Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu cướp đi sinh mạng trẻ em, chiếm tỷ lệ 16% số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu và 99% số trẻ trong số đó sinh sống ở thành thị. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách là phải nghiên cứu, tìm hiểu chi tiết về viêm phổi trẻ em từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, ngăn chặn biến chứng của bệnh.

Tổng quan về bệnh

Viêm phổi là hiện tượng nhiễm trùng trong phổi. Bệnh xuất hiện khi có sự tích tụ của vi khuẩn hoặc virus ở cơ quan này, chúng sinh sôi phát triển và gây nên những ổ nhiễm trùng. Trong đó, loại vi khuẩn phổ biến nhất là phế cầu khuẩn cùng một số loại virus khác như adeno, virus hợp bào hô hấp,…

Viêm phổi thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi
Viêm phổi thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi

Viêm phổi trẻ em thường xuất hiện cùng lúc với đợt ho hoặc cảm cúm. Khi đó, dịch nhầy tiết ra và tồn tại trong phổi rồi trở thành nguồn dinh dưỡng béo bở cho các loại vi khuẩn, virus. Sau đó khoảng vài ngày, chúng sinh sôi phát triển mạnh mẽ và tạo thành nhiều túi phế nang chứa mủ, dịch nhầy đã bị nhiễm khuẩn.

Do sự tấn công của vi khuẩn, bệnh lý này khiến phổi của trẻ tổn thương nghiêm trọng. Nếu để lâu không chữa trị bệnh còn đe dọa trực tiếp tới tính mạng của trẻ.

Các yếu tố nguy cơ:

  • Hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp, các điều kiện chăm sóc y tế còn hạn chế.
  • Nơi ở đông đúc, môi trường sống không được đảm bảo.
  • Bố mẹ thường xuyên hút thuốc lá, khu vực sống nhiều khói bụi.
  • Trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân, mắc bệnh sỏi, thiếu vitamin A.
  • Thời tiết lạnh, chuyển mùa từ thu sang Đông.

Điều kiện viêm phổi trẻ em tái phát:

  • Hệ miễn dịch suy giảm bẩm sinh hoặc bị suy giảm miễn dịch sau sinh.
  • Các dị tật bẩm sinh ở đường hô hấp.
  • Trào ngược dạ dày thực quản.
  • Hôn mê, bại não gây mất phản xạ ho.
  • Bệnh cao áp phổi nguyên phát hoặc thứ phát.

Các dạng viêm phổi trẻ em:

  • Viêm phổi trẻ em dạng nhẹ: Là tình trạng viêm nhiễm không điển hình, trẻ tuy không quá mệt mỏi nhưng có thể gặp một số triệu chứng như sốt nhẹ, ho khan, đau nhức đầu, mệt mỏi…
  • Viêm phổi mức độ trung bình: Do sự tấn công của virus, trẻ sẽ gặp các biểu hiện như viêm họng, nghẹt mũi, ho, sốt nhẹ, cơ thể thiếu năng lượng…
  • Viêm phổi nặng: Bệnh tiến triển ở cấp độ nặng và gây ra các triệu chứng đột ngột như sốt cao, đổ mồ hôi ớn lạnh, da đỏ, thở khò khè, khó thở…

Nguyên nhân và triệu chứng viêm phổi trẻ em

Viêm phổi ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó căn nguyên chủ yếu là các loại nấm, virus, vi khuẩn… Tương ứng với từng độ tuổi của trẻ mà yếu tố gây bệnh cũng có sự khác biệt:

  • Trẻ trên 5 tuổi: Dễ mắc viêm phổi do các loại vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma, phế cầu, siêu vi hô hấp, Chlamydia Pneumoniae.
  • Trẻ dưới 5 tuổi: Thường bị viêm phổi do vi khuẩn, tụ cầu vàng, HiB, liên cầu pyogenes… Trong đó, nhiều năm về trước HiB luôn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhưng thời gian gần đây các loại vacxin phòng bệnh đã có thể tiêu diệt chúng.
  • Trẻ dưới 1 tuổi: Sinh non, sức đề kháng của trẻ còn kém, dinh dưỡng kém, trẻ em tại các nước kém phát triển có điều kiện vệ sinh và chăm sóc còn hạn chế. Ngoài ra, trẻ dưới 1 tuổi thường xuyên phải hít khói thuốc, khí bụi,… trẻ thường xuyên phải tiếp xúc nơi đông người cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao.
Vi khuẩn, virus là nguyên nhân gây viêm phổi trẻ em hàng đầu
Vi khuẩn, virus là nguyên nhân gây viêm phổi trẻ em hàng đầu

Tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của bệnh mà dấu hiệu viêm phổi ở mỗi trẻ sẽ có sự khác biệt:

  • Ho vừa đến nặng, từng đợt ho liên tục kèm theo cảm giác ớn lạnh, tức ngực.
  • Trẻ thở nhanh liên tục, tuy nhiên cần phân biệt với triệu chứng thở gấp khi trẻ sốt cao.
  • Sốt, nghẹt mũi, tiếng thở khò khè.
  • Cơ thể trẻ mệt mỏi, uể oải không muốn vận động.
  • Có triệu chứng nôn ói, môi và đầu ngón tay xanh hoặc có màu xám.
  • Bụng đau do ho, khó thở.
  • Chán ăn, bỏ bữa, cơ thể trẻ mất nước.
  • Thở gấp, tiếng thở rít (đôi khi đây chính là dấu hiệu duy nhất để nhận biết viêm phổi ở trẻ em).

Trường hợp viêm nhiễm xảy ra ở khu vực dưới phổi và gần với bụng thì có thể gây sốt, nôn mửa và không kèm theo các triệu chứng của bệnh hô hấp. Nếu phát hiện trẻ có một hoặc một vài triệu chứng kể trên rất có thể trẻ đã bị viêm phổi, bố mẹ cần chủ động đưa con đến bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán.

Khi nào cần cho trẻ nhập viện?

  • Trẻ ho sốt, khó thở, thở nhanh kèm co lõm ngực, nhất là đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ không uống đủ thuốc được.
  • Trẻ ăn uống kém và nôn nhiều.
  • Việc điều trị ngoại trú thất bại, các triệu chứng của bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm và nặng lên sau 48-72 giờ điều trị.
  • Bác sĩ yêu cầu nhập viện do việc điều trị ngoại trú không thành công.

Khả năng lây nhiễm của bệnh

Bản chất viêm phổi trẻ em không lây nhiễm nhưng các loại vi khuẩn, virus gây bệnh lại có thể lan truyền từ người này sang người khác. Những loại vi khuẩn này thường tồn tại ở dịch nhầy trong miệng, mũi của trẻ nhiễm bệnh từ đó có thể phát tán ra xung quanh khi trẻ ho hoặc hắt hơi. Đây gần như là cách lây nhiễm chung của nhiều căn bệnh về đường hô hấp.

Ngoài ra, việc trẻ khỏe mạnh dùng chung cốc, bát, thìa, đũa, chạm vào khăn giấy, khăn tay của trẻ bị bệnh có dính virus, vi khuẩn trên bề mặt (chúng bắt nguồn từ dịch mũi, dịch họng) cũng có thể khiến viêm phổi lây lan. Do vậy, cách ngăn chặn lây lan tốt nhất là hạn chế tiếp xúc gần với những người bị ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng,… Trường hợp ở nhà trẻ có trẻ nhiễm bệnh thì nên cho con tạm nghỉ học, tránh tiếp xúc và lây bệnh.

Trẻ có thể lây viêm phổi nếu tiếp xúc với dịch của người bệnh
Trẻ có thể lây viêm phổi nếu tiếp xúc với dịch của người bệnh

Chẩn đoán viêm phổi trẻ em

Bệnh viêm phổi rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý như cảm lạnh, cảm cúm. Tuy nhiên, điểm khác biệt là bệnh viêm phổi thường kéo dài, gây ra những triệu chứng tương đối nghiêm trọng.

Thăm khám lâm sàng:

Để chẩn đoán xem bệnh nhi có bị viêm phổi hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, từ đó nắm được những thông tin cơ bản về bệnh cũng như vấn đề mà trẻ đang gặp phải.

Viêm phổi do vi trùng: Trẻ thở nhanh, ngưỡng thở có thể thay đổi theo lứa tuổi.

  • Trẻ em dưới 2 tháng tuổi ≥ 60 lần/phút.
  • Trẻ từ 2 đến dưới 12 tháng ≥ 50 lần/phút.
  • Trẻ từ 12 tháng – dưới 5 tuổi ≥ 40 lần/phút.
  • Trẻ trên 5 tuổi ≥ 30 lần/phút.

Dấu hiệu suy hô hấp: Trẻ bị co lõm ngực, cánh mũi phập phồng, bỏ bú, thở rên, ran phổi nổ, ẩm. Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi thì hơi thở không đều, thở từng cơn, rên rỉ.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ đặt ra cho phụ huynh một số câu hỏi về tiền sử bệnh trong gia đình, thói quen hút thuốc của bố mẹ, loại thuốc trẻ đang sử dụng, các triệu chứng trẻ gặp phải trong thời gian gần đây…

Xét nghiệm cận lâm sàng:

Các triệu chứng viêm phổi trẻ em tương đối đa dạng nhưng cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý viêm đường hô hấp khác. Do vậy, nếu chỉ thăm khám lâm sàng và đưa ra kết luận về bệnh là chưa đủ, trẻ cần được thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc cụ thể:

  • Chụp X-quang ngực: Đây là xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho công tác chẩn đoán của bác sĩ. Xét nghiệm hình ảnh này cho phép xác định nguyên nhân gây bệnh, độ nặng viêm phổi thùy, thâm nhiễm phổi và viêm phổi mô kẽ.
  • Chụp CT: Đặc biệt hữu ích trong các trường hợp chẩn đoán u phổi, giãn phế quản, viêm phổi. Đây là phương pháp chẩn đoán cho kết quả hình ảnh với độ phân giải cao, có giá trị trong việc xác định mức độ tổn thương của lá phổi.
  • Xét nghiệm đờm: Dịch đờm do trẻ khạc nhổ hoặc hút từ chất nhầy trong dạ dày. Mỗi trẻ được lấy 3 mẫu dịch đờm (mẫu 1 khi khám bệnh, mẫu 2 lúc ngủ dậy vào sáng sớm, mẫu 3 lấy khi khám mẫu 2). Sau đó các mẫu bệnh phẩm được soi trên kính hiển vi quang, nếu tìm thấy các trực khuẩn lao màu đỏ có nghĩa trẻ đã nhiễm bệnh. Ngoài việc soi dịch đờm trên kính hiển vi, bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp sinh học phân tử nếu số lượng trực khuẩn lao ít, không quan sát được qua ống kính. Đồng thời, phương pháp miễn dịch cũng được dùng để chẩn đoán bổ sung, củng cố tính chính xác cho kết quả cuối cùng.
  • Nội soi phế quản: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát đường thở trong phổi. Đồng thời phát hiện các vấn đề trong phế quản, dự đoán biến chứng có thể xảy ra.

Các chẩn đoán xác định

  • Lâm sàng: Triệu chứng ho, sốt, thở nhanh, co lõm ngực.
  • X-Quang: Xuất hiện tổn thương phổi, phế nang, thùy phổi.

Chẩn đoán phân biệt: 

  • Lao phổi
  • Dị tật bẩm sinh ở phổi

Một số trường hợp thở nhanh nhưng không kèm theo các triệu chứng lâm sàng, phim chụp X-Quang không cho kết quả viêm phổi thì cần phân biệt toan chuyển hóa bởi những nguyên nhân khác.

Các chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ có được thông tin chính xác
Các chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ có được thông tin chính xác

Biện pháp điều trị

Phác đồ điều trị viêm phổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng thể chất, nguyên nhân gây viêm phổi (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng…). Trường hợp bệnh do các loại virus gây ra thì trẻ không cần phải sử dụng kháng sinh, trái lại viêm nhiễm do sự tấn công của virus thì trẻ phải dùng kháng sinh kê đơn. Căn cứ vào loại virus cụ thể mà bác sĩ sẽ kê những loại kháng sinh phù hợp.

Điều trị ngoại trú

Được chỉ định với các trường hợp chỉ bị ho, thở nhanh. Trường hợp này trẻ được dùng kháng sinh kết hợp chế độ chăm sóc tại nhà. Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà trẻ sẽ được chỉ định kháng sinh phù hợp:

  • Trẻ dưới 5 tuổi: Dùng Amoxicillin (90mg/kg thể trọng) hoặc Amoxicillin – Clavu, Cefaclor, Cefuroxim, Erythromycin, Clarithromycin.
  • Trẻ trên 5 tuổi: Macrolides + Amoxicillin.

Điều trị nội trú

Trong trường hợp thuốc không đáp ứng hoặc các triệu chứng trầm trọng hơn thì trẻ phải nhập viện để được bác sĩ theo dõi và tiếp tục điều trị nội trú.

1. Các trường hợp trẻ em viêm phổi phải điều trị tại viện:

  • Cần sử dụng oxy trị liệu.
  • Phổi nhiễm trùng và đe dọa nguy cơ lan sang máu.
  • Bên cạnh viêm phổi, trẻ còn mắc bệnh lý mãn tính liên quan tới miễn dịch.
  • Trẻ nôn mửa quá nhiều và không thể dùng thuốc.
  • Viêm phổi trẻ em tái phát nhiều lần.
  • Trẻ bị ho gà.

2. Nguyên tắc điều trị:

  • Hỗ trợ khả năng hô hấp.
  • Tiếp tục sử dụng kháng sinh.
  • Điều trị hỗ trợ.
  • Điều trị loại bỏ biến chứng viêm phổi.

3. Phương pháp điều trị:

Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh đường tiêm và các liệu pháp đặc biệt. Trường hợp bệnh viêm phổi diễn biến nặng, trẻ được chuyển đến đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Liệu pháp thở oxy: 

  • Chỉ định: Trẻ tím tái, li bì khó đánh thức hoặc nhịp thở trên 70 lần/phút kèm theo rên rỉ.
  • Mục tiêu: SPO2= 92-96%.

Liệu pháp kháng sinh:

Nếu trẻ chưa điều trị kháng sinh đường tiêm:

  • Trẻ dưới 2 tháng: Ampicillin + Gentamycin + Cefotaxim.
  • Trẻ từ 2-5 tuổi: Penicillin G hoặc Ampicillin + Gentamycin hoặc Cefotaxim dùng 200mg/kg, ngày dùng 3 lần.
  • Trẻ trên 5 tuổi: Cefotaxim + Macrolides

Nếu trẻ đã được điều trị ở tuyến trước bằng Ampicillin hoặc Penicillin G thì lựa chọn Cefotaxim + Gentamycin.

Chăm sóc trẻ bị viêm phổi

Khi mắc viêm phổi, trẻ em cần được nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước để làm đờm nhanh chóng được thải ra ngoài. Trường hợp con bị viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh, lúc này phụ huynh hãy cho trẻ uống dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ nhằm phục hồi sức khỏe và ngăn chặn lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình.

Phụ huynh cần chăm sóc tốt cho trẻ trong thời gian bị bệnh
Phụ huynh cần chăm sóc tốt cho trẻ trong thời gian bị bệnh

Đồng thời, khi chăm sóc trẻ nhỏ bị viêm phổi bố mẹ cũng cần:

  • Cho con ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi điều độ. Nhất là việc đảm bảo ngủ 8-9 tiếng/ngày, riêng trẻ sơ sinh thì thời gian ngủ phải lớn hơn.
  • Theo dõi, quan sát nếu thấy trẻ thở khò khè thì nên cho con sử dụng máy phun sương, ống hít để cải thiện tình trạng.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
  • Thường xuyên đo thân nhiệt, quan sát phản ứng, biểu hiện ở môi, đầu ngón tay của con.
  • Lập tức đưa trẻ đến bệnh viện nếu nhận thấy các dấu hiệu sau: Trẻ sốt 38,9 độ, môi và đầu ngón tay xám hoặc tím tái.

Tiên lượng và biến chứng

Viêm phổi trẻ em diễn biến từ nhẹ đến nặng. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, viêm phổi có thể khiến trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như:

  • Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn gây bệnh đã xâm nhập vào hệ tuần hoàn và gây ra tình trạng nhiễm trùng máu, sốc biến chứng nhiễm trùng. Đây là biến chứng khó điều trị và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
  • Tràn mủ màng phổi: Cản trở hoạt động hô hấp, khiến bạch cầu tăng cao và làm xuất hiện tình trạng kháng thuốc.
  • Viêm màng não: Khiến não trẻ bị tổn thương vĩnh viễn, đe dọa rối loạn thần kinh và tính mạng của trẻ.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp: Áp xe phổi, hệ miễn dịch suy giảm trầm trọng.
  • Tràn dịch màng tim, trụy tim: Hệ tuần hoàn bị tác động dẫn đến rối loạn và phát sinh tràn dịch màng tim, bóng tim to, trụy tim,…
  • Một số biến chứng khác: Viêm khớp, viêm phúc mạc, viêm nội tâm mạc…

Hướng dẫn phòng tránh

Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh bệnh viêm phổi trẻ em hiệu quả:

  • Trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài ít nhất đến khi trẻ tròn 2 tuổi.
  • Người chăm sóc trẻ phải luôn vệ sinh tay bằng nguồn nước sạch, luôn giữ cho trẻ môi trường sống trong lành.
  • Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh để con tiếp xúc với những người đang mắc bệnh hô hấp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
  • Tránh xa khói thuốc lá, nếu trong gia đình có người hút thuốc cần nhắc nhở mọi người bỏ thuốc.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, nhất là những thời điểm giao mùa, không khí ẩm thấp.
  • Khi trẻ ho, sốt có biểu hiện cảm cúm thì không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà. Cách tốt nhất là đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
  • Tuân thủ lịch tiêm vacxin khi trẻ đến tuổi. Từ đó giúp ngăn chặn hiệu quả nhiều bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phổi.

Viêm phổi trẻ em là tình trạng y tế nguy hiểm, đe dọa nhiều biến chứng nếu không được chữa trị kịp thời. Do vậy, bậc phụ huynh nên chú ý theo dõi sức khỏe, các biểu hiện bất thường ở con để từ đó sớm thăm khám, điều trị, tránh để bệnh kéo dài gây biến chứng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bài viết liên quan