Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Thoát vị đĩa đệm xương chậu là biến chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Đây là biến chứng nguy hiểm cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn ngay sau đây.

Thoát vị đĩa đệm xương chậu là gì?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp do tổn thương đĩa đệm khiến bao xơ bị rách, nhân nhầy trượt ra ngoài vòng đệm và chèn lên các rễ thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm xương chậu thực chất là bệnh thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng ở vị trí L5 – S1 từ đó gây ra cơn đau nhức, khó chịu ở khu vực xương chậu. L5-S1 được xem là vị trí bản lề của cột sống, chịu sức ép đồng thời ở phần cơ thể phía trên và sự chuyển động phía dưới vì vậy dễ bị tổn thương.

Thoát vị đĩa đệm xương chậu là thoát vị đĩa đệm đốt sống L5-S1
Thoát vị đĩa đệm xương chậu là thoát vị đĩa đệm đốt sống L5-S1

Thoát vị đĩa đệm xương chậu có nguy hiểm không?

Thoát vị đĩa đệm xương chậu là bệnh lý nguy hiểm tương tự như thoát vị đĩa đệm cổ hay thắt lưng. Bệnh nhân chỉ thực sự phát hiện khi đã chuyển biến sang giai đoạn nặng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày như:

  • Đau rễ thần kinh: Biến chứng dễ thấy nhất là những cơn đau nhức kéo dài do đĩa đệm trượt khỏi vị trí ban đầu chèn ép lên các rễ thần kinh. Việc vận động trở nên khó khăn đặc biệt khi nằm nghiêng, leo cầu thang, đứng ngồi đột ngột.
  • Rối loạn bài tiết: Thoát vị đĩa đệm xương chậu gây ra tổn thương dây thần kinh khu vực thắt lưng dẫn đến rối loạn cơ tròn, người bệnh trở nên mất tự chủ trong việc đại tiểu tiện.
  • Tê bì, mất cảm giác: Khu vực da quanh các dây thần kinh bị tổn thương sẽ có cảm giác tê bì, mất cảm giác, không phân biệt được nóng lạnh, khó khăn khi cầm nắm…
  • Rối loạn vận động: Tổn thương rễ thần kinh dẫn đến suy giảm lưu thông máu tới các cơ vận động gây ra suy yếu cơ. Người bệnh lâu dần không chỉ mất khả năng vận động mà thậm chí có thể bại liệt nếu không được điều trị kịp thời.

Cách điều trị thoát vị đĩa đệm xương chậu

Tùy vào giai đoạn bệnh nặng nhẹ, tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ có chỉ dẫn phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh. Vì thế, khuyến khích mọi người nên đến khám trực tiếp tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn.
Những cách điều trị phổ biến có thể tham khảo như sau:

Sử dụng thuốc Tây y

Phương pháp này tập trung xử lý vấn đề đau nhức, giúp người bệnh nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường. Các loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn bao gồm: thuốc giảm đau như aspirin, paracetamol; thuốc kháng viêm không chứa steroid như diclofenac, meloxicam. Ngoài ra có thể bổ sung thuốc giãn cơ myonal, decontractyl và nhóm thuốc vitamin B hỗ trợ thần kinh như vitamin B1, B6, B12.

Khi sử dụng thuốc Tây, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định từ bác sĩ, không tự ý mua hoặc thay đổi liều lượng của thuốc. Dù thuốc có tác dụng giảm đau nhanh nhưng khi ngừng sử dụng, cơn đau sẽ lại tái phát và có thể có tác dụng phụ như gây loét dạ dày, giảm chức năng gan thận…

Thuốc Tây y giúp người bệnh thoát vị đĩa đệm giảm đau nhanh chóng
Thuốc Tây y giúp người bệnh thoát vị đĩa đệm giảm đau nhanh chóng

Sử dụng thuốc Đông y

Theo Đông y, điều trị bệnh cần chữa tận gốc, lấy sức khỏe của bệnh nhân làm trung tâm. Vì thế, các bài thuốc Đông y không chỉ lành tính vì sử dụng hoàn toàn dược liệu thiên nhiên mà còn giúp nâng cao sức khỏe toàn diện cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này cần kiên trì trong thời gian dài và hiệu quả khác nhau với cơ địa từng người.

Các bài thuốc dân gian

Những bài thuốc truyền miệng nhiều năm như sử dụng lá lốt, lá ngải cứu, lá xương rồng… có tác dụng giúp người bệnh giảm đau và cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng phương pháp này khá mất thời gian chuẩn bị và phải làm liên tục.

Mọi người có thể tham khảo các bài thuốc đắp từ ngải cứu, xương rồng kết hợp thêm massage xoa bóp bằng rượu thuốc để cơn đau được giảm thiểu. Áp dụng các cách này vào buổi tối sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, tinh thần thoải mái hơn.

Vật lý trị liệu – phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc

Châm cứu, bấm huyệt, kéo dãn cột sống hay các bài tập vật lý theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp kích thích lưu thông khí huyết, giảm đau, đưa dinh dưỡng và máu đến nuôi dưỡng đĩa đệm từ đó hỗ trợ quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả nhanh hơn.

Phẫu thuật

Trong trường hợp sử dụng các biện pháp bảo tồn đều không hiệu quả hoặc bệnh phát triển xấu gây đau cấp tính, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Một số phương pháp phẫu thuật được biết tới như:

  • Phẫu thuật mở: Kỹ thuật mổ truyền thống, phổ biến, chi phí thấp. Tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro như nhiễm trùng vết mổ, tổn thương dây thần kinh khi mổ, thời gian hồi phục lâu. Đặc biệt, phương pháp này khá nguy hiểm với bệnh nhân lớn tuổi, có vấn đề về bệnh tim mạch.
  • Phẫu thuật nội soi: Sử dụng kỹ thuật mổ đưa thiết bị có gắn dụng cụ nội soi vào bên trong để loại bỏ khối thoát vị. Chi phí cao hơn so với phẫu thuật mở, thời gian hồi phục nhanh hơn nhưng bệnh nhân vẫn có nguy cơ bị tái phát sau khi mổ.
  • Phẫu thuật bằng tia laser: Kỹ thuật tân tiến nhất hiện nay, chi phí rất cao và không phải cơ sở y tế nào cũng đủ điều kiện trang bị cơ sở vật chất để thực hiện. Sử dụng tia laser với bước sóng phù hợp để giải phóng khối thoát vị, giảm đau nhanh chóng. Theo thống kế, có khoảng 5-10% bệnh nhân tái phát sau khi mổ laser.
Phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có thể để lại biến chứng
Phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có thể để lại biến chứng

Một số lưu ý về bệnh thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm đang ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Vì thế, mỗi người cần tự trang bị kiến thức cho riêng mình để phần nào giảm thiểu khả năng mắc bệnh chẳng hạn như:

  • Thoát vị đĩa đệm xương chậu dễ nhầm lẫn với đau khớp cùng chậu nhưng đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Người bệnh cần phân biệt triệu chứng đồng thời thăm khám bác sĩ để có những nhận định chính xác.
  • Tích cực vận động, tập thể dục thể thao để tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ xương khớp và mô sụn hoạt động linh hoạt. Đối với người đã bị thoát vị đĩa đệm, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tham gia tập luyện.
  • Hạn chế mang vác đồ vật nặng gây chèn ép lên cột sống và đĩa đệm.
  • Nên lưu ý giữ cột sống thẳng trong sinh hoạt hàng ngày, tránh ngồi lâu một tư thế.
  • Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để sớm phát hiện bệnh liên quan đến xương khớp nếu có.
  • Xây dựng khẩu phần ăn lành mạnh, kiểm soát cân nặng, hạn chế áp lực lên cột sống. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng như: canxi, vitamin D, collagen…không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giúp xương chắc khỏe hơn.

Thoát vị đĩa đệm xương chậu là bệnh lý nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Hy vọng thông tin hữu ích trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình phát hiện bệnh sớm để từ đó chủ động khám chữa, điều trị.

Có thể bạn đọc quan tâm


Top địa chỉ phòng khám Thoát Vị Đĩa Đệm Xương Chậu


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bài viết liên quan