Thừa cân béo phì là một dạng bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những bệnh nguy hiểm khác. Việc nhận thức đúng về nguyên nhân gây bệnh và tác hại của thừa cân béo phì sẽ giúp người bệnh có thể kiểm soát và phòng tránh bệnh được tốt hơn.

Thừa cân béo phì là gì?

Thừa cân là tình trạng cân nặng tăng quá nhiều so với chiều cao, một phần do dư thừa chất béo, một phần do cơ thể có nhiều cơ bắp hoặc nhiều nước.

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ thừa quá mức tại một vùng cơ thể hoặc toàn thân gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Béo phì không chỉ làm ảnh hưởng đến vóc dáng và tâm lý của người bệnh, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường, xương khớp, ung thư,…

Thừa cân béo phì là tình trạng lưỡng mỡ thừa tích lũy quá nhiều trong cơ thể gây ra nhiều vấn đề về bệnh khác
Thừa cân béo phì là tình trạng lưỡng mỡ thừa tích lũy quá nhiều trong cơ thể gây ra nhiều vấn đề về bệnh khác

Thừa cân béo phì là hai khái niệm khác nhau. Tuy nhiên chúng đều là những bệnh lý cho thấy lượng mỡ trong cơ thể đang vượt quá mức cho phép. Trong đó béo phì chỉ mức độ dư thừa mỡ nhiều hơn và được đánh giá là nguy hiểm hơn so với thừa cân.

Con người muốn khỏe mạnh đều cần một lượng chất béo tối thiểu cho các chức năng quan trọng trong cơ thể như: Hormone, sinh sản, cách nhiệt, dự trữ và cung cấp năng lượng.

Tuy nhiên việc tích tụ quá nhiều chất béo có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như: Ngoại hình quá cỡ, nặng nề, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh như rối loạn lipid, tim mạch, tăng huyết áp, sỏi mật, tiểu đường, xương khớp và ung thư.

Cách nhận biết bị thừa cân béo phì

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh thừa cân béo phì không phải chỉ dựa vào việc nhìn ngoại hình của một người để đánh giá mà phải dựa vào các phương pháp như: Đo chỉ số khối lượng BMI, đo lớp mỡ dưới da, đo tỷ trọng cơ thể, sử dụng các chất phóng xạ hoặc các loại cân đặc biệt để đo tỷ lệ tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể.

Trong đó phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay là đo BMI. BMI là tên viết tắt của cụm từ Body Mass Index (chỉ số khối cơ thể). Đây là một cách nhanh chóng và đơn giản để có thể xác định được một người có bị thừa cân béo phì hay không.

Công thức tính BMI và bảng chỉ số cơ thể được tính như sau:

Bảng tính chỉ số BMI của cơ thể
Bảng tính chỉ số BMI của cơ thể

Theo đó, chỉ số khối cơ thể được tính dựa trên chiều cao và trọng lượng của cơ thể. Chỉ số BMI sẽ được tính theo công thức Trọng lượng cơ thể của một người (đơn vị kg) chia cho bình phương chiều cao (đơn vị m). Chỉ số BMI cho thấy mối liên quan giữa cân nặng và chiều cao của một người. Do đó nó có liên quan chặt chẽ đến tổng số lượng mỡ được phân bố trong cơ thể ở người trưởng thành.

Theo Tổ chức Y tế thế giới đưa ra phân loại cho thấy một người trưởng thành (trừ người có thai), nếu có chỉ số BMI trong cơ thể rơi vào khoảng 25-29.9 được coi là thừa cân, chỉ số này > = 30 cho thấy người này đang bị béo phì. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của một người thừa cân béo phì đó là gia tăng trọng lượng cơ thể và khối lượng mỡ tích tụ tại một số bộ phận trong cơ thể như: Bụng, eo, đùi, bắp tay, bắp chân, vai, ngực, mặt,…

Tuy nhiên, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), chỉ số BMI không phải lúc nào cũng chính xác. Bởi cân nặng của con người bao gồm cả cơ bắp, mỡ và nước. Do đó một số người có chỉ số BMI cao nhưng lượng mỡ trong cơ thể lại ở mức thấp (ví dụ như vận động viên, cầu thủ bóng đá, người tập thể hình,…) thì không được coi là thừa cân béo phì.

Ngược lại, có nhiều người đo được chỉ số BMI ở mức thấp, nhưng tỷ lệ mỡ trong cơ thể vẫn rất cao. Lượng mỡ này thường chỉ tập trung ở một số bộ phận nhất định như bụng, eo, bắp tay, bắp chân,… thì những người này vẫn bị xem là thừa cân.

Bởi vậy, để xác định được chính xác một người có bị thừa cân béo phì hay không, chúng ta cần xác định được lượng mỡ dư thừa trong cơ thể. Nếu lượng mỡ đó vượt quá 30% so với trọng lượng cơ thể đối với nữ, hoặc 25% đối với nam thì người đó được coi là béo phì.

Với những người có chỉ số BMI ở mức bình thường nhưng tỷ lệ mỡ trong cơ thể ở mức cao thì vẫn được xem là thừa cân béo phì. Nhóm người này được gọi là béo phì thể ẩn (normal weight obesity – NWO).

Những người có chỉ số BMI bình thường cũng vẫn có nguy cơ bị thừa cân
Những người có chỉ số BMI bình thường cũng vẫn có nguy cơ bị thừa cân

Nguyên nhân gây bệnh béo phì

Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng thừa cân béo phì. Chúng có thể đến từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Viện Tim Phổi và Máu Hoa Kỳ (NHLBI) đã đưa ra danh sách những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì như sau:

Mất cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn uống

Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì phổ biến nhất hiện nay. Khi năng lượng nạp vào cơ thể nhiều hơn so với năng lượng tiêu sao sẽ khiến các chất dinh dưỡng (đặc biệt là chất béo) tích lũy lại trong cơ thể. Theo thời gian, lượng chất béo này sẽ chuyển thành mỡ và gây ra tình trạng thừa cân béo phì.

Yếu tố di truyền

Theo nghiên cứu cho thấy, yếu tố di truyền cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc gây ra bệnh thừa cân béo phì. Do đó, nếu cha hoặc mẹ bị béo phì thì khoảng 80% trẻ em được sinh ra cũng sẽ gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng cho biết, gen di chuyển có thể làm tăng khả năng béo phì của một người, nhưng nếu đứa trẻ sinh ra được áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, khoa học thì tỷ lệ mắc bệnh thừa cân béo phì là rất thấp.

Thừa cân béo phì do suy giáp

Tuyến giáp hoạt động càng mạnh, sự trao đổi chất trong cơ thể càng cao. Vì vậy, khi tuyến giáp bị suy yếu sẽ không thể sản sinh đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể, làm chậm quá trình trao đổi chất của con người. Khi chất béo không được tiêu thụ và đốt cháy, lâu ngày sẽ gây ra tình trạng tăng cân, thừa cân.

Thừa cân do thiếu ngủ

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bạn ngủ ít hơn mức quy định là 30 phút mỗi ngày sẽ khiến tỷ lệ bị thừa cân béo phì lên đến 17%. Nguyên nhân là khi bạn không được ngủ đủ giấc, lượng ghrelin trong cơ thể sẽ tăng lên khiến bạn thường xuyên cảm thấy đói, thèm ăn đồ ngọt. Lâu dần sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn, gây thừa cân béo phì.

Tình trạng sức khỏe và các loại thuốc sử dụng

Một số bệnh về nội tiết như bệnh suy tuyến giáp, hội chứng Cushing, buồng trứng đa nang,… cũng là nguyên nhân gây ra vấn đề thừa cân béo phì. Một số loại thuốc Tây y có thể gây tăng cân như thuốc corticosteroid, thuốc trầm cảm, thuốc động kinh.

Lạm dụng thuốc hoặc sử dụng không đúng loại thuốc là nguyên nhân gây tăng cân
Lạm dụng thuốc hoặc sử dụng không đúng loại thuốc là nguyên nhân gây tăng cân

Những yếu tố nguy cơ gây bệnh khác:

Bên cạnh các nguyên nhân trên còn có những yếu tố nguy cơ gây bệnh như:

  • Những người có thói quen sử dụng đồ ăn nhanh, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn giàu năng lượng, uống nhiều nước ngọt, trà sữa, ít sử dụng rau xanh và trái cây tươi,….
  • Những người ở độ tuổi trung niên, phụ nữ sau sinh.
  • Những người trong gia đình có người bị thừa cân béo phì.
  • Những người ít vận động, lười tập thể dục, thức khuya, ngủ không đủ giấc cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì.

Tác hại của việc thừa cân béo phì đối với sức khỏe

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 7 triệu người bị thừa cân béo phì, chiếm hơn 8% dân số. Tỷ lệ bị thừa cân béo phì ngày càng gia tăng, ai cũng có thể mắc phải. Tình trạng này là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là những tác hại của tình trạng thừa cân béo phì người bệnh cần nắm rõ.

  • Gặp phải các vấn đề về tim mạch

Khi bị thừa cân béo phì, hàm lượng cholesterol trong cơ thể sẽ tăng cao. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng mỡ máu cũng tăng lên, làm tăng chất béo trung tính và cholesterol xấu trong cơ thể. Tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ gây ra các bệnh về xơ vữa động mạch, làm thu hẹp mạch máu, dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác như: Đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Hiện tại các bệnh lý về tim mạch đang đứng đầu các nguyên nhân gây tử vong, trong đó có nhiều trường hợp là biến chứng của bệnh béo phì.

Tình trạng thừa cân béo phì nếu không được kiểm soát sẽ gây ra các bệnh về tim mạch
Tình trạng thừa cân béo phì nếu không được kiểm soát sẽ gây ra các bệnh về tim mạch
  • Bệnh lý về xương khớp

Khi trọng lượng có thể tăng lên sẽ gây áp lực cho hệ thống xương khớp. Do đó, người bị thừa cân rất dễ gặp phải các vấn đề như thoái hóa xương khớp, đau lưng, loãng xương, viêm khớp, gout,… Trong đó xương cột sống, vai gáy và khớp gối là những vị trí dễ bị tổn thương nhất.

  • Bệnh lý về đường tiêu hóa

Tình trạng thừa cân béo phì sẽ khiến lượng mỡ thừa tích tụ và bám vào quai ruột gây ra các bệnh như táo bón, bệnh trĩ,… Bên cạnh đó, lượng mỡ này có thể bám vào gan, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm gan, xơ gan,…

  • Bệnh lý về đường hô hấp

Béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ. Bởi một người thừa cân có thể sẽ có nhiều chất béo được tích trữ quanh cổ. Điều này khiến cho đường thở bị thu hẹp lại, gây ra tình trạng ngủ ngáy, khó thở, nghiêm trọng hơn là chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra các chất béo được tích trữ ở vùng cổ có thể gây viêm. Đây là một yếu tố nguy cơ cơ ngưng thở khi ngủ.

  • Bệnh tiểu đường

Lượng mỡ tích tụ trong cơ thể quá nhiều sẽ làm quá trình chuyển hóa đường trở nên khó khăn hơn. Điều này khiến cho những người bị thừa cân béo phì bị dư thừa lượng đường huyết trong máu, dễ gây ra bệnh tiểu đường.

  • Ảnh hưởng đến tâm lý

Những người có ngoại hình quá khổ thường có tâm lý tự ti, e dè trước mọi người. Những trở ngại trong giao tiếp này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như dễ gây ra các vấn đề về tâm lý như căng thẳng, lo lắng, stress, nặng hơn là trầm cảm.

  • Suy giảm trí nhớ

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ bị thừa cân béo phì thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ có cân nặng bình thường. Những người lớn bị béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn so với người khác.

  • Rối loạn nội tiết

Cả nam giới và nữ giới khi bị thừa cân béo phì đều gặp phải các vấn đề về nội tiết. Cụ thể, nữ giới bị thừa cân béo phì dễ bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, suy giảm ham muốn, khó mang thai, nguy cơ vô sinh cao. Nếu mang thai cũng có nguy cơ đẻ khó, con dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường bị yếu sinh lý, xuất tinh sớm, nguy cơ vô sinh.

Nữ giới bị béo phì có nguy cơ bị các bệnh rối loạn nội tiết cao hơn những người bình thường
Nữ giới bị béo phì có nguy cơ bị các bệnh rối loạn nội tiết cao hơn những người bình thường
  • Nguy cơ bị ung thư

Người bị thừa cân béo phì đều gặp phải tình trạng chung đó là hàm lượng cholesterol trong máu và insulin trong máu tăng cao. Khiến lượng cholesterol trong tế bào miễn dịch cũng tăng theo, làm giảm khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh béo phì có liên quan đến các bệnh ung thư như: Ung thư thực quản, ung thư tử cung, ung thư gan mật, ung thư vú, ung thư trực tràng, và ung thư tuyến tiền liệt.

Các phương pháp điều trị bệnh béo phì

Mục tiêu của việc điều trị bệnh thừa cân béo phì đó là loại bỏ được lượng mỡ thừa trong cơ thể, đưa lượng mỡ về mức an toàn, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên thực hiện theo các biện pháp giảm cân như sau:

Chế độ ăn uống

Đây là phương pháp giảm cân được ưu tiên hàng đầu mà người bị thừa cân béo phì nên áp dụng. Người bệnh nên áp dụng chế độ ăn kiêng như sau:

  • Mỗi ngày bạn nên giảm khẩu phần ăn của mình ít lại, đặc biệt là các loại thức ăn giàu chất béo, đường và tinh bột. Không nên cắt giảm hoàn toàn các loại thực phẩm trên để tránh cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất.
  • Nên ăn nhiều thực phẩm giàu protein như: Thịt nạc, cua, cá, trứng, sữa chua, đậu đỗ …
  • Nên sử dụng các loại thực phẩm glucid có nhiều chất xơ và tinh bột lành mạnh như: Bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, khoai lang, khoai tây, khoai mì,….
  • Không lạm dụng các loại thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp.
  • Sử dụng nhiều rau xanh và trái cây tươi trong mỗi bữa ăn. Nên ăn rau và hoa quả trước khi ăn cơm và các loại thức ăn khác.
  • Nên chia các bữa ăn thành 4-5 bữa/ngày.
  • Ăn sáng đầy đủ, tuyệt đối không được bỏ bữa sáng.
  • Không ăn uống quá khuya, không ăn trước khi đi ngủ 2 giờ đồng hồ.
  • Nên uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây, sữa
  • Hạn chế sử dụng muối, mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 6g/ ngày. Đối với bệnh nhân bị tăng huyết áp chỉ nên dùng 2-4 g/ngày
  • Không sử dụng bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích có hại khác.
  • Tránh tiêu thụ các thức ăn giàu năng lượng như: Đường, mật, kẹo ngọt, socola,…
  • Tránh sử dụng nhiều các thực phẩm chứa cholesterol như: Óc, nội tạng động vật,…
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng của người bị thừa cân
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng của người bị thừa cân

Tuy nhiên để điều trị tình trạng thừa cân béo phì hiệu quả, bạn cần tìm đến những chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm. Họ sẽ cung cấp cho bạn những lộ trình đúng đắn nhất để có thể điều trị bệnh hiệu quả.

Chế độ luyện tập

Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh nên kết hợp các bài tập thể dục thể thao khác để giúp tiêu thụ calo và đốt cháy mỡ thừa. Tùy vào mức độ béo phì của bạn để có thể lựa chọn ra bài tập thể dục phù hợp. Các bài tập vận động phù hợp với nhiều đối tượng như: Chạy bộ, đi bộ, đạp xe, cầu lông, bơi lội, gym, yoga. Mỗi ngày bạn nên luyện tập tối thiểu 45 phút mỗi ngày. Cường độ và thời gian tập luyện có thể tăng dần theo thời gian.

Điều trị bằng thuốc

Ở những trường hợp bị thừa cân béo phì ở mức nghiêm trọng, bên cạnh chế độ ăn uống và luyện tập, người bệnh cần phải kết hợp sử dụng thêm các loại thuốc khác. Hiện nay những loại thuốc được sử dụng trong giảm cân không nhiều, chủ yếu được chia thành 3 nhóm:

  • Nhóm can thiệp vào thần kinh trung ương: Có tác dụng làm chán ăn
  • Nhóm can thiệp vào cơ quan tiêu hóa: Có tác dụng làm giảm hấp thu chất béo vào cơ thể..
  • Nhóm can thiệp vào cơ quan ngoại vi: Có tác dụng làm tiêu hao năng lượng.

Những loại thuốc này sẽ được các bác sĩ kê đơn và hướng dẫn cách dùng cẩn thận. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về sử dụng vì có thể gặp phải nhiều rủi ro. Bởi hầu hết những loại thuốc này đều có tác dụng phụ, làm giảm trọng lượng cơ thể và khiến người bệnh mất đi cảm giác ăn ngon miệng. Người bệnh nên cân nhắc những lợi ích và tác hại của loại thuốc này để sử dụng.

Điều trị béo phì bằng phương pháp phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật chỉ được áp dụng trong những trường hợp như:

  • Người bệnh mắc chứng béo phì cấp độ 3.
  • Khi các phương pháp điều trị bệnh trên không mang lại tác dụng.
  • Người bị béo phì quá nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng.
  • Những bệnh nhân bị thừa cân béo phì <40-50 tuổi.
Trường hợp người bệnh không đáp ứng được các phương pháp điều trị trên, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để thu nhỏ dạ dày
Trường hợp người bệnh không đáp ứng được các phương pháp điều trị trên, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để thu nhỏ dạ dày

Các phương pháp phẫu thuật được áp dụng trong điều trị bệnh thừa cân béo phì có thể kể đến như:

  • Cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric Sleeve): Các bác sĩ sẽ cắt bỏ đi 80% dạ dày của người bệnh và tạo ra một dạ dày hình ống. Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân sẽ có cảm giác ít đói hơn và ăn nhanh no hơn.
  • Nối tắt dạ dày (Gastric Bypass): Bác sĩ sẽ tạo ra một túi dạ dày nhỏ hơn và nối nó với ruột non, cách làm này sẽ giúp người bệnh giảm hấp thu năng lượng từ thức ăn và giúp người bệnh nhanh no hơn.
  • Thắt đai dạ dày (Lap Band): Các bác sĩ sẽ thắt một đai quanh phần trên của dạ dày để tạo thành một túi nhỏ phía trên đai. Nhờ đó dạ dày sẽ được làm đầy nhanh hơn, khiến bệnh nhân không có cảm giác thèm ăn.
  • Chuyển dòng mật tụy (Duodenal Switch): Phương pháp này là cắt bỏ một phần lớn thể tích của dạ dày, chuyển dòng ruột, loại bỏ túi mật. Kết quả là người bệnh sẽ ít khi cảm thấy bị đói, ăn nhanh no và hấp thụ ít calo vào cơ thể hơn.

Đây là những phương pháp phẫu thuật chữa bệnh thừa cân béo phì phổ biến được các trung tâm điều trị béo phì lớn trên thế giới áp dụng. Trong đó phương pháp tạo dạ dày hình ống được sử dụng nhiều nhất bởi nó mang lại hiệu quả điều trị tốt, đặc biệt giúp chuyển hóa rối loạn đường cho bệnh nhân bị đái tháo đường.

Phòng ngừa bệnh béo phì

Bản chất của việc thừa cân béo phì là do người bệnh nạp quá nhiều căn lượng vào cơ thể nhưng lại không được tiêu thụ đúng cách. Do đó để phòng ngừa tình trạng thừa cân, người bệnh nên nạp vào cơ thể một lượng dinh dưỡng vừa đủ, đồng thời đảm bảo tiêu thụ chúng một cách khoa học, tránh để mỡ tích tụ trong cơ thể gây béo phì. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa tình trạng này bạn có thể tham khảo:

  • Ăn uống khoa học: Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng nhưng ít calo và chất béo. Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, uống nhiều nước, không ăn các món ăn nhanh nhiều dầu mỡ.
  • Tăng cường luyện tập thể thao: Bạn nên hình thành những thói quen đơn giản như đi bộ, đạp xe, tập thể dục theo các bài tập để đốt cháy calo và mỡ thừa để giúp giảm cân, đồng thời đem lại cho bạn một tinh thần phấn chấn, sức khỏe dẻo dai và thân hình cân đối.
  • Ngủ đúng giờ: Việc ngủ đúng giờ và đủ giấc giúp cơ thể hạn chế tiết ra các chất làm kích thích sự thèm ăn. Nhờ đó giúp phòng ngừa được tình trạng thừa cân, béo phì

Người bệnh bị thừa cân béo phì cần theo dõi chỉ số BMI thường xuyên và ghi lại mỗi lần khám để theo dõi quá trình điều trị bệnh. Đồng thời bạn cần nghiêm chỉnh thực hiện theo chế độ ăn uống và sinh hoạt của bác sĩ để bệnh được kiểm soát. Để đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, người bệnh cần kiên trì thực hiện, không chán nản mới có thể giảm cân an an toàn.

Nhóm bệnh
Dinh dưỡng
Cách chữa liên quan
Bài viết liên quan