Tình trạng viêm phổi nặng do virus cúm A có tỉ lệ xảy ra ở trẻ nhỏ cao ngang bằng với người lớn tuổi. Bệnh thường xuất hiện ở những người có sức đề kháng kém, do cơ thể chống lại virus kém hơn những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đây là một căn bệnh nguy hiểm của đường hô hấp, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng tới sức khỏe.

Viêm phổi nặng do virus cúm A là gì?

Viêm phổi nặng do virus cúm A là một dạng tổn thương phổi ở mức độ nghiêm trọng. Bệnh tiến triển nhanh, nguyên nhân chủ yếu là do các loại virus cúm A gây ra như: Cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), cúm A (H3N2). Trong đó:

Virus cúm A (H5N1)

Cúm A (H5N1) còn gọi là cúm gia cầm vì gây bệnh cho các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, chim,… và sau đó lây nhiễm sang cho con người.

Bệnh hay gặp phải ở những người đang trong độ tuổi lao động và những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch như: Bệnh nhân nhiễm HIV, người nghiện rượu, phụ nữ đang mang thai,…

Virus cúm A (H5N1) là loại virus có độc lực cực mạnh, sau khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ gây ra những tổn thương theo 2 cơ chế:

  • Cơ chế trực tiếp: Virus phát triển theo cấp số nhân tại tế bào phế bào II của phế nang, sau đó phá hủy trực tiếp các phế nang một cách nhanh chóng.
  • Cơ chế gián tiếp: Virus kích thích lên hệ thống miễn dịch của cơ thể, gây ra những phản ứng viêm quá mức, gây tổn thương suy đa tạng.

Người bệnh bị nhiễm virus cúm A H5N1 có tỷ lệ tử vong khá cao, lên đến 60-80%, đặc biệt tỷ lệ này xảy ra nhiều tại các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

Đặc điểm của virus cúm A
Đặc điểm của virus cúm A

Virus cúm A (H1N1)

Đại dịch cúm A H1N1 bắt đầu tại Mexico từ năm 2009, sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ, Châu u, Châu á trong đó có cả Việt Nam. Trong vòng 1 năm sau khi đại dịch này bùng phát đã có khoảng 16.700 người tử vong.

Cúm A (H1N1) là loại virus gây bệnh trực tiếp cho con người, mức độ lây lan của bệnh ra cộng đồng là vô cùng nhanh. Tuy nhiên độc lực của loại virus này yếu hơn so với virus cúm A (H5N1). Nhóm đối tượng dễ mắc nhiễm virus cúm A (H1N1) bao gồm: Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc bệnh tim mạch mãn tính, bệnh phổi mãn tính, bệnh béo phì,…

Tỷ lệ người tử vong do mắc phải căn bệnh này ở mỗi quốc gia lại có sự khác nhau, cụ thể ở Mỹ tỷ lệ tử vong do bị nhiễm virus cúm A là khoảng 0.048%, tại Anh là 0.026%. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp. Mặc dù bệnh lây nhiễm từ động vật mắc bệnh, thế nhưng con người vẫn hoàn toàn có thể ăn thịt động vật đã được nấu chín mà không sợ bị nhiễm bệnh.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh

Để xác định chính xác người bệnh có đang bị nhiễm viêm phổi nặng do virus cúm A hay không, cần thực hiện theo đúng các phương pháp chẩn đoán sau:

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng:

Việc chẩn đoán bệnh viêm phổi nặng do virus cúm A dựa vào các yếu tố lâm sàng như sau:

  • Yếu tố dịch tế: Người bệnh có tiền sử tiếp xúc với những loại gia cầm bị ốm hoặc chết do virus cúm A hoặc tiếp xúc gần với những người từ vùng dịch về.
  • Lâm sàng: Người bệnh có biểu hiện của bệnh cúm và bệnh suy hô hấp.
  • Người bệnh có dấu hiệu suy hô hấp trên nền bệnh nhân có biểu hiện của bệnh cúm. Tuy nhiên mỗi người bệnh sẽ có những diễn biến bệnh khác nhau và xuất hiện thêm một số triệu chứng ngoài đường hô hấp do virus cúm A H5N1 gây ra.

Thời gian ủ bệnh:

Tùy theo từng loại virus sẽ có mức thời gian ủ bệnh khác nhau. Đối với virus cúm A H5N1 sẽ có thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Đối với virus cúm A H1N1 sẽ có thời gian ủ bệnh từ 1.5 – 3 ngày hoặc lâu hơn.

Virus cúm A có thời gian ủ bệnh khá ngắn
Virus cúm A có thời gian ủ bệnh khá ngắn

Thời gian toàn phát:

  • Người bệnh bị nhiễm virus cúm A H5N1 sẽ có những dấu hiệu chung như: Đau rát họng, đau đầu, sốt, đau khắp mình mẩy, ho khan, chảy nước mũi,…
  • Có thể xuất hiện thêm những dấu hiệu về thần kinh như: Lú lẫn, rối loạn cơ tròn, hội chứng màng não, buồn nôn, nôn,…
  • Các triệu chứng về hô hấp như suy hô hấp nhanh, khó thở, thở nhanh, mạch đập nhanh, SpO2 giảm, tím môi, tím các đầu chi.
  • Các triệu chứng về tiêu hóa như viêm dạ dày ruột, tiêu chảy.

Cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm công thức máu: Bạch cầu và tiểu cầu bình thường hoặc giảm.
  • Chụp X-quang phổi: Tổn thương thâm nhiễm khu trú ở một bên phổi hoặc lan sang cả hai bên phổi.
  • Xét nghiệm khí máu: Giảm oxy máu hóa mức độ vừa đến nặng, tỷ lệ PaO2/FiO2 nhỏ hơn 300.
  • Kết quả test chẩn đoán nhanh cúm A (+) với dịch tỵ hầu hoặc dịch phế quản. Trường hợp người bệnh được chấn đoán là nhiễm virus cúm A (H5N1) bắt buộc phải lấy dịch đờm sâu sau khi được khí dung nước muối ưu trương 10%. Quy trình test nhanh cho kết quả sau 15-30 phút.
  • PCR chẩn đoán cúm A (H5N1) hoặc cúm A (H1N1) cho kết quả chính xác nhưng chậm, mất nhiều thời gian chờ đợi.

Các xét nghiệm này có tác dụng giúp chẩn đoán suy đa tạng và theo dõi diễn biến của bệnh được hiệu quả hơn.

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh viêm phổi nặng do virus cúm A cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm phổi do phế cầu,…  Khi đó, người bệnh làm xét nghiệm sẽ thấy bạch cầu tăng, procalcitonin tăng, có thể xét nghiệm nước tiểu để phát hiện gián tiếp kháng nguyên phế cầu.

Chẩn đoán nguyên nhân

Có 3 nguyên nhân gây bệnh viêm phổi nặng do virus cúm A đó là: Do virus cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), hoặc cúm A (H3N2).

Điều trị bệnh viêm phổi nặng do virus cúm A

Hiện tại đối với việc điều trị bệnh viêm phổi nặng do virus cúm A gây ra, các bác sĩ sẽ không kê đơn thuốc kháng sinh. Bởi vì loại thuốc này chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không có tác dụng tiêu diệt virus. Thông thường, để xử trí bệnh viêm phổi nặng do virus cúm A, các bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng loại thuốc kháng virus, thuốc giảm đau và hạ sốt.

Các bác sĩ sẽ áp dụng các loại thuốc kháng virus, thuốc giảm đau hạ sốt cho người bệnh
Các bác sĩ sẽ áp dụng các loại thuốc kháng virus, thuốc giảm đau hạ sốt cho người bệnh

Dưới đây là phác đồ điều trị bệnh viêm phổi nặng do virus cúm A gây ra, bạn đọc có thể tham khảo:

Các biện pháp cách ly

  • Thực hiện quy trình cách ly người bệnh theo chỉ định và các quy trình về việc xử lý chất thải.
  • Thực hiện quy trình khử trùng các dụng cụ, trang thiết bị y tế phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh nhân tránh lây nhiễm.

Các biện pháp hỗ trợ

Một số biện pháp điều trị hỗ trợ bao gồm:

  • Sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol khi người bệnh có thân nhiệt cao > 39 độ C (không dùng thuốc hạ sốt nhóm salicylate như aspirin).
  • Bảo đảm chế độ chăm sóc và dinh dưỡng cho người bệnh bằng cách bổ sung các chất dinh dưỡng thông qua các món ăn. Đối với người bệnh nặng có thể cho uống sữa và dùng bột dinh dưỡng thông qua ống thông dạ dày. Trường hợp bệnh nhân không ăn được phải sử dụng thêm đường truyền tĩnh mạch.
  • Giúp người bệnh ho khạc, vỗ rung vùng ngực và tiến hành hút đờm. Nằm đầu cao 30-45 độ, cho bệnh nhân nằm đầu thẳng.
  • Liệu pháp oxy để duy trì SpO2 lớn hơn 92% và PaO2 lớn hơn 60 mmHg bằng cách cho thở oxy qua giọng kính với lưu lượng tối đa là 5 lít/phút. Nếu không có kết quả thì thở oxy mặt nạ đơn giản với lưu lượng oxy tối đa là 8 lít/phút. Trường hợp người bệnh vẫn không có kết quả thì có thể áp dụng thêm 1 trong các cách sau:

Cách 1: Cho thở máy không xâm nhập với mức BiPAP: EPEP 5-8cm nước, đặt IPAP hoặc PS dựa vào Vte (8-10ml/kg) và đảm bảo không khó phút. Không để IPAP vượt quá 20cm nước.

Có thể cho người bệnh thở máy không xâm nhập
Có thể cho người bệnh thở máy không xâm nhập

Cách 2: Cho thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản để thông khí bảo vệ phổi, với Vt = 5-8ml/kg, nếu bệnh nhân có tổn thương phổi cấp (ALI) hoặc ARDS cần phải chuyển qua phương pháp khác.

Cách 3: Thông khí nhân tạo tần số cao (HFO) hoặc trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO) nếu có điều kiện.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ suy đa tạng khác như:

  • Tuần hoàn: Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, bù dịch để duy trì áp lực tĩnh mạch trung tâm từ 7-10 cm nước, có thể sử dụng thuốc vận mạch nếu cần thiết.
  • Lọc máu liên tục: Thể tích dịch thay thế lớn > 45ml/kg/kg. Ngừng lọc máu khi cho người bệnh thở máy hoặc chỉ số oxy hóa máu đã lớn hơn 300 hoặc bệnh nhân có suy thận, có nước tiểu trên 3000ml/ngày.
  • Tiến hành lọc máu ngắt quãng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Truyền thêm máu, hồng cầu, tiểu cầu nếu cần thiết.
  • Điều trị hỗ trợ suy gan trong một vài trường hợp đặc biệt.

Các điều trị khác

  • Cho người bệnh sử dụng kháng sinh nếu có xuất hiện nhiễm khuẩn, chú ý nhiễm khuẩn bệnh viện.
  • Điều trị các biến chứng: Nếu người bệnh bị tràn khí, dịch màng phổi cần dẫn lưu khí và dịch màng phổi.
  • Corticoid: Dùng hydrocortison tiêm tĩnh mạch 4 lần/ngày, mỗi lần 50mg.
  • Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu và dự phòng loét tiêu hóa do stress.
  • Chăm sóc, chống loét và phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện.
  • Kiểm soát lượng đường huyết.

Điều trị đặc hiệu

Sử dụng thuốc kháng virus, nên dùng sớm ngay khi có chẩn đoán hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Loại thuốc kháng virus được sử dụng phổ biến nhất hiện nay đó là Oseltamivir (tamiflu), được dùng với liều lượng như sau:

Người lớn và trẻ em > 13 tuổi: Dùng 2 lần/ngày, mỗi lần 75mg, sử dụng liên tiếp trong vòng 5 ngày.

Trẻ em từ 1-13 tuổi: Dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ dựa vào trọng lượng của cơ thể. Cụ thể như:

  • Trẻ < 15kg: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 30 mg, uống liên tiếp trong 5 ngày.
  • Trẻ từ 16-23kg: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 45 mg, uống liên tiếp trong 5 ngày.
  • Trẻ từ 24-40 kg: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 60 mg, uống liên tiếp trong 5 ngày.
  • Trẻ > 40kg: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 75 mg, uống liên tiếp trong 5 ngày.

Trẻ em dưới 12 tháng:

  • Trẻ < 3 tháng: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 12 mg, uống liên tiếp trong 5 ngày.
  • Trẻ từ 3-5 tháng: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 20 mg, uống liên tiếp trong 5 ngày.
  • Trẻ từ 6 – 11 tháng: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 25 mg, uống liên tiếp trong 5 ngày.
Thuốc kháng virus cúm A Oseltamivir
Thuốc kháng virus cúm A Oseltamivir

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng Zanamivir dạng hít định liều trong các trường hợp không có oseltamivir, chậm đáp ứng hoặc kháng oseltamivir.

  • Người lớn và trẻ em trên 7 tuổi: Xịt 2 lần/ngày, mỗi lần xịt 5mg.
  • Trẻ em từ 5-7 tuổi: Xịt 1 lần/ngày,  mỗi lần 5mg.

Trường hợp bệnh viêm phổi nặng do virus cúm A trở nên nghiêm trọng có thể kết hợp oseltamivir với zanamivir. Nếu người bệnh đáp ứng chậm với thuốc kháng virus, thời gian điều trị có thể kéo dài đến khi xét nghiệm hết virus. Đồng thời cần theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp.

Điều trị bệnh viêm phổi nặng do cúm A trong trường hợp dịch lây lan trong cộng đồng, không chẩn đoán xác định được bằng xét nghiệm. Theo đó, các trường hợp nghi ngờ trong vùng dịch đã được xác định nếu có biểu hiện lâm sàng cần được đưa đi cách ly và điều trị triệu chứng. Những trường hợp diễn biến nặng cần phải được điều trị tại bệnh viện theo hướng dẫn như trên.

Tiêu chuẩn ra viện

Tại những nơi không có xét nghiệm RT-PCR:

  • Có thể ra viện sau khi hết sốt 3 ngày.
  • Tình trạng sữa khỏe lâm sàng ổn định.

Tại những nơi có xét nghiệm RT-PCR:

  • Có thể ra viện sau khi hết sốt 3 ngày .
  • Tình trạng sữa khỏe lâm sàng ổn định.
  • Xét nghiệm Real time RT-PCR virus cúm A thấy có kết quả âm tính vào ngày thứ tư.

Phòng lây nhiễm bệnh viêm phổi do virus cúm A

Cần phải thực hiện các biện pháp cách ly và phòng chống nhiễm khuẩn do virus cúm A một cách nghiêm ngặt. Khi khi ngờ mắc cúm A phải đi thăm khám ngay để phân loại và cách ly kịp thời .

Phòng ngừa cho người bệnh và người đến thăm

  • Tất cả người bệnh hoặc người đang nghi ngờ mắc bệnh cần phải mang khẩu trang khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài. Người bệnh cần vệ sinh đường hô hấp theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khi vận chuyển người bệnh cần thông báo trước cho bên tiếp đón. Người bệnh và người chuyển người bệnh cần mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân và khử khuẩn sau khi dùng.
  • Trường hợp người nhà chăm sóc người bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh phải được hướng dẫn các biện pháp phòng lây nhiễm.

Phòng ngừa cho nhân viên y tế

  • Nhân viên y tế cần rửa tay trước và sau khi thăm khám người bệnh bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Phương tiện bảo hộ sẽ bao gồm: Khẩu trang ngoại khoa, khẩu trang N95, mặt nạ che mặt, kính bảo hộ, áo choàng giấy dùng một lần, găng tay, mũ, bao giầy hoặc ủng. Phương tiện phòng hộ sau khi dùng cần được xử lý theo quy định.
  • Bệnh phẩm xét nghiệm phải đặt trong túi nilon hoặc hộp vận chuyển đóng kín mang đến phòng xét nghiệm .
  • Lập danh sách các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc điều trị cho người bệnh. Nhân viên làm việc tại khoa có người bệnh và nhân viên trong phòng xét nghiệm xử lý bệnh phẩm. Những người này cần được theo dõi các biểu hiện lâm sàng mỗi ngày.
  • Nhân viên đang mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính cần tránh tiếp xúc với người bệnh .
Cần thực hiện biện pháp phòng ngừa cho nhân viên y tế
Cần thực hiện biện pháp phòng ngừa cho nhân viên y tế

Xử lý dụng cụ y tế dùng cho người bệnh

  • Cần phải lau và khử khuẩn bề mặt buồng bệnh hai lần mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn .
  • Những dụng cụ y tế dùng lại phải khử khuẩn ngay tại khu vực cách ly, sau đó chuyển về khu vực quy định để diệt khuẩn.
  • Phương tiện dùng cho người bệnh phải cọ rửa bằng xà phòng và hoá chất khử khuẩn. Người bệnh dùng dụng cụ vệ sinh và dinh dưỡng riêng .
  • Áp dụng phương pháp vận chuyển và xử lý các loại đồ vải y tế theo quy định.

Các biện pháp phòng bệnh chung

  • Người đang trong vùng dịch cần đeo khẩu trang.
  • Thực thiện rửa tay bằng nước rửa tay khử khuẩn.
  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng, đường hô hấp bằng thuốc sát khuẩn và nước muối sinh lý.
  • Tránh tập trung chỗ đông người, nhất là những nơi đang hoặc vừa có dịch xảy ra.
  • Trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, không nên tiếp xúc với gia cầm sống, kể cả khi chúng đang khỏe mạnh và chưa bị nhiễm bệnh.
  • Khi đàn gia cầm có biểu hiện ốm, chết,… cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.
  • Khi có dấu hiệu của việc nhiễm bệnh cúm cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tránh để bệnh lây lan biến chứng thành viêm phổi nặng.

Viêm phổi nặng do virus cúm A phát triển rất nhanh và gây tổn thương nặng nề ở phổi, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Bởi vậy, ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của sức khỏe người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị sớm, nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải.

Bài viết liên quan