị nhất trong lĩnh vực tạo hình ảnh y học ở tủy sống và cột sống. Nó được chỉ định với những bệnh nhân nghi bị thoát vị, u tủy và những bệnh lý liên quan đến tủy.

Chụp X-quang cột sống giúp chẩn đoán bệnh gì?

Chụp X-quang cột sống là cơ sở để chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến xương khớp.

Tình trạng rối loạn chuyển tiếp ở cột sống

Bình thường, đốt sống cổ có 7 đốt, cột sống thắt lưng có 5 đốt, cột sống ngực có 12 đốt và 5 đốt sống cùng, 3 – 4 đốt cụt. Số lượng đốt sống thay đổi có thể xảy ra như sau:

  • Có 8 đốt sống cổ.
  • Ở đốt cổ thứ 7 có xương sườn.
  • Xương sườn cụt của đốt D12 teo nhỏ hoặc không có.
  • Đốt sống cùng S1 nhô lên thắt lưng tạo thành đốt L6.
  • Cột sống thắt lưng còn 4 đốt, đốt L5 dính vào khối xương cùng.

Những dị dạng này thường là bẩm sinh, một số ít trường hợp đến tuổi trưởng thành mới xuất hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây đau thắt lưng và thoái hóa cột sống hoặc bị thoát vị đĩa đệm.

Gai đôi và hở eo đốt sống

Gai đôi cột sống và hở eo đốt sống là những dị tật bẩm sinh và quá trình cốt hóa của đốt sống thiếu hoàn thiện. Gai đốt sống hay gặp ở đốt L4, L5 và S1. Đó là hiện tượng thiếu hổng của mỏm gai và mỏm gai tách làm hai. Trên phim chụp cột sống tư thế thẳng, ta có thể thấy được gai bị tách làm đôi hoặc thiếu hổng hoàn toàn.

Chụp X-quang cột sống giúp chẩn đoán bệnh hở eo đốt sống
Chụp X-quang cột sống giúp chẩn đoán bệnh hở eo đốt sống

Hở eo đốt sống thường gây ra bệnh trượt đốt sống ra trước. Hình ảnh X-quang trượt thân đốt hiện nay được xác định bằng sơ đồ Ulman. Thân đốt sẽ vượt ra phía trước, đường thẳng kẻ vuông góc với mặt tên thân đốt. Trượt đốt sống có thể do thoái hóa gây nên, cơ chế trượt trong thoái hóa là do đĩa đệm bị thoái hóa, mất tính đàn hồi. 

Một số dị dạng ở cột sống cổ

Một số dị dạng bẩm sinh có liên quan đến đốt sống cổ được phát hiện thông qua chụp X-quang gồm:

Chẩm hóa đốt sống C1

Bình thường, khớp đốt sống C1 đảm bảo động tác của cổ và đầu. Trong trường hợp chẩm hóa đốt sống C1 sẽ thấy xuất hiện bờ trên mấu gai hình cầu xương nối với xương chẩm và không thấy khe giới hạn giữa C1 và bờ xương chẩm. Hình ảnh X quang có thể thấy C1, C2 bằng cách chụp nghiêng hoặc tư thế thẳng đứng há miệng.

Chèn vượt nền sọ

Chèn vượt nền sọ đốt sống cổ co thể do bẩm sinh hoặc thứ phát. Trên phim X-quang cột sống tư thế thẳng há miệng sẽ thấy mỏm nha vươn lên trên đường liên chũm. Bởi thông thường, mỏm nha ở dưới đường này khoảng 1-2mm.

Dị dạng lồi cầu

Chụp X quang thấy trên phim có những dấu hiệu: Mỏm nha nằm lệch đường trục, khoảng cách C1, C2 mất cân đối, mỏm nha đi qua hai khe răng cửa và gai sau C1.

Dính thân đốt bẩm sinh

Dị dạng này nằm trong hội chứng bệnh lý Klippel-Feil. Có thể có 2 hoặc nhiều thân đốt sống dính liền nhau làm cho khe đĩa đệm chỉ tồn tại như một đường sáng, mảnh và dính vào cả mỏm gai. Chẩn đoán phân biệt với lao cột sống cần căn cứ vào những đặc điểm như: Bờ thân đốt sát đĩa đệm, thân đốt không bị xẹp, dính cả thân đốt và mỏm gai.

Bệnh u ở cột sống

Bệnh u ở cột sống có 2 loại là u máu ở cột sống và các thể di bào ung thư vào cột sống.

U máu ở cột sống

U máu thường xuất hiện một đốt ở cổ hoặc thắt lưng. U máu thường lan từ thân đốt tới những vùng khác nhau như cung sau hay mấu gai. Hình ảnh trên phim X-quang cho thấy những dải sọc mờ chạy dọc thân đốt, xe kẽ là nốt tròn sáng nhỏ giống bọt xà phòng. Khi u máu phá vỡ thân đốt vượt ra ngoài sẽ tạo nên hình cản quang trong như một ổ áp xe lạnh ở lao cột sống.

U cột sống cũng là bệnh lý khá phổ biên
U cột sống cũng là bệnh lý khá phổ biến

Các thể di bào ung thư vào trong cột sống

  • Thể đặc xương: Thường từ ung thư tiền liệt tuyến và gây mờ đều 1 thân đốt sống.
  • Thể tiêu xương: Thường phá hủy 1 thân đốt và hình phá hủy sẽ xuất hiện ở cả thân đốt và cung sau.

Thoái hóa biến dạng cột sống

Bệnh thoái hóa biến dạng cột sống xảy ra nhiều ở người trên 40 tuổi. Thoái hóa cột sống là sự thoái hóa của vòng xơ bao quanh đĩa đệm, làm cho đĩa đệm căng phồng lên và lồi ra ngoài. Dây chằng quanh cột sống lúc này bị kéo giãn ra và đóng vôi đoạn sát bờ đĩa đệm, hình thành lên mỏ xương. Mỏ xương thường xuất hiện ở bờ trước và 2 bên thân đốt. Với bệnh nhân thoái hóa cột sống, chiều cao khe đĩa đệm ít thay đổi trong thời gian dài, sau đó nó sẽ bị hẹp do thoái hóa xương sụn gây ra.

Mỏ xương do thoái hóa cột sống xuất hiện đồng thời ở nhiều đốt sống, đặc biệt là vùng cổ và vùng thắt lưng. Mỏ xương khu trú nhiều ở đốt S1, S2 nếu bị bệnh do chấn thương hoặc di chứng bệnh lao. Ở mức độ nặng, mỏ xương giữa các thân đốt dính nhau và hình thành cầu xương.

Thoái hóa cột sống cổ thường gây ra mỏ xương ở thân đốt và mấu bán nguyệt. Mỏ xương ở mấu bán nguyệt chính là lý do trực tiếp gây hẹp lỗ ghép và chân gây chèn ép dây thần kinh, động mạch sống nền. Trên lâm sàng, thoái hóa cột sống cổ đặc trưng bởi hội chứng cổ, vai cánh và hội chứng cổ, đầu.

Hình ảnh X-quang trên phim chụp cột sống tư thế thẳng cho thấy mờ đậm hoặc phì đại của mấu bán nguyệt. Bên tổn thương khe khớp bán nguyệt sẽ hẹp hơn bên lành và trên phim chụp chếch 3/4 cột sống cổ cho thấy lỗ ghép bị hẹp.

Chấn thương cột sống

Tình trạng chấn thương cột sống có thể gây ra những biểu hiện sau:

  • Vỡ thân đốt: Đường gãy thường chạy ngang thân đốt, gây ra nhiều gián đoạn hoặc gập góc ở bờ trên của thân đốt.
  • Xẹp thân đốt: Chiều cao của thân đốt bị lún xuống và độ đậm cản quang của thân đốt tăng nhiều so với các đốt xung quanh, khe đĩa đệm không bị hẹp.
  • Trượt đốt sống: Có thể trượt ra phía trước, sang bên hoặc ra sau.
  • Gãy mỏm nha C2: Thường phát hiện qua phim chụp X-quang cột sống cổ nghiêng và tư thế há miệng.
Chấn thương cột sống cũng được phát hiện qua chụp X-quang
Chấn thương cột sống cũng được phát hiện qua chụp X-quang

Lao cột sống

Lao cột sống là bệnh lý thường gặp trong các bệnh về xương khớp và thường xuất hiện ở các đốt L1, L2, D9, D12. Hình ảnh X quang cột sống sẽ diễn biến qua 3 giai đoạn đó là:

  • Giai đoạn sớm: Là hẹp khe đĩa đệm và thấy rõ trên phim chụp cột sống tư thế thẳng, tư thế nghiêng. Đôi khi hẹp đĩa đệm rất kín đáo và cần so sánh với các khe đĩa đệm lân cận để nhận biết, phân biệt.
  • Giai đoạn toàn phát: Cùng với dấu hiệu hẹp khe đĩa đệm, giai đoạn toàn phát cho thấy hình ảnh phá hủy của vi khuẩn lao vào thân cột sống. Bờ thân đốt sát với đĩa đệm sẽ trở nên nham nhở hơn, xẹp thân đốt kiểu hình chêm làm cho đường cong sinh lý lúc này bị biến dạng gập ra trước.
  • Giai đoạn phục hồi và di chứng: Các thân đốt bị lao dính liền vào nhau, mất khe đĩa đệm và ở cột sống ngực có hình ảnh con nhện.

Khi chẩn đoán phân biệt bệnh lao cột sống với các tổn thương khác trên hình ảnh X-quang cần lưu ý:

  • Hẹp khe đĩa đệm là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh lao cột sống, thoái hóa cũng có thể có dấu hiệu này nếu bệnh nặng nhưng không có hiện tượng tiêu xương mà là hình ảnh tăng đậm do xơ hóa lớp xương dưới sụn.
  • Lao cột sống không có quá trình tạo tân xương đi kèm, không có mỏ xương.
  • Xẹp thân đốt sống do chấn thương cũng khác với xẹp thân đốt sống do lao, đó là chiều cao đĩa đệm vẫn giữ nguyên.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát qua lỗ rách của vòng xơ. Sự di chuyển này khiến nhân nhầy đi ra phía sau và gây chèn ép vào rễ thần kinh, ống tủy.

Thoát vị đĩa đệm thường gặp ở cột sống thắt lưng và có thể xảy ra ở cột sống cổ, hiếm khi xuất hiện ở cột sống ngực. Hình ảnh X-quang cột sống của thoát vị đĩa đệm không có dấu hiệu tin cậy. Trong phim chụp cản quang có thể thấy sự chèn ép vào ống tủy theo các dạng sau:

  • Thoát vị thể trung tâm: Cho thấy khuyết bờ trước cột thuốc cản quang, hình ấn ngón tay tương đương với vị trí của khe đĩa đệm gây chèn ép. Việc chẩn đoán phân biệt cần có sự hỗ trợ của phim chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ.
  • Thoát vị thể lệch bên: Nhân nhầy đĩa đệm có thể di chuyển vào cạnh lỗ ghép để chèn vào các rễ thần kinh. Hình ảnh X-quang trên phim chụp bao rễ tư thế thẳng hoặc chếch 3/4 có thể thấy ống tủy bình thường, nhưng rễ thần kinh bị cắt cụt 1 bên.
Thoát vị đĩa đệm gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân
Thoát vị đĩa đệm gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân

Quy trình thực hiện chụp X-quang cột sống chuẩn y khoa

Thực hiện chụp X-quang cột sống phần lớn sẽ theo quy trình như sau:

Chuẩn bị trước khi chụp

  • Bệnh nhân nhận phiếu chỉ định chụp X-quang và di chuyển đến vị trí sẽ tiến hành chụp.
  • Bác sĩ giải thích về quy trình chụp cũng như những điều cần lưu ý trong quá trình chụp.
  • Bệnh nhân để lộ vùng cổ, ngực hoặc thắt lưng tùy theo vị trí sẽ chụp.

Quy trình chụp X-quang

  • Tư thế chụp thẳng: Người bệnh đứng hoặc ngồi trước giá phim, quay mặt về phía bóng, 2 tay xuôi dọc cơ thể. Bác sĩ hướng dẫn tư thế chụp phù hợp nhất tùy theo mục đích chụp.
  • Tư thế chụp nghiêng: Bệnh nhân ngồi, đứng trước giá phim và chếch về phía bóng, 2 tay xuôi và tay nọ nắm cổ tay kia. Với tư thế chụp cột sống cổ, gáy bệnh nhân sát phim, cằm hơi ngửa và chỉnh mặt phẳng chính diện sao cho vuông góc với trục cột sống cổ.

Sau khi chụp

  • Sau khi nhận phim chụp, đảm bảo phim X-quang phải đạt được những yêu cầu như sau:
  • Lấy được toàn bộ phần đốt sống cần chụp.
  • Thấy rõ các đốt sống và các khe hẹp.
  • Phim có độ nét, phim không bị xước.
  • Có đầy đủ tên tuổi của bệnh nhân, ngày tháng thực hiện.

Một số câu hỏi khi tiến hành chụp X-quang cột sống

Trong khi chụp X-quang hay trước khi chụp, có nhiều vấn đề người bệnh thắc mắc. Sau đây Tạp chí Đông y sẽ giải đáp chi tiết đến bạn đọc:

  • Khi chụp X-quang đốt sống có cần cởi đồ không?

Tùy vào vị trí chụp mà bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân cởi đồ hoặc không. Nếu chụp ở vùng cổ thì không cần thiết phải cởi đồ, nhưng nếu chụp X-quang ngực, cột sống lưng thì cần loại bỏ hết quần áo để kết quả chính xác nhất. Ngoài quần áo, bệnh nhân cũng được yêu cầu tháo trang sức mang trên người để đảm bảo hình ảnh trên phim rõ nét nhất.

  • Đang mang bầu có thể chụp X-quang không?

Bà bầu chụp X-quang có thể gây ra một số rủi ro cho thai nhi vậy nên các bác sĩ khuyên phụ nữ đang mang thai không nên thực hiện kỹ thuật này. Một số ít trường hợp bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu chụp X-quang nếu họ đang gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và bắt buộc phải làm xét nghiệm hình ảnh. Lúc này, có thể bác sĩ đánh giá được lợi ích của việc chụp X-quang cột sống nhiều hơn là rủi ro mà nó gây ra.

Bà bầu chụp X-quang có thể gây ra một số rủi ro cho thai nhi
Bà bầu chụp X-quang có thể gây ra một số rủi ro cho thai nhi
  • Khoảng cách giữa 2 lần chụp X-quang như thế nào?

Để tốt nhất, khoảng cách giữa 2 lần chụp X-quang nên là vài ngày hoặc 1 tuần. Nếu như kết quả chụp lần 1 tốt, có thể dùng được thì không cần chụp lại. Nhưng nếu bác sĩ không thể dùng được kết quả đó thì cần chụp lần 2. Bệnh nhân nên hạn chế việc tự ý chụp X-quang cột sống nhiều lần ở nhiều cơ sở y tế khác nhau.

  • Chụp X-quang có gây ảnh hưởng cho sức khỏe không?

Vì sử dụng tia X nên nhiều bệnh nhân lo sợ bị nhiễm phóng xạ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhưng các bác sĩ khẳng định, kỹ thuật này không hề gây hại cho sức khỏe của bệnh nhân. Chỉ những trường hợp lạm dụng nhiều lần, phụ nữ mang bầu thì có thể sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ em cũng hoàn toàn có thể yên tâm thực hiện phương pháp này nên cha mẹ không cần quá lo lắng.

  • Bao lâu thì người bệnh nhận được kết quả chụp X-quang cột sống?

Hiện nay, các máy móc cũng như kỹ thuật thực hiện thường hiện đại nên sẽ không tốn quá nhiều thời gian của bệnh nhân. Khi chụp X-quang, thường sau 10 – 15 phút thì bệnh nhân sẽ được trả kết quả. Với những trường hợp hình ảnh trên phim phức tạp thì có thể sẽ phải chờ khoảng 20 – 30 phút để nhận phim cũng như được bác sĩ đọc kết quả.

Trên đây là toàn bộ thông tin về kỹ thuật chụp X-quang cột sống. Đây là một kỹ thuật khá phổ biến giúp phát hiện nhiều bệnh lý liên quan đến xương khớp và được nhiều cơ sở  y tế thực hiện. Người bệnh khi đi khám và chụp nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để nhanh chóng có được kết quả và đảm bảo hình ảnh phim rõ ràng, sắc nét.

Bài viết liên quan