Huyệt khúc trì có tên gọi khác là quỳ cự, dương trạch…nằm tại vị trí lõm ở gấp khuỷu tay. Theo Đông y, việc tác động lực vào huyệt này sẽ giúp giảm đi những triệu chứng khó chịu như: Đau nhức, cảm cúm, sốt, huyết áp thấp, dị ứng. Ngoài ra, khúc trì còn có thể phối hợp với những huyệt khác trong phác đồ để làm tăng hiệu lực điều trị cho bệnh nhân.

Huyệt khúc trì là gì? Vị trí và cách xác định cụ thể

Huyệt khúc trì hay còn gọi là dương trạch, có xuất xứ từ thiên bản du. Trong kinh đại trường, đây là huyệt đứng thứ 11, có hợp huyệt và huyệt nằm trong hành thổ. Tên của huyệt được giải thích như sau: Trì trong khúc trì dùng để chỉ phần lõm xuống hoặc cái hố (ao), còn khúc chính là chỉ phần khuỷu tay bị gập cong lại. Từ đó, ta biết được vị trí của huyệt chính xác sẽ nằm ở chỗ lõm xuống của khuỷu tay.

Để xác định vị trí của huyệt, bạn nên thực hiện theo các bước sau:

  • Đầu tiên, bạn thực hiện duỗi thẳng hai bên cánh tay ra, sau đó dần dần co phần khuỷu tay hướng vào ngực.
  • Xác định phần lõm vào bên trong của khuỷu tay, nơi bám vào của cơ ngửa ngắn, cơ quay và cơ ngửa dài chính là vị trí của huyệt.

Lưu ý rằng, xung quanh huyệt khúc trì còn có các sợi dây thần kinh quay, chi phối và điều tiết đoạn thần kinh C6. Do vậy, khi muốn tác động vào huyệt này trong điều trị, người thầy thuốc phải nắm được vị trí giải phẫu, đồng thời sử dụng một lực vừa phải để tránh làm ảnh hưởng đến dây thần kinh.

huyet-khuc-tri
Huyệt khúc trì là huyệt đạo nằm trên cẳng tay

Tác dụng của huyệt khúc trì trong điều trị

Theo Đông y, huyệt dương trạch có nhiều công dụng đối với sức khỏe như: Trừ thấp, khu phong, tiêu độc, trừ tà nhiệt, dưỡng huyết...Dưới đây là một số căn bệnh có thể điều trị được nếu tác động trực tiếp vào khúc trì:

  • Tăng huyết áp:

Bệnh lý thường xuất hiện ở người cao tuổi, thường không xác định được nguyên nhân. Để cải thiện tình trạng này, ngoài việc sử dụng thuốc điều hòa huyết áp đều đặn, thì việc tác động vào huyệt khúc trì được các thầy thuốc/bác sĩ Đông y khuyên thực hiện.

Vì, khi thực hiện xoa bóp hoặc bấm huyệt, khí huyết trong cơ thể sẽ được lưu thông, từ đó giảm được áp lực mà thành mạch phải chịu, giúp điều hòa huyết áp tốt hơn.

  • Liệt chi trên:

Như bạn đã biết, huyệt khúc trì nằm ở phần lõm vào của khuỷu tay, do vậy các tình trạng bệnh của chi trên sẽ có liên quan đến huyệt này. Khi thực hiện châm cứu/bấm huyệt, phần dây thần kinh ở đây giảm đi sự kích thích. Đồng thời, dòng máu qua đây cũng được lưu thông, không bị tắt gây thiếu oxy cục bộ. Như vậy tình trạng liệt hai bên tay sẽ nhanh chóng được cải thiện.

  • Các tình trạng đau nhức chi trên, kéo dài lên phần bả vai:

Bệnh lý này thường gặp ở đối tượng vận động viên, người phải dùng lực cánh tay nhiều và thường xuyên. Khi tác động vào huyệt khúc trì, những phần bị tổn thương ở cánh tay sẽ dần được cải thiện.

huyet-khuc-tri
Huyệt khúc trì có công dụng trị đau cánh tay

  • Tình trạng cảm lạnh, sốt:

Thực hiện day và ấn vào huyệt khúc trì, kết hợp sử dụng khăn ấm chườm sẽ giúp hạ sốt nhanh chóng. Bởi, khi tác động vào huyệt, lỗ chân lông trên da sẽ nở dần và đẩy phần nhiệt trong cơ thể ra. Từ đó điều hòa được thân nhiệt và giảm biến chứng lên hệ thần kinh.

  • Tình trạng ngứa do dị ứng (mề đay, mẩn ngứa):

Đây là biểu hiện điển hình của tình trạng nhiễm độc tố/gan kém chức năng chuyển hóa. Khi tác động vào huyệt khúc trì, những chất độc này sẽ được đào thải và giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm sự quá mẫn đối với môi trường xung quanh, từ đó hỗ trợ điều trị bệnh mề đay, mẩn ngứa hiệu quả.

Cách tác động vào huyệt khúc trì hiệu quả

Theo các thầy thuốc/bác sĩ Đông y, việc tác động vào huyệt khúc trì có thể thông qua hai cách cơ bản là bấm huyệt và châm cứu. Quy trình thực hiện như sau:

Bấm huyệt

  • Thầy thuốc hướng dẫn bệnh nhân duỗi thẳng hai tay, sau đó gập phần khuỷu tay lại và để lên đùi.
  • Sử dụng ngón tay cái của bàn tay còn lại bấm trực tiếp vào huyệt khúc trì (phần lõm của khuỷu tay) với một lực vừa phải.
  • Thực hiện bấm liên tục 15 lần, sau đó dừng hẳn. Lưu ý nên thực hiện đều 1 - 2 lần/ngày.

Châm cứu

  • So với bấm huyệt thì đây là kỹ thuật phức tạp và khó thực hiện hơn, tuy nhiên hiệu quả mà phương pháp mang lại sẽ rõ rệt hơn rất nhiều.
  • Chuẩn bị kim châm, sau đó dùng kim châm trực tiếp vào huyệt khúc trì từ 1 đến 1,5 thốn.
  • Hoặc thầy thuốc thực hiện đưa kim đâm xuyên tới độ sâu từ 2 đến 2,5 thốn, cứu từ 3 đến 5 tráng, ôn cứu trong khoảng 10 phút trở lại.
  • Với những trường hợp bị liệt chi trên nên thực hiện châm kim có hướng ngược xuống phần mặt cong của khuỷu tay. Khi châm đúng, ngón tay sẽ có cảm giác như bị giật điện.

Hướng dẫn cách phối huyệt trị bệnh

Huyệt khúc trì khi được kết hợp với những huyệt khác sẽ tạo nên tác dụng hiệp đồng có lợi cho cơ thể. Bạn có thể tham khảo một số cách phối hợp thường được thầy thuốc Đông y sử dụng:

  • Khúc trì đi kèm thiên liêu giúp điều chỉnh cường độ đau và mỏi vai gáy.
  • Dương lăng tuyền kết hợp khúc trì sẽ hỗ trợ điều trị liệt nửa người/toàn thân.
  • Bộ ba: Phục lưu, khúc trì, tam lý điều trị sốt thương hàn.
  • Kết hợp cùng hợp cốc giúp giảm sưng đau cổ họng.
  • Kết hợp thân môn và phối ngư tề: Điều trị nôn ra máu.
  • Kết hợp với các huyệt: Phối bát hội,huyệt kiên ngung, phong trì, tuyệt cốt, khúc trì, phát tế, túc tam lý phòng ngừa tình trạng trúng phong tà.
  • Kết hợp khổng tối, đại lăng, hợp cốc trị đau mỏi chi trên.
  • Kết hợp ủy trung, huyết hải giúp giải độc, tránh mụn nhọt.
  • Kết hợp uyển cốt, can du trị tình trạng tăng điều tiết mắt, thường xuyên chảy nước mắt.
  • Kết hợp đại chùy, thái xung, hợp cốc, tam lý điều trị tình trạng giảm tiểu cầu.

huyet-khuc-tri
Huyệt khúc trì có thể khai thông bằng phương pháp châm cứu

Lưu ý khi sử dụng khúc trì trong điều trị

Tác động trực tiếp vào huyệt khúc trì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể nếu thực hiện theo đúng quy trình. Và đương nhiên, hiệu quả sẽ ngược lại nếu chúng ta tác động sai cách hoặc không hiểu rõ vị trí cũng như đặc tính của huyệt này. Để giảm nguy cơ gây biên chứng và sự an toàn cho bản thân khi thực hiện điều trị, bạn cần chú ý những điều sau:

  • Bạn nên lựa chọn thực hiện bấm huyệt hoặc châm cứu vào khúc trì tại cơ sở Đông y uy tín. Điều này sẽ giúp bạn yên tâm hơn về kết quả điều trị và giảm nguy cơ tác động sai cách. Bên cạnh đó, khi các bác sĩ có kinh nghiệm thì việc tác động lực vào huyệt sẽ phù hợp hơn, điều này giúp bệnh nhân thoải mái và không bị đau trong thời gian điều trị.
  • Đối với những bệnh nhân đang có chấn thương chưa lành, đặc biệt là xương khớp thì không nên tác động vào huyệt khúc trì. Bởi, việc làm này sẽ khiến xương khó liền và vết thương lan rộng ra.
  • Các tình trạng bệnh ngoài da dễ bị lây nhiễm cũng không nên thực hiện bấm vào huyệt khúc trì.
  • Những đối tượng như: Phụ nữ mang thai, có bệnh lý sinh sản cũng không nên thực hiện.
  • Bấm huyệt/châm cứu vào huyệt khúc trì không thể khiến bệnh khỏi ngay lập tức, mà sẽ cần một thời gian kiên trì của cả bệnh nhân và bác sĩ. Do vậy không nên quá nôn nóng hoặc yêu cầu việc điều trị có kết quả sơm.
  • Để tăng hiệu quả trong điều trị các bệnh lý kể trên, tốt nhất nên lựa chọn phương pháp kết hợp với huyệt khác trên cơ thể.

Trên đây là bài viết cung cấp thông tin về huyệt khúc trì, cách xác định vị trí, công dụng và cách phối hợp trong điều trị. Để việc tác động vào huyệt mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên tìm hiểu trước về những phương pháp điều trị, sau đó tham khảo ý kiến thầy thuốc/bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.

Nhóm bệnh

Bài viết liên quan