Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Bác sĩ CKI Đỗ Thanh Hà | Nơi công tác: Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Thuốc Dân Tộc

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật là thủ thuật được tiến hành giúp đẩy nhanh, cải thiện khả năng phục hồi sau phẫu thuật. Với những sản phụ sau sinh, đặc biệt là sinh mổ thì việc phục hồi chức năng là rất cần thiết. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết biện pháp phục hồi chức năng sau phẫu thuật sản phụ khoa.

Những vấn đề có thể gặp phải sau phẫu thuật sản phụ khoa

Phụ nữ sau khi sinh mổ thường phải đối mặt với các nguy cơ sau đây:

  • Nhiễm trùng: Sau phẫu thuật sản phụ khoa, phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng niêm mạc tử cung.
  • Xuất huyết sau sinh: Sinh mổ có thể gây chảy máu trong khi sinh và sau khi sinh.
  • Xuất hiện cục máu đông: Sau phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ phát triển các cục máu đông bên trong tĩnh mạch sâu, đặc biệt là chân và các cơ quan của vùng chậu. Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi của bạn và làm cản trở máu lưu thông thì có thể đe dọa đến tính mạng sản phụ.
  • Nhiễm trùng vết thương: Tùy thuộc vào các yếu tố rủi ro mà sản phụ có thể bị tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
  • Chấn thương phẫu thuật: Chấn thương phẫu thuật ở bàng quang hoặc ruột có thể xảy ra khi bác sĩ mổ lấy thai.
  • Tăng rủi ro khi mang thai: Sau phẫu thuật sản phụ khoa, phụ nữ có nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng trong lần mang thai tiếp theo. Càng đẻ mổ nhiều thì nguy cơ tử cung bị rách theo đường mổ càng cao.
Phụ nữ sau khi sinh mổ thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm
Phụ nữ sau khi sinh mổ thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm

Khi nào cần thực hiện phục hồi chức năng sau phẫu thuật sản phụ khoa

Việc liên hệ với đội ngũ bác sĩ để phục hồi chức năng sau sinh không bao giờ là muộn. Đội ngũ này sẽ hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi để giúp người mẹ khỏe mạnh hơn, tự tin hơn.

Nếu có dấu hiệu sau thì cần liên hệ đến đội ngũ phục hồi chức năng:

  • Đau khung chậu.
  • Đau thần kinh tọa.
  • Đau lưng hoặc cổ.
  • Đau đa khớp.
  • Mệt mỏi nhiều.
  • Rối loạn tâm trạng và hoocmon.
  • Bị đau bụng kinh.

Hướng dẫn phục hồi chức năng sau sinh mổ

Khi thực hiện phục hồi chức năng cho sản phụ, bác sĩ cần chú ý những nguyên tắc sau đây:

  • Giảm can thiệp, nói cách khác là áp dụng càng ít các kỹ thuật xâm lấn càng tốt, tránh đặt dẫn lưu.
  • Nên điều trị giảm đau sớm nhất có thể cho sản phụ.
  • Chống buồn nôn và không làm gián đoạn chức năng tiêu hóa, không đặt sonde.
  • Giảm nguy cơ bí tiểu và nhiễm trùng tiết niệu bằng cách bỏ sonde tiểu.
  • Khi đã trở lại cuộc sống bình thường thì cần vận động và phục hồi các chức năng hay thói quen.

Phục hồi chức năng cần được thực hiện bằng các phẫu thuật viên, điều dưỡng, dược sĩ với phương pháp phù hợp theo 3 bước sau đây:

Trước phẫu thuật

Trước khi phẫu thuật cần phải kiểm tra chính xác và đầy đủ thông tin, tình trạng sức khỏe của người bệnh.

  • Duy trì chức năng tiêu hóa: Cho bệnh nhân ăn đến 6 giờ trước khi mổ, uống nước đến 2 giờ.
  • Tránh rối loạn tiêu hóa: Thường sẽ không có sự chuẩn bị về tiêu hóa.
  • Duy trì năng lượng: 100g carbohydrate trong đêm và 50g cho 2 giờ trước khi tiến hành can thiệp.

Trong lúc mổ

Trong quá trình mổ cho người bệnh cần giảm đau đa phương thức bằng cách gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng. Nếu cần giảm sang chấn phẫu thuật thì:

  • Phẫu thuật với đường rạch giới hạn hoặc nhỏ nhất có thể.
  • Tránh thực hiện dẫn lưu.
  • Ngoài ra, có một số lưu ý cần thực hiện như sau:
  • Chống buồn nôn cho sản phụ.
  • Tiêm truyền nếu cần thiết, kiểm soát lượng đường máu.
  • Làm ấm bệnh nhân và kiểm soát nhiệt độ cơ thể.
  • Giảm stress cho người bệnh bằng cách dùng dexamethasone 8mg.
  • Có thể xem xét dùng kháng sinh dự phòng và chống đông.
  • Nhỏ thuốc tê.
Hồi phục chức năng sau phẫu thuật sản phụ khoa cần có hướng dẫn từ chuyên gia
Hồi phục chức năng sau phẫu thuật sản phụ khoa cần có hướng dẫn từ chuyên gia

Sau phẫu thuật

Sau khi đã tiến hành phẫu thuật thì cần chú ý đảm bảo sức khỏe người bệnh theo hướng dẫn sau:

  • Cho bệnh nhân uống sau 1 – 2 giờ và ăn sau 6 giờ.
  • Giới hạn lượng dịch được truyền.
  • Rút sonde tiểu sớm.
  • Vận động sớm để phục hồi cơ thể.
  • Hướng dẫn chi tiết cho bệnh nhân trước khi xuất viện.
  • Liên hệ tái khám sau xuất viện.

Hiệu quả của phục hồi chức năng sau sinh

Trong thai kỳ, khung chậu, cột sống và bụng chuyển biến khá nhanh để thích ứng với thai nhi đang phát triển. Đặc biệt, nếu phải sinh mổ thì có rất nhiều vấn đề không lường trước được có thể xảy ra.

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật sản phụ khoa sẽ giúp phụ nữ trở nên khỏe mạnh, tự tin hơn sau khi đẻ mổ. Sau phục hồi, bạn có thể thấy được:

  • Cơn đau dạ con được kiểm soát, lưng, cổ, chân đỡ đau.
  • Tư thế, khung chậu, cột sống được điều chỉnh.
  • Điều hòa lại hệ thần kinh và nội tiết bằng cách xoa bóp, nắn xương.
  • Kiểm soát cơn đại tiện không tự chủ.
  • Đảm bảo lần sinh tiếp theo sẽ an toàn hơn, giảm khả năng gặp phải những biến chứng.

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật sản phụ khoa giúp người mẹ tự tin hơn, hiểu rõ về vùng chậu để có thể nhanh chóng vận động, chơi thể thao, quan hệ tình dục. Trong quá trình này, phụ nữ cũng sẽ học được cách kiểm soát cơ thể, phòng ngừa các biến chứng, ngăn ngừa đau cột sống, khung chậu, giảm nguy cơ són tiểu, sa tử cung vào giai đoạn tiền mãn kinh.

Hướng dẫn chăm sóc sản phụ sau phẫu thuật sản phụ khoa

Sau khi đẻ mổ, người mẹ cần được chăm sóc đặc biệt để tránh những biến chứng nguy hiểm, đồng thời đảm bảo cả mẹ và con đều khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng

Phục hồi sau phẫu thuật sản phụ khoa cần thực hiện ngay sau khi sinh. Lúc này người mẹ sẽ chưa thể ăn ngay mà cần bù nước, điện giải, cung cấp glucid để nuôi dưỡng cơ thể. Bên cạnh đó, người mẹ cần chú ý những vấn đề như:

Mẹ nên ăn nhiều rau củ quả, cá hồi theo hướng dẫn
Mẹ nên ăn nhiều rau củ quả, cá hồi theo hướng dẫn
  • Có thể truyền tĩnh mạch dịch glucoza 5% hoặc 30%, KCl 1 – 2 ống, nên cho uống nước hoa quả, rau luộc cách nhau 1 giờ.
  • Truyền plasma máu và xét nghiệm tỷ lệ nhiễm kali, dự trữ kiềm, nito máu, NaCl để có thể chỉ định thuốc điều trị phù hợp.
  • Những ngày tiếp theo cho mẹ ăn tăng dần và giảm truyền tĩnh mạch. Nên bắt đầu từ 500Kcal và 30g protein rồi tăng dần cho đến khi đạt 2000Kcal mỗi ngày. 
  • Nên cho mẹ ăn sữa, hoặc các thức ăn mềm như cháo, súp. Ngoài ra, sữa bột bỏ bơ, sữa đậu nành cũng là lựa chọn hợp lý.
  • Tập trung cho mẹ ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin B,C,PP và chia nhỏ khẩu phần thành 4 bữa – 6 bữa.
  • Khi vết mổ đã liền thì cần bổ sung protein để nhanh chóng giúp vết thương lành hẳn, có thể ăn 120 – 150g mỗi ngày, bổ sung nhiều trứng, sữa, thịt, cá, đậu, hoa quả để có nhiều vitamin C và B.
  • Khi mổ có thể dùng kháng sinh và sẽ gây ảnh hưởng đến lợi khuẩn trong đường ruột, vì vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng men tiêu hóa để cân bằng vi sinh đường ruột, hạn chế tiêu chảy.
  • Hạn chế ăn những thực phẩm như thịt đỏ, bánh mì, đồ chiên xào vì chúng có thể khiến tình trạng viêm nghiêm trọng hơn.

Chăm sóc vết mổ

Ngoài chú ý đến chế độ dinh dưỡng thì việc chăm sóc vết mổ cũng rất quan trọng. Đảm bảo vệ sinh, giữ vết mổ luôn khô và sạch sẽ giúp quá trình hồi phục nhanh chóng hơn.

  • Vết mổ sẽ gây tê, đau sưng và thâm hơn vùng da xung quanh, bác sĩ sẽ kiểm tra thường xuyên và hướng dẫn chăm sóc chi tiết.
  • Mẹ sẽ được hướng dẫn hít thở để làm sạch phổi vì nếu gây mê, chất lỏng sót lại trong phổi sẽ gây viêm phổi.
  • Khi vệ sinh vết mổ, mẹ cần lau nhẹ nhàng bằng khăn, không chà xát mạnh, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào vết thương.
  • Các mẹ cũng nên đo nhiệt độ cơ thể mỗi ngày, để ý nếu có hiện tượng đau nhức, phù nề, ớn lạnh.
  • Mẹ có thể bị xuất huyết âm đạo nên hãy dùng băng vệ sinh để thấm hút dịch.
  • Có thể tắm rửa 2 ngày/lần, nhưng chỉ nên tắm bằng nước ấm và tắm nhanh, không nên ngâm mình quá lâu trong bồn. Nếu bị xuất huyết nhiều, ra dịch hôi hay bị sốt thì phải liên hệ bác sĩ.

Chế độ vận động và nghỉ ngơi

Vận động sau khi mới phẫu thuật sản phụ khoa là rất đau đớn nhưng nó có thể giúp tiến trình hồi phục của người mẹ diễn ra nhanh hơn, đặc biệt khi bạn làm theo chỉ dẫn từ bác sĩ.

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật sản phụ khoa
Nên vận động nhẹ nhàng theo tình trạng sức khỏe để vết mổ mau lành
  • Ngay khi được cho phép, mẹ hãy đi bộ ngắn 30 phút mỗi ngày để giúp tăng cường hệ tuần hoàn, giảm nguy cơ đông máu, cơ thể phục hồi nhanh hơn.
  • Nếu tình trạng sức khỏe tốt, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ đi bộ ngay khi xuất viện.
  • Việc tập bước lên bước xuống cầu thang cũng giúp mẹ phục hồi tốt hơn bởi nó giúp cơ bụng đỡ đau hơn nhanh chóng.
  • Giữ cố định vết mổ bằng cách ôm nhẹ một cái gối trên vết mổ, đặc biệt khi cười hoặc khi ho, nó giúp hạn chế chuyển động cơ bụng, giúp mẹ đỡ đau.
  • Chèn nhiều gối xung quanh giường để hạn chế việc lăn qua lăn lại khiến vết mổ chạm vào chỗ cứng gây đau.
  • Sau khi sinh, kích thước tử cung nhỏ dần và khiến chất dịch lỏng tử cung chảy ra theo đường âm đạo vậy nên mẹ cần dùng băng vệ sinh để thấm, không dùng tampon.
  • Khi di chuyển, cần để chồng hoặc y tá giúp đỡ, tránh gập người về phía trước, hãy đứng thẳng, bám vào những vật xung quanh để đi lại dễ dàng hơn. Không nên mang vác nặng hay cử động mạnh và cũng không nên lên xuống cầu thang quá nhiều lần.
  • Ngoài ra, bạn cũng hãy cố gắng nghỉ ngơi, chợp mắt bất cứ khi nào có thể để cơ thể hồi phục.

Cho con bú

Khi mẹ đã phục hồi và khỏe mạnh thì có thể cho con bú, tuy nhiên việc sinh mổ có thể gây khó khăn nên hãy tìm sự trợ giúp.

Một số tư thế cho con bú sau có thể giúp các mẹ thoải mái:

  • Tư thế nằm: Mẹ và bé nằm nghiêng, đối diện nhau, dùng gối nâng đỡ phần đầu, cổ và lưng. Ngoài ra có thể dùng gối, khăn mềm để chêm giữa 2 đầu gối, kê chân cao để tạo sự thoải mái, thư giãn. Mẹ có thể dùng tay hoặc gối để nâng đỡ lưng bé giúp bé áp sát vào mẹ và bú dễ dàng hơn.
  • Tư thế ngồi hoặc nằm nửa ngồi: Mẹ ngồi trên giường và đặt một gối lên đùi, sau đó đặt bé lên gối để tránh bé va chạm vết thương.

Cần cho con bú mẹ thường xuyên, cách nhau 3 tiếng, cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, mẹ cũng có thể vắt sữa bằng tay hoặc máy và cho con bú trong vòng 12 giờ sau sinh. Kiên trì vắt sữa mỗi ngày sẽ giúp sữa mẹ mau về nhiều và tránh bị căng tức ngực, đồng thời cung cấp đủ sữa cho con.

Cần cho con bú mẹ thường xuyên, cách nhau 3 tiếng, cả ngày lẫn đêm
Cần cho con bú mẹ thường xuyên, cách nhau 3 tiếng, cả ngày lẫn đêm

Sử dụng thuốc phù hợp

Việc dùng các loại thuốc phù hợp để giảm khó chịu, đau nhức sau phẫu thuật sản phụ khoa là cần thiết.

  • Trong suốt ca mổ, ổ bụng của người mẹ sẽ có chứa đầy khí nên cần dùng thuốc để loại bỏ chúng. Ngoài ra, nếu gặp khó khăn trong việc đi vệ sinh thì hãy liên hệ y bác sĩ để được hướng dẫn.
  • Sau khi sinh, sản phụ cũng có thể bị buồn nôn trong vòng 48 giờ, ngứa râm ran toàn thân, đặc biệt khi thuốc mê vẫn còn, lúc này hãy nhờ bác sĩ kê thuốc để giảm bớt khó chịu.
  • Nếu thuốc gây mê hết tác dụng, nhiều sản phụ sẽ thấy đau nhức tại vết mổ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau phù hợp.

Ngoài ra, khi xuất viện bác sĩ sẽ kê đơn 1 – 2 thuốc giảm đau để mẹ có thể dùng khi đau nhức, đau đầu. Việc dùng thuốc giảm đau là cần thiết để giúp mẹ không bị mất sức, nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Cơn đau mổ thường kéo dài 2 tuần và việc uống thuốc đúng giờ sẽ giúp giảm cơn đau. Mẹ cần trao đổi chi tiết với bác sĩ để được tư vấn liều dùng phù hợp nhất.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Sau khi sinh mổ, phụ nữ thường có những cảm xúc trái ngược nhau và thường là cảm xúc tiêu cực. Gia đình, những người thân cần chia sẻ với mẹ nhiều hơn, hỗ trợ chăm sóc con, không để mẹ phải gánh vác một mình. Ngoài ra, mẹ cũng không nên suy nghĩ quá nhiều, tránh để những cảm xúc tiêu cực lấn át.

Mẹ có thể nói chuyện nhiều hơn, viết ra những cảm xúc của mình để nhẹ nhõm hơn. Ngoài ra, hãy dành thời gian để gắn kết với em bé, làm những gì mình thích, miễn là bạn thoải mái hơn.

Một số bài tập giúp phục hồi sau phẫu thuật sản phụ khoa

Một số bài tập có thể thực hiện tại nhà dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ có thể giúp mẹ nhanh chóng khỏe mạnh, vết thương mau lành.

Tập tại giường

  • Gập và duỗi cổ chân 6 nhịp mỗi lần tập.
  • Co chân nhẹ nhàng và chậm rãi mỗi ngày 5 lần.
  • Nâng khung chậu nhẹ nhàng để giảm đau lưng.
  • Tập kegel ở tư thế nằm và thực hiện co bóp sàn chậu 3 – 4 lần.
  • Siết sàn chậu trước khi ho hoặc hắt hơi, dùng tay đỡ bụng.

Ngồi ghế

  • Ngồi trên ghế thoải mái để cho con bú, không nên ngồi lâu trên ghế nệm tròn hình nhẫn.
  • Ngồi nghe nhạc nhẹ nhàng để thư giãn.
  • Xoa bóp vai và cổ để giúp thoải mái hơn.

Đi vệ sinh

  • Ngồi thoải mái trên bồn vệ sinh, giữ lưng uốn cong khi cúi về phía trước nhằm giảm áp lực cho sàn chậu.
  • Chống tay lên đùi và thư giãn bụng trước.
  • Dùng ghế kê chân và gập khớp háng giúp bảo vệ sàn chậu.
  • Thở chậm, không nín thở và dùng tay để vết mổ, tầng sinh môn khi cần thiết.
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật sản phụ khoa
Một số bài tập nhẹ nhàng cũng sẽ giúp mẹ nhanh chóng hồi phục hơn

Khi vận động cần lắng nghe cơ thể mình, không kéo căng, không tập quá sức hay âm thầm chịu đựng cơn đau, điều này có thể khiến vết mổ nghiêm trọng hơn nhiều lần.

Trên đây là thông tin về phục hồi chức năng sau phẫu thuật sản khoa và cách chăm sóc sản phụ sau khi sinh mổ. Có thể nói, việc hồi phục sau sinh là rất cần thiết để giúp cơ thể người mẹ khỏe mạnh, không gặp nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, nó cũng là cơ sở để những lần mang thai và sinh đẻ tiếp theo thuận lợi và an toàn.

Bài viết liên quan
thieu-san-that-trai
noi-mac-tu-cung
thuoc-dong-y-tri-rong-kinh
thuoc-dat-phu-khoa-dong-y
dieu-tri-roi-loan-tien-man-kinh