Sinh non là cuộc chuyển dạ của mẹ bầu trong thời gian từ tuần thứ 22 đến 37 của thai kỳ. Trẻ sinh non thiếu tháng có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn so với những trẻ sinh đủ tháng khác. Phụ nữ mang thai dọa sinh non thường có các dấu hiệu cảnh báo trước. Bài viết dưới đây sẽ gửi tới bạn đọc những thông tin về tình trạng dọa sinh non là gì, các dấu hiệu, biện pháp xử lý và phòng ngừa sinh non.

Dọa sinh non là gì?

Sinh non là tình trạng trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 28 đến 37 tuần tuổi. Trẻ bị sinh non thường bị nhẹ cân, dễ bị suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành. Trường hợp nghiêm trọng có thể khó giữ được tính mạng, nếu trẻ may mắn được cứu sống cũng dễ mắc các bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản,…

Theo WHO, sinh non là cuộc chuyển dạ từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng của kỳ kinh. Dọa sinh non là tình trạng tuổi thai từ tuần 22-37 có xuất hiện cơn đau, ra máu hoặc chất nhầy âm đạo, siêu âm độ dài tử cung ngắn lại tuy nhiên cổ tử cung vẫn còn đóng.

Sinh non là tình trạng trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 28 đến 37 tuần tuổi
Sinh non là tình trạng trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 28 đến 37 tuần tuổi

Yếu tố nguy cơ dọa sinh non

Trên 50% các trường hợp thai phụ bị chuyển dạ sinh non không rõ lý do. Tuy nhiên nguyên nhân dọa sinh non vẫn có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như:

Yếu tố xã hội:

  • Thai phụ có hoàn cảnh khó khăn, không cung cấp đủ dưỡng chất trong quá trình mang thai.
  • Quản lý thai nghén kém.
  • Cân nặng của mẹ thấp.
  • Người mẹ phải lao động vất vả trong quá trình mang thai.
  • Mẹ mang thai trong độ tuổi < 20 hoặc > 35.
  • Mẹ nghiện chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, cafe,….)

Do sức khỏe của người mẹ:

  • Người mẹ bị bệnh lý toàn thân như nhiễm trùng, chấn thương, bệnh nghề nghiệp, bệnh nội khoa, tiền sản giật, sản giật, miễn dịch,…)
  • Nguyên nhân tại chỗ như: Tử cung bị dị dạng: Hai sừng, một sừng vách ngăn, kém phát triển, hoặc mắc phải tình trạng dính buồng trứng tử cung, u xơ, tử cung có sẹo, hở eo tử cung, khoét chóp,…)
  • Người mẹ bị các bệnh viêm nhiễm âm đạo, tử cung như: Lậu cầu, clamydia, trichomonas, viêm màng ối, streptoccocus nhóm B, BV,…)
  • Người mẹ có tiền sử sinh non, sinh cực non hoặc sẩy thai to.

Do thai nhi và phần phụ:

  • Thai nhi bị ối vỡ non, ối vỡ sớm.
  • Thai nhi bị nhiễm trùng ối.
  • Bị đa thai, đa ối.
  • Thai phụ bị rau tiền đạo.
  • Thai phụ bị rau bong non.
  • Thiểu năng nhau.

Dấu hiệu cảnh báo thai phụ dễ bị sinh non

Dưới đây là những dấu hiệu giúp chẩn đoán thai phụ sẽ sớm chuyển dạ sinh non:

  • Thai phụ thấy trì nặng bụng hoặc thường xuyên đau bụng.
  • Thai phụ bị ra nhớt màu hồng hoặc dịch nhầy tử cung.
  • Thai phụ bị đau thắt lưng, đau quặn bụng dưới kèm theo tình trạng tiêu chảy.
  • Quan sát thấy bụng chửa thấp, cảm giác thai nhi càng ngày càng bị đẩy xuống dưới, vùng xương chậu bị đè nặng.
  • Người mẹ có hiện tượng rò rỉ ối.
  • Có các cơn co thắt tử cung diễn ra liên tục, cứ khoảng 10 phút một lần. Khoảng cách giữa các cơn co thắt càng ngày càng bị rút ngắn lại.
Thai phụ dọa sinh non có triệu chứng bị đau bụng thường xuyên
Thai phụ dọa sinh non có triệu chứng bị đau bụng thường xuyên

Chẩn đoán tình trạng dọa sinh non

Các bác sĩ sẽ căn cứ vào những chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng để xác định bước đầu xem thai phụ có nằm trong nhóm đối tượng dọa sinh non hay không.

Chẩn đoán

Cơ năng:

  • Đau bụng.
  • Ra dịch âm đạo.

Thực thể:

  • Cơn co tử cung.
  • Cổ tử cung đóng kín..
  • Ối vỡ non.

Cận lâm sàng:

  • Siêu âm.
  • CTG.
  • Xét nghiệm tìm nguyên nhân (xét nghiệm nước tiểu, dịch CTV âm đạo, CRP, kéo máu, cấy máu, chọc dò ối,…)

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Thai phụ khi khi có các triệu chứng như có những cơn co tử cung gây đau, chảy dịch hoặc chảy máu âm đạo,… cần được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm siêu âm và các xét nghiệm khác để kiểm tra, tìm nguyên nhân. Các tiêu chuẩn để chẩn đoán dọa sinh non bao gồm:

  • Có 4 cơn co tử cung trong 20 phút hoặc 8 cơn co trong 60 phút.
  • Cổ tử cung mở = hoặc > 2cm, hoặc xóa ít nhất 80%.
  • Có sự thay đổi ở cổ tử cung, nhận định bởi một người khám trong nhiều lần liên tiếp.
  • Vỡ ối.
Siêu âm thai giúp xác định thai phụ có nguy cơ dọa sinh non hay không
Siêu âm thai giúp xác định thai phụ có nguy cơ dọa sinh non hay không

Các yếu tố tiên lượng

Khi đánh giá tình trạng dọa sinh non, cần dùng chỉ số Bishop để đo chiều dài cổ tử cung, đo chất Fetal Fibronectin để tiên lượng. Tùy vào từng trường hợp sẽ quyết định có giữ thai hay không.

Chỉ số Bishop

Bác sĩ sẽ khám âm đạo để đánh giá chỉ số Bishop theo thang điểm sau:

  • Độ mở cổ tử cung: 0cm = 0 điểm, 1-2 cm = 1 điểm, 3-4cm = 2 điểm, >5cm = 3 điểm.
  • Độ xóa cổ tử cung: 0-30% = 0 điểm, 40-50% = 1 điểm, 60-70% = 2 điểm, >80% = 3 điểm.
  • Độ lọt: -3 = 0 điểm, -2 = 1 điểm, -1, 0 = 2 điểm, +1, +2 = 3 điểm.
  • Tư thế cổ tử cung: Ngả trước = 0 điểm, trung gian = 1 điểm, ngả sau = 2 điểm.
  • Mật độ cổ tử cung: Cứng = 0 điểm, trung bình = 1 điểm, mềm = 2 điểm.
  • Nếu Bishop > 6 điểm: Nguy cơ sinh ngon rất cao.
  • Nếu Bishop > 9 điểm: Thai phụ chắc chắn chuyển dạ.
  • Cộng 1 điểm cho trường hợp con rạ và trừ 1 điểm cho trường hợp con so.

Đo độ dài cổ tử cung bằng siêu âm qua đường tầng sinh môn

Bác sĩ đặt đầu dò siêu âm giữa hai môi lớn, quan sát cổ tử cung ở vị trí lỗ trong và lỗ ngoài, tiến hành đo chiều dài cổ tử cung.

Chiều dài ống cổ tử cung < hoặc = 26mm sẽ có gần 9/10 trường hợp sinh non. Giá trị tiên đoán sinh đủ tháng khi kết hợp cả chỉ số Bishop < 6 điểm và độ dài cổ tử cung > 26 mm có độ nhạy là 88.0% và độ đặc hiệu là 95.5%.

Đo chất Fetal Fibronectin

Fetal fibronectin là một chất đệm thuộc vùng lỗ cổ tử cung. Bình thường nồng độ này rất thấp, tăng khi > 50ng/ml.

Đánh giá:

Trường hợp có triệu chứng dọa sinh non:

  • Nếu fFN (-): 99.2% sẽ chưa sinh non trong vòng 7 ngày.
  • Nếu fFN (+): 16.7% sẽ sinh trong vòng 14 ngày.

Trường hợp không có triệu chứng dọa sinh non:

  • fFN (-): 93,9% sẽ không sinh trước 37 tuần.
  • fFN (+): 46,3% sẽ sinh trước 37 tuần.
Sàng lọc nguy cơ sinh non bằng cách đo chất Fetal Fibronectin
Sàng lọc nguy cơ sinh non bằng cách đo chất Fetal Fibronectin

Xử trí trường hợp dọa sinh non

Sau khi các bác sĩ sản khoa đã tiến hành chẩn đoán và đánh giá thai phụ có khả năng sinh non, sẽ có hai tình huống có thể xảy ra.

  • Trường hợp 1: Chẩn đoán không được xác định: Xử trí bằng cách cho thai phụ nằm nghỉ, theo dõi và xuất viện khi không có cơn gò.
  • Trường hợp 2: Chẩn đoán được xác định: Cần điều trị tích cực bằng cách sử dụng thuốc giảm co để làm ngưng những cơn co tử cung càng lâu càng tốt. Nếu không có dấu hiệu suy thai, trong một số trường hợp có thể rút ối để đo độ trưởng thành của phổi bằng tỷ lệ Lecithin/Sphingomyelin. Sau đó kích thích sự trưởng thành của phổi thai bằng corticoid.

Mục tiêu điều trị: Cố gắng giữ cho thai nhi lưu lại trong tử cung lâu nhất có thể để chờ cho phổi của thai nhi đủ thời gian để trưởng thành, hoặc đủ để chuyển đến chơi có khả năng tiếp nhận và chăm sóc thai nhi sinh thiếu tháng.

Một số loại thuốc được các bác sĩ ưu tiên sử dụng bao gồm:

Atosiban (Tractocile): Một loại chất ức chế receptor oxytocin

Atosiban đã được phát triển đặc biệt như một loại thuốc giảm gò và tương tự như một hình thức biến đổi của oxytocin để cạnh tranh khối thụ thể oxytocin tại tử cung. Từ đó giúp ngăn chặn các cơn gò tử cung một cách đáng kể.

Các nghiên cứu cho thấy thai phụ vẫn có thể duy trì được thai trong vòng 7 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị bằng Atosiban. Sử dụng Atosiban đang được sử dụng phổ biến do nó an toàn và ít tác dụng phụ đối với mẹ và thai nhi so với những loại thuốc giảm gò khác.

Liều lượng: Atosiban được sử dụng để tiêm tĩnh mạch trong 3 bước liên tiếp nhau:

  • Bước 1: Khởi đầu tiêm Bolus tĩnh mạch chậm 6,75mg 0,9ml trong vòng 1 phút.
  • Bước 2: Tiếp tục truyền tĩnh mạch với tốc độ 24ml/giờ cho đến 3 giờ.
  • Bước 3. Tiếp tục truyền tĩnh mạch với tốc độ 8ml/giờ cho đến 45 giờ.
Atosiban (Tractocile)
Atosiban (Tractocile)

Tổng thời gian điều trị bằng thuốc Atosiban không vượt quá 48 giờ. Trong trường hợp những cơn gò tái diễn có thể lặp lại 3 bước trên. Tuy nhiên khuyến cáo không nên lặp lại quá 3 lần trong suốt thai kỳ. Lợi ích chính của việc sử dụng thuốc giảm gò là nhằm thực hiện Corticosteroid và chuyển thai phụ đến trung tâm y tế chuyên khoa tuyến trên. Cho nên việc lặp lại chu kỳ điều trị là hiếm khi xảy ra.

Thuốc chẹn kênh Calci: Nifedipine (Adalat Procardia).

Việc sử dụng thuốc chẹn kênh calci nhằm mục đích làm giảm calci nội bào bằng cách ngăn cản dòng calci qua màng. Thường được sử dụng nhiều do dễ uống và chi phí thấp. Thuốc chẹn kênh calci Nifedipine mang hiệu quả cao hơn, đồng thời ít tác dụng phụ trên mẹ hơn bất kỳ loại thuốc giảm gò nào khác.

Liều lượng: Nifedipin được khuyến cáo sử dụng với liều lượng như sau:

  • Liều khởi đầu: 20mg
  • Sau đó là 3 liều tiếp theo, mỗi liều là 20mg, cách 30 phút dùng 1 lần nếu còn tiếp diễn cơn gò.
  • Liều duy trì: 20-40mg (đường uống), cách 4 giờ dùng một lần, sử dụng trong vòng 48 giờ (không dùng quá 160mg/ngày)

Liều Nifedipin trên 60mg có thể gây ra tác dụng phụ cho mẹ bầu như: Táo bón, tiêu chảy, chóng mặt, hoa mắt, nóng bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, thay đổi dẫn truyền tim, giãn mạch ở da, viêm gan, cơ thể giữ nước, hạ calci máu, hạ đường huyết, hạ huyết áp, thay đổi lưu lượng máu từ tử cung đến nhau thai, tim đập nhanh. Do đó nên cẩn trọng khi sử dụng.

Các loại thuốc giảm gò khác

Bao gồm: Đồng vận beta Ritodrin, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) Indomethacin, miếng dán Nitriglycerin, Magne sulphat.

Đồng vận beta Ritodrin

Thuốc này có tác dụng làm giảm nhạy cảm với calci và tổng nồng độ calci nội bào, giúp làm giãn cơ tử cung. Các thuốc này hiếm khi được sử dụng do có thể gây ra phản ứng phụ cho mẹ bầu như: Đánh trống ngực, run, tim đập nhanh, phù phổi, thiếu máu cơ tim cục bộ, tăng đường huyết.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) Indomethacin

Hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu cho thấy loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) Indomethacin này có tác dụng trong việc ngăn ngừa sinh non hay không. Bên cạnh đó cũng có thông tin cho rằng, nếu sử dụng NSAID trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây ra tình trạng đóng ống động mạch sớm, thiếu ối, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não thất,…

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) Indomethacin
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) Indomethacin

Miếng dán Nitroglycerin (một chất cho Nitric oxide)

Miếng dán này được đề xuất sử dụng trong một thử nghiệm chuyển dạ sinh non và cho hiệu quả tương tự như thuốc Ritodrin.

Thuốc giảm gò Magne sulphat

Loại thuốc này có vai trò giúp ức chế cơ tử cung co bóp và được chỉ định sử dụng trong chuyển dạ sinh ngon. Tuy nhiên có quá ít thông tin cho thấy hiệu quả giảm sinh non đáng kể khi sử dụng Magne sulphat. Do vậy, loại thuốc này vẫn chưa được sử dụng như một loại thuốc giảm gò. Ngược lại hiện có bằng chứng cho thấy việc sử dụng Magne Sulfat trước khi thai nhi được 32 tuần có tác dụng bảo vệ thần kinh của thai đáng kể. Nếu dùng thuốc hàng ngày còn giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh bại não.

Liều lượng:

  • Liều tấn công: 4g MgSO4 + 250ml Ringer Lactate CTM trong vòng 15-30 phút.
  • Liều duy trì: 40g MgSO4 + 1000 ml Ringer Lactate CTM 50ml/giờ, duy trì điều trị trong vòng 50ml/giờ.
  • Nồng độ ức chế cơn gò tử cung là 4-8mg/ml.

Liệu pháp Corticosteroid

Trẻ sơ sinh bị sinh thiếu tháng có khuynh hướng bị chứng suy hô hấp hay bệnh màng trong do thiếu chất surfactant trong. Thông thường phổi được xem là trưởng thành khi thai nhi được 35 tuần tuổi. Liệu pháp corticoid là phương tiện điều trị duy nhất hiện nay có tác dụng giúp cải thiện tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non ở tuần thứ 24-34 của thai kỳ.

Ở phương pháp này, Betamethasone được chỉ định sử dụng khi tuổi thai dưới 33 tuần, tỷ lệ Leucithin/Sphingomyelin < 2, màng ối còn nguyên và có khả năng trì hoãn chuyển dạ 48 giờ sau khi bắt đầu tiêm thuốc để thuốc đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên khi màng ối vỡ trên 24 giờ thì betamethasone không giúp làm giảm tỷ lệ suy hô hấp.

Liều lượng:

  • Betamethasone: Tiêm bắp, dùng 2 liều/ngày, mỗi liều 12mg cách nhau 12 giờ.
  • Dexamethasone: Tiêm bắp, dùng 4 liều/ngày, mỗi liều 6mg cách nhau 6 giờ.

Tình trạng nhiễm trùng dọa sinh non

Các nghiên cứu vi sinh học cho biết, nhiễm trùng trong tử cung chiếm từ 25-40% các trường hợp sinh non. Tỷ lệ này thậm chí còn có thể cao hơn do khả năng phát hiện bằng các phương pháp nuôi cấy hiện nay còn gặp một số khó khăn nhất định.

Độc tố của vi khuẩn và cytokines sẽ kích thích sản xuất prostaglandins, chất gây viêm và enzymes làm thoái giáng mô. Prostaglandins làm xuất hiện cơn gò tử cung và khởi phát chuyển dạ.

Trong khi đó, sự suy giảm các chất ngoại bào của màng thai có thể dẫn đến vỡ ối non. Nghiên cứu đã xác định tình trạng viêm nhiễm ngược dòng từ đường sinh dục thấp là một yếu tố gây ra tình trạng sinh non.

Tình trạng nhiễm trùng ối có các dấu hiệu như:

  • Sốt cao trên 38 độ C.
  • Bạch cầu tăng khi xét nghiệm công thức máu và tăng bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Tim thai đập nhanh.
  • Tử cung chạm đau.
  • Dịch ối có mùi hôi.
Thai phụ sốt cao trên 38 độ C có nguy cơ bị nhiễm trùng ối
Thai phụ sốt cao trên 38 độ C có nguy cơ bị nhiễm trùng ối

Tình trạng nhiễm trùng ối sẽ được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc khác sinh. Nếu thai phụ sinh thường sẽ có dùng Ampicillin và Gentamicin. Nếu thai phụ sinh mổ sẽ sử dụng thêm Metronidazole.

Phòng ngừa tình trạng sinh non cho thai phụ

Để làm giảm nguy cơ sinh non, đảm bảo sinh em bé đủ tháng và khỏe mạnh, thai phụ cần chú ý chăm sóc sức khỏe cẩn thận. Dưới đây là một số biện pháp dự phòng sinh non cho thai phụ mà bạn nên tham khảo:

  • Xác định nhóm bệnh nhân nguy cơ: Phụ nữ mang thai trong độ tuổi dưới 18 và trên 35 tuổi, phụ nữ thường xuyên phải lao động nặng, thai phụ có tiền sử sinh non – sẩy thai to, các nhóm bệnh lý nội khoa như: Tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp, bệnh tự miễn… để kiểm soát các bệnh lý thai kỳ.
  • Hướng dẫn sản phụ nắm được các yếu tố nguy cơ dọa sinh non như: Đa thai, đa ối, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
  • Không hoạt động mạnh, không bưng bê vật nặng, giảm vận động.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia thuốc lá, cafe,…
  • Giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng, stress.
  • Tầm soát và điều trị bệnh viêm cổ tử cung khi thai được 24 – 28 tuần.
  • Khâu eo tử cung hoặc Pessary cổ tử cung dự phòng nếu kiểm tra thấy hở eo tử cung.
  • Sử dụng Progesterone đặt âm đạo cho những sản phụ có tiền sử sinh non hoặc cổ tử cung ngắn hơn 25mm.
  • Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung khi thai được 19 – 23 tuần tuổi.
  • Khi thai được 29 – 34 tuần tuổi có thể sử dụng glucocorticosteroids giúp phổi của thai nhanh trưởng thành.
  • Phụ nữ khi mang thai cần thăm khám thai sớm để có thể phát hiện những nguy cơ sinh non, từ đó có thể can thiệp kịp thời và có những biện pháp tốt nhất để dự phòng sinh non.

Trên đây là những thông tin hữu ích về tình trạng dọa sinh non ở phụ nữ mang thai. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những kiến thức sinh sản hữu ích. Thai phụ nếu đang là đối tượng dọa sinh non cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và tư vấn kịp thời, tránh những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bài viết liên quan