Nhiễm trùng sơ sinh là khái niệm chỉ những bệnh lý nhiễm trùng xảy ra thời kỳ sơ sinh. Đây là bệnh lý gây tử vong khá cao, chỉ sau bệnh suy hô hấp cấp sơ sinh. Đặc biệt là các nước phát triển có tỷ lệ trẻ mắc rất lớn (khoảng 18/1000 trẻ). Hiểu được chính xác về bệnh sẽ giúp xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cũng như phòng tránh bệnh hiệu quả.

Nhiễm trùng sơ sinh là gì?

Nhiễm trùng sơ sinh là bệnh lý xảy ra ở những trẻ lúc mới sinh đến 28 ngày tuổi. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do trước khi sinh, trong sinh và sau khi sinh.

Nhiễm trùng sơ sinh là bệnh lý xảy ra ở những trẻ lúc mới sinh đến 28 ngày tuổi
Nhiễm trùng sơ sinh là bệnh lý xảy ra ở những trẻ lúc mới sinh đến 28 ngày tuổi

Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, chỉ sau hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Chính vì vậy cha mẹ cần hết sức lưu ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng cần nắm bắt rõ bệnh để có thể điều trị bệnh cho bé hiệu quả, tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn sơ sinh

Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng bởi những nguyên nhân sau đây:

  • Qua đường máu (nhau thai): Là tình trạng trẻ bị lây nhiễm trước khi sinh, gặp phải những tác nhân như: HIV, giang mai bẩm sinh, rubella, toxoplasmosis, cytomegalovirus,….
  • Trẻ lây bệnh qua các màng và nước ối.
  • Các ổ nhiễm trùng ở tử cung cũng có thể gây nhiễm trùng sơ sinh.
  • Lây qua đường tiếp xúc khi sinh: Điều này xảy ra trong quá trình sinh, khi thai đi qua âm đạo, âm hộ hoặc các ổ nhiễm khuẩn tại tử cung.
  • Sau khi sinh: Trẻ tiếp xúc với những bệnh lý nhiễm trùng ở bên ngoài cộng đồng, đặc biệt là môi trường ở bệnh viện.

Các yếu tố tăng nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh

Ngoài những nguyên nhân trên, những yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh.

Nguy cơ từ người mẹ

Tình trạng sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của con, đặc biệt là trong những giai đoạn cuối của thai kỳ.

  • Mẹ bị mắc bệnh nhiễm trùng trong thời gian mang thai sẽ làm tăng nguy cơ con bị nhiễm trùng sơ sinh.
  • Người mẹ bị vỡ ối trước 12 giờ gây nhiễm trùng ối.
  • Người mẹ bị sốt trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh.
  • Thời gian chuyển dạ kéo dài từ 12 – 18 tiếng.
  • Mẹ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu trước khi sinh mà không biết hoặc không được điều trị đúng cách, dứt điểm.
Mẹ bị mắc bệnh nhiễm trùng trong thời gian mang thai sẽ làm tăng nguy cơ con bị nhiễm trùng sơ sinh
Mẹ bị mắc bệnh nhiễm trùng trong thời gian mang thai sẽ làm tăng nguy cơ con bị nhiễm trùng sơ sinh

Nguy cơ từ con

Nếu trẻ là những đối tượng sau thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn:

  • Bé trai.
  • Bé được sinh non.
  • Bé có cân nặng nhẹ hơn so với tuổi thai.
  • Bé bị sang chấn sản khoa.
  • Chỉ số Apgar thấp khi sinh (bình thường chỉ số Apgar là 8 – 10đ trong những phút đầu).

Nguy cơ từ môi trường

Yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khỏe của bé. Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn nếu gặp phải những trường hợp như:

  • Lây bệnh trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nhà, người mẹ hoặc cán bộ y tế.
  • Dụng cụ y tế không sạch sẽ, bị nhiễm khuẩn.
  • Người nhà, nhân viên y tế không rửa tay trước khi tiếp xúc với bé.
  • Khoa sơ sinh bị quá tải số lượng bệnh nhân.
  • Lây bệnh qua sữa mẹ hoặc chất bài tiết.

Triệu chứng lâm sàng của nhiễm trùng sơ sinh

Triệu chứng bệnh nhiễm trùng sơ sinh khá đa dạng và thường được chia thành 2 giai đoạn là nhiễm trùng sơ sinh sớm và nhiễm trùng sơ sinh muộn.

Có hai giai đoạn là nhiễm trùng sơ sinh sớm và nhiễm trùng sơ sinh muộn.
Có hai giai đoạn là nhiễm trùng sơ sinh sớm và nhiễm trùng sơ sinh muộn.

Nhiễm trùng sơ sinh sớm

Đây là tình trạng nhiễm trùng xảy ra trong 5 ngày đầu sau khi sinh. Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là tình trạng nhiễm trùng huyết. Một số triệu chứng nhiễm trùng sớm có thể kể đến như:

  • Triệu chứng hô hấp: Trẻ da xanh tím, nhịp thở rối loạn, thở rên, tốc độ thở lớn hơn 60 lần mỗi phút, ngừng thở trên 15 giây.
  • Triệu chứng tim mạch: Mặt xanh tái, da nổi bông, nhịp tim cao hơn 160 lần mỗi phút, đầu chi lạnh, thời gian da hồng hào trở lại kéo dài trên 3 giây, huyết áp hạ.
  • Triệu chứng tiêu hóa: Trẻ bú kém, bỏ bú, trướng bụng, nôn ói, tiêu chảy, dịch dạ dày ứ nhiều hơn ⅔ số lượng sữa bơm cử trước.
  • Triệu chứng da và niêm mạc: Da tái nổi nhiều vân tím, phát ban, xuất huyết và vàng da trước 24h, có nốt mủ, cứng bì, phù nề.
  • Triệu chứng thần kinh: Trương lực cơ tăng hoặc giảm, co giật, dễ bị kích thích, thóp phồng. hôn mê, phản xạ giảm.
  • Triệu chứng huyết học: Tử ban, tụ máu dưới da, gan lách to, xuất huyết nhiều nơi.
  • Thực thể: Sụt cân, rối loạn điều hòa thân nhiệt.

Nhiễm trùng sơ sinh muộn

Nhiễm trùng sơ sinh muộn là tình trạng nhiễm trùng xảy từ ngày thứ 6 trở đi sau sinh. Cách dạng lâm sàng chính gồm nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tại chỗ hoặc viêm màng não.

Viêm màng não:

  • Sốt dai dẳng, thân nhiệt không ổn định, tri giác thay đổi, co giật
  • Dễ kích thích, ngưng thở, khóc nhiều, thóp phồng, thở không đều, rối loạn vận mạch, nôn ói,
  • Triệu chứng liên quan đến màng não có thể có hoặc không.

Nhiễm trùng da:

  • Nốt mủ bàng đầu đinh ghi, lúc đầu mủ trong, sau đó đục. Mụn khô để lại vảy trắng.
  • Nốt phỏng to nhỏ không đều và lúc đầu chứa dịch. Nếu bội nhiễm trong thì có mủ đục, vở ra để lại nền đỏ, chất dịch lan ra xung quanh và hình thành mụn mới.

Viêm da bong: Mụn mủ quanh miệng và lan toàn thân, để lại nhiều vết đỏ ướt huyết tương. Có thể kèm theo mất nước, sốt cao, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng máu.

Nhiễm trùng rốn:

  • Rốn rụng sớm, sưng đỏ, chảy mủ, chảy máu, tím bầm, xung quanh sưng tấy.
  • Có mùi hôi ở rốn, sưng tấy toàn thân.
  • Trẻ kém ăn, trướng bụng và có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.
Trẻ có thể bị nhiễm trùng rốn
Trẻ có thể bị nhiễm trùng rốn

Nhiễm trùng niêm mạc:

  • Viêm kết mạc tiếp hợp: Trẻ nhắm mắt, nề đỏ mi mắt, chảy mủ và tiết dịch ở mắt.
  • Nấm miệng: Thường xuất hiện ở mặt trên lưỡi, lúc đầu màu trắng như cặn sữa, sau đó lan rộng khắp lưỡi và mặt trong má rồi xuống họng. Có thể gây tiêu chảy, bệnh viêm phổi nếu nấm rơi vào đường tiêu hóa cũng như phổi.

Nhiễm trùng huyết: Tương tự như triệu chứng nhiễm trùng sớm.

Nhiễm trùng tiểu: Vàng da, cấy nước tiểu có vi trùng.

Viêm ruột hoại tử: Tiêu phân máu, tắc ruột.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Ngoài việc quan sát những triệu chứng lâm sàng ở trên, bác sĩ cũng dựa vào một số xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá chính xác bệnh như:

Xét nghiệm công thức máu

Công thức máu toàn phần sẽ phản ánh tình trạng đáp ứng của tủy xương với các nhiễm trùng trong cơ thể của trẻ. Đầu tiên đó là sự tăng lên số lượng bạch cầu, thường là tăng trên 25.000/mm3 hoặc giảm xuống dưới 500/mm3. Hiện tượng giảm thường chỉ xảy ra ở những giai đoạn đầu của bệnh.

Nếu chỉ số bạch cầu trung tính giảm sẽ là nhiễm trùng nặng do vi khuẩn gây nên. Số lượng tiểu cầu giảm xuống còn dưới 100.000/mm3. CRP là một hoạt chất nhạy cảm hàng đầu trong chuỗi protein tham gia phản ứng. Sau khi kích thích quá trình viêm khoảng 3 – 6 giờ, chỉ số CRP sẽ đạt đỉnh điểm. CRP không di chuyển được qua nhau thai và chỉ số CRP (+) khi tăng 10mg/lít và không tăng trong các bệnh mạn tính.

Cấy dịch xét nghiệm

Nuôi cấy là phương pháp chẩn đoán trụ cột trong chẩn đoán những bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng nói chung và ở bệnh nhiễm khuẩn sơ sinh nói riêng.

Nuôi cấy là phương pháp chẩn đoán trụ cột trong chẩn đoán những bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng
Nuôi cấy là phương pháp chẩn đoán trụ cột trong chẩn đoán những bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng

Cấy máu hoặc cấy dịch giúp xác định sự có mặt của vi khuẩn, lượng thể tích cần cấy là tối thiểu 1ml dịch hoặc máu. Nếu cấy cho kết quả dương tính trên 2 mẫu khác nhau thì sẽ có giá trị định hướng vi khuẩn.

  • Cấy máu: Chẩn đoán nhiễm trùng sơ sinh, nhiễm trùng huyết.
  • Cấy nước tiểu: Xác định nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Cấy mủ ở da hoặc rốn: Dùng để xác định nguyên nhân gây bệnh và chỉ dùng trước khi điều trị để có kết quả chính xác.
  • Soi cấy phân: Lấy phân để soi cấy giúp chẩn đoán chính xác viêm nhiễm ở đường tiêu hóa. Kỹ thuật này cần được thực hiện sớm, ở giai đoạn đầu của bệnh.
  • Cấy dịch dạ dày: Giúp xác định tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa nói chung cũng như dạ dày.

Xét nghiệm dịch âm đạo

Lấy dịch âm đạo của người mẹ để xét nghiệm do trẻ có thể bị lây nhiễm bệnh trong quá trình sinh đẻ. Việc xét nghiệm này sẽ giúp phân lập được virus hoặc vi khuẩn, xác định nguyên nhân gây bệnh có phải do nấm không và đưa ra hướng điều trị tốt hơn.

Chọc dò tủy sống

Giúp đánh giá xem trẻ có bị viêm màng não hay không. Khi xét nghiệm dịch não tủy sẽ có 2 trường hợp:

  • Nếu có chỉ số lymphocyte tăng thì hướng dẫn chẩn đoán đến nhiễm trùng do virus.
  • Nếu chỉ số bạch cầu trung tính tăng thì chẩn đoán nhiễm trùng do vi khuẩn.

Các xét nghiệm khác

Ngoài ra bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm có liên quan như:

  • Chụp Xquang phổi.
  • Xét nghiệm chức năng đông máu.
  • Kiểm tra chức năng gan thận.
  • Điện giải đồ.

Phác đồ điều trị bệnh nhiễm trùng sơ sinh hiện nay

Phác đồ điều trị nhiễm trùng sơ sinh như sau:

Dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn

Đối với những trường hợp nhiễm trùng sơ sinh sớm sẽ dùng kết hợp 2 kháng sinh Aminosid và β lactamin. Nếu chưa có kết quả kháng sinh đồ thì có thể cho trẻ dùng thuốc Penicilin hoặc Ampicillin kết hợp với Gentamicin hoặc Amikacin.

  • Nếu người mẹ dùng kháng sinh trước đó mà trẻ nghi ngờ nhiễm Ampicilin thì có thể chọn: Claforan, Imipenem, Ceftriaxone phối hợp Aminosid.
  • Nếu nghi ngờ do tụ cầu: Kết hợp Vancomycin + Aminosid + Cephalosporin thế hệ 3.
  • Nếu nghi ngờ trực khuẩn Gram âm: Cephalosporin thế hệ 3 kết hợp Imipenem.
  • Nếu nghi ngờ vi khuẩn kỵ khí thì dùng Metronidazol phối hợp.
Thuốc kháng sinh được dùng để chữa bệnh
Thuốc kháng sinh được dùng để chữa bệnh

Sử dụng kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 kéo dài có thể mà tăng nguy cơ nhiễm khuẩn nấm Candida. Vậy nên nếu trẻ đang dùng kháng sinh kéo dài mà tình trạng lâm sàng xấu đi thì phối hợp với kháng sinh chống nấm thuộc nhóm Conazol.

Liều kháng sinh thường dùng:

  • Ceftriaxone: 50-100mg/kg/ngày.
  • Amikacin: 15mg/kg/ngày.
  • Ampicillin: 75mg -100mg/kg/ mỗi ngày.
  • Cefotaxime: 100mg – 200mg/kg/ mỗi ngày.
  • Gentamycine, Kanamycin: 4-5mg/kg/ mỗi ngày.
  • Vancomycin: 10mg/kg/ngày.

Thời gian sử dụng:

  • Nhiễm trùng máu: 10 ngày.
  • Viêm màng não: 2 – 3 tuần.
  • Viêm phổi: 7 – 10 ngày.
  • Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn máu nhưng cấy máu âm thì dùng kháng sinh kết hợp kéo dài trên 5 ngày.
  • Nếu do tụ cầu vàng thì điều trị 3 – 6 tuần. Nhóm aminosid có thể gây điếc nên không dùng quá 7 ngày với trẻ sơ sinh.

Vệ sinh

Cha mẹ, nhân viên y tế khi tiếp xúc với trẻ cần chú ý:

  • Rửa tay sạch trước khi tiếp xúc, khám chữa cho trẻ.
  • Thay quần áo mỗi ngày, có mũ, găng tay, khẩu trang khi làm thủ thuật.
  • Thay chăn, ga, gối, tiệt khuẩn giường, lồng ấp của bé mỗi ngày. Lau sàn bằng dung dịch sát khuẩn, không quét sàn.
  • Tổng vệ sinh phòng, trang thiết bị mỗi tháng.
  • Thăm bé theo giờ, không để trẻ tiếp xúc quá nhiều người.
  • Với trường hợp nhiễm trùng da, mụn mủ, áp xe cần cắt lọc hết tổn chức hoại tử, rửa tay sạch bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
  • Nếu có khe, hốc mủ cần rửa bằng oxy già và chấm xanh Methylen vào nốt mụn bị phỏng trên da hoặc dùng kem bôi kháng sinh.
Thăm bé theo giờ, không để trẻ tiếp xúc quá nhiều người
Thăm bé theo giờ, không để trẻ tiếp xúc quá nhiều người

Một số liệu pháp hỗ trợ

Một số liệu pháp hỗ trợ điều trị nhiễm trùng sơ sinh khác gồm:

  • Cân bằng thân nhiệt: Trẻ sốt trên 38,5 độ thì dùng paracetamol: 10 – 15mg/kg/lần, không dùng quá 4 lần mỗi ngày. Nếu trẻ hạ nhiệt độ thì ủ ấm bằng lồng ấp.
  • Cân bằng nước, điện giải: Nuôi dưỡng đường miệng đầy đủ và truyền dịch phối hợp 50-100ml/kg/24 giờ.
  • Chống suy hô hấp cấp: Oxy liệu pháp, hô hấp hỗ trợ, thở CPAP.
  • Chống rối loạn đông máu: Plasma tươi, truyền yếu tố đông máu, vitamin K1, truyền khối tiểu cầu nếu tiểu cầu < 50.000/mm3.
  • Thay máu: Với những trẻ nhiễm trùng nặng giúp giảm độc tố và nồng độ vi khuẩn.
  • Thuốc tăng miễn dịch: Truyền Human Immunoglobulin 300-500mg/kg/ngày. Dùng 3 ngày để giảm tử vong ở bé.

Chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh

Để chăm sóc trẻ đạt hiệu quả, các chăm sóc phải đảm bảo:

  • Dinh dưỡng cho bé.
  • Điều kiện vô khuẩn.
  • Đảm bảo hô hấp.
  • Ổn định thân nhiệt.
  • Hạn chế những biến chứng.

Chăm sóc tại bệnh viện

Tại bệnh viện, nhân viên y tế và người thân của trẻ cần lưu ý để giúp trẻ được điều trị đúng cách, kịp thời và nhanh khỏi bệnh.

Đối với nhân viên y tế

  • Thường xuyên kiểm tra và theo dõi tiến triển bệnh của trẻ và cập nhật thông tin đầy đủ gồm: Ngày giờ theo dõi, nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp, tri giác, nhịp tim,…
  • Hô hấp: Đếm nhịp thở, quan sát kiểu thở của trẻ và báo cho bác sĩ nếu trẻ có những biểu hiện ngừng thở.
  • Nhiệt độ: Đo nhiệt độ thường xuyên, 6 – 8 giờ phải kiểm tra lại. Thay tã khi bé bị nôn trớ hay tiểu tiện để đảm bảo vệ sinh. Cho bé nằm phòng thoáng mát, chườm ấm, dùng thuốc nếu trẻ bị sốt cao.
  • Nhân viên y tế cần xét nghiệm, cho bé dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và thông báo những diễn biến về sức khỏe của bệnh nhi.
Nhân viên y tế cần xét nghiệm, cho bé dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
Nhân viên y tế cần xét nghiệm, cho bé dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Đối với người thân của bé

Cần phối hợp với nhân viên y tế, bác sĩ để theo dõi sức khỏe của bé. Không cho bé dùng chung đồ với những trẻ bị bệnh và cho trẻ bú mẹ nhiều lần trong ngày. Tắm cho bé đúng cách bằng nước ấm và khăn mềm và không tắm quá lâu.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chăm sóc kỹ vùng rốn cho bé:

  • Giữ rốn khô ráo, không ẩm ướt.
  • Vệ sinh rốn bằng dung dịch sát khuẩn theo thứ tự từ chân đến cuống rốn, kẹp rốn và mặt cắt cuống rốn.
  • Nếu rốn bị mủ hôi, tấy đỏ cần báo lại bác sĩ.

Chăm sóc sau khi ra viện

Sau khi ra viện cần chú ý:

  • Hướng dẫn cha mẹ về việc dùng thuốc tại nhà cho trẻ.
  • Hướng dẫn về vấn đề vệ sn cũng như chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
  • Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo quy định.
  • Dặn dò tái khám nếu có.
  • Nếu sau khi xuất viện bé bị khó thở, sốt, tiêu chảy, co giật, bỏ bú thì cần đi khám ngay lập tức.

Cách phòng tránh bệnh nhiễm trùng sơ sinh

Để phòng tránh nhiễm trùng sau sinh cần chú ý những vấn đề như sau:

Phòng ngừa trước khi sinh

Trước khi sinh, các mẹ cần lưu ý:

  • Tiêm chủng phòng ngừa bệnh Rubella là cần thiết trong độ tuổi chưa sinh nhiễm rubella.
  • Tiêm phòng uốn ván, viêm gan để tránh lây nhiễm vi khuẩn sang bé.
  • Nên đi khám thai định kỳ để sớm phát hiện những bệnh nguy hiểm như viêm gan B, giang mai,…
  • Nếu mẹ bị bệnh như nhiễm trùng đường niệu dục, nhiễm trùng toàn thân thì cần điều trị tận gốc để không lây lan cho bé.
  • Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý khi mang thai để tăng sức đề kháng cho cả mẹ và bé, phòng suy dinh dưỡng, tránh sinh non.
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh để viêm nhiễm, trầy xước.
Mẹ nên tiêm phòng uốn ván, viêm gan để tránh lây nhiễm vi khuẩn sang bé
Mẹ nên tiêm phòng uốn ván, viêm gan để tránh lây nhiễm vi khuẩn sang bé

Phòng ngừa trong lúc sinh

Trong lúc sinh con, cần lưu ý:

  • Các bác sĩ đảm bảo vô khuẩn khi thực hiện ca sinh, các dụng cụ y tế đảm bảo không nhiễm trùng.
  • Tránh tình trạng sinh ngạt, tổn thương trong lúc sinh.
  • Với thai phụ khó sinh, vỡ ối sớm thì bác sĩ không nên khám âm đạo quá nhiều lần.

Phòng ngừa sau sinh

Sau khi sinh có một số lưu ý như:

  • Mẹ nên rửa tay sạch sẽ bằng trước và sau khi chăm sóc trẻ.
  • Vệ sinh phòng, dụng cụ tắm và giữ phòng thông thoáng, sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng.
  • Thường xuyên vệ sinh da, mắt, tai, rốn sạch sẽ cho trẻ.
  • Cho bé bú mẹ trong 6 tháng đầu tiên vì sữa mẹ có kháng thể IgA giúp tăng hệ miễn dịch và bảo vệ bé khỏi nhiễm trùng cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Nhiễm trùng sơ sinh là bệnh gây tử vong cao ở nhiều nước trên thế giới. Nguyên nhân thường là do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy nên cha mẹ cũng như nhân viên y tế cần quan sát kỹ trẻ và có hướng điều trị, xử lý bệnh kịp thời, tránh để trẻ gặp nguy hiểm.


Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Chuyên gia tư vấn


Top phòng khám điều trị bằng YHCT


Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!