Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ Lê Phương | Nơi công tác: Nhất Nam Y Viện

Trẻ em bị đau dạ dày nên ăn gì và không nên ăn gì để mau chóng lành bệnh? Đây là vấn đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Chế độ ăn uống có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều trị và phục hồi sức khỏe cho trẻ. Cha mẹ cần nắm được nguyên tắc ăn uống cùng những loại thực phẩm tốt và không tốt cho bệnh dạ dày của trẻ để chăm sóc con tốt nhất.

Nguyên tắc ăn uống khi trẻ em bị đau dạ dày

Chế độ ăn uống luôn đóng vai trò quan trọng thiết yếu trong điều trị bệnh dạ dày. Đối với trẻ em thì một chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo vệ sinh càng quan trọng hơn bởi trẻ là đối tượng nhạy cảm. May mắn là tình trạng đau dạ dày ở trẻ em thường không quá nghiêm trọng và hầu như có thể điều trị hiệu quả chỉ bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt. Vậy trẻ em bị đau dạ dày nên ăn gì?

Tình trạng đau dạ dày ở trẻ em thông thường có thể khắc phục hiệu quả bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt
Tình trạng đau dạ dày ở trẻ em thông thường có thể khắc phục hiệu quả bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Có một số nguyên tắc ăn uống mà cha mẹ cần chú ý khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ bị đau dạ dày:

  • Hạn chế các loại thức ăn gây kích thích niêm mạc ruột và tăng tiết dịch vị như: cà ri, dưa muối, gà rán…
  • Tăng cường các loại thực phẩm giúp trung hòa axit dạ dày như: bánh mì, bánh quy, sữa.
  • Để thức ăn nguội bớt tới mức âm ấm với cho trẻ ăn và hạn chế tối đa đồ lạnh như kem, nước lạnh.
  • Cho trẻ dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Nên ăn các món cháo, súp được nấu chín nhừ.
  • Hạn chế nêm nhiều gia vị vào trong món ăn của bé vì sẽ gây kích thích và tăng tiết axit dạ dày.
  • Chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực cho dạ dày và duy trì một lượng thức ăn nhất định trong dạ dày giúp trung hòa bớt axit.
  • Chú ý xem trẻ có bị dị ứng với loại thực phẩm nào không và loại bỏ ngay khỏi thực đơn khi cơ thể trẻ có phản ứng khó chịu khi dung nạp.
  • Tuyệt đối đảm bảo vệ sinh trong lựa chọn và chế biến thực phẩm cho trẻ cũng như khi ăn để bảo vệ tốt nhất cho hệ tiêu hóa nhạy cảm của trẻ.

Trẻ em bị đau dạ dày nên ăn gì?

Thực phẩm tốt cho trẻ em bị đau dạ dày không chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu mà còn tốt cho sức khỏe dạ dày của bé. Chúng không gây kích thích mà có khả năng trung hòa axit dạ dày, đồng thời hỗ trợ làm lành những tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt mà cha mẹ nên bổ sung vào thực đơn cho trẻ bị đau dạ dày:

Trẻ em bị đau dạ dày nên ăn thịt nạc, cá

Các loại thịt nạc như thịt lợn nạc, thịt ức gà, thịt bò và cá là những thực phẩm trẻ bị đau dạ dày nên ăn. Chúng giàu protein, giúp cung cấp đầy đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày của trẻ, đồng thời tham gia vào quá trình tái tạo tế bào mới và phục hồi những tổn thương ở dạ dày của trẻ.

Các loại thịt nạc và cá tốt cho trẻ em bị đau dạ dày khi dùng ở mức độ vừa phải
Các loại thịt nạc và cá tốt cho trẻ em bị đau dạ dày khi dùng ở mức độ vừa phải

Tuy nhiên, những loại thịt cá nạc nên được bổ sung ở mức độ vừa phải, ăn quá nhiều sẽ làm tăng tiết axit dạ dày.

Trẻ bị đau dạ dày nên ăn khoai lang, khoai tây

Khoai lang, khoai tây đều giàu chất xơ và có khả năng bảo vệ niêm mạc, trung hòa axit dạ dày. Các loại củ này cũng rất thơm ngon và mềm, tốt cho tiêu hóa. Vì vậy, chúng luôn nằm trong danh sách những thực phẩm tốt cho bệnh nhân bị đau dạ dày, trong đó có cả trẻ em.

Cơm nhão, bánh mì, bột yến mạch

Trẻ đau dạ dày ăn gì tốt? Bánh mì, cơm nhão, bột yến mạch là những lựa chọn tốt. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp tinh bột, lại có khả năng thấm hút bớt axit trong dịch vị dạ dày. Các loại thức ăn này cũng mềm, dễ tiêu hóa, thân thiện với đường ruột nên rất tốt khi sử dụng cho trẻ bị đau dạ dày.

Trẻ em bị đau dạ dày nên ăn trứng

Trứng là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu hóa. Khi được sử dụng đúng cách, ăn trứng giúp hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa và góp phần bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Cha mẹ nên cho bé ăn khoảng 3-4 quả trứng 1 tuần. Nên ăn trứng luộc hoặc hấp sẽ giàu dinh dưỡng và cũng tốt cho dạ dày nhất. Ngoài ra, trứng cho trẻ ăn cần được nấu chín hoàn toàn nếu không sẽ dễ dẫn đến nhiễm khuẩn.

Các loại rau xanh

Các loại rau lá non như rau dền, rau mồng tơi, rau đay là những loại rau rất mềm, tốt cho tiêu hóa được khuyên dùng cho bé đau dạ dày.

Bên cạnh đó, trẻ cũng nên ăn các loại rau như bông cải xanh, cải xoong, rau bina. Những loại này là nguồn protein thực vật phong phú và thân thiện với dạ dày của trẻ.

Ăn nhiều rau xanh hỗ trợ cải thiện tốt chứng đau dạ dày ở trẻ
Ăn nhiều rau xanh hỗ trợ cải thiện tốt chứng đau dạ dày ở trẻ.

Các loại hoa quả không chua

Bổ sung hoa quả vào chế độ ăn hàng ngày giúp cung cấp chất xơ, các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Nguồn dinh dưỡng có trong hoa quả giúp bé tăng cường sức đề kháng và giúp ích cho việc chữa lành những tổn thương của niêm mạc dạ dày.

Tuy nhiên, trẻ bị đau dạ dày chỉ nên ăn các loại hoa quả không chua như: chuối, táo, lê, dưa hấu. Các loại quả này đều ngọt, mềm, không gây kích thích cho dạ dày.

Trẻ em bị đau dạ dày nên uống nhiều nước

Uống đủ nước giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru và giúp trung hòa bớt lượng axit dư thừa trong dạ dày.

Các bé nên được khuyến khích uống nước thường xuyên trong ngày, mỗi lần một lượng vừa phải, không nên uống quá nhiều một lúc. Tốt nhất nên uống nước lọc, ngoài ra có thể bổ sung nước khoáng, nước dừa hoặc nước ép hoa quả không chua.

Trẻ em bị đau dạ dày không nên ăn gì?

Bên cạnh một số loại thực phẩm được khuyên dùng, có những loại thực phẩm không có lợi cần tránh cho trẻ bị đau dạ dày:

  • Các món ăn chứa nhiều gia vị: nêm nếm nhiều gia vị như ớt, tiêu, muối vào món ăn của trẻ sẽ gây tăng tiết axit dạ dày. Các món ăn chua, cay, mặn đều không tốt cho dạ dày của trẻ.
  • Các món nhiều dầu mỡ: loại thực phẩm này gây đầy bụng, khó tiêu, tạo gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày nên đặc biệt cần tránh.
  • Thức ăn chế biến sẵn: Đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, giăm bông chứa nhiều chất bảo quản, chất điều vị và phẩm màu tổng hợp. Đây là loại thực phẩm có hại cho sức khỏe và hệ tiêu hóa của trẻ mà cha mẹ cần kiên quyết hạn chế.
  • Thức ăn chưa nấu chín: cần tuyệt đối tránh cho bé ăn các món ăn tươi sống, chưa chế biến chín hay các loại thực phẩm lên men như: gỏi, trứng ốp la, nem chua. Ăn thực phẩm chưa chế biến chín dễ gây nhiễm khuẩn và làm nghiêm trọng hơn tình trạng đau dạ dày.
  • Các loại rau nhiều chất xơ: như rau muống, rau cần, măng. Bổ sung chất xơ là cần thiết nhưng dạ dày phải tiêu hóa quá nhiều chất xơ sẽ bị ma sát nhiều dẫn đến tăng tổn thương niêm mạc dạ dày. Trẻ đau dạ dày chỉ nên dùng những loại rau này ở mức độ hạn chế.
  • Hoa quả chua: cha mẹ nên tuyệt đối tránh cho trẻ ăn những loại quả chua như cam, dứa, mận, mơ vì các loại quả có tính axit này sẽ làm tình trạng tổn thương dạ dày trở nên trầm trọng hơn.
  • Đồ uống chứa chất kích thích: các loại nước uống có ga hay có chứa cafein như soda đều không tốt cho sức khỏe của bé và còn gây đầy hơi, chướng bụng, kích thích niêm mạc dạ dày.
Thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ không tốt cho trẻ bị đau dạ dày
Thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ không tốt cho trẻ bị đau dạ dày.

Gợi ý một số món ăn cho trẻ bị đau dạ dày

Những nội dung trên đã giúp cha mẹ nắm được nguyên tắc ăn uống cơ bản cũng như những thực phẩm nên và không nên ăn đối với trẻ bị bệnh dạ dày. Dưới đây là gợi ý một số món ăn phù hợp, tốt cho sức khỏe, nên bổ sung vào thực đơn cho trẻ bị đau dạ dày:

  • Các món dùng cho bữa ăn chính: thực đơn cho trẻ đau dạ dày nên là cơm nhão ăn kèm với các món ăn như: canh khoai tây, canh bí đỏ, canh rau dền, canh đậu phụ rau củ, bông cải xanh luộc, thịt băm, cá nấu canh, thịt gà luộc, đậu phụ non sốt thịt băm, trứng luộc, trứng hấp.
  • Các món ăn dùng cho bữa phụ: bánh mì, sữa, khoai lang luộc, chè bột sắn.
  • Các món cháo: Cháo gà, cháo thịt băm cà rốt, cháo đậu xanh, cháo trứng, cháo bí đỏ, cháo thịt bò, cháo yến mạch. Các món cháo này có thể dùng trong bữa chính hoặc bữa phụ đều được. Ngoài ra có thể thay thế bằng các món súp tương tự.
Trẻ em bị đau dạ dày nên ăn các món cháo mềm dễ tiêu hóa
Trẻ em bị đau dạ dày nên ăn các món cháo mềm dễ tiêu hóa.

Lời khuyên chuyên gia khi trẻ em bị đau dạ dày

Nguyên nhân chính khiến trẻ bị đau dạ dày là do sự tấn công của vi khuẩn H.Pylori vào cơ quan tiêu hóa. Vi khuẩn xâm nhập có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khiến thức ăn không đảm bảo vệ sinh như: thức ăn chưa được nấu chín, bát đũa chưa rửa sạch, đồ ăn hàng quán mất vệ sinh, mớm thức ăn cho trẻ.

Chứng đau dạ dày ở trẻ còn có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác như stress, thói quen ăn uống xấu như vừa ăn vừa xem tivi…

Chính vì vậy, ngoài lưu ý vấn đề trẻ bị đau dạ dày nên ăn gì và không nên ăn gì, để phòng ngừa và điều trị bệnh dạ dày, cha mẹ còn cần điều chỉnh những thói quen khác cho trẻ:

  • Xây dựng thói quen ăn đúng bữa, đúng giờ cho trẻ
  • Sau khi ăn, cha mẹ không để trẻ chạy nhảy, vận động mạnh ngay mà cần nghỉ ngơi một lát để dạ dày có thời gian ổn định và tiêu hóa thức ăn.
  • Bảo đảm tốt yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thức ăn cho trẻ, hạn chế cho trẻ đi ăn hàng quán, đặc biệt là hàng quán vỉa hè.
  • Không mớm cơm cho trẻ, đây là thói quen không tốt của ông bà, cha mẹ, có hại cho hệ tiêu hóa của bé.
  • Nhắc nhở trẻ ăn chậm, nhai kỹ nhưng không kéo dài bữa ăn quá lâu.
  • Hạn chế cho trẻ ăn cơm chan canh vì ăn nhiều canh cùng cơm sẽ gây căng dạ dày và tăng tiết axit.
  • Tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa xem tivi hay điện thoại quá 30 phút.  Đây là tình trạng phổ biến hiện nay gây nên bệnh đau dạ dày ở trẻ mà phụ huynh cần lưu ý.
  • Chú ý tới những căng thẳng mà trẻ có thể phải đối mặt như: áp lực học hành, bầu không khí gia đình, bị bắt nạt ở trường… để có những điều chỉnh thích hợp.
  • Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị đau dạ dày nào cho trẻ, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp các cha mẹ giải đáp thắc mắc trẻ em bị đau dạ dày nên ăn gì. Hầu hết tình trạng đau dạ dày ở trẻ là không nghiêm trọng, tuy nhiên cha mẹ không nên coi thường căn bệnh này. Hãy chú ý xây dựng chế độ ăn và thói quen sinh hoạt hợp lý cho trẻ ngay cả khi những triệu chứng đau dạ dày chưa xuất hiện để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con.

Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Dinh dưỡng
Cách chữa liên quan
Bài viết liên quan