Sinh khó do vai là trường hợp sau khi đầu của thai nhi đã sổ ra ngoài nhưng phần vai vẫn bị kẹt lại, không thể vượt qua bờ dưới xương vệ và cần phải có sự can thiệp của các thủ thuật y tế để đưa được phần vai em bé vượt qua được bờ xương vệ. Sinh khó do vai là tình trạng nguy hiểm xảy ra trong quá trình người mẹ “vượt cạn”, gây ra nỗi ám ảnh cho cả thai phụ và các bác sĩ sản khoa.

Sinh khó do vai là gì?

Sinh khó do vai là một thuật ngữ chỉ tình trạng xảy ra trong quá trình chuyển dạ khi đầu của thai nhi đã vượt qua được khung xương chậu của người mẹ, nhưng phần vai bị kẹt lại, không thể ra ngoài. Tình trạng này gây khó khăn cho quá trình sinh nở, làm kéo dài thời gian chuyển dạ của thai phụ.

Thai nhi bị kẹt vai trong quá trình sinh được xem là một hiện tượng nguy hiểm, cần phải xử lý khẩn cấp để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé. Do vậy khi gặp phải tình trạng này, các bác sĩ phải áp dụng ngay những biện pháp can thiệp hỗ trợ để đưa vai của bé ra ngoài, giúp quá trình sinh nở diễn ra thành công.

Sinh khó do vai là một thuật ngữ chỉ tình trạng xảy ra khi đầu của thai nhi đã ra ngoài nhưng phần vai vẫn bị kẹt lại
Sinh khó do vai là một thuật ngữ chỉ tình trạng xảy ra khi đầu của thai nhi đã ra ngoài nhưng phần vai vẫn bị kẹt lại

Các bác sĩ sản khoa có thể xác định được thai phụ đang gặp phải hiện tượng này khi thấy phần đầu của đứa bé đã ra khỏi khung chậu của mẹ, nhưng phần còn lại bị kẹt ở trong không thể thoát ra được. Các bác sĩ thường gọi hiện tượng này là “những dấu hiệu của rùa”. Sở dĩ gọi như vậy là vì phần đầu của thai nhi đã thoát ra ngoài nhưng sau đó rụt lại vào bên trong cơ thể mẹ giống như những chú rùa, lúc thò đầu ra, lúc lại rụt đầu lại.

Nguyên nhân gây ra tình trạng sinh khó do vai

Hiện tượng sinh khó không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh khó do vai – kẹt vai, bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ, rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể.
  • Thai nhi có cân nặng lớn, trên 4kg.
  • Thai phụ bị thừa cân béo phì, tăng cân quá mức trong quá trình mang thai.
  • Thai phụ sinh muộn nhiều ngày so với ngày sinh dự kiến.
  • Thai phụ mang thai khi đã quá độ tuổi sinh đẻ (>35 tuổi).
  • Thai phụ đã từng có tiền sử sinh khó do kẹt vai.
  • Trong gia đình có tiền sử sinh con với cân nặng lớn.
  • Thai phụ có khung xương chậu mỏng, hẹp hoặc khung xương chậu bị biến dạng.
  • Mẹ bầu mang song thai hoặc đa thai.
Thai nhi quá lớn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sinh khó do kẹt vai
Thai nhi quá lớn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sinh khó do kẹt vai

Bên cạnh đó, còn có những yếu tố nguy cơ khác dẫn đến tình trạng sinh khó do vai, có thể kể đến như:

  • Thai phụ bị chuyển dạ giai đoạn 2 kéo dài.
  • Thai phụ có sử dụng chất kích thích trong quá trình chuyển dạ.
  • Trong những lần sinh thường trước, thai phụ đã từng sử dụng các công cụ hỗ trợ sinh nở như: Kẹp, máy hút để đưa thai nhi ra ngoài.

Những biến chứng thường gặp ở mẹ và bé

Sinh khó do vai là một hiện tượng nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé. Dưới đây là những biến chứng có thể xảy ra khi thai phụ gặp phải tình huống sinh khó do kẹt vai:

Biến chứng xảy ra với người mẹ:

  • Tử cung, cổ tử cung, âm đạo và niệu đạo có thể bị rách hoặc vỡ.
  • Xuất hiện tình trạng băng huyết chảy máu sau sinh.
  • Người mẹ có thể bị rách tầng sinh môn.
  • Vùng xương chậu bị tổn thương nghiêm trọng.

Biến chứng xảy ra với trẻ sơ sinh:

  • Em bé dễ gặp phải những tổn thương ở dây thần kinh vai, cánh tay hoặc bàn tay.
  • Em bé có thể bị bị nứt gãy xương đòn gánh.
  • Có thể bị gãy hoặc trật khớp xương cánh tay.
  • Não bộ bị tổn thương do máu và oxy không cung cấp đủ lên não.

Thông thường, ở những ca sinh khó do kẹt vai, các bác sĩ sẽ điều trị và giảm thiểu hầu hết các biến chứng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho cả mẹ và bé. Chỉ dưới 10% trẻ sơ sinh từ các ca khó sinh do kẹt vai gặp phải biến chứng vĩnh viễn.

Tình trạng sinh khó này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé
Tình trạng sinh khó này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé

Nếu từng gặp phải tình trạng khó sinh do kẹt vai một lần, bạn sẽ có nguy cơ gặp tình trạng này trong những lần sinh tiếp theo. Vì vậy, hãy nói với bác sĩ về vấn đề này để họ đưa ra được phương pháp sinh nở an toàn cho bạn.

Chẩn đoán hiện tượng sinh khó do kẹt vai

Ban đầu, sản phụ có thể không có triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu thai phụ đang gặp tình trạng này qua những dấu hiệu sau:

  • Thai phụ từng có tiền sử sinh khó do vai.
  • Quan sát thấy vai thai nhi không thể vượt qua cửa âm đạo dù phần đầu đã sổ ra ngoài.
  • Trẻ có dấu hiệu “đầu rùa”, lúc thò ra, lúc lại rụt vào khỏi âm đạo của mẹ.
  • Vai của đứa bé không xuống dù đã kéo đầu theo cách bình thường.

Khi xác định thai phụ đang bị sinh khó do kẹt vai, bác sĩ sẽ tiến hành áp dụng các phương pháp xử lý để giúp đưa đứa bé ra ngoài một cách nhanh chóng và an toàn nhất.

Hướng xử lý hiệu quả

Trong quá trình thai phụ sinh nở, khi nhận thấy có dấu hiệu của tình huống sinh khó do vai, các bác sĩ sẽ tiến hành xử lý để đưa đứa trẻ ra ngoài một cách nhanh nhất. Điều quan trọng đó là các bác sĩ thực hiện phải được đào tạo bài bản về kỹ năng nghiệp vụ, dày dặn kinh nghiệm mới có thể thực hiện một cách kịp thời và hiệu quả.

Để đỡ đẻ thành công bác sĩ cần có sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp khác
Để đỡ đẻ thành công bác sĩ cần có sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp khác

Dưới đây là những hướng xử lý khi gặp phải tình trạng sinh khó do kẹt vai:

  • Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp: Trước tiên, khi gặp phải tình huống này, các bác sĩ cần hết sức bình tĩnh. Sau đó yêu cầu thêm sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp khác, đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ gây mê, bác sĩ nhi khoa, y tá và các nữ hộ sinh,…
  • Cắt tầng sinh môn: Trong trường hợp nguy cấp, bác sĩ có thể cân nhắc việc cắt rộng tầng sinh môn của người mẹ. Nếu tầng sinh môn đã đủ rộng thì không cần phải cắt, nếu chật thì nên cắt để tạo diện tích rộng thêm.
  • Thủ thuật McRobert: Các bác sĩ tiến hành nâng chân sản phụ lên sát ngực và gập gối, đây là thủ thuật dễ làm, mang tính hiệu quả cao, nhằm giúp tăng đường kính của khung chậu. Phương pháp này đã giúp 40% thai phụ vượt qua được tình trang sinh khó do kẹt vai.

Các thủ thuật trong âm đạo: Một số thủ thuật trong âm đạo được các bác sĩ áp dụng như sau:

  • Thủ thuật Rubin: Bác sĩ đưa bàn hoặc hai ngón tay vào sau xương vai trước của thai nhi, sau đó đẩy về hướng ngực thai nhi để vai có thể làm giảm đường kính ở phần mỏm vai.
  • Thủ thuật Woods Screw: Bác sĩ đưa tay từ phía bụng của thai nhi đến gần vai sau và xoay nhẹ bằng cả hai tay.
  • Thủ thuật Reverse Woods Screw: Bác sĩ đưa bàn tay vào phía trước của vai sau thai nhi vừa đẩy vừa xoay kiểu nút chai để vai sau thành vai trước.
  • Thủ thuật kéo tay sau: Bác sĩ đưa tay vào nắm lấy khuỷu tay sau của thai nhi rồi nhẹ nhàng kéo qua mặt để ra ngoài.
  • Thủ thuật Gaskin: Bác sĩ xoay thai theo nhiều hướng nhằm tìm ra được vị trí giúp bé có thể di chuyển ra ngoài một cách dễ dàng hơn.
Các bác sĩ sẽ tiến hành áp dụng nhiều thủ thuật để đưa bé ra ngoài an toàn
Các bác sĩ sẽ tiến hành áp dụng nhiều thủ thuật để đưa bé ra ngoài an toàn

Áp dụng một số thủ thuật khác:

  • Để sản phụ trong tư thế quỳ, chống hai tay và hai đầu gối xuống giường. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn thai phụ cách di chuyển tay và chân để giúp đưa bé ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Thủ thuật Zavanelli: Đẩy đầu thai nhi vào trong và tiến hành mổ đưa thai ra ngoài.
  • Phẫu thuật cắt xương mu: Sử dụng dao mổ cắt qua sụn khớp xương mu của người mẹ.
  • Một số thao tác khác: Bác sĩ ấn hai đùi của người mẹ vào bụng, sau đó tác dụng một lực lên phần xương mu, cắt nới rộng tầng sinh môn, điều chỉnh phần vai của thai nhi khi trẻ vẫn còn trong bụng mẹ rồi thao tác để đưa bé ra ngoài.

Dự phòng sinh khó do kẹt vai

Thai phụ có thể dự phòng việc sinh khó do kẹt vai bằng cách:

  • Phụ nữ mang thai cần kiểm soát tốt lượng đường huyết để tránh bị tiểu đường thai kỳ. Bởi sản phụ bị đái tháo đường có nguy cơ sinh khó do kẹt vai cao hơn gấp 2-3 lần người bình thường.
  • Thai phụ nên đi thăm khám tích cực, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ để xác định mình có nguy cơ cao bị sinh khó do kẹt vai hay không.
  • Trọng lượng của thai nhi có liên quan mật thiết đến tình trạng sinh khó do kẹt vai. Có đến 48% trường hợp bị kẹt vai xảy ra ở những thai nhi có cân nặng trên 4kg. Do đó, nếu thai nhi có trọng lượng lớn, mẹ bầu nên tiến hành phương pháp sinh mổ.
  • Nên tiến hành khởi phát chuyển dạ lúc thai nhi đã đủ tháng sinh.

Sinh khó do vai là một tình trạng hiếm gặp nhưng lại gây ra nhiều nguy cơ rủi ro cho cả mẹ và bé như: Gãy xương đòn, rách tầng sinh môn, liệt dây thần kinh cánh tay. Do đó việc chẩn đoán từ sớm tình trạng này sẽ giúp thai phụ có thể đưa ra quyết định sinh mổ từ sớm thay vì cố gắng để sinh thường.


Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan
Bài viết liên quan