Nên Niềng Răng Hay Bọc Răng Sứ, Đâu Là Giải Pháp Tốt Nhất?

Một hàm răng nhiều khuyết điểm như thưa, lệch lạc, hô, móm, ố vàng… làm giảm đi tính thẩm mỹ và khiến cho chúng ta cảm thấy tự ti khi giao tiếp. Hiện nay, vấn đề này có thể dễ dàng giải quyết bằng nhiều phương pháp nha khoa thẩm mỹ như niềng răng, bọc sứ giúp bạn sở hữu hàm răng đều đẹp, trắng sáng. Thế nhưng nên niềng răng hay bọc răng sứ vẫn đang là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn.

Bài viết ngày hôm nay sẽ đi sâu vào phân tích ưu – nhược điểm của bọc răng sứ và niềng răng, giúp bạn hiểu rõ và có cái nhìn trực quan nhất về hai phương pháp nha khoa thẩm mỹ này. Từ đó, hỗ trợ bạn tìm ra giải pháp hoàn hảo nhất để khắc phục các khuyết điểm trên hàm răng của mình là nên niềng răng hay làm răng sứ?

Nên niềng răng hay bọc răng sứ?
Nên niềng răng hay bọc răng sứ?

Phương pháp niềng răng

Niềng răng là phương pháp sử dụng các loại khí cụ nhằm tác động lực lên răng để nắn chỉnh răng về đúng vị trí trên khuôn hàm. Nhờ đó mà khuôn miệng sẽ đạt được tính thẩm mỹ cao hơn, khắc phục được nhiều khuyết điểm, giúp khuôn mặt trở nên hài hòa.

Ưu điểm của niềng răng

Phương pháp niềng răng đang ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi nhờ vào những ưu điểm vượt trội của nó như:

  • Cải thiện chức năng ăn nhai

Trên thực tế, các trường hợp răng mọc lệch lạc, hô, móm… đều ít nhiều ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai. Đặc biệt là ở những người bị lệch khớp cắn thì quá trình ăn nhai lại càng khó khăn hơn nhiều.

Khi đó, phương pháp niềng răng sẽ giúp khắc phục được tình trạng sai lệch khớp cắn, cắn hở, cắn chéo, cắn đối đỉnh… Do vậy mà chức năng ăn nhai được cải thiện đáng kể, bạn dễ dàng nghiền nhỏ thức ăn, giảm bớt áp lực cho hệ tiêu hóa. Giúp cho quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể tốt hơn, hạn chế được các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa.

  • Cải thiện tính thẩm mỹ

Như đã nói ở trên, niềng răng có thể dịch chuyển răng về đúng vị trí mong muốn, ngoài ra nó còn có khả năng nắn chỉnh cung hàm. Do đó mà nó có thể khắc phục những trường hợp răng mọc lệch lạc, thưa, hở kẽ, hô, móm, chen chúc… trên khuôn hàm. Sau khi niềng răng, bạn không chỉ có được hàm răng đều đẹp, nụ cười tự tin mà khuôn mặt cũng trở nên cân đối, thon gọn và hài hòa hơn rất nhiều.

Niềng răng gíup cải thiện tính thẩm mỹ
Niềng răng gíup cải thiện tính thẩm mỹ
  • Vệ sinh dễ dàng, tránh các bệnh lý về răng miệng

Một hàm răng không đều sẽ khiến cho việc vệ sinh răng miệng khó khăn hơn, bài chải đánh răng, chỉ nha khoa, tăm nước… khó có thể tiếp cận hết các vùng trong khoang miệng. Chính vì vậy, khi thức ăn bị bám lại mà không được làm sạch, sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn gây hại sinh sôi và phát triển. Từ đó gây ra nhiều bệnh lý cho răng miệng như hình thành cao răng, viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, viêm tuỷ…

Niềng răng sẽ giúp bạn sở hữu một hàm răng đều, không xô lệch, hở kẽ… Nhờ đó mà hạn chế được tình trạng vụn thức ăn bám lại, việc vệ sinh răng miệng cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Quan trọng nhất là nó ngăn ngừa được nhiều bệnh lý về răng miệng, hay đơn giản là khi có vấn đề gì thì nha sĩ cũng dễ dàng khắc phục và điều trị hơn.

  • Đóng khoảng trống mất răng

Nếu bạn bị mất đi một vài chiếc răng, khiến cho trên cung hàm xuất hiện một vài khoảng trống nhỏ. Nếu tình trạng này không được sớm khắc phục sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: Ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai, gây xô lệch các răng bên cạnh, răng đối diện bị nhô lên hoặc thòng xuống, tiêu xương hàm, gây biến dạng khuôn mặt…

Lúc này, niềng răng sẽ giúp bạn phục hồi lại vị trí của các răng đã mất bằng cách đóng khoảng trống tại đây mà không cần trồng răng giả thay thế. Mặt khác, việc ăn nhai trên khuôn hàm bằng chính răng thật của mình bao giờ cũng tốt hơn răng giả.

  • Phát âm chuẩn hơn

Bạn có biết, giọng nói của chúng ta phần lớn bị chi phối bởi lưỡi, răng và môi. Tình trạng nói ngọng, phát âm sai xảy ra khá phổ biến ở những người có hàm răng lệch lạc, thưa, đặc biệt là tại vùng răng cửa. Do đó khi có một hàm răng đều đẹp sẽ giúp bạn phát âm được tròn vành, rõ chữ hơn, khắc phục được các nhược điểm về phát âm.

Nhược điểm của niềng răng

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội mà niềng răng mang lại thì phương pháp này vẫn còn tồn tại những nhược điểm như:

  • Gây cảm giác khó chịu nhẹ

Trong thời gian đầu khi đeo niềng răng, bạn sẽ thấy khó chịu, đặc biệt là với các loại niềng bằng mắc cài, tuy nhiên cảm giác này sẽ giảm dần theo thời gian. Sau mỗi lần thay dây cung hay kéo chỉnh các cơn đau cũng xuất hiện trong 1 – 2 ngày đầu tiên, đôi khi còn kèm theo cảm giác đau đầu. Ngoài ra, nếu ăn uống và chăm sóc không đảm bảo các khí cụ cũng có thể bong tróc, đâm vào môi, lợi khiến bạn cảm thấy đau đớn, khó chịu.

  • Gây khó khăn khi ăn uống

Dĩ nhiên là khi có thêm hệ thống khí cụ trong miệng sẽ khiến chúng ta cảm thấy lạ lẫm, nhưng kể cả khi quen với chúng rồi thì vẫn gây ra nhiều khó khăn khi ăn uống. Bạn sẽ phải tạm biệt với một vài món khoái khẩu trong thời gian niềng răng như các món dai, cứng, quá nóng, quá lạnh… Bởi chúng có thể làm rơi mắc cài, mắc kẹt vào mắc cài, tác động lên răng gây cảm giác ê buốt, đau nhức.

  • Gây bệnh lý về răng miệng

Tuy niềng răng sẽ giúp bạn dễ dàng vệ sinh răng miệng và phòng tránh một số bệnh lý liên quan. Thế nhưng nếu không chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách thì việc hình thành nên nhiều bệnh lý như viêm nướu, viêm nha chu, mất canxi răng, sâu răng là hoàn toàn có thể xảy ra. Chưa kể tới việc có thêm các khí cụ chỉnh nha trên miệng, việc vệ sinh lại càng khó khăn hơn.

Vệ sinh răng miệng khó khăn khi niềng răng
Vệ sinh răng miệng khó khăn khi niềng răng

Bên cạnh đó, nhiều người có thể gặp phản ứng dị ứng với dây thun cao su latex được dùng trong niềng răng mắc cài kim loại. Trong một số trường hợp khá hiếm gặp, bệnh nhân có thể bị cứng khớp liên hàm hoặc tiêu khoảng 50% chân răng, gây ra nhiều thay đổi đáng kể đối với sức khỏe lâu dài.

  • Thời gian thực hiện dài

Thời gian cho một ca chỉnh nha thường rơi vào khoảng từ 1 – 3 năm. Trong đó, bạn sẽ phải thường xuyên tới nha khoa với tần suất khoảng 2 tuần/lần để thăm khám, điều chỉnh dây cung hoặc thực hiện một số tác động khác. Với nhiều ca niềng răng khó, mức độ lệch lạc, xô lệch của răng lớn thì thời gian niềng còn có thể kéo dài lâu hơn nữa.

  • Ảnh hưởng tới thẩm mỹ

Sau khi niềng răng xong, bạn có thể sở hữu một hàm răng đều đẹp, thế nhưng trong quá trình niềng thì không. Bởi với sự xuất hiện của các khí cụ miệng của bạn sẽ bị cộm lên, khi cười nói để lộ các mắc cài ra cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tính thẩm mỹ. Hiện nay đã có những loại niềng răng trong suốt, không ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tuy nhiên giá thành của chúng lại không hề rẻ.

Bên cạnh đó, niềng răng chỉ có thể tác động và làm thay đổi vị trí của răng trên khuôn hàm mà không thể thay đổi được màu sắc hay hình dáng của răng. Do đó, nếu bạn có hàm răng ố vàng, răng quá bé… thì không thể khắc phục được bằng phương pháp này.

Phương pháp bọc răng sứ

Thời gian gần đây, bên cạnh các giải pháp làm trắng răng, niềng răng, tiểu phẫu chỉnh răng thì bọc răng sứ đang dần trở nên quen thuộc hơn với người Việt. Đây có thể được xem là cách nhanh chóng và tiện lợi để giúp bạn có được hàm răng đều đẹp, trắng sáng.

Ưu điểm của bọc răng sứ

Bọc răng sứ mang đến nhiều ưu điểm vượt trội trong việc khắc phục các nhược điểm của hàm răng không đều đẹp như:

  • Khắc phục hàm răng nhiều nhược điểm

Với phương pháp bọc răng sứ, bạn hoàn toàn có thể khắc phục được các nhược điểm của hàm răng như thưa, hở kẽ, lệch lạc, hô, móm nhẹ… giúp bạn có được hàm răng đều đẹp, sát khít. Chưa hết, răng sứ hiện nay được chế tác theo đúng quy chuẩn của thẩm mỹ hiện đại, do đó mà đạt được hình thái, màu sắc chân thật nhất.

  • Cải thiện chức năng ăn nhai

Trong nhiều trường hợp, răng yếu, nhạy cảm, lệch khớp cắn, gây khó khăn cho ăn nhai, thường xuyên bị ê buốt, khó chịu. Hoặc nhiều người lại do ảnh hưởng từ các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm tủy… khiến răng bị mất tính đàn hồi, trở nên giòn và yếu hơn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do lớp men răng đã bị tổn thương, không thể thực hiện chức năng của nó nữa, làm cho phần ngà hoặc tủy bị lộ ra mà không được bảo vệ.

Với các trường hợp này, bọc răng sứ sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất giúp bạn nhanh chóng khắc phục được các cơn đau nhức, ê buốt và bảo vệ răng. Răng sứ được chế tác từ các chất liệu nha khoa, đảm bảo có độ chịu lực tương tự răng thật, thậm chí là cao hơn răng thật gấp nhiều lần. Nhờ đó mà bạn có thể đảm bảo quá trình ăn nhai được diễn ra dễ dàng, thuận lợi hơn.

  • Cải thiện răng bị xỉn màu, ố vàng, nhiễm màu

Có vô số nguyên nhân dẫn tới tình trạng răng của bạn ngày càng ố vàng, xỉn màu theo thời gian. Thay vì áp dụng các phương pháp tẩy trắng thiếu an toàn, không đạt được hiệu quả lâu dài, gây hại cho răng thì bọc răng sứ lại hoàn toàn khắc phục được những nhược điểm trên.

Bọc răng sứ cải thiện răng bị xỉn màu, ố vàng, nhiễm màu
Bọc răng sứ cải thiện răng bị xỉn màu, ố vàng, nhiễm màu

Với kỹ thuật nha khoa tiên tiến, hiện đại, các dòng răng sứ hiện nay có bảng màu vô cùng đa dạng cho bạn lựa chọn. Từ màu tương tự như răng hiện tại, ngà hơn, màu trong, trắng sáng… nên chúng ta không cần quá lo lắng về việc chỉ bọc 1 – 2 chiếc răng sứ thì màu sắc răng trên khuôn hàm sẽ bị lệch lạc.

  • Tránh bệnh lý răng miệng

Phương pháp bọc răng sứ giúp chúng ta khắc phục hiệu quả vấn đề răng thưa, răng sâu, mọc lệch lạc… Trong khi đó, đây chính là những khu vực dễ đọng lại lượng thức ăn thừa, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công răng. Mặt khác, sau khi bọc răng sứ, hàm răng sẽ đạt được độ sát khít, đều đẹp, nhờ vậy mà việc vệ sinh cũng trở nên dễ dàng thuận tiện hơn rất nhiều. Bạn có thể thoải mái ăn uống mà không sợ cặn thức ăn dắt vào kẽ hay gây khó khăn khi đánh răng.

  • Tuổi thọ răng sứ cao

So với trám răng thì bọc răng sứ có tuổi thọ khá cao, thậm chí là sử dụng vĩnh viễn nếu sử dụng chất liệu cao cấp, tay nghề bác sĩ đảm bảo và vệ sinh, chăm sóc đúng cách. Thông thường, các dòng răng sứ giá rẻ (răng sứ kim loại) sẽ có tuổi thọ trung bình từ 5 – 7 năm. Các dòng răng sứ toàn sứ thông thường sẽ có tuổi thọ từ 10 – 15 năm, đối với các dòng cao cấp, thời gian có thể lên đến 20 – 30 năm hoặc cao hơn.

  • Thời gian nhanh chóng

Toàn bộ thời gian bọc răng sứ chỉ diễn ra trong khoảng 2 – 3 ngày. Nếu bạn bọc với số lượng ít, nha khoa hiện đại, chuyên nghiệp thì quy trình còn có thể gói gọn trong vòng 24 giờ. Như vậy, chỉ sau vài ngày, bạn hoàn toàn loại bỏ được các khuyết điểm bằng hàm răng đều đẹp, trắng sáng, chắc khỏe. Đây quả thực là một khoản đầu tư xứng đáng để thu về cả tính thẩm mỹ lẫn mặt chức năng.

Nhược điểm của bọc răng sứ

Dù có nhiều ưu điểm vượt trội, thế nhưng phương pháp bọc răng sứ vẫn tồn đọng những nhược điểm chưa thể khắc phục được như:

  • Buộc phải mài răng thật

Mài răng là bước không thể tránh khỏi khi bọc răng sứ. Bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ để tiến hành mài đi một phần men răng ở cả 5 mặt để tạo cùi cho mão răng sứ chụp lên. Nếu răng bạn thuộc dạng nhạy cảm thì có thể bị ê buốt, khó chịu khi mài, thậm chí là khiến răng yếu đi. Ngoài ra, khi tay nghề của bác sĩ không đảm bảo, mài quá nhiều sẽ dẫn tới lớp ngày răng và tủy răng bị ảnh hưởng. Khiến cho chức năng và độ chắc khỏe của răng bị ảnh hưởng, vi khuẩn dễ xâm nhập hơn.

Như vậy, quá trình mài răng sẽ khiến răng thật dễ tổn thương hơn, nhất là khi ăn đồ cứng, bị tác động mạnh. Chưa kể nếu dùng các loại mão sứ không đảm bảo có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Vỡ răng, sai lệch khớp cắn, rối loạn khớp cắn thái dương hàm…

Mài răng là bước không thể tránh khỏi khi bọc răng sứ
Mài răng là bước không thể tránh khỏi khi bọc răng sứ
  • Giảm độ nhạy cảm của răng

Khi bọc răng sứ, toàn bộ cùi răng thật sẽ được bọc bởi một lớp kim loại hoặc sứ ở bên ngoài. Do đó, độ nhạy cảm và khả năng cảm nhận đồ ăn, thức uống của răng sẽ giảm đi đáng kể, không còn được như trước đây nữa. Tuy nhiên, hiện nay một số dòng răng sứ toàn sứ với phần sườn được chế tác mỏng hết sức có thể nên đã phần nào khắc phục được nhược điểm này.

  • Không thể dùng trọn đời

Phần lớn các loại răng sứ đều không thể dùng vĩnh viễn, trừ một số dòng đặc biệt cao cấp và phải thực hiện chế độ vệ sinh, chăm sóc nghiêm ngặt. Còn về cơ bản, tùy thuộc vào chất liệu, tay nghề của bác sĩ, chế độ chăm sóc sau bọc mà tuổi thọ của răng sứ sẽ khác nhau. Tuổi thọ trung bình của chúng sẽ rơi vào khoảng 7 – 10 năm, đây tuy không phải thời gian ngắn nhưng lại không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng lâu dài của nhiều người.

  • Có thể gây bệnh về răng miệng nếu kỹ thuật, chất liệu không đảm bảo

Hiện nay, vì lý do kinh tế mà nhiều người tìm đến những cơ sở nha khoa không uy tín để thực hiện, hoặc chọn các loại răng sứ kém chất lượng. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng và các biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Cơ thể bị dị ứng, kích ứng với chất liệu của răng sứ.
  • Kỹ thuật mài răng gây xâm lấn nghiêm trọng vào ngà và tủy răng, buộc phải xử lý tủy của răng đó.
  • Mão sứ không sát khít với chân răng và nướu, để lộ ra các khe hở khiến vụn thức ăn bị bám lại cho vi khuẩn tấn công răng, nướu, gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng nghiêm trọng.
  • Răng sứ lệch khớp cắn, gây kênh cộm, khó chịu, gây khó khăn trong việc ăn nhai.
  • Răng lệch lạc so với cung hàm, màu sắc không đồng nhất gây mất thẩm mỹ.
  • Giá thành cao

So với các phương pháp nha khoa thẩm mỹ khác thì bọc răng sứ có giá tương đối cao, giao động từ vài trăm nghìn cho tới vài triệu đồng hay vài chục triệu đồng cho một răng. Mức chi phí này sẽ phụ thuộc vào chất liệu sứ, cơ sở nha khoa, tình trạng răng miệng… Như vậy, nếu bọc toàn bộ răng sứ, chúng ta sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn.

Vậy nên niềng răng hay bọc răng sứ, đâu là giải pháp tốt nhất?

Chúng ta đã tìm hiểu hết về ưu – nhược điểm của cả phương pháp niềng răng và bọc răng sứ. Theo các chuyên gia nha khoa, việc nên niềng răng hay bọc răng sứ là tùy thuộc vào chức năng và cấu trúc răng hiện tại của bạn như thế nào, mức độ hư hại của răng ra sao thì mới có thể quyết định được phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Trường hợp nên niềng răng

Trong một số trường hợp, người bệnh được chỉ định nên niềng răng để đạt được hiệu quả tối ưu nhất đó là:

  • Răng mọc chen chúc, lệch lạc nhiều: Tình trạng răng mọc không thẳng đều, chìa ra hoặc thụt vào, mọc chồng lên nhau gây mất tính thẩm mỹ. Các răng mọc lộn xộn cũng khiến cho thức ăn dễ mắc vào và bám lại, việc vệ sinh trở nên khó khăn, dễ gây ra sâu răng, ố vàng, xỉn màu.
  • Răng thưa, hở kẽ nhiều: Các răng nằm cách xa nhau, có khe hở, thức ăn dễ bị vướng lại, răng yếu lung lay… khiến cho nụ cười kém duyên, dễ bị nói ngọng, phát âm không chuẩn.
  • Răng lệch khớp cắn, khớp cắn sâu, hàm không khít nhau: Khi cắn hàm trên phủ lên hàm dưới khiến cằm bạn trở nên ngắn đi, gương mặt thiếu cân đối, hài hòa, các cử động hàm cũng không nhịp nhàng do tiếp xúc giữa các mặt nhai không chuẩn. Tình trạng này là do bẩm sinh hoặc hình thành do thói quen xấu từ nhỏ như cắn xé không đúng cách, đẩy lưỡi…
  • Răng hô, móm nhiều: Răng bị chìa ra hoặc thụt vào quá mức, gây ra cảm giác mũi gãy, trán lệch, kém duyên và mất thẩm mỹ. Răng hô, móm thường có xu hướng nặng dần theo thời gian, nếu không được niềng răng sớm có thể dẫn tới nguy cơ hỏng, rụng răng hàm trên.
Nên niềng răng khi răng có khuyết điểm nghiêm trọng
Nên niềng răng khi răng có khuyết điểm nghiêm trọng

Trường hợp nên bọc răng sứ

Phương pháp bọc răng sứ phù hợp với đa số các trường hợp muốn cải thiện tính thẩm mỹ hay độ bền chắc cho hàm răng. Đặc biệt thường được chỉ định cho người bị mất một hoặc nhiều răng, răng lệch lạc ở mức độ nhẹ, bị nhiễm màu do kháng sinh… Cụ thể:

  • Răng chết tủy: Khi răng đã bị chết tủy sẽ rất dễ vỡ và tổn thương khi gặp các tác động. Do đó, bọc răng sứ trong trường hợp này có tác dụng bảo vệ răng thật không bị hư hỏng, cải tạo độ bền chắc, ngăn chặn các cơn đau và giúp việc ăn nhai được tốt hơn.
  • Răng bị sâu nặng: Khi răng mới chớm sâu chúng ta có thể khắc phục bằng cách trám. Tuy nhiên khi lỗ sâu đã trở nên nghiêm trọng, gây đau đớn và khó khăn cho việc ăn uống, miếng vỡ quá lớn mà không thể trám được thì bọc răng sứ sẽ giúp cho răng chắc khỏe hơn.
  • Bị vỡ răng: Trường hợp răng bị vỡ một miếng lớn sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, đặc biệt là răng bị vỡ là răng cửa. Lúc này, bạn nên tiến hành bọc răng sứ để phục hình để hàm răng được đều đẹp hơn.
  • Răng mọc lệch, chen chúc, thưa, hô, móm ở mức độ nhẹ: Trong những trường hợp này, bọc răng sứ sẽ giúp bạn tái tạo lại hình dáng của răng, khắc phục các nhược điểm, mang đến hàm răng đều đẹp như ý muốn.
  • Răng bị xỉn màu: Có nhiều nguyên nhân khiến răng bạn bị xỉn màu, ố vàng theo thời gian, hoặc bị nhiễm màu do thuốc kháng sinh. Việc bọc răng sứ có khả năng thay thế lớp men răng cũ đã xỉn màu bằng một lớp sứ mới trắng sáng theo đúng mong muốn của bạn.
  • Răng thưa nhẹ: Răng thưa, hở kẽ, đặc biệt là tại vùng răng cửa ảnh hưởng rất lớn tới tính thẩm mỹ mỗi khi nói cười. Bọc răng sứ chính là giải pháp hoàn hảo giúp bạn khắc phục vấn đề này.
Bọc sứ để bảo tồn răng và cải thiện thẩm mỹ
Bọc sứ để bảo tồn răng và cải thiện thẩm mỹ

Nên niềng răng hay bọc răng sứ?

Vậy nên bọc răng sứ hay niềng răng? Như vậy có thể thấy, phương pháp niềng răng phù hợp với các trường hợp răng có các khuyết điểm nghiêm trọng mà bọc răng sứ không thể khắc phục được như lệch lạc, hô, móm, mất ít răng, thưa, hở kẽ nặng. Còn bọc răng sứ phù hợp với những người có tình trạng răng miệng lệch lạc, không đều đẹp ở mức độ nhẹ, muốn khắc phục màu sắc, hình dáng của răng.

Ngoài ra, niềng răng phù hợp với lứa tuổi nhỏ bởi khi này cấu trúc răng chưa hoàn thiện, có thể dễ dàng tác động theo ý muốn. Ngược lại, phương pháp bọc răng sứ lại không được khuyến khích cho trẻ dưới 18 tuổi. Nguyên nhân là do răng còn yếu, dưới tác động của việc mài cùi có thể khiến răng bị yếu đi, hư hại. Mặt khác hình thái của răng chưa phát triển hết, việc chụp mão sứ lên quá sớm có thể gây ra nhiều tác hại trong tương lai.

Bên cạnh đó, với một hàm răng có nhiều khuyết điểm nhưng bạn muốn đạt được tính thẩm mỹ tuyệt đối thì có thể áp dụng cả hai phương pháp trên. Đầu tiên, chúng ta sẽ thực hiện niềng răng để kéo răng về lại đúng vị trí, sau đó bọc răng sứ để cải thiện về màu sắc, hình dáng của răng. Tuy nhiên, với cách này các tác động lên răng là rất lớn, nguy cơ gây hại cho răng cực kỳ cao. Bởi vậy bạn nên tham khảo qua ý kiến của bác sĩ để biết tình trạng răng miệng của mình có đáp ứng được không trước khi thực hiện.

Trong bài viết hôm nay chúng ta đã cùng tìm ra lời đáp cho câu hỏi nên niềng răng hay bọc răng sứ tốt hơn? Cả hai phương pháp này đều có những ưu nhược điểm nhất định, bạn nên căn cứ vào tình trạng răng miệng hiện tại của mình để chọn ra cách thức phù hợp nhất và sớm có hàm răng đều khít, nụ cười tỏa nắng.

Đừng bỏ lỡ:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.