Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Tacrolimus là một loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng cho bệnh nhân sau phẫu thuật cấy ghép hoặc có các bệnh về da liễu. Cụ thể, thuốc có công dụng gì và sử dụng như thế nào? Tapchidongy.org sẽ trình bày chi tiết qua bài viết sau!

Tacrolimus là thuốc gì?

Tacrolimus là thuốc gì? Đây là một loại thuốc có cơ chế làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể. Loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý da liễu, điển hình là viêm da cơ địa, hoặc ngăn ngừa thải ghép cho bệnh nhân sau phẫu thuật cấy ghép thận, gan, tim.

Thành phần

Thành phần chính của loại thuốc này là hoạt chất Tacrolimus, được điều chế dưới dạng viên nang uống, thuốc bôi và thuốc tiêm. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc với liều lượng phù hợp để ức chế hệ miễn dịch ở cơ thể người bệnh.

Thành phần chính của thuốc là Tacrolimus
Thành phần chính của thuốc là Tacrolimus

Công dụng

Tùy vào dạng bào chế, thuốc Tacrolimus được chỉ định để điều trị các triệu chứng như sau:

  • Thuốc uống và thuốc tiêm: Giảm bớt mức độ hoạt động của hệ miễn dịch, phòng ngừa thải loại tổ chức ghép trong ghép nội tạng (gan, thận, tim),
  • Thuốc bôi: Điều trị các bệnh da liễu như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, vảy nến, á sừng, viêm da tiết bã,… giúp giảm tình trạng sưng tấy, mẩn ngứa ngoài da, hạn chế tiết dịch, đau rát và giảm bớt mức độ viêm nhiễm.

Cách sử dụng

Cách sử dụng Tacrolimus cần được chỉ dẫn bởi bác sĩ, tùy theo tình trạng bệnh, khả năng đáp ứng của cơ thể và dạng bào chế của thuốc.

Đối với thuốc dạng gel/kem bôi ngoài da

Cách dùng:

  • Vệ sinh vùng da bị viêm bằng nước sạch rồi lau khô bằng khăn bông mềm.
  • Lấy một lượng vừa đủ thuốc dạng mỡ hoặc kem và thoa thật mỏng trên da.
  • Đợi cho đến khi thuốc thấm hết vào da và khô hẳn rồi mới sinh hoạt bình thường để tránh thuốc dính vào quần áo.
  • Tay vừa chạm vào thuốc phải rửa sạch để tránh đưa lên mắt, miệng.

Liều dùng:

  • Trẻ em từ 2-15 tuổi được chỉ định dùng thuốc bôi Tacrolimus 0.03%.
  • Người lớn được chỉ định dùng thuốc Tacrolimus 0.1%.
  • Bôi thuốc tối đa 2 lần/ngày.
  • Dùng tối đa 6 tuần rồi ngưng một thời gian mới được sử dụng lại.

Đối với thuốc đường uống

Cách dùng:

  • Uống thuốc sau 12-24 tiếng ghép tạng (tùy thuộc loại tạng), sau 6 tiếng phẫu thuật điều trị thải loại tổ chức ghép.
  • Chia thuốc uống 2 lần/ngày.

Liều dùng:

  • Ghép gan: Người lớn uống 100-200mcg/kg, trẻ em uống 300mcg/kg.
  • Ghép thận: Người lớn uống 200-300mcg/kg, trẻ em uống 300mcg/kg.
  • Ghép tim: Người lớn uống 75mcg/kg, trẻ em uống 100-300mcg/kg.
Liều dùng Tacrolimus đường uống sẽ khác nhau, tùy tình trạng bệnh
Liều dùng Tacrolimus đường uống sẽ khác nhau, tùy tình trạng bệnh

Đối với thuốc đường tiêm

Cách dùng:

Khi bệnh nhân không thể uống, bác sĩ sẽ chỉ định truyền tĩnh mạch liên tục trong 24 giờ, sau 12 tiếng ghép tạng hoặc 6 tiếng phẫu thuật điều trị thải loại tổ chức ghép.

Liều dùng:

  • Ghép gan: Người lớn truyền 10-15mcg/kg, trẻ em truyền 50mcg/kg sau ghép tạng; Người lớn truyền 30-50mcg/kg, trẻ em truyền 50mcg/kg sau điều trị thải loại.
  • Ghép thận: Người lớn truyền 5-100mcg/kg, trẻ em truyền 75-100mcg/kg sau ghép tạng; Người lớn truyền 30-50mcg/kg, trẻ em truyền 75-100mcg/kg sau điều trị thải loại.
  • Ghép tim: Người lớn truyền 10-20mcg/kg, trẻ em truyền 30-50mcg/kg sau ghép tạng; Người lớn truyền 10mcg/kg, trẻ em truyền 30-50mcg/kg sau điều trị thải loại.

Chỉ định/Chống chỉ định

Như đã đề cập, thuốc Tacrolimus được chỉ định để điều trị các bệnh da liễu bao gồm viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc dị ứng, vảy nến, á sừng, viêm da tiết bã,… và ngăn ngừa thải ghép cho bệnh nhân sau ghép tạng. Tuy nhiên, có một số trường hợp chống chỉ định sử dụng loại thuốc này bao gồm:

  • Người mẫn cảm với một hoặc nhiều thành phần có trong thuốc.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú không dùng thuốc.
  • Tình trạng bệnh da liễu đã chuyển sang tổn thương ác tính hoặc da đã bị nhiễm trùng.

Tác dụng phụ

Thuốc bôi trị viêm da cơ địa có thể gây ra một số tác dụng phụ như nóng rát, ửng đỏ, sưng đau da. Với trường hợp sử dụng thuốc dạng tiêm hoặc đường uống, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, sốt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, khó ngủ, chán ăn, tê ngứa tay chân,…

Nhìn chung, tùy cơ địa của bệnh nhân và tình trạng bệnh mà tác dụng phụ khi dùng thuốc có thể nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian các triệu chứng này sẽ thuyên giảm và tự động biến mất.

Lưu ý khi dùng thuốc Tacrolimus để ngăn ngừa tác dụng phụ

Để hạn chế tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc Tacrolimus, bạn cần lưu ý:

Đối với thuốc uống và tiêm:

  • Trước khi sử dụng thuốc, cần nói với bác sĩ về tình trạng bệnh lý, đặc biệt là nhịp tim và các vấn đề về tim vì thuốc khiến cho tim đập nhanh hơn.
  • Tránh tiếp xúc với những người có bệnh nhiễm trùng như sởi, cúm, thủy đậu,… để tránh bị lây nhiễm vì thuốc có thể khiến nhiễm trùng trầm trọng thêm.
  • Sử dụng biện pháp tránh thai ở cả nam và nữ trong quá trình dùng thuốc vì thuốc có thể gây hại cho thai nhi.
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần xin ý kiến của bác sĩ
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần xin ý kiến của bác sĩ

Đối với thuốc bôi:

  • Không sử dụng thuốc lên những vết thương hở.
  • Không dùng thuốc liên tục quá 6 tuần.
  • Không tự động kết hợp với các loại thuốc khác.
  • Hạn chế điều trị bằng quang học cùng lúc dùng thuốc.
  • Luôn giữ vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ.
  • Bảo vệ vùng da đang điều trị bằng thuốc khỏi ánh nắng mặt trời và các tác nhân gây kích ứng ngoài môi trường.
  • Duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe làn da.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về thuốc Tacrolimus. Để điều trị bệnh bằng loại thuốc này, người bệnh lưu ý phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, chỉ định và hướng dẫn cách dùng phù hợp và an toàn.

Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Sản phẩm
Cách chữa liên quan
Bài viết liên quan