Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ Lê Phương | Nơi công tác: Nhất Nam Y Viện

Phác đồ điều trị loét dạ dày Hp đưa ra hướng dẫn cụ thể về phương pháp và liệu trình sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt vi khuẩn Hp. Các phác đồ này sẽ được chỉ định sử dụng dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh lý cụ thể của từng bệnh nhân. Bài viết này sẽ giới thiệu tới quý độc giả 4 phác đồ điều trị viêm loét dạ dày có Hp mới nhất được Bộ Y tế khuyên dùng.

Phác đồ điều trị loét dạ dày HP của Bộ Y tế

Vi khuẩn Hp (Helicobacter Pylori) là loại vi khuẩn rất phổ biến, có khả năng tồn tại và sinh trưởng trong môi trường dịch vị. Khi xâm nhập vào dạ dày, vi khuẩn Hp sẽ tiết ra urease, gây tổn thương và viêm nhiễm cho niêm mạc dạ dày. 

Điều trị vi khuẩn Hp vì vậy không phải là điều dễ dàng mà đòi hỏi nhiều thời gian. Thông thường, quá trình điều trị tiêu diệt Hp thường kéo dài từ 2-4 tháng. Khi đã xác định nhiễm khuẩn Hp và tình trạng viêm loét dạ dày, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng có Hp phù hợp nhất.

Có nhiều phác đồ điều trị vi khuẩn Hp đáp ứng với từng nhóm đối tượng bệnh nhân cụ thể. Các phác đồ tiêu diệt Hp sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (PPI), trong một số trường hợp có thể kết hợp thêm thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Dưới đây là 4 phác đồ điều trị loét dạ dày có Hp của Bộ Y tế, hiện đang được sử dụng rộng rãi.

Phác đồ điều trị loét dạ dày Hp hướng dẫn cách xử trí và sử dụng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày
Phác đồ điều trị loét dạ dày Hp hướng dẫn cách xử trí và sử dụng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày.

Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày có Hp kết hợp 3 thuốc

Đối tượng chỉ định: bệnh nhân điều trị Hp lần đầu hoặc ở mức độ nhiễm khuẩn nhẹ.

Thời gian điều trị: kéo dài từ 7-14 ngày.

Liệu trình điều trị: 

Sử dụng kết hợp các thuốc:

  • PPI: 2 lần/ngày, uống trước bữa ăn 30 phút.
  • Amoxicillin 1000mg hoặc Metronidazol 500mg: 2 lần/ngày, uống sau khi ăn. 
  • Clarithromycin 500mg: 2 lần/ngày, uống sau khi ăn

Ưu điểm:

  • Có khả năng tiêu diệt đến hơn 80% vi khuẩn Hp ở ngay lần điều trị đầu tiên.
  • Có thể sử dụng để điều trị cho bệnh nhân dị ứng với penicilin.

Nhược điểm: phác đồ này ít được sử dụng do tình trạng kháng Metronidazol ở Việt Nam khá cao.

Phác đồ điều trị loét dạ dày Hp sử dụng 4 thuốc

Đối tượng chỉ định:

  • Trường hợp sử dụng phác đồ 3 thuốc không đem lại hiệu quả.
  • Trường hợp kháng kháng sinh Clarithromycin.
  • Trường hợp đã dùng thuốc Macrolid.

Thời gian điều trị: từ 10-14 ngày

Liệu trình điều trị:

Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày Hp kết hợp 4 thuốc được chia làm 2 loại:

  • Phác đồ 4 thuốc có Bismuth: PPI (2 lần/ngày) + Tinidazole/ Metronidazole 250mg (4 viên/ngày) + Ranitidin 150mg (2 lần/ ngày) + Bismuth 120mg (4 viên/ngày)
  • Phác đồ 4 thuốc không có Bismuth: PPI (2 lần/ ngày) + Metronidazole 500mg (2 viên/ ngày) + Clarithromycin 500mg (2 viên/ ngày) + Amoxicillin 1g ( 2 viên/ ngày)

Cách dùng:

  • PPI: uống trước khi ăn 30 phút
  • Metronidazol: uống sau khi ăn khoảng 30 phút
  • Bismuth: uống trước khi ăn.

Ưu điểm: được đánh giá là phác đồ tiêu diệt vi khuẩn Hp có hiệu quả cao nhất

Nhược điểm: 

  • Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc dung nạp thuốc do phải sử dụng nhiều loại khác nhau.
  • Có thể làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc kép của vi khuẩn Hp.
  • Thường gây ra tình trạng mệt mỏi cho người bệnh trong quá trình điều trị.
Tóm tắt các phác đồ điều trị viêm loét dạ dày có Hp
Tóm tắt các phác đồ điều trị viêm loét dạ dày có Hp.

Phác đồ điều trị viêm dạ dày có Hp nối tiếp

Đối tượng chỉ định: phác đồ nối tiếp thường được sử dụng sau khi dùng phác đồ 4 không phát huy hiệu quả, tuy nhiên cũng có thể sử dụng làm phác đồ điều trị ngay từ đầu.

Thời gian điều trị: kéo dài 10 ngày, chia làm 2 giai đoạn 5 ngày.

Liệu trình điều trị:

  • Liệu trình 5 ngày đầu: PPI (2 lần/ngày) + Amoxicilin (2 viên/ngày)
  • Liệu trình 5 ngày sau: PPI (2 lần/ngày) + Clarithromycin 500mg (2 viên/ngày) + Tinidazole 500mg (2 viên/ngày)

Cách dùng:

  • PPI: uống trước khi ăn khoảng 30 phút
  • Amoxicillin, Clarithromycin, Tinidazole: uống sau khi ăn khoảng 30 phút

Tại Việt Nam, phác đồ này được đánh giá cao hơn so với phác đồ trị liệu 3 thuốc.

Phác đồ điều trị loét dạ dày có Hp bằng liệu pháp 3 thuốc có Levofloxacin

Đối tượng chỉ định: bệnh nhân điều trị diệt Hp thất bại với các phác đồ trên.

Thời gian điều trị: trong vòng 10 ngày.

Liệu trình điều trị: 

Sử dụng phối hợp các thuốc:

  • PPI: 2 lần/ngày, uống trước khi ăn 30 phút
  • Amoxicillin 1000mg: 2 lần/ngày, uống sau khi ăn 30 phút
  • Levofloxacin 500mg: 2 lần/ngày, uống sau khi ăn 30 phút

Ưu điểm: phác đồ 3 thuốc có Levofloxacin được đánh giá là có khả năng tiêu diệt vi khuẩn Hp cao hơn phác đồ 4 thuốc.

Nhược điểm: điều trị bằng phác đồ này có thể gây ra một số tác dụng phụ lên lên hệ xương, gân và khớp; vì vậy cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân bị bệnh xương khớp.

Một số lưu ý khi sử dụng phác đồ điều trị loét dạ dày Hp

Để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn Hp không hề dễ dàng. Có rất nhiều khó khăn và rủi ro trong quá trình điều trị, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh khi sử dụng thuốc Tây. Chính vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ những điều sau khi đang sử dụng với phác đồ diệt vi khuẩn Hp để đem lại hiệu quả điều trị nhanh chóng và tối ưu nhất:

  • Tuyệt đối tuân thủ liệu trình điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng cách để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt; tránh xảy ra tình trạng kháng thuốc và nhờn thuốc.
  • Bệnh nhân có thể bổ sung kháng thể để tăng cường sức đề kháng cho dạ dày, giúp tăng cường hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn Hp, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế tối đa những tác nhân gây hại cho bệnh viêm loét dạ dày như: thực phẩm cay nóng, đồ chua, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ, các chất kích thích, thực phẩm chưa được nấu chín hoàn toàn.
  • Uống nhiều nước, tích cực bổ sung rau xanh và hoa quả vào chế độ ăn là cách hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày hữu hiệu.
  • Xây dựng thói quen sống lành mạnh, sắp xếp công việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng và lo lắng để không gây ra những áp lực và rối loạn cho cơ quan tiêu hóa.
  • Vi khuẩn Hp có nhiều tuýp, bệnh nhân đã điều trị khỏi vẫn có thể tái nhiễm do mắc tuýp khác. Vì vậy, sau khi điều trị vi khuẩn Hp, bệnh nhân nên đi tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, tránh tình trạng tái nhiễm sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong điều trị.

Trên đây là 4 phác đồ điều trị loét dạ dày Hp được Bộ Y tế cập nhật và khuyến cáo sử dụng. Độc giả quan tâm có thể tham khảo để hiểu thêm về phương pháp điều trị vi khuẩn Hp. Dù việc tiêu diệt loại vi khuẩn này không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện hiệu quả. Phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng cách bằng phác đồ phù hợp và thực hiện tốt các biện pháp điều trị không dùng thuốc sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng chữa lành viêm loét có Hp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bài viết liên quan
kem-boi-tri-earth-mama
bi-tri-khi-mang-thai
dau-hieu-mat-nuoc-tren-benh-nhan-tieu-chay
benh-co-that-tam-vi
chua-viem-dai-trang-co-that-bang-thuoc-nam