Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Phác đồ điều trị vảy nến do Bộ Y tế tổng hợp quy trình chẩn đoán và các biện pháp điều trị cho từng giai đoạn bệnh giúp đẩy lùi triệu chứng bệnh hiệu quả và an toàn. Người bệnh tham khảo chi tiết về phác đồ trị bệnh này trong bài viết dưới đây.

Chẩn đoán bệnh vảy nến theo phác đồ của Bộ Y tế

Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính và thường bùng phát theo từng đợt. Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh chính xác, tuy nhiên những nhận định ban đầu từ chuyên gia cho rằng bệnh da liễu này bắt nguồn từ rối loạn hệ miễn dịch.

Để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, bước đầu trong phác đồ chữa bệnh vảy nến của Bộ Y tế là chẩn đoán bệnh.

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ dựa vào các biểu hiện trên da của bệnh nhân để xác định thể bệnh và mức độ tổn thương. Cụ thể như sau:

Vị trí tổn thương: Vảy nến thường xuất hiện tại đầu gối, khuỷu tay, khớp ngón tay, ngón chân,…

Các triệu chứng trên da: 

  • Xuất hiện các mảng đỏ, kích thước từ khác nhau từ vài mm đến vài cm.
  • Vùng da bị tổn thương sần đỏ, nổi gồ cao, nền cứng cộm, da đóng thành lớp vảy bạc, viền đỏ vạch rõ giới hạn với vùng da xung quanh.
  • Da dày sừng, có nhiều lớp vảy dễ bong, khi dùng tay ấn vào thấy mềm và không đau.
  • Vảy nến có xu hướng xuất hiện đối xứng nhau, những trường hợp vảy nến trong miệng, trên bề mặt lưỡi sẽ có triệu chứng tương tự viêm lưỡi dạng bản đồ.
phac-do-dieu-tri-vay-nen
Bác sĩ dựa vào các biểu hiện trên da của bệnh nhân để xác định thể bệnh và mức độ tổn thương

Chẩn đoán cận lâm sàng

Sau khi chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sinh hóa máu và chẩn đoán hình hành chuyên sâu để xác định chính xác mức độ bệnh và thể bệnh.

Ở bệnh nhân vảy nến, khi soi mô bệnh học đặc trưng sẽ thấy đặc điểm như: Tăng gai, mất lớp hạt, á sừng, lớp gai quá sản, viêm thâm nhiễm.

Hiện tại, bệnh vảy nến được phân loại như sau:

  • Vảy nến thể thông thường: Bao gồm vảy nến thể mảng, vảy nến thể giọt, vảy nến thể đồng tiền.
  • Vảy nến thể đặc biệt: Gồm vảy nến toàn thân, vảy nến lòng bàn tay, bàn chân, vảy nến thể đảo ngược, vảy nến thể móng – khớp.

Chẩn đoán xác định

Trong trường hợp bệnh tiến triển phức tạp, chỉ phương pháp chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng chưa đủ để xác định bệnh, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định chẩn đoán xác định. Bác sĩ tiến hành chẩn đoán xác định sẽ thực hiện dựa trên 3 yếu tố gồm:

  • Xác định tổn thương trên da có đặc điểm như hình thái và màu sắc rõ rệt, da bong tróc dạng vảy màu trắng.
  • Tiến hành cạo vảy theo phương pháp Brocq: Dùng thìa curette cạo trên vùng da tổn thương, lớp đầu là lát mỏng màu trắng đục, tiếp tục cạo sẽ thấy màng mỏng bong ra và cuối cùng là bề mặt đỏ, nhẵn bóng rớm máu (sương máu).
  • Xác định dựa vào hình ảnh mô bệnh học vùng da tổn thương của các bệnh nhân để xác định mức độ bệnh.

Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt, người bệnh sẽ được tiến hành chẩn đoán phân biệt với các bệnh có triệu chứng tương tự như: Á vảy nến, lupus ban đỏ, giang mai thời kỳ II, vảy phấn hồng Gibert, vảy phấn đỏ nang lông,…

Chi tiết phác đồ điều trị vảy nến của Bộ Y tế mới nhất

Hiện nay chưa có bất kỳ loại thuốc đặc trị chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Do đó, phác đồ chữa bệnh của Bộ Y tế sẽ phối hợp các phương pháp phù hợp để giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Dưới đây là thông tin chi tiết về phác đồ điều trị vảy nến của Bộ Y tế.

Nguyên tắc điều trị

Trong phác đồ điều trị vảy nến, người bệnh sẽ được áp dụng điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân hay áp dụng dụng điều trị phối hợp phụ thuộc vào mức độ tổn thương trên da:

  • Áp dụng phác đồ điều trị tại chỗ: Trường hợp bệnh nhân bị vảy nến với diện tích tổn thương trên da dưới 30%.
  • Áp dụng phác đồ điều trị toàn thân: Trường hợp bệnh nhân bị vảy nến với diện tích tổn thương trên da trên 30%.

Phác đồ điều trị vảy nến tại chỗ Bộ Y tế

Dựa theo nguyên tắc, những trường hợp vảy nến thể nhẹ, các tổn thương chưa nghiêm trọng với diện tích hẹp (dưới 30%), người bệnh sẽ được chỉ định bôi các loại thuốc sau:

Thuốc bôi chứa corticoid

Một số loại thuốc bôi chứa corticoid được sử dụng phổ biến trong phác đồ điều trị vảy nến gồm: Eumovate, Tempovate, Diprosone, Synalar, Sicorten, Betnovate, Lorinden,…

  • Tác dụng: Corticoid là chất kháng viêm được sử dụng nhằm ức chế sự hình thành, phát triển của tế bào sừng trên da và những trường hợp bệnh da liễu có biểu hiện nhiễm trùng.
  • Liều dùng: Bôi 1 lớp mỏng thuốc chứa corticoid lên da 1 lần/ngày.
  • Tác dụng phụ: Không dùng thuốc corticoid với liệu trình kéo dài vì sẽ gây nhờn thuốc, tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ như teo da, nổi mụn trứng cá, giãn tĩnh mạch, rạn da,…
phac-do-dieu-tri-vay-nen
Eumovate ức chế sự hình thành, phát triển của tế bào sừng trên da

Thuốc bôi Calcipotriol

Calcipotriol là dẫn xuất của vitamin D3 điều chế dưới dạng thuốc mỡ hoặc gel nôi. Calcipotriol có thể được kết hợp cùng corticoid trong giai đoạn điều trị tấn công để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

  • Tác dụng: Thuốc có tác dụng ứng chế sự tăng sinh của tế bào sừng, bên cạnh đó kích thích quá trình biệt hóa tế bào sừng, giúp thuyên giảm bong tróng và tăng sinh vảy nến.
  • Liều dùng: Thuốc bôi Calcipotriol theo tần suất 2 lần/ngày, tổng lượng thuốc không quá 1000mg trong 1 tuần.
  • Tác dụng phụ: Gây tăng canxi huyết hoặc thâm rát da kéo dài.

Thuốc bôi Salicylic Acid 2%, 3%, 5%

Thuốc bôi Salicylic Acid là thuốc bôi ngoài da dạng gel, thành phần chính là salicylic có tác dụng chống á sừng, giảm tình trạng bong vảy hoặc bạt sừng. Thuốc Salicylic Acid thường được bác sĩ kết hợp cùng thuốc chứa corticoid nhằm chống viêm, kháng khuẩn, phù hợp với bệnh nhân có biểu hiện thâm nhiễm và nền cứng cộm.

  • Công dụng: Chống á sừng, giảm tình trạng bong vảy hoặc bạt sừng.
  • Liều dùng: Bôi ngoài da 1 – 2 lần/ngày.
  • Lưu ý: Loại thuốc này không dùng cho toàn thân vì sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc, men gan cao đe dọa tính mạng.
phac-do-dieu-tri-vay-nen
Thuốc bôi Salicylic Acid có tác dụng chống á sừng, giảm tình trạng bong vảy hoặc bạt sừng

Thuốc Dithranol và Anthralin

Cả hai loại thuốc này được chỉ định sử dụng trong giai đoạn tấn công hoặc điều trị duy trì. Thuốc mang lại hiệu quả tốt nhất cho trường hợp vảy nến thể mảng, kể cả những vùng tổn thương diện tích lớn.

  • Tác dụng: Dithranol và Anthralin có tác dụng ức chế tổng hợp DNA và phân bào trong lớp biểu bì. Nhờ đó ngăn bệnh vảy nến tiến triển nặng hơn. Thuốc còn có tác dụng làm mềm da, cải thiện bong tróc hiệu quả.
  • Liều dùng: Bôi ngoài da 1 lần/ngày. Trong 2 tuần đầu điều trị bôi Anthralin hàng ngày với nồng độ 0.1 – 0.3%. Sau khi bôi thuốc 15 phút thì rửa sạch.
  • Lưu ý: Chống chỉ định dùng Dithranol và Anthralin với trường hợp da đỏ toàn thân và vảy nến thể mủ.

Thuốc bôi Goudron

Thuốc Goudron màu đen, mùi nồng hơi hắc, thuộc nhóm thuốc khử oxy, có nguồn gốc từ than đá hoặc các loại cây gỗ có nhựa.

  • Tác dụng: Thuyên giảm các thương tổn trên da, giúp làm mềm da, cải thiện tình trạng da nổi cộm.
  • Cách dùng: Goudron được khuyến cáo bôi vào thời điểm tối trước khi đi ngủ nhằm tránh thuốc dính vào quần áo.

Điều trị toàn thân theo Bộ Y tế

Những trường hợp vảy nến nặng, có diện tích tổn thương da trên 30% sẽ được chỉ định điều trị toàn thân. Thông thường, người bệnh sẽ được kết hợp giữa các phương pháp dùng thuốc bôi, thuốc uống và kết hợp quang trị liệu.

Thuốc bôi điều trị vảy nến

Sử dụng các loại thuốc bôi trong phác đồ điều trị vảy nến tại chỗ như:

  • Thuốc bôi chứa corticoid.
  • Thuốc bôi Calcipotriol.
  • Thuốc bôi Salicylic Acid 2%, 3%, 5%.
  • Thuốc bôi Goudron.
  • Thuốc Dithranol và Anthralin.

Thuốc uống điều trị vảy nến

Sử dụng thuốc uống giúp đẩy lùi các triệu chứng bệnh nhanh chóng, phù hợp cho nhiều thể vảy nến khác nhau. Tuy nhiên, do hàm lượng dược tính cao nên tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, vậy nên người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Một số loại thuốc uống được sử dụng trong phác đồ điều trị vảy nến bao gồm:

  • Cyclosporin

Thuốc được chỉ định dùng cho bệnh nhân bị vảy nến thể mủ, có tác dụng ức chế miễn dịch và giảm hoạt tính Lympho T tại thượng bì, chân bì tại vùng da đang bị vảy nến.

Liều uống: Từ 2.5 – 5mg/kg/ngày, uống ngày 2 lần, liệu trình dùng thuốc trong 4 tuần. Nếu chuyển biến tích cực, sau 6 tuần sẽ áp dụng liều 5mg/kg/ngày.

Lưu ý: Chống chỉ định dùng Cyclosporin cho bệnh nhân có bệnh ác tính, chức năng thận suy giảm, cao huyết áp.

phac-do-dieu-tri-vay-nen
Cyclosporin được chỉ định dùng cho bệnh nhân bị vảy nến thể mủ
  • Thuốc Methotrexate

Đây là thuốc ức chế miễn dịch, có tác dụng ức chế tổng hợp acid nucleic, nhờ đó

ức chế tăng sinh tế bào tại thượng bì và chống viêm, giảm hóa ứng động của bạch cầu đa nhân. Hiện tại Methotrexate được chỉ định trong điều trị vảy nến thể mảng toàn thân, vảy nến thể khớp và vảy nến thể đỏ.

Liều dùng: Liều 7.5mg/tuần, chia làm 3 lần uống, mỗi lần uống cách nhau 12 giờ. Tuần 1 uống liều test 2 viên x 2,5 mg, uống vào buổi sáng và buổi tối, cách nhau 12 tiếng. Tuần 2 uống 3 viên x 2,5 mg, các thời điểm uống cách nhau 12 tiếng.

Lưu ý: Chống chỉ định dùng Methotrexate cho đối tượng nhiều tiền sử bệnh lý, phụ nữ đang mang thai, người vảy nến thể nhẹ và trung bình.

  • Thuốc Retinoid

Retinoid là dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng kiểm soát quá trình tế bào sừng hóa, làm chậm tăng sản biểu bì. Nhờ đó ngăn ngừa vảy nến tiến triển nghiêm trọng hơn.

Liều dùng: Liều khởi đầu là 10mg/ngày, sau đó tăng lên 20 – 25mg/ngày. Sau 2 tuần sẽ đánh giá hiệu quả và điều chỉnh liều lượng phù hợp hơn. Liệu trình điều trị kéo dài từ 1 – 2 tháng và giảm liều khi sang giai đoạn điều trị duy trì.

Chú ý: Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như khô mắt, viêm kết mạc, khô da, khô miệng, ngứa, viêm môi, rụng tóc,…

phac-do-dieu-tri-vay-nen
Retinoid có tác dụng kiểm soát quá trình tế bào sừng hóa, làm chậm tăng sản biểu bì
  • Thuốc nâng cao thể trạng

Ngoài ra, trong phác đồ điều trị bệnh vảy nến của Bộ Y tế, người bệnh có thể được bác sĩ kê một số viên uống nâng cao thể trạng như: Vitamin B12, vitamin C, vitamin H3, Biotin,….

Quang hóa trị liệu

Quang hóa trị liệu (Photo Chemotherapy) còn có tên gọi là liệu pháp ánh sáng, được áp dụng phổ biến trong điều trị bệnh vảy nến. Phương pháp này có tác dụng chống phân bào, giảm hoạt hóa của tế bào lympho T, nhờ giúp dịu da, làm sạch cá thương tổn, ức chế tế bào sừng, điều trị hiệu quả vảy nến và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Các loại ánh sáng sử dụng trong quang trị liệu sẽ phụ thuộc vào tình trạng vảy nến của từng bệnh nhân, cụ thể như sau:

  • Chiếu tia UVA: Đây là tia cực tím sóng A, tần số bước sóng từ 320 – 400nm. Tần suất thực hiện là 2 ngày 1 lần hoặc 3 lần mỗi tuần.
  • Chiếu tia UVB dải hẹp: Đây là tia cực tím sóng B với bước sóng 290 – 300nm. Tần suất thực hiện là 2 ngày 1 lần hoặc 3 lần mỗi tuần. Hiện nay dải UVB 311nm đang dần được thay thế cho UVB 290 – 320nm bởi hiệu quả tốt hơn và hạn chế tác dụng phụ.
  • Chiếu tia PUVA: Phối hợp chiếu tia UVA với thuốc cảm ứng ánh sáng Psoralen. Trước tiên người bệnh sẽ uống meladinin liều lượng 0.6mg/kg 2 tiếng trước khi chiếu UVA. Liều UVA sẽ tăng dần trong khoảng 0.5 – 1J/cm2.

Trong quá trình trị bệnh bằng phương pháp quang trị liệu, người bệnh có thể xuất hiện một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như: Đỏ da, phỏng nước, da lão hóa, đục thủy tinh thể, buồn nôn,…

Dự phòng vảy nến tái phát theo phác đồ của Bộ Y tế

Do vảy nến vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, do đó bệnh có thể tái phát dai dẳng nếu không có phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Do đó, trong phác đồ của Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn dự phòng vảy nến tái phát như sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, chế độ sinh hoạt hằng ngày lành mạnh, giảm căng thẳng thần kinh,… nhằm phòng ngừa vảy nến tái phát.
  • Tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về cách dùng thuốc, liều dùng, liệu trình,… Không tự ý thay đổi thuốc, ngừng thuốc và nếu sức khỏe có bất thường cần thông báo cho bác sĩ ngay để được xử lý kịp thời.
  • Người bệnh tái khám định kỳ, lựa chọn đơn vị y tế khám và chữa bệnh uy tín, có đội ngũ bác sĩ Da liễu giàu chuyên môn và đầy đủ giấy phép hoạt động.

Dù bệnh thể nhẹ hay thể nặng, việc tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị vảy nến của Bộ Y tế sẽ đảm bảo kết quả tốt nhất. Để phòng ngừa bệnh tái phát, người bệnh không chỉ cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ mà đồng thời phải điều chỉnh chế độ sinh hoạt khoa học và lành mạnh.

Bài viết liên quan
chua-a-sung-bang-la-bach-dan
to-dia
tri-eczema-bang-la-oi
thuoc-nam-chua-viem-nang-long
thuoc-tri-viem-da-co-dia-hieu-qua
mat ngu sau sinh