Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Trật khớp vai là chấn thương khiến người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như cách phòng tránh và xử lý nếu không may gặp phải. Cùng theo dõi những thông tin chi tiết đã được tổng hợp trong bài viết sau. 

Trật khớp vai là hiện tượng gì? Phân loại chi tiết

Khớp vai là bộ phận có tác dụng giúp cơ thể vận động linh hoạt, khéo léo. Bình thường, khớp vai sẽ được dây chằng cố định và bao bọc. Khi bị tác động nào đó, dây chằng bị giãn hoặc rách, không thể thực hiện chức năng cố định.

Trật khớp vai (Dislocated Shoulder) là khái niệm để chỉ tình trạng chỏm xương cánh tay trật khỏi ổ chảo xương bả vai, khiến khớp bị biến dạng.

Bị trật khớp vai khi ngủ rất phổ biến, khiến người bệnh khó chịu
Bị trật khớp vai khi ngủ rất phổ biến, khiến người bệnh khó chịu

Nếu dựa theo vị trí chỏm xương cánh tay, trật khớp vai được chia thành 3 loại:

  • Trật vai ra trước: Đây là tình trạng chiếm đến 95% các trường hợp trật khớp vùng vai. Lúc này, chỏm xương lật ra phía trước so với ổ chảo xương vai. Tình trạng này gồm các dạng đó là chỏm ngoài, chỏm trong, chỏm dưới mỏm quạ và chỏm dưới xương đòn.
  • Trật khớp vai ra sau: Xương bả vai án ngữ, tình trạng này chỉ chiếm khoảng 4% trường hợp.
  • Trật vai xuống dưới: Cánh tay quật ngược lên trên, đây là trường hợp rất hiếm gặp.

Có một cách phân loại trật khớp vai nữa đó là dựa vào thời gian. Cụ thể là:

  • Trật khớp vai mới: Trật khớp ngay khi dây chằng bị tác động.
  • Trật khớp vai cũ: Tình trạng trật khớp đến muộn sau 3 tuần.
  • Trật khớp vai tái diễn: Trường hợp tần suất trật khớp tái đi tái lại trên 10 lần. Nếu dây chằng bị giãn, đứt gây ra tình trạng này thì gọi là trật khớp vai tái hồi.

Dấu hiệu, nguyên nhân trật khớp bả vai

Theo các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh hoàn toàn có thể nhận biết tình trạng sai khớp vai qua những dấu hiệu sau:

  • Không thể cử động được vai và cánh tay, cảm thấy đau dữ dội kèm theo tê bì. Đặc biệt đau hơn nếu người bệnh vẫn cố gắng hoạt động.
  • Vùng vai, cánh tay bị biến dạng, có dấu hiệu sưng và bầm tím.
Vùng vai đau nhói, bị biến dạng và xuất hiện bầm tím khi bị trật khớp
Vùng vai đau nhói, bị biến dạng và xuất hiện bầm tím khi bị trật khớp

Chấn thương trật khớp xảy ra khi vai bị tác động trực tiếp một lực rất mạnh. Cụ thể, tình trạng này xảy ra trong các trường hợp sau:

  • Mang vác vật nặng: Khi mang vác vật nặng đè lên vay hoặc người bệnh gánh đồ nặng rất dễ bị trật khớp.
  • Chấn thương trong khi chơi thể thao: Những môn thể thao mang tính chất đối kháng, dùng tay và vai nhiều, dễ té ngã. Điển hình như bóng chuyền, cầu lông, trượt tuyết thường rất hay xảy ra chấn thương vùng vai và tay.
  • Va chạm đột ngột: Vai người bệnh bị va đập mạnh khi bị tai nạn giao thông hoặc bị tác động mạnh bởi 1 vật thể nặng.
  • Té ngã: Khi di chuyển ở cầu thang, địa hình trơn trượt hoặc gồ ghề, người bệnh không may bị ngã chống tay và va đập vai. Đặc biệt, người cao tuổi nên chú ý vấn đề này.

Trật khớp vai bao lâu thì khỏi? Biến chứng có thể xảy ra

Trật khớp bả vai khiến người bệnh vô cùng đau đớn và có cảm giác tê bì vùng vai, tay. Điều này khiến vai và tay không thể cử động được, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cũng như công việc. Bị trật khớp vai khi ngủ cũng khiến người bệnh mất giấc, khó ngủ.

Bên cạnh đó, sai khớp vai nặng còn có thể gây ra một số biến chứng vô cùng nghiêm trọng. Cụ thể như:

  • Tổn thương dây thần kinh: Có đến 15% người bệnh gặp phải tình trạng này. Phổ biến nhất là trường hợp liệt dây thần kinh mũ và dây thần kinh cánh tay.
  • Tổn thương mạch máu: Khoảng 1% người bệnh bị tắc động mạch nách khi trật khớp.
  • Gãy xương kèm theo: Trường hợp gãy rời mấu động to rất phổ biến, chiếm đến 30% số trường hợp bị trật khớp.
  • Vỡ bờ ổ chảo: Tình trạng biến dạng chỏm xương cánh tay rất nguy hiểm.
  • Gãy cổ xương cánh tay: Thương tổn đai xoay vai.
Dây thần kinh bị tổn thương là biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi bị trật khớp vai
Dây thần kinh bị tổn thương là biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi bị trật khớp vai

Trật khớp vai bao lâu thì khỏi tùy thuộc vào các yếu tố gồm: Mức độ nặng nhẹ trật khớp, cách sơ cứu và điều trị, cơ địa, ý thức của người bệnh mà mỗi trường hợp sẽ có thời gian phục hồi khác nhau.

Thông thường, quá trình phục hồi sau khi điều trị diễn ra từ 12 – 16 tuần. Cụ thể, sau 12 tuần, người bệnh đã có thể cử động nhẹ. Và sau 16 tuần đã có thể vận động khớp vai gần như cũ.

Tuy nhiên, một số trường hợp bị gãy xương thì người bệnh cần đeo đai và thực hiện trị liệu sau khi nắn chỉnh. Lúc này, người bệnh mất đến trên 3 tháng, khớp vai mới có thể hồi phục.

Chẩn đoán, điều trị trật khớp vai đúng cách

Dù trật khớp nặng hay nhẹ, người bệnh cũng nên thăm khám để biết chính xác tình trạng đang gặp phải. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách:

  • Nhìn: Thấy vai biến dạng, có dấu hiệu gù vai do cơ delta tụt xuống, rãnh delta ngực không rõ, bờ ngoài phần trên cánh tay bị gãy thành góc mở do ngoài.
  • Sờ nắn: Sờ thấy hõm khớp rỗng, chỏm xương cánh tay lệch ra trước và lồi lên khác hẳn so với bên không bị tổn thương.
  • Khám: Chụp X – quang trật khớp vai sẽ thấy rõ tổn thương phần vai.

Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ bị trật khớp vai, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám. Bác sĩ sẽ xem xét bên ngoài và hình ảnh trật khớp vai để kiểm tra tình trạng cũng như đưa ra cách điều trị phù hợp nhất.

Dùng thuốc Tây y

Khi bị trật khớp, người bệnh sẽ cảm thấy đau dữ dội, tê bì vùng vai và cánh tay. Lúc này, bác sĩ thường kê đơn thuốc giảm đau, giãn cơ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Điển hình như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen Sodium, Acetaminophen,…

Dùng thuốc Tây y rất tiện lợi, mang đến hiệu quả gần như tức thì
Dùng thuốc Tây y rất tiện lợi, mang đến hiệu quả gần như tức thì

Người bệnh thực hiện theo đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định để điều trị tình trạng này. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc hoặc thay đổi liều dùng nếu chưa được cho phép. Bởi thuốc Tây y có dược tính cao, tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Phẫu thuật

Đối với những trường hợp nặng, cụ thể như:

  • Khớp vai hoặc dây chằng bị yếu, tình trạng trật khớp có thể tái đi tái lại (trật khớp vai tái hồi).
  • Xương, sụn viền khớp bị tổn thương.
  • Dây thần kinh, mạch máu bị tổn thương.

Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để giải quyết triệt để tình trạng này. Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để chữa trật khớp tay là phẫu thuật nội soi. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân khi tiến hành.

Sau khi đã thực hiện, người bệnh sẽ được tiêm thuốc để ngăn chặn tín hiệu dây thần kinh gây đau trong 10 – 12 tiếng. Do đó, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu sau khi phẫu thuật xong.

Nắn trật khớp vai

Trong trường hợp trật khớp nhẹ, bác sĩ sẽ thực hiện một số thao tác nắn bóp để đưa xương vai về vị trí ban đầu. Lúc đó, tình trạng đau nhức sẽ được cải thiện đáng kể.

Phương pháp này đòi hỏi phải được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm để tránh gây tổn thương cho người bệnh. Có 2 nhóm nắn trật khớp vai là:

  • Nắn bằng lực kéo: Cụ thể như phương pháp Hippocrates. Người bệnh nằm ngửa, bác sĩ nắm lấy tay để hơi dạng ra sau đó kéo dọc trục. Tiếp theo, bác sĩ cho gót chân vào nách người bệnh và đạp mạnh để đối ngược lực kéo ở tay. Thực hiện 5 phút thì bỏ gót chân ra, đưa cánh tay của người bệnh vào trong.
  • Nắn bằng nâng  tay lên cao – Phương pháp Kocher: Người bệnh ngồi gấp khuỷu, để bác sĩ ép khuỷu tay bị thương vào lồng ngực rồi đưa cánh tay duỗi ra sau. Tiếp theo, bác sĩ lại xoay cánh tay ra ngoài. Thực hiện lặp lại đến khi khớp vai trở về vị trí ban đầu.

Bài tập phục hồi chức năng

Người bệnh có thể thực hiện phục hồi chức năng bằng một số bài tập. Điển hình như:

  • Bài  tập 1: Người bệnh nằm sấp, cánh tay để ngang vai, gập khuỷu tay thành 1 góc 90 độ, bàn tay hướng xuống dưới. Sau đó, người bệnh từ từ nâng cánh tay lên ngang tầm vai rồi lại trở về vị trí cũ. Thực hiện tương tự bài tập này đối với tay còn lại.
  • Bài tập 2: Người bệnh nằm nghiêng bên trái, cánh tay phải để dọc theo cơ thể. Tiếp theo, gập khuỷu tay thành góc 90 độ ngang so với cơ thể rồi để nguyên tay trái trên sàn. Người bệnh từ từ xoay vai trái để nâng cẳng tay trái về ngực rồi hạ cẳng tay xuống. Cánh tay phải cũng thực hiện tương tự như trên.
  • Bài tập 3: Người bệnh đứng thẳng lưng, tay trái đưa ra phía trước, ngón tay cái hướng xuống đất. Sau đó, người bệnh nâng cánh tay trái lên cao sao co tạo thành góc 45 độ. Khi đã mỏi thì làm tương tự với tay còn lại.
Bài tập vật lý trị liệu đúng cách giúp quá trình hồi phục khớp vai nhanh chóng
Bài tập vật lý trị liệu đúng cách giúp quá trình hồi phục khớp vai nhanh chóng

Đối với từng trường hợp sẽ có bài tập phù hợp riêng. Người bệnh nên tìm đến các trung tâm vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể. Nếu thực hiện sai cách có thể khiến vai tổn thương nghiêm trọng hơn.

Chườm nóng, lạnh

Sau khi đã tiến hành điều trị, người bệnh cần thực hiện kiểm soát, phục hồi chức năng vùng vai bằng các biện pháp chườm lạnh.

Để giảm đau nhức, chống viêm, người bệnh có thể sử dụng túi chườm lạnh, bình nước đá để chườm trực tiếp lên vai khoảng 15 – 20 phút. Người bệnh nên lặp lại nhiều lần trong ngày, nhất là 2 ngày đầu khi bị trật khớp.

Sau khi thấy cơn đau đã được cải thiện, vết thương không còn sưng viêm, người bệnh hãy thực hiện chườm ấm. Phương pháp này giúp cơ bắp thư giãn và giảm đau hiệu quả.

Phòng tránh nguy cơ bị trật khớp vai

Trật khớp bả vai là chấn thương ngoài ý muốn, quá trình diễn ra đột ngột. Tuy vậy, người bệnh vẫn có thể ngăn ngừa nguy cơ gặp phải bằng những cách sau:

  • Hạn chế va chạm, khởi động thật kỹ khi chơi các môn thể thao dễ gây chấn thương.
  • Người bệnh cần thực hiện cách hoạt động một cách nhẹ nhàng. Hãy hạn chế mang vác vật nặng, đưa tay lên cao làm tăng nguy cơ trật khớp trở lại.
  • Không vận động quá sức, mang vác vật nặng trong thời gian dài, nên chú ý nghỉ ngơi để xương khớp hồi phục.
  • Chú ý khi đi ở bề mặt trơn trượt, gập ghềnh.
  • Có thể sử dụng một số đồ bảo hộ chuyên dụng khi thực hiện các hoạt động nguy hiểm như leo núi, trượt băng.
  • Thường xuyên tập thể dục, nâng cao sức khỏe và sự dẻo dai của xương khớp.
  • Trật khớp vai nên ăn gì? – Người bệnh nên có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhất là cần bổ sung canxi, vitamin như trứng, sữa, hạt, ngũ cốc, rau màu xanh đậm. Đây là những chất cực kỳ tốt cho xương phát triển.

Trên đây là những thông tin về chấn thương trật khớp vai. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã có thể nhận biết được tình trạng này, hiểu rõ nguyên nhân, biết cách xử lý và phòng tránh hiệu quả.


Top địa chỉ phòng khám Trật Khớp Vai


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan
Bài viết liên quan