Nước ối ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong cơ thể của người mẹ và thường sẽ tăng giảm tùy theo thời gian mang thai. Nếu như nước ối trong bụng mẹ quá nhiều sẽ tăng khả năng trẻ sinh ra bị suy thận. Tình trạng này còn được gọi là đa ối. Cùng tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách chữa trị và phòng ngừa hiện tượng này ngay sau đây.

Đa ối là gì?

Nước ối là môi trường sống của thai nhi khi nằm trong tử cung của người mẹ. Trong nửa đầu thai kỳ, nước ối thẩm thấu từ máu mẹ đến màng ối và từ máu thai nhi qua da. Còn trong nửa sau của thai kỳ, nước ối được tạo ra từ nước tiểu của thai nhi. 

Nước ối có tác dụng bảo vệ thai nhi khỏi những chấn thương trong bụng mẹ, đồng thời bảo vệ thai nhi không bị nhiễm trùng, giúp phổi phát triển. Bên cạnh đó, nước ối cũng giúp thai nhi phát triển vị giác và giữ thân nhiệt ổn định.

Đa ối xảy ra khi thể tích nước ối trong bụng mẹ vượt 2000ml
Đa ối xảy ra khi thể tích nước ối trong bụng mẹ vượt 2000ml

Thể tích buồng ối bình thường được đo khoảng 500-100ml. Tuy nhiên, khi lượng này vượt quá 2000ml thì được gọi là đa ối. Trong một số trường hợp mẹ bầu còn có thể có 3000ml nước ối và đây là tình trạng đa ối nặng nhất.

Các chuyên gia phân loại đa ối thành 2 loại đó là: Đa ối mãn tính và cấp tính.

  • Đa ối mạn tính: Tình trạng này xuất hiện ở 3 tháng cuối của thai kỳ, chiếm 95% tình trạng đa ối.
  • Đa ối cấp tính: Tình trạng này ít gặp hơn, chủ yếu xuất hiện vào 3 tháng giữa thai kỳ, diễn biến khá nhanh và các triệu chứng cấp tính, không quá nghiêm trọng.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đa ối?

Tình trạng đa ối xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ phía người mẹ và phía thai nhi.

Nguyên nhân từ mẹ bầu

Hầu hết các trường hợp đa ối đều có nguyên nhân từ người mẹ.

  • Phụ nữ bị đái tháo đường trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai rất dễ bị đa ối. Thống kê cho thấy có đến 10% phụ nữ bị đái tháo đường khi mang thai bị đa ối nếu không có phương pháp kiểm soát và chữa trị đúng.
  • Ngoài ra, nếu mẹ bầu bị bệnh tán huyết thứ phát gây ra vì các kháng thể bất thường hoặc kháng thể Rh sẽ khiến thai nhi bị thiếu máu hoặc gây ra tình trạng phù thai. Hai hiện tượng này đều liên quan đến đa ối.
  • Mẹ bầu nhiễm virus trong quá trình mai thai, đặc biệt là virus rubella cũng có thể mắc bệnh.

Nguyên nhân từ thai nhi

Từ phía thai nhi, nguyên nhân đa ối là vì những lý do sau đây:

  • Thai nhi gặp phải những bất thường ở hệ thống thần kinh, đặc biệt là vô sọ, khuyết tật nơ ron thần kinh hoặc khuyết tật cấu trúc hệ tiêu hóa.
  • Những bất thường ở thai nhi liên quan đến nhiễm sắc thể của thai nhi cũng làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này.
  • Hội chứng truyền máu song thai cũng là nguyên nhân khác gây đa ối, thai nhi có thể bị song thai một màng đệm hoặc hai túi ối.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, cả từ phía mẹ bầu và thai nhi
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, cả từ phía mẹ bầu và thai nhi

Ngoài ra, rau thai bất thường, u mạch màng đệm, viêm nội mạc tử cung, giang mai gây tổn thương bánh rau, phù rau thai,… cũng là những lý do tình trạng đa ối xuất hiện.

Những triệu chứng của bệnh

Đa ối cấp tính và đa ối mãn tính sẽ có những biểu hiện khác nhau, cụ thể như sau:

Đa ối cấp tính

Tình trạng này xảy ra ở tuần thứ 16 – 20 của thai kỳ gây chuyển dạ trước tuần 28. Ngoài ra, nếu có những triệu chứng trầm trọng thì cũng cần đình chỉ thai nghén.

Các triệu chứng ở thời điểm này do nước ối phát triển nhanh khiến tử cung to hơn làm chèn ép cơ hoành, gây khó thở.

  • Bụng to nhanh hơn, căng cứng.
  • Tử cung căng cứng, ấn vào thấy đau.
  • Không sờ được phần thai nhi, có xuất hiện đá nổi.
  • Tim thai không nghe được.
  • Âm đạo căng phồng, tử cung hé mở, đầu ối căng hơn bình thường.
  • Mẹ bầu khó thở, bị suy hô hấp.
  • Mẹ bầu phù giãn tĩnh mạch, chi dưới to, tĩnh mạch chủ dưới bị chèn ép.

Trong trường hợp này, thai nhi cần được siêu âm vì những dị dạng có thể xuất hiện như: Tắc nghẽn thực quản hoặc đoạn cao ống tiêu hóa, nứt cột sống, quái thai vô sọ.

Triệu chứng đa ối mãn tính

Đa ối mãn tính xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ, khiến mẹ cảm thấy căng bụng, khó thở. Các triệu chứng thường sẽ phát triển từ từ và nước ối cũng ngày một tăng dần. Khi đi khám sẽ thấy được các hiện tượng sau:

  • Tử cung lớn hơn tuổi thai.
  • Sờ nắn khó thấy các cực của thai nhi, xuất hiện cục đá nổi.
  • Xuất hiện tình trạng sóng vỗ.
  • Thăm khám âm đạo thấy tình trạng căng phồng.
  • Mẹ bầu tim đập nhanh, khó thở, mệt mỏi kéo dài.
Mẹ bầu có thể bị căng tức bụng, cơ thể mệt mỏi kéo dài
Mẹ bầu có thể bị căng tức bụng, cơ thể mệt mỏi kéo dài

Nước ối quá nhiều có gây nguy hiểm không?

Thực tế cho thấy, bất kỳ bất thường sản khoa nào cũng rất nguy hiểm, phụ thuộc vào tính chất mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Đa ối xuất hiện càng sớm, lượng nước ối nhiều thì rất nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, mẹ bầu nên đi khám ngay.

Những rủi ro mà mẹ bầu cùng thai nhi có thể gặp phải khi bị đa ối có thể kể đến như:

  • Tăng nguy cơ vỡ màng ối sớm ở mẹ.
  • Ngôi thai không thuận, tăng nguy cơ sinh ngôi mông.
  • Bong rau thai.
  • Sa dây rốn.
  • Thai nhi khó phát triển, dễ gặp vấn đề về khung xương.
  • Mẹ dễ sinh non, cơ thể bé chưa hoàn thiện.
  • Tăng nguy cơ mẹ bị băng huyết sau sinh vì tử cung bị chèn ép, khó co lại như bình thường.
  • Có thể gặp tình trạng thai chết lưu (nên đình chỉ thai nghén nặng ở tuần 20 – 24 của thai kỳ).

Các phương pháp chẩn đoán đa ối

Khi nhận thấy có những dấu hiệu của bệnh, bác sĩ sẽ xem xét các tiền sử y khoa, khám lâm sàng và thực hiện một số kỹ thuật như siêu âm xác định thể tích nước ối cũng như củng cố kết quả nguyên nhân của bệnh.

Chọc ối là một trong những phương pháp xác định tình trạng đa ối
Chọc ối là một trong những phương pháp xác định tình trạng đa ối

Một số xét nghiệm được thực hiện cho mẹ bầu bao gồm:

  • Chọc ối: Bác sĩ dùng mẫu nước ối có chứa tế bào thai nhi cùng các hóa chất khác nhau ở tử cung để làm xét nghiệm.
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ: Xét nghiệm này dùng để sàng lọc các nhiễm sắc thể của em bé. Các tế bào này lấy ra từ mẫu nước ối trong quá trình chọc ối hoặc một mô nhỏ từ nhau thai.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose: Đây là xét nghiệm để sàng lọc bệnh tiểu đường trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ đường trong máu trong 3 giờ (3 lần), nếu có 2 lần đọc cao hơn bình thường thì bạn đã mắc bệnh và cũng có thể là nguyên nhân gây đa ối.

Bác sĩ cũng có thể thực hiện siêu âm hàng tuần để đo được mức nước ối đồng thời kiểm tra sức khỏe của thai nhi,

  • Nonstress test: Phương pháp này kiểm tra nhịp tim của bé khi di chuyển.
  • Trắc đồ sinh vật lý: Giúp xác định chính xác thông tin về hơi thở, tần số cũng như chuyển động của bé và nước ối trong tử cung người mẹ.
  • Siêu âm Doppler: Siêu âm này giúp cung cấp chi tiết về tuần hoàn máu của thai nhi.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện chẩn đoán phân biệt vì những triệu chứng bụng to, khó thở,… Các phương pháp đó là:

  • Chửa trứng: Được dùng trong giai đoạn thai nhi nhỏ. Trong chửa trứng thực ra cũng có tình trạng tình trạng tử cung to hơn tuổi thai nên bác sĩ sẽ phân biệt qua hình ảnh ruột bánh mì trong buồng tử cung, có túi thai hoặc không.
  • Cổ trướng: Bệnh nhân có cổ trướng thường bị to bụng, căng bụng. Siêu âm thấy dịch tự do ổ bụng nhiều, cổ trướng diến nhanh ở bệnh nhân xơ gan, ung thư gan.
  • Bàng quang nhiều nước tiểu: Khi cho bệnh nhân đi tiểu hết thì khám sẽ thấy thai nhi bình thường trở lại, tình trạng này không quá nguy hiểm.
  • Thai to: Thai quá to cũng gây tình trạng tử cung to hơn tuổi thai. Nhưng khi sờ nắn, nghe tim thai sẽ rất dễ, không khó như khi bị đa ối. 
  • Chửa đa thai: Mẹ bầu chửa đa thai cũng có dấu hiệu nhầm lẫn với đa ối đó là tử cung to, phù sớm, khó thở,… Tuy nhiên chẩn đoán phân biệt thấy rõ có đa thai trong tử cung (nhưng cũng có trường hợp vừa đa thai và vừa bị đa ối).

Các phương pháp chữa trị nước ối nhiều an toàn

Điều trị đa ối như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Những cách như nghỉ ngơi, dùng thuốc lợi tiểu hay hạn chế uống nước thường không có nhiều hiệu quả và không được khuyến khích sử dụng.

Tùy theo mức độ đa ối mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp
Tùy theo mức độ đa ối mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp

Thay vào đó, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp điều trị sau đây:

Đa ối cấp tính

  • Chọc ối: Mục đích là giảm những triệu chứng hô hấp và chỉ có tính chất tạm thời.
  • Đình chỉ thai nghén bằng cách chuyển dạ: Nếu thai nhi dị tật, có những bất thường thì bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp điều trị, trong đó có đình chỉ thai nghén.

Đa ối mãn tính

  • Điều trị nội khoa: Chủ yếu dùng Indomethacin để xử lý. Thuốc giúp giảm lượng dịch ối tiết ra, tăng tái hấp thu nước ối và giảm nước tiểu của thai nhi. Liều dùng khuyến cáo là 1,5-3mg/kg/ngày.
  • Bấm ối khi sinh: Bác sĩ chủ động bấm ối để giảm căng tử cung, giúp chuyển dạ dễ hơn, hạn chế bong rau non cũng như sa dây ối. Bác sĩ cần thực hiện thận trọng, dùng kim để dịch ối chảy ra từ từ, tránh chảy ra quá ồ ạt và phải chuẩn bị sẵn sàng mổ lấy thai nếu có tai biến xảy ra.

Lời khuyên cho những mẹ bầu bị đa ối

Khi mang bầu, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau để tránh bị đa ối cũng như khi gặp thì không quá nguy hiểm.

  • Nếu tình trạng đa ối nhẹ thì không cần quá lo lắng, nên đi khám thường xuyên để được bác sĩ tư vấn.
  • Ăn uống đầy đủ, đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống vừa nước, giảm muối trong quá trình ăn.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế stress, làm việc quá sức.
  • Khám thai định kỳ, làm xét nghiệm sàng lọc theo chỉ định để phòng tránh đa ối.
Mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ để sớm xác định những bất thường sản khoa liên quan
Mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ để sớm xác định những bất thường sản khoa liên quan

Tình trạng đa ối là một bất thường sản khoa vô cùng nguy hiểm cần đặc biệt chú ý để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu cũng như thai nhi. Do vậy, việc phát hiện sớm, điều trị theo đúng hướng dẫn là vô cùng cần thiết để giúp cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.

Bài viết liên quan