Châm cứu là phương pháp chữa bệnh phổ biến trong Đông y. Nhưng không phải ai cũng biết “ông tổ của nghề châm cứu Việt Nam” chính là danh y Nguyễn Đại Năng, một lương y nổi danh với phương pháp châm cứu trị bệnh thời nhà Hồ. Để hiểu hơn về vị danh y này, nội dung bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin, cuộc đời sự nghiệp và những cống hiến của ông cho y học. Đừng bỏ lỡ nhé!

Nguyễn Đại Năng là thầy thuốc đầu tiên sử dụng châm cứu để chữa bệnh 
Nguyễn Đại Năng là thầy thuốc đầu tiên sử dụng châm cứu để chữa bệnh

Xuất thân và sự nghiệp của lương y Nguyễn Đại Năng

Vào những năm (1400 – 1407) thời nhà Hồ nổi lên một vị danh y với phương pháp chữa bệnh khác lạ. Danh y Nguyễn Đại Năng có quê quán ở tỉnh Hải Dương, thuộc huyện Giáp Sơn. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi: “Năm Quý Mùi niên hiệu Khai đại nguyên niên (1403) có vị phương sỹ ở Kinh Môn tên là Nguyễn Đại Năng. Chữa bệnh bằng phương pháp dùng lửa chích hoặc lấy kim cứu người” .

Trong thời gian nhà Hồ hoạt động, không có nhiều sử sách ghi chép về danh y Nguyễn Đại Năng. Khoảng thế kỷ thứ 15 (1403) Hồ Quý Ly ra quyết định xây dựng bệnh viện Trung ương phục vụ nhân dân, tên gọi lúc bấy giờ là Quảng tế thự. Nhờ vào y đức của ông, Hồ Quý Ly quyết định phong ông làm Tả nhị ở Thái y viện. Tương đương chức vụ Giám đốc viện y tế Trung ương hiện nay.

Chữa khỏi nhiều căn bệnh nhờ phương pháp châm cứu
Chữa khỏi nhiều căn bệnh nhờ phương pháp châm cứu

Danh y Nguyễn Đại Năng tuy là một người chức cao vọng trọng nhưng chưa một lần dựa vào quyền thế mà áp bức nhân dân. Thời Hồ Quý Ly còn trị vì, trong nhân dân luôn ca tụng vị lương y chuyên chữa bệnh cứu người, không màng danh lợi.

Một số tài liệu thuộc khoa Y học Cổ Truyền trường Đại học Y dược Hải Phòng có miêu tả ông Nguyễn Đại Năng không chỉ là một thầy thuốc mà ông còn được biết đến với tài bắn nỏ. Cụ thể sau khi được Hồ Hán Thương bổ nhiệm chức Tự thừa, trong một lần đi săn Nguyễn Đại Năng đã thể hiện việc tinh thông võ nghệ. Đặc biệt, ông có thể dùng thành thạo nỏ cứng.

Năm 1404, danh y Nguyễn Đại Năng được bổ nhiệm thêm chức Sùng uy tướng quân, tiếp tục cống hiến tài năng của mình cho nước nhà.

Thành tựu trong Y học của danh y Nguyễn Đại Năng

Ngoài việc sử dụng y thuật để cứu người, Nguyễn Đại Năng còn sáng tác nhiều tài liệu y khoa. Đặc biệt ông đã biên soạn cuốn “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” bằng thơ Nôm để truyền bá rộng rãi phương pháp châm cứu chữa bệnh. Cuốn sách này được coi là tác phẩm đầu tiên về châm cứu ở Việt Nam.

Cuốn sách được Viện nghiên cứu Đông y dịch và biên soạn lại
Cuốn sách được Viện nghiên cứu Đông y dịch và biên soạn lại

Danh y Nguyễn Đại Năng chia nội dung cuốn sách làm bốn phần chính, trình bày theo thể lục bát, sử dụng chữ Nôm và chữ Hán. Cụ thể nội dung gồm:

  • Phần I: Phân xích thốn, biên thần huyệt quốc ngữ ca

Đây là phần mở đầu, với mục đích giới thiệu cho người đọc về phương pháp châm cứu, tác dụng của châm cứu đối với cơ thể người bệnh. Danh y Nguyễn Đại Năng còn hướng dẫn tỉ mỉ cách phân tấc đo để xác định các huyệt trên cơ thể. Cách làm cho vết cứu nở ra cũng như các trị các vết lở do châm cứu gây nên.

  • Phần II: Tổng luận kinh sử chư bệnh, dụng huyệt Quốc ngữ ca

Ở phần này, nội dung của cuốn “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” chủ yếu nói về cách điều trị 26 chứng bệnh bằng phương pháp châm cứu. Với quan điểm “Vạn bệnh nhất châm” Nguyễn Đại Năng tin rằng bất kể loại bệnh nào cũng có thể chữa khỏi bằng phương pháp châm cứu.

  • Phần III: Tổng luận chứng huyệt ca 

Nội dung ở phần III tập trung vào việc hướng dẫn điều trị 103 loại bệnh bằng phương pháp bấm huyệt kết hợp châm cứu.

  • Phần IV: Thập nhị mạch thuộc Lục phủ ngũ tạng Quốc ngữ ca

Phần IV của cuốn sách tập trung nói về kinh mạch, các vị trí huyệt, huyệt thuộc mạch Đốc, Nhâm, huyệt vùng đầu mặt, lưng huyệt thuộc kinh mạch, ngực bụng, cùng 6 kinh ở cả tay và chân. Cuối cùng là phần phụ lục, được Thái y viện đời Hậu Lê truyền lại bằng chữ Hán. Nội dung của phần này nói về kinh mạch, các huyệt vị đã được danh y Nguyễn Đại Năng biên soạn thành thơ.

Tổng cộng tác phẩm “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” có tới 130 cách chữa trị các loại bệnh, có 170 huyệt vị được liệt kê. Đây được coi là di sản vô cùng quý giá mà Nguyễn Đại Năng để lại cho hậu thế. Đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng và phát triển nền châm cứu nói riêng và y học Việt Nam nói chung. Hiện nay, cuốn sách này đã được Viện nghiên cứu Đông y dịch và biên soạn lại để lưu truyền rộng rãi.

Nguyễn Đại Năng luôn là tấm gương mà nhiều lương y noi theo bởi lòng thương người, y đức cũng như tâm huyết của ông dành cho y dược. Những thông tin trên phần nào đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vị danh y Nguyễn Đại Năng và những cống hiến của ông cho y học hiện nay. Đừng quên theo dõi những bài viết của chúng tôi để cập nhật nhiều thông tin hữu ích về các danh y, các bài thuốc một cách sớm nhất.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bài viết liên quan