Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Viêm mạch dị ứng là một bệnh tự dị ứng gây ra những tổn thương cho nhiều cơ quan khác nhau như xương khớp, da, đường tiêu hóa, tim mạch,… Hiện nay căn bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này. Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh từ sớm mang lại ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Viêm mạch dị ứng là gì?

Viêm mạch dị ứng (hay còn được gọi là hội chứng viêm mạch, ban xuất huyết Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ). Đây là một căn bệnh tự miễn, gây nhiều tổn thương trên da, sau đó lan tỏa ra nhiều hệ thống vi mạch của các cơ quan khác như: Xương khớp, ruột, thận,... Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất chính là trẻ em.

Đây không phải là một bệnh lý gây ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên các triệu chứng của căn bệnh này lại gây mất thẩm mỹ và khiến người bệnh thấy cảm khó chịu. Song song với đó, bệnh viêm mạch dị ứng cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp, gây đau nhức xương khớp khó vận động, đi lại. Nếu trẻ em mắc phải căn bệnh này sẽ làm cản trở đến sự phát triển của trẻ.

viem-mach-di-ung
Viêm mạch dị ứng là căn bệnh tự miễn, gây tổn thương trên da

Biến chứng đáng lo ngại nhất của viêm mao mạch dị ứng đó là khiến người bệnh bị tổn thương ở thận, phù nề cơ thể, đi tiểu ra máu.

Viêm mạch dị ứng thường xảy ra ở những người có cơ địa nhạy cảm, khi tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài khác sẽ làm hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu. Sự phản ứng mạnh mẽ của các kháng nguyên và kháng thể xảy ra ở lớp nội mạc mạch, làm giải phóng chất trung gian hóa học và phức hợp miễn dịch. Hai chất này chính là tác nhân gây tổn thương thành mao mạch dẫn đến tình trạng xuất huyết.

Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng đầu tiên của bệnh đó là cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ, rối loạn tiêu hoá, sau đó xuất hiện các ban đỏ kèm theo những dấu hiệu lâm sàng như sau:

Triệu chứng ở da

50% trường hợp bị viêm mạch dị ứng có triệu chứng xuất huyết dưới da. Các nốt xuất huyết thường gặp ở tay chân, đặc biệt là khu vực quanh hai mắt cá, trong và ngoài đùi, mông, cánh tay, cẳng tay, ít gặp hơn ở các bộ phận khác như thân mình, tai, ống tai, mũi, bộ phận sinh dục,...

viem-mach-di-ung
viêm mạch dị ứng có triệu chứng xuất huyết dưới da

Tuy nhiên, các vết xuất huyết này không gây ngứa, có dạng chấm đỏ, các nốt gờ cao hơn mặt da do bị thâm nhiễm, có mề đay, các bọng nước hoặc bầm máu và ban hoại tử. Biểu hiện nghiêm trọng hơn khi người bệnh đứng lên, có thể xuất hiện tình trạng phù, các tổn thương có tính đối xứng. Đây là một trong những biểu hiện rất dễ bị nhầm với các bệnh lý khác như: Viêm não mô cầu; xuất huyết giảm tiểu cầu; lupus ban đỏ hệ thống...

Triệu chứng ở khớp

Đây là biểu hiện mà phần lớn những người bị viêm mao mạch dị ứng gặp phải. Khi đó, tại các khớp gần kề với vị trí nổi ban xuất huyết sẽ thấy xuất hiện tình trạng đau khớp, các cử động bị hạn chế, các khớp đau thường có tính đối xứng, phù quanh khớp hoặc đôi khi bị đau gân phối hợp. Một số vị trí đau ở khớp thường gặp như: Cổ chân, gối, khuỷu, vai, ngón chân, cột sống, cổ tay và bàn tay,...

Triệu chứng ở cơ quan tiêu hóa

Có đến 66% các trường hợp mắc viêm mạch dị ứng gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Khi đó người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Đau bụng quanh rốn, đau râm ran, liên tục, khi ấn vào thấy đau hơn. Người bệnh có thể bị đau thượng vị lan tỏa hoặc khu trú, kèm theo triệu chứng nôn, buồn nôn. Thời gian đau kéo dài vài giờ hoặc vài ngày và thường tái phát liên tục. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, đi ngoài phân đen kèm theo đau bụng dữ dội.

Tổn thương ở thận

Ở giai đoạn cấp tính, có khoảng 50% người bệnh xuất hiện những tổn thương ở thận. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Đái ra máu đại thể hoặc vi thể, protein niệu, trường hợp protein niệu kéo dài thường phối hợp với đái máu vi thể, đôi khi xuất hiện bạch cầu niệu mà không có nhiễm khuẩn. Ở trẻ em có xuất hiện chứng viêm cầu thận tiến triển nhanh hơn so với người lớn. Những bệnh nhân có hội chứng này thường có tiên lượng xấu.

viem-mach-di-ung
Người bệnh có dấu hiệu tổn thương ở thận

Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác đi kèm như: Viêm tinh hoàn, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, lồng ruột cấp,...

Bệnh viêm mao mạch dị ứng nguy hiểm như thế nào?

Hầu hết trường hợp bệnh viêm mạch dị ứng đều không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các vết ban đỏ xuất huyết trên da lại gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh cảm thấy tự ti và làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng của bệnh có thể tự khỏi trong vòng 1-2 tháng nhưng cũng rất dễ tái phát. Một số trường hợp lại gặp phải những biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương thận: Người bệnh bị tổn thương thận nghiêm trọng có thể sẽ phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
  • Tắc ruột: Một số trường hợp người bệnh có thể bị lồng ruột khiến thức ăn không di chuyển qua ruột được dẫn đến tắc nghẽn, gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải những vấn đề nguy hiểm khác như: Viêm cơ tim, viêm tinh hoàn, viêm màng ngoài tim…

Do đó, trong quá trình điều trị viêm mạch dị ứng, người bệnh cần thường xuyên theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ.

Triệu chứng Viêm Mạch Dị Ứng phổ biến

Nguyên nhân gây viêm mạch dị ứng

Tình trạng xuất huyết mao mạch dị ứng có thể gặp phải ở trên da và nhiều cơ quan khác. Mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân tuy nhiên các bác sĩ chuyên khoa cũng đã tìm ra được một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:

Người có cơ địa bị dị ứng mỗi khi tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài như: Khói bụi, thời tiết thay đổi, lông động vật, phấn hoa, thức ăn.... sẽ xảy hiện tượng viêm mạch dị ứng.
Người đang bị nhiễm các loại virus hoặc vi khuẩn như: Tụ cầu, liên cầu nhóm A, trực khuẩn lao, nấm…
Trường hợp sau khi sử dụng các loại thuốc hoặc sau khi tiêm phòng vaccine, hệ miễn dịch của cơ thể bị phản ứng quá mức gây ra tình trạng viêm xuất huyết mao mạch.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm mạch dị ứng

Người bệnh sẽ được các bác sĩ áp dụng những biện pháp chẩn đoán như sau:

Biểu hiện lâm sàng

Bệnh viêm mạch dị ứng thường có biểu hiện và triệu chứng lâm sàng như: Xuất huyết, đau khớp, đau bụng, tổn thương thận. Cụ thể:

  • Xuất huyết là triệu chứng lâm sàng xuất hiện ở hầu hết các bệnh nhân, các nốt đỏ hơi nổi gờ trên mặt da, khi ấn vào không mất màu, không đau, không ngứa, có thể xuất hiện hoại tử và bọng nước.
  • Ở người lớn và trẻ trên 12 tuổi, ban thường tập trung ở vùng thấp của tay và chân. Còn ở trẻ nhỏ, các ban thường tập trung ở lưng, mông và đùi, xuất hiện ở dạng chấm nốt hoặc thành từng mảng lớn, tồn tại khoảng 5-10 ngày sau đó nhạt dần và mất đi. Các ban xuất huyết mới có thể xuất hiện liên tục trong vòng 1-2 tháng tiếp theo.
  • Người bệnh bị đau khớp hoặc viêm khớp chủ yếu xuất hiện ở khớp gối và cổ chân, kéo dài trong 3-7 ngày, khớp bị đau hoặc viêm không đối xứng, không gây biến dạng khớp.
  • Đau bụng, đau quặn từng cơn, chủ yếu đau quanh rốn và thượng vị do xuất huyết ở phúc mạc và mạc treo. Biểu hiện đau quặn xuất hiện trong vòng 1 tuần sau khi nổi ban xuất huyết, có thể kèm theo dấu hiệu nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đại tiện ra máu, phân đen.
  • Tổn thương thận, viêm cầu thận ở mức nhẹ. Một số ít trường hợp tiến triển nhanh có hội chứng thận hư, viêm cầu thận mãn tính hoặc suy thận.
  • Các biểu hiện thường gặp khác của viêm mạch dị ứng như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, sưng phù hai cẳng chân, chảy máu cam, lồng ruột, xuất huyết phổi - tinh hoàn - não, nhồi máu não, co giật.

viem-mach-di-ung
Người bệnh đau bụng, đau quặn từng cơn, chủ yếu đau quanh rốn và vùng thượng vị

Biểu hiện cận lâm sàng

Người bệnh viêm mạch dị ứng có những biểu hiện cận lâm sàng như sau:

  • Tăng trưởng số lượng bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Số lượng tiểu cầu bình thường, các xét nghiệm đông cầm máu không có gì bất thường.
  • Tăng nồng độ CRP.
  • Ở những bệnh nhân có tổn thương cầu thận khi xét nghiệm nước tiểu thấy có protein niệu, hồng cầu niệu và trụ hồng cầu.
  • Xét nghiệm máu thấy nồng độ IgA tăng.
  • Mô bệnh họng: Mẫu sinh thiết da hoặc thận thấy thành mạch máu bị hoại tử, tế bào nội mô thành mạch bị phù nề và có sự xâm nhập của bạch cầu đa nhân trung tính.

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Liên đoàn phòng chống bệnh khớp châu u (2010) đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán xác định bệnh viêm mạch dị ứng khi có ban xuất huyết dạng chấm nổi ở trên bề mặt da và có ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau đây.

  • Người bệnh bị đau bụng lan tỏa.
  • Da bị tổn thương, ở mạch máu thấy có lắng đọng IgA.
  • Viêm khớp hoặc đau khớp.
  • Có những tổn thương ở thận.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm mạch dị ứng có thể bị nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác. Dưới đây là một số bệnh lý người bệnh cần phân biệt với bệnh viêm mạch dị ứng:

  • Đau bụng: Một số phản ứng đau bụng ngoại khoa có thể do các phản ứng thành bụng, cảm ứng phúc mạc, không có các biểu hiện trên da như viêm mạch dị ứng.
  • Nhiễm trùng não mô cầu: Người bệnh có biểu hiện sốt, nhiễm trùng, ban xuất huyết, không có tính chất phân bố ở vùng thấp như bệnh viêm mạch dị ứng.
  • Thấp tim: Người bệnh có biểu hiện sốt, tổn thương van tim và cơ tim, nồng độ CRP trong máu tăng, không có tổn thương da đặc trưng của viêm mạch dị ứng.
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn: Ban xuất huyết đa hình thái thường xuất hiện dạng mảng, phân bố toàn thân, kèm theo tình trạng chảy máu chân răng, rong huyết, xuất huyết dạ dày,...
  • Lupus ban đỏ hệ thống: Người bệnh có biểu hiện sốt kéo dài, ban cánh bướm, đau khớp viêm loét miệng, rụng tóc,...
  • Phản ứng với thuốc: ban xuất huyết sau khi dùng thuốc, có biểu hiện ngứa kèm theo tổn thương niêm mạc ở mắt, miệng.
  • Viêm khớp dạng thấp: Sốt kéo dài, sưng đau khớp gối xứng có biến dạng khớp, thường không có dấu hiệu đau bụng, không có ban xuất huyết ngoài da.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, nhiễm trùng, tổn thương van tim trên lâm sàng và siêu âm tim.

viem-mach-di-ung
Viêm mạch dị ứng cần phân biệt với bệnh lupus ban đỏ

Các biện pháp điều trị bệnh

Thực tế, bệnh viêm mạch dị ứng có thể chữa khỏi được. Căn bệnh này có thể tự hết trong một vài tháng mà không để lại những ảnh hưởng kéo dài, đặc biệt là khi xảy ra ở trẻ nhỏ. Do đó người bệnh nên cố gắng nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, uống nhiều nước, kết hợp với sử dụng một số loại thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

Nguyên tắc điều trị chủ yếu để làm giảm viêm và giảm những triệu chứng của bệnh. Dưới đây là phác đồ điều trị viêm mạch dị ứng được các bác sĩ áp dụng, bạn có thể tham khảo:

Các biện pháp điều trị bảo tồn

Phương pháp này được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân. Những trường hợp chỉ có ban xuất huyết đơn thuần có thể chỉ cần điều trị bằng các biện pháp như sau:

Nghỉ ngơi tại nhà trong thời gian điều trị cấp tính.
Sử dụng vitamin C liều cao mỗi ngày 1-2g, sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Truyền bù dịch.

Điều trị chống viêm

Quá trình điều trị chống viêm người bệnh có thể áp dụng một số loại thuốc điều trị sau:

Sử dụng thuốc chống viêm không chứa steroid

Dẫn xuất: Ibuprofen, diclofenac, naproxen...

Chỉ định: Sử dụng trong các trường hợp chỉ có ban xuất huyết và đau khớp đơn thuần.

Liều lượng:

  • Naproxen: Dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 2-3 lần/ngày, mỗi lần 200-500mg, dùng tối đa 1500mg/ngày.
  • Trẻ em trên 2 tuổi: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần dùng 5mg/kg, giảm liều lượng đối với bệnh nhân bị suy gan.
  • Diclofenac: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 50 - 75mg, không uống trong bữa ăn, không uống cùng sữa.
  • Ibuprofen: Người lớn uống mỗi ngày 2-4 lần, mỗi lần 200-800mg. Trẻ em uống mỗi ngày 3-4 lần, mỗi lần 30 - 40mg/kg/ngày.

Các loại thuốc này sử dụng trong vòng 5 - 10 ngày hoặc đến khi triệu chứng ổn định. Thuốc chống chỉ định dùng cho những bệnh nhân có xuất huyết tiêu hoá hoặc suy thận, suy gan nặng.

viem-mach-di-ung
Một số loại thuốc Tây có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh

Thuốc Glucocorticoid (prednison, prednisolon, methylprednisolon, ...)

Chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân bị đau bụng, tổn thương thận, đau khớp, ban xuất huyết.
  • Người bệnh không đáp ứng với các thuốc chống viêm không steroid đơn thuần
  • Người bệnh có các biểu hiện nặng và hiếm gặp của bệnh như: Tổn thương thần kinh, tổn thương phổi,

Việc sử dụng sớm glucocorticoid ở những bệnh nhân chưa có tổn thương thận có thể làm hạn chế được sự xuất hiện của các tổn thương này trong quá trình tiến triển của bệnh.

Liều dùng: Người bệnh dùng liều lượng ban đầu là 1mg/kg/ngày, sau đó giảm dần liều. Thời gian sử dụng tùy thuộc vào đáp ứng của người bệnh, đặc biệt là tổn thương thận. Thời gian điều trị mỗi đợt không kéo dài quá 1 tháng.

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng loại thuốc này như: Huyết áp, đường huyết tăng hoặc giảm bất thường, test ACTH, viêm loét dạ dày tá tràng.

Các thuốc ức chế miễn dịch

Dẫn xuất: Cyclosporin, cyclophosphamid, azathioprin,...

Chỉ định: Thuốc dùng kết hợp với glucocorticoid trong trường hợp bệnh nhân có tổn thương thận không đáp ứng với glucocorticoid đơn thuần, đặc biệt là những người bi thận hư hoặc viêm cầu thận.

Liều dùng:

  • Azathioprin: Mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần dùng 2mg/kg, sử dụng trong vòng từ 3 - 6 tháng.
  • Cyclophosphamid: Mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần dùng 1 - 2mg/kg, sử dụng trong vòng từ 3 - 8 tuần.
  • Cyclosporin: Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần từ 2 - 5mg/kg, sử dụng trong vòng từ 3 - 6 tháng.

Theo dõi độc tính:

  • Azathioprin: Xét nghiệm công thức máu và chức năng gan trước điều trị. Trong 1 tháng đầu nên theo dõi mỗi tuần 1 lần, sau đó giảm dần còn 1 - 2 lần/tháng. Ngưng sử dụng thuốc nếu số lượng bạch cầu < 1,5G/L, tiểu cầu < 100G/L, HC niệu (+).
  • Cyclophosphamid: CTM mỗi tuần 1 lần trong suốt thời gian điều trị. Đồng thời tiến hành xét nghiệm chức năng gan thận trước điều trị và mỗi tháng một lần. Sau đó ngưng điều trị nếu số lượng bạch cầu < 1,5G/L, tiểu cầu < 100G/L, HC niệu (+). Mỗi ngày bù > 2000ml nước.
  • Cyclosporin: Tiến hành đo huyết áp hàng tuần, xét nghiệm chức năng thận trước điều trị và mỗi tháng một lần, đo mức lọc cầu thận 3 tháng một lần.

Các phương pháp điều trị khác

Ở những bệnh nhân bị tổn thương nội tạng ở mức nghiêm trọng không đáp ứng được với các loại thuốc điều trị trên có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:

  • Corticoid liều cao: Sử dụng methylprednisolon với liều lượng 500mg/ngày liên tục trong vòng 3 ngày. Chỉ định cho những người bệnh có hội chứng thận hư không đáp ứng với corticoid liều thông thường.
  • Immunoglobulin tĩnh mạch với liều lượng cao.
  • Lọc huyết tương.
  • Ghép thận.

viem-mach-di-ung
Điều trị viêm mạch dị ứng bằng phương pháp lọc huyết tương

Điều trị triệu chứng

Một số phương pháp điều trị triệu chứng được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Suy thận: Sử dụng thuốc lợi tiểu, kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, ăn nhạt, hạn chế dịch.
  • Đau bụng: Sử dụng thuốc giảm đau, an thần.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Sử dụng thuốc ức chế tiết dịch vị (omeprazol, cimetidin, ranitidin), thuốc cầm máu (transamin, ...) và bọc niêm mạc dạ dày, không uống glucocorticoid và các loại thuốc chống viêm không steroid.
  • Đau khớp: Sử dụng các loại thuốc chống viêm giảm đau toàn thân hoặc tại chỗ.

Theo dõi sau điều trị

Sau quá trình điều trị viêm mạch dị ứng, người bệnh cần theo dõi thường xuyên các vấn đề như sau:

  • Huyết áp
  • Các triệu chứng lâm sàng như: Ban xuất huyết ngoài da, đau bụng, đau khớp, nôn ra máu, đi ngoài phân đen
  • Tốc độ lắng máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Protein niệu, hồng cầu niệu,.
  • Xét nghiệm chức năng thận: Ure, kali máu, creatinin.
  • Nồng độ IgA trong máu.

Nếu không có tổn thương ở thận cần theo dõi 3 tháng/lần. Trường hợp có xuất hiện tổn thương ở thận cần theo dõi mỗi tháng một lần cho đến khi xét nghiệm nước tiểu và chức năng thận thấy ổn định.

Để việc điều trị bệnh viêm mạch dị ứng đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng, tránh gây ảnh hưởng đến quá trình chữa bệnh và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Viêm mạch dị ứng không phải là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên đây lại là một dạng bệnh lý ngoài da, gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân. Do đó việc sớm phát hiện và điều trị bệnh mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Người bệnh nếu thấy có những triệu chứng bất thường của sức khỏe cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra ngay.

Danh sách huyệt đạo tham khảo
Danh sách dược liệu tham khảo

Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Chuyên gia tư vấn


Top phòng khám điều trị Viêm Mạch Dị Ứng bằng YHCT


Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bài viết liên quan