Kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu là thủ thuật đặt ống nhựa dẻo, mỏng và vô khuẩn vào khu vực khoang màng phổi kết nối với một hệ thống kín. Vai trò là giúp hút khí hoặc dịch xuất hiện bên trong khoang phổi. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật này trong bài viết ngay sau đây.

Kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu là gì?

Màng phổi được biết đến là một khoang ảo tạo ra bởi 2 bộ phận là lá thành và lá tạng màng phổi. Trong điều kiện bình thường, áp lực khoang phổi là -2 đến -4 mmHg và sẽ thay đổi khi hít vào, thở ra.

Kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu là thủ thuật giúp giải phóng khoang màng phổi khỏi sự đè ép do khí hoặc các dịch nhằm đưa khoang màng phổi về trạng thái ban đầu. Trạng thái ban đầu của phổi là một khoang ảo áp lực âm tính.

Kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu là thủ thuật giúp giải phóng khoang màng phổi
Kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu là thủ thuật giúp giải phóng khoang màng phổi

Mục đích của kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu là:

  • Phục hồi áp lực âm bên trong khoang màng phổi để giúp phổi nở ra, co lại bình thường.
  • Phòng ngừa các rối loạn liên quan đến huyết động có tràn khí hay tràn máu màng phổi áp lực.
  • Điều trị và theo dõi tràn máu, tràn mủ màng phổi.

Chỉ định và chống chỉ định

Kỹ thuật mở màng phổi đặt ống thông vào lồng ngực có thể được chỉ định với những trường hợp sau đây:

Tràn khí màng phổi

Gồm:

  • Tràn khí màng phổi tự phát.
  • Tràn khí màng phổi do bị chấn thương ngực kín.
  • Bị tràn khí do đặt catheter tĩnh mạch, chọc hút dịch màng phổi,…
  • Tràn khí màng phổi áp lực.
  • Tràn khí trung thất.
  • Tràn khí do rò khí sau khi phẫu thuật cắt phổi.
  • Dò phế quản do thở máy hoặc sau phẫu thuật.

Tràn máu màng phổi

Gồm:

  • Chấn thương ngực.
  • Sau phẫu thuật bụng trên hoặc phẫu thuật ngực.
  • Bị bệnh tim mạch hoặc bệnh động mạch chủ như nhồi máu cơ tim, phình bóc tách động mạch chủ ngực cấp, chất thương ở động mạch chủ ngực,…

Tràn dịch màng phổi

Gồm:

  • Tràn dịch vô trùng.
  • Tràn dịch nhiễm trùng.
  • Tràn dịch ác tính.
  • Thủng thực quản dò dịch dạ dày khiến khí vào khoang màng phổi.
  • Tràn dưỡng chấp màng.

Ngoài ra, những trường hợp bị tràn khí màng phổi tái phát, tràn dịch màng phổi nhiều, tái phát do bệnh lý cũng được thực hiện kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu.

Chống chỉ định

Những trường hợp sau đây được khuyến cáo không nên thực hiện kỹ thuật này:

  • Người có bệnh lý khiến phổi dính hoàn toàn vào ngực.
  • Màng phổi vách hóa nhiều.
  • Bệnh nhân bị rối loạn đông máu gây nguy cơ chảy máu.
  • Người đang dùng các loại thuốc chống đông không nên làm thủ thuật.
Người đang dùng các loại thuốc chống đông không nên làm thủ thuật
Người đang dùng các loại thuốc chống đông không nên làm thủ thuật

Chuẩn bị tiến hành mở màng phổi tối thiểu

Để quá trình thực hiện nhanh chóng và thuận lợi, diễn ra an toàn cả người bệnh và người thực hiện cần chuẩn bị thật kỹ những yêu cầu được đưa ra.

Với bệnh nhân

  • Chuẩn bị phim X quang phổi, kết quả CT scan ngực mới nhất.
  • Phiếu kết quả các xét nghiệm máu.
  • Nhân viên y tế giải thích cho người bệnh và người nhà chi tiết về kỹ thuật và đồng thời ký cam kết làm thủ thuật.
  • Ăn nhẹ nhàng trước khi mở màng phổi.
  • Làm test da với lidocain nếu bệnh nhân từng bị dị ứng với thuốc.

Chuẩn bị dụng cụ tiến hành mở màng phổi tối thiểu

Về bộ dụng cụ mở màng phổi cần chuẩn bị 10 thiết bị gồm:

  • Găng vô trùng, khẩu trang, mũ.
  • Săng vô khuẩn.
  • Gạc N2, băng dính.
  • Cồn iode 1,5%.
  • Cồn trắng 70 độ.
  • Lidocain 1%.
  • Xylanh 20cc.
  • Kim tiêm 20 và 21 Go.
  • Dao rạch da cỡ 11.
  • Chỉ khâu 2.0.

Chuẩn bị ống dẫn lưu màng phổi theo yêu cầu sau đây:

  • Ống bằng nhựa, có nhiều lỗ dẫn lưu.
  • ODL thẳng hoặc cong, có thể có trocar hoặc không,
  • Kích cỡ: 8 – 42 Fr với tràn khí màng phổi nguyên phát và 16 – 24 Fr với tràn khí màng phổi thanh tơ huyết, 28 Fr với tràn khí màng phổi thứ phát, mủ màng phổi,…
Cần chuẩn bị ống dẫn lưu để làm thủ thuật
Cần chuẩn bị ống dẫn lưu để làm thủ thuật

Các hệ thống dẫn lưu màng phổi 1 chiều gồm:

  • Van Heimlich: Ưu điểm là rẻ, đơn giản, dẫn lưu 1 chiều tốt với những ai bị tràn khí đơn giản. Nhược điểm là không dùng được trong dẫn lưu dịch hoặc mủ, máu.
  • Hệ thống dẫn lưu 1 bình: Đơn giản và dễ mua, rẻ, dẫn lưu khá tốt nhưng khi bình ở vị trí cao hơn nước trong bình sẽ gây tràn ngược vào khí màng phổi.
  • Hệ thống dẫn lưu 2 bình: Tốt hơn hệ thống 1 bình vì có van nước ổn định, dẫn lưu được cả khí, dịch và chi phí cũng không quá cao.
  • Hệ thống dẫn lưu 3 bình: Đây là hệ thống dẫn lưu tốt nhất và có thể dẫn lưu kín với áp lực ổn định nhưng chi phí khá cao.

Bác sĩ sẽ đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa cao đầu, tay bên tiến hành thủ thuật đặt đầu người bệnh để hiện rõ vùng tam giác an toàn. Vị trí dẫn lưu an toàn là: Bờ trước là cơ ngực lớn, bờ sau là cơ lưng rộng và bờ dưới là khoang liên sườn 5.

Các bước cần có khi thực hiện kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu

Để quy trình diễn ra thuận lợi, bác sĩ một lần nữa kiểm tra hồ sơ bệnh án cũng như đánh giá lại chức năng của người bệnh. Sau đó sẽ tiến hành mở màng phổi theo những bước sau đây.

  • Thông qua phim X quang hoặc CT ngực mà xác định vị trí mở màng phổi. Nếu tràn khí màng phổi ít thì mở khoang liên sườn giữa 2 đòn, tràn khí màng phổi toàn bộ mở khoang liên sườn ở 3, 4 đường nách trước, nếu tràn dịch màng phổi mở khoang liên sườn 4, 5 đường nách trước hoặc nách giữa.
  • Sát trùng rộng bằng cồn iode 1,5%, cồn trắng 70% sau đó trải săng có lỗ vô khuẩn, bộc lộ vị trí cần dẫn lưu.
  • Gây tê tại chỗ từng lớp cho bệnh nhân bằng Lidocain 2%.
  • Rạch da dọc theo bờ trên xương sườn dưới 1,5 – 2cm và tách dần các lớp bằng kẹp cong không mấu. Đầu kẹp cần đi sát bờ trên xương sườn dưới.
  • Khi vào khoang màng phổi, dùng ngón tay để thăm dò, xác định vị trí chính xác cũng như đánh giá sự dính màng phổi.
  • Dùng kẹp cặp đầu ống dẫn lưu đưa vào khoang màng phổi. Nếu tràn khí màng phổi thì ống dẫn lưu hướng từ sau ra trước, từ dưới lên trên. Nếu tràn dịch màng phổi thì đưa ống dẫn lưu ra sau, xuống dưới. Độ dài của ống dẫn lưu trong khoang màng phổi khoảng 8 – 10cm.
  • Cố định ống dẫn lưu và tiến hành khâu chỉ chờ.
Các bước thực hiện kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu
Các bước thực hiện kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu

Hút dẫn lưu và theo dõi sau mở màng phổi

Trong một số trường hợp bệnh nhân cần được rút dẫn lưu, đó là:

  • Nếu dẫn lưu khí: Sau khi kẹp dẫn lưu 12 – 24 giờ chụp lại XQ phổi không có tràn khí.
  • Nếu dẫn lưu dịch màng phổi: Khi màng phổi ra <200ml/24 giờ, tình trạng người bệnh cải thiện và chụp XQ phổi nở hoàn toàn.

Kỹ thuật thực hiện như sau:

  • Giải thích về việc rút ống dẫn lưu cho bệnh nhân.
  • Bác sĩ gây tê, khâu chỉ và chờ cắt chỉ chân ống dẫn lưu.
  • Hướng dẫn bệnh nhân hít sâu, nín thở và rút ống dẫn lưu ở cuối thì thở ra trong khi bác sĩ cắt chỉ chờ.
  • Băng lại vết dẫn lưu và chụp XQ phổi sau 24 giờ.

Nếu tràn máu màng phổi hoặc dày dính màng phổi nhưng sau dẫn lưu màng phổi mà tình trạng không cải thiện thì cần xem xét mở màng phổi rộng để bóc tách màng phổi.

Sau khi đặt ống, nhân viên y tế cần theo dõi bệnh nhân qua những yếu tố sau:

  • Toàn trạng bệnh nhân như: Nhịp thở, tình trạng đau ngực, SpO2,…
  • Theo dõi những biến chứng mà bệnh nhân gặp phải sau khi mở màng phổi.
  • Tình trạng khí, dịch ra ở bình dẫn lưu như số lượng, màu sắc,…
  • Thay rửa bình lẫn lưu sau mỗi 24 giờ hoặc sau khi dịch đầy.
  • Thay băng chân cho ống dẫn lưu mỗi ngày.

Biến chứng có thể gặp sau kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu

Kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu có thể tiềm ẩn một số rủi ro và gây ra một số biến chứng như:

Người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng sau thủ thuật
Người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng sau thủ thuật
  • Chảy máu khó cầm ở vị trí dẫn lưu và thường liên quan đến rối loạn đông máu hoặc quá trình dẫn lưu có cắt xuyên qua mạch máu.
  • Thủ thuật thô bạo có thể gây tổn thương các tạng: Tim, phổi, mạch máu, gan, lá nách,…
  • Làm tổn thương mạch máu lớn: Động mạch liên sườn, động mạch chủ, tràn khí dưới da,…
  • Vì có hiện tượng tái tuần hoàn trở về khi tháo dịch màng phổi quá nhanh nên có thể gây phù phổi cấp.
  • Bị nhiễm trùng ở vị trí dẫn lưu và gây viêm mủ màng phổi.
  • Tắc ống dẫn lưu do cục máu đông hoặc vị trí đầu ống dẫn lưu xác định không đúng.

Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân mở màng phổi

Có 3 vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc và theo dõi bệnh nhân mở màng phổi đó là:

Theo dõi tình trạng hô hấp

  • Xem người bệnh có khó thở không, hướng dẫn bệnh nhân ngẩng đầu cao và cho thở oxy.
  • Kiểm tra da niêm mạc hồng hay tím.
  • Theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở của bệnh nhân sau khi đặt ống dẫn lưu.
  • Theo dõi tình trạng đau nhức vùng ngực của bệnh nhân.

Theo dõi hệ thống dẫn lưu

  • Hệ thống dẫn lưu có hoạt động không, có bị gập góc không, không để người bệnh nằm đè lên ống vì khiến dịch thoát ra ngoài.
  • Theo dõi lượng dịch dẫn lưu 30 phút/lần trong 6 giờ đầu và 1 giờ/lần trong những giờ tiếp theo. Quan sát số lượng, tính chất và màu sắc của dịch.
  • Vuốt ống dẫn lưu mỗi giờ 1 lần để tránh tắc ống.
  • Theo dõi bọt khí trong bình dẫn lưu và mực nước lên xuống trong hệ thống dẫn lưu màng phổi.
  • Khi bệnh nhân đi chụp XQ cần kẹp ống và kiểm tra hệ thống dẫn lưu màng phổi trước khi di chuyển.
  • Không nâng cao hệ thống bình nước ngang ngực người bệnh.
  • Thay bình dẫn lưu khi dịch đã đầy.
  • Theo dõi vết mổ tại chân ống dẫn lưu: Tình trạng vết mổ, vết mổ khô hay thấm dịch, dịch thấm có màu gì,…
  • Rút ống dẫn lưu khi có chỉ định từ bác sĩ.

Hướng dẫn người bệnh sau thủ thuật mở màng phổi

  • Hướng dẫn hít thở sâu, thở chậm để giãn nở lồng ngực.
  • Cho bệnh nhân nửa nằm nửa ngồi hoặc xoay trở 2 giờ mỗi lần.
  • Theo dõi tình trạng phù nề dưới da của người bệnh.
  • Vỗ rung để kích thích ho và dùng thuốc long đờm theo chỉ dẫn.
  • Hướng dẫn bệnh nhân tập thổi bong bóng, tập đi lại sớm,…
Hướng dẫn bệnh nhân tập thổi bong bóng, tập đi lại sớm,...
Hướng dẫn bệnh nhân tập thổi bong bóng, tập đi lại sớm,…

Trên đây là những thông tin về kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu. Hy vọng bạn đã có những thông tin hữu ích về quy trình thực hiện, cách chăm sóc bệnh nhân sau khi thực hiện và một số vấn đề liên quan.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bài viết liên quan