Nước ta được thiên nhiên ban tặng thảm thực vật phong phú với nhiều cây thuốc nam quý giúp điều trị bệnh, bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay do nhu cầu khai thác và sử dụng tăng cao, nhiều thảo dược ngày càng khó kiếm. Việc tìm hiểu, nuôi dưỡng, sử dụng đúng cách các cây dược liệu này là rất cần thiết.

Cây thuốc nam quý dùng chữa nhiều bệnh
Cây thuốc nam quý dùng chữa nhiều bệnh

Thuốc nam là gì?

Ngày nay, song song với y học hiện đại thì y học cổ truyền vẫn tồn tại và có nhiều ưu thế trong khám, điều trị những bệnh lý mãn tính. Nhắc đến y học cổ truyền, không thể không nói tới những khái niệm như thuốc Nam, thuốc Bắc hay thuốc Đông y.

Vậy thuốc Nam là gì? Theo thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Lê Phương, nguyên Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện YHCT Hà Đông: Thuốc Nam là cách gọi để nói về những cây dược liệu, những vị thuốc sinh trưởng và phát triển tại Việt Nam. Cách gọi này để phân biệt với dược liệu có nguồn gốc từ phương Bắc (thuốc Bắc), hay thảo dược từ Trung Quốc. Cả thuốc Nam và thuốc Bắc đều là dược liệu sử dụng trong điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe của y học phương Đông (Đông y).

Thuốc Nam hầu hết là những cây thuốc dễ kiếm, dễ tìm, có thể mọc hoang dại ở những khu vực đồng bằng, núi rừng hay được quy hoạch, trồng trọt chuyên canh.

Ở Việt Nam, trước khi có sự du nhập và phát triển của Tây y thì những bài thuốc Đông y, đặc biệt là thuốc Nam luôn là “cứu cánh” của người dân Việt, giúp ích cho mọi người rất nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh. Bên cạnh những bài thuốc nam cổ phương đã được ghi chép trong nhiều y điển, chúng ta còn có kho tàng những bài thuốc dân gian vô cùng quý giá. Những bài thuốc được người dân sử dụng và đúc kết lại kinh nghiệm đó được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành những bài thuốc quý mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe.

Cách phân loại những cây thuốc nam quý theo y học cổ truyền

Cũng giống như thuốc Bắc, những cây thuốc nam dù quý và tốt đến đâu cũng có chứa một phần độc tính. Tùy thuộc vào khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, cách chăm sóc mà dược tính, độc tính của mỗi loại dược liệu sẽ khác nhau.

Vì vậy, ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm và phân loại những cây thuốc nam quý thành các nhóm khác nhau để tiện trong việc sử dụng, bào chế và chữa bệnh. Dưới đây là một số cách phân loại phổ biến, thường gặp nhất:

Phân loại các cây thuốc nam theo thuyết âm dương

  • Dược liệu có tính âm (Âm dược): Đây là những cây thuốc quý có tính trầm, mát, mặn, giáng lạnh, chua, đắng, dùng trị những bệnh thuộc dương chứng
  • Dược liệu có tính dương (Dương dược): Là những cây thuốc nam có tính phù, thăng, nhạt, cay, ngọt, ấm, nóng, trị những bệnh thuộc âm chứng.
Cây thuốc nam có thể phân loại theo âm dương ngũ hành
Cây thuốc nam có thể phân loại theo âm dương ngũ hành

Phân loại thuốc Nam theo thuyết ngũ hành

Theo thuyết âm dương ngũ hành, mỗi hành sẽ tương ứng với một vị, màu sắc, đặc tính khác nhau. Dựa vào đó, những thầy thuốc Đông y đã phân loại dược liệu ra theo màu sắc, vị để có cách áp dụng trị bệnh phù hợp:

Về màu sắc dược liệu: Màu đỏ trị huyết, tâm; màu xanh đi vào can; màu vàng trị bệnh tiêu hóa, màu đen trị bệnh thận, màu trắng trị phế

Theo mùi vị dược liệu:

  • Cay: Được dùng trị bệnh thuộc về biểu, khí huyết ngừng trệ, ra mồ hôi, tán phong hàn, giảm đau, chống cho thắt, tiêu ứ hoạt huyết
  • Đắng: Tác dụng của nhóm cây thuốc nam có vị đắng là chỉ tả, táo thấp (giảm tiết xuất), thường dùng cho chứng thấp nhiệt.
  • Ngọt: Đây là dược liệu có tác dụng bổ dưỡng, chữa chứng hư, giải độc, hòa hoãn cơm đau.
  • Chua: Đây là dược liệu có tác dụng cố sáp (chống tiết xuất làm khô), thu liểm, dùng chữa chứng ra mồ hôi, sáp – niệu, cố tinh
  • Mặn: Là dược liệu có tác dụng làm mềm chất ứ đọng, táo kiết (khó tiêu, táo bón…), có tác dụng làm tẩy xổ.
  • Đạm (Không vị): Đây là cây thuốc quý có tác dụng lợi tiểu

Phân loại cây thuốc nam theo bát pháp

Đây là cách phân loại các cây thuốc quý theo tác dụng, cụ thể như sau:

  • Thuốc thanh: Là cây thuốc có khả năng làm mát cơ thể, dùng cho chứng viêm nhiễm, sốt, giải độc cơ thể, thanh nhiệt
  • Thuốc ôn: Sử dụng trị các bệnh như lạnh ở tỳ vị, lạnh do suy giảm khả năng tuần hoàn
  • Thuốc hản: Đây là thuốc có khả năng làm ra mồ hôi
  • Thuốc tiêu: Là những cây thuốc có khả năng làm tiêu giảm những cục, hòn nổi lên trên cơ thể, tiêu viêm, tiêu ứ, hóa tích
  • Thuốc hạ: Là những cây thuốc nam có khả năng tẩy xổ, trị bệnh táo bón, khó tiêu
  • Thuốc thổ: Là cây thuốc có khả năng gây nôn, nhằm tống tháo những chất có trong dạ dày ra ngoài.
  • Thuốc hỏa: Đây là thuốc dùng điều hòa nóng lạnh cho cơ thể, dùng khi bị sốt rét hoặc bệnh bán biểu bì bán lý.

Phân loại cây thuốc nam theo Bản thảo

Trong Thần nông bản thảo ghi chép về hơn 365 cây thuốc, phân loại thành 3 nhóm chính gồm:

  • Thuốc thượng phẩm: Là những cây thuốc quý sử dụng không có độc tính
  • Thuốc trung phẩm: Là những dược liệu có tác dụng trị bệnh, nhưng có chứa 1 phần độc tính
  • Thuốc hạ phẩm: Đây là những cây thuốc nam có tác dụng trị bệnh nhưng độc tính cao.

Phân loại cây thuốc nam theo dược lý

Dựa trên dược lý của cây thuốc, người ta phân ra thành 10 loại gồm:

  • Thuốc bổ: Cây thuốc chữa suy yếu
  • Thuốc thông: Cây thuốc nam chữa ứ, trệ
  • Thuốc kinh: Cây thuốc quý chữa các chứng thực
  • Thuốc sáp: Cây thuốc nam quý chữa chứng thoát, lỏng
  • Thuốc táo: Dược liệu cchữa chứng ẩm thấp
  • Thuốc tuyên: Cây thuốc chữa ngăn, uất
  • Thông tiết: Chữa chứng bế
  • Thuốc trọng: Thuốc chữa chứng bất an, khiếp sợ
  • Thuốc hoạt: Cây thuốc nam quý chữa chứng táo, kết
  • Thuốc thấp: Dược liệu chữa chứng khô táo
Cây thuốc nam quý được phân loại khác nhau tùy theo mỗi tiêu chí
Cây thuốc nam quý được phân loại khác nhau tùy theo mỗi tiêu chí

Ngoài những cách phân loại kể trên, cây thuốc nam còn được phân loại theo một số tiêu chí khác như:

  • Phân loại theo dạng bào chế: Sẽ gồm thuốc dạng thang, thuốc bột tán, thuốc viên hoàn, thuốc tễ, thuốc dạng cao
  • Phân loại cây thuốc nam theo đặc điểm: Loại ngũ cốc và hạt, loại củ, loại quả, loại thân, loại rau, họ ngũ gia bì, họ á phiện…
  • Phân loại theo dược lý cây thuốc: Thuốc tẩy xổ, thuốc nhuận gan mật, thuốc hạ nhiệt, thuốc long đởm, thuốc ho, thuốc tiêu viêm,…

Cách điều chế cây thuốc nam quý để nâng cao dược tính

Những cây thuốc nam sau khi được thu hái có thể được sơ chế, bào chế theo nhiều cách khác nhau. Tựu chung lại, thầy thuốc Đông y thường dùng 3 phương pháp cơ bản sau:

  • Phương pháp hỏa chế (dùng lửa)
  • Phương pháp thủy chế (dùng nước)
  • Phương pháp thủy hỏa hợp chế – nhiệt ẩm (kết hợp nước – lửa)

Tùy vào đặc tính của mỗi loại dược liệu, cây thuốc mà các thầy thuốc sẽ áp dụng cách bào chế khác nhau, sao cho thu được thành phẩm là những vị thuốc nam có tác dụng tối ưu nhất trong điều trị bệnh.

Mục đích của việc sơ chế, điều chế cây thuốc nam nhằm thu được thuốc phiến (hay còn gọi là thuốc chín). Sau đó, những vị thuốc này sẽ được mang vào ứng dụng trong điều trị bệnh bằng cách điều chế thuốc thành các dạng khác nhau như:

  • Thuốc thang
  • Thuốc chè
  • Thuốc bột (tán)
  • Thuốc viên (hoàn, đơn, đan)
  • Thuốc cao
  • Thuốc rượu (dùng ngâm rượu)
Ngâm rượu là một trong những cách điều chế thuốc nam thường gặp
Ngâm rượu là một trong những cách điều chế thuốc nam thường gặp

Quy trình điều chế cây thuốc nam thường trải qua 4 bước chính gồm:

  1. Sơ chế cây thuốc nam để làm sạch cây thuốc, thu giữ bộ phận dùng làm thuốc để các thành phần, hoạt chất trong cây thuốc giữ được độ tinh khiết, ổn định.
  2. Làm sạch cây thuốc bằng cách rửa hoặc sàng, sẩy để loại bỏ tạp chất
  3. Lựa chọn bộ phận phù hợp dùng làm thuốc, loại bỏ những phần dư thừa như gai, gốc, mắt, hột, rễ, lông, vỏ…
  4. Làm khô dược liệu theo các cách như phơi trong điều kiện tự nhiên, phơi nắng, phơi âm can (phơi ở nơi mát, có độ ẩm  thấp và lưu thông không khí), phơi sương, sấy nhiệt, sấy thăng hoa, sấy bức xạ…
  5. Điều chế cây thuốc theo các phương pháp như thủy chế, hỏa chế, kết hợp, sao vàng, hạ thổ, rang cháy, ngâm, ủ, sao tẩm, chưng cất…

Tác dụng của các cây thuốc nam quý ra sao?

Tùy thuộc vào từng nhóm dược liệu, liều lượng sử dụng, cách điều chế mà những cây thuốc nam quý sẽ mang lại những tác dụng khác nhau cho sức khỏe người sử dụng. Một số tác dụng phổ biến phải kể đến như:

  • Hoạt huyết, dưỡng khí
  • Tăng cường, bồi bổ chính khí
  • Tăng cường sức đề kháng, thể trạng, sức khỏe
  • An thần, dưỡng tâm
  • Tiêu viêm, giảm sưng, giảm phù nề
  • Thanh nhiệt, giải độc, thanh lọc cơ thể
  • Bổ gan, dưỡng huyếg
  • Đào thải độc tố
  • Cường dương, bổ thận
  • Ích tủy sinh tinh
  • Giảm đau nhức, phục hồi, tăng cường tái tạo dịch nhờn cho khớp…

Khi sử dụng cây thuốc nam trị bệnh, tác dụng đem lại thường chậm. Vì vậy đòi hỏi người dùng phải sử dụng trong thời gian lâu dài, kiên trì để nhận được hiệu quả điều trị bệnh như ý.

15 cây thuốc nam quý thường dùng để chữa bệnh

Từ xa xưa, người Việt Nam đã biết sử dụng các cây thuốc nam để trị bệnh trong đó có nhiều loài quý hiếm cần được bảo tồn. Dưới đây là danh sách những cây thuốc có tác dụng tốt, thường được sử dụng trong các bài thuốc.

1. Sâm Ngọc Linh – Cây thuốc quý hiếm của Việt Nam

Sâm Ngọc Linh là một trong 5 loại nhân sâm đặc biệt nhất thế giới. Loại sâm này được phát hiện vào năm 1973 bởi dược sĩ Đào Kim Long. Được dùng trong nhiều bài thuốc nên rất nhiều người tìm kiếm Sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, cây này lại phát triển rất chậm nên sau nhiều năm khai thác, nó gần như đã cạn kiệt trong tự nhiên.

Sâm Ngọc Linh - Cây thuốc quý của nước Nam
Sâm Ngọc Linh – Cây thuốc quý của nước Nam

Đặc điểm mô tả

Sâm Ngọc Linh thường mọc ở miền Trung nước ta. Lá sâm có hình chân vịt, có răng cưa. Cây có 1 cụm hoa màu đỏ tươi mọc dưới tán.

Tính vị, công năng: Theo Đông y, loại cây này có vị đắng, không độc quy kinh vào tâm, thận.

Công dụng

Người ta thường lấy phần rễ cây Sâm Ngọc Linh làm thuốc là chủ yếu. Dược liệu quý này được dùng để:

  • Hỗ trợ điều trị cho các trường hợp bị suy yếu hệ miễn dịch, cơ thể ốm yếu.
  • Hỗ trợ điều trị ung thư bướu và phòng ngừa các bệnh về ung thư.
  • Dùng cho người già gia tăng sức khỏe, chống lão hóa, thêm tuổi thọ.
  • Đối với bệnh về gan: Ngăn ngừa bệnh xơ gan, cải thiện chức năng gan và giải độc cho gan.
  • Đối với bệnh tim mạch: Điều hòa hoạt động của hệ tim mạch. Giúp tạo nhiều hồng cầu, ngừa thiếu máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch…
  • Những người thường xuyên căng thẳng dùng Sâm Ngọc Linh có thể giải tỏa não bộ. Nhờ đó giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng lo âu, trầm cảm.
  • Sâm Ngọc Linh cũng có khả năng cải thiện nội tiết tố, chữa bệnh về sinh lý.
  • Trị bệnh viêm họng hạt và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
  • Chứa kháng sinh tự nhiên có tác dụng chữa bệnh tiểu đường.

2. Sâm cau – Vị thuốc quý trong Đông y

Cây sâm cau còn gọi là Ngải Cau hay Tiên Mao, mọc ở rừng núi miền Bắc nước ta. Hiện nay, loại cây này vẫn được tìm thấy ở các tỉnh như Lào Cai, Điện Biên…

Đặc điểm mô tả: Cây có lá xanh, hoa vàng. Sâm cau đen có rễ màu đen, Sâm cau đỏ thì thân củ màu đỏ.

Tính vị, công năng: Có tính ấm, vị cay hơi độc có tác dụng bổ thận, mạnh gân cốt, ôn khí, tán ứ đi vào kinh thận.

Hoa cây sâm cau màu vàng
Hoa cây sâm cau màu vàng

Công dụng:

Người ta thường sử dụng phần củ cây sâm cau để làm dược liệu. Cây thuốc này có tác dụng chữa các bệnh:

  • Về sinh lý nam: Yếu sinh lý, liệt dương, bệnh lậu, tinh khí lạnh, tăng sinh tinh và khả năng tình dục.
  • Bệnh sinh lý nữ: Tử cung lạnh, điều hòa kinh nguyệt.
  • Kiện gân cốt, trị chứng nhức mỏi xương khớp.
  • Các công dụng khác: Chống lão hóa, chữa viêm ngứa trên da, hen suyễn và tăng cường hệ miễn dịch.

3. Ngọc cẩu – Cây thuốc nam quý

Loại cây này còn có tên gọi khác là củ ngọc núi, nấm ngọc cẩu, hoa đất, ký sinh hoàn… Hiện có đến 20 loài Ngọc Cẩu mọc ở vùng núi châu Á, trong đó có 2 loại nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Nấm ngọc cẩu là cây thuốc quý nhiều tác dụng
Nấm ngọc cẩu là cây thuốc quý nhiều tác dụng

Đặc điểm mô tả: Ngọc Cẩu sống ký sinh lâu năm trên các cây thân gỗ tán rộng. Loại cây này có phần thân hình chóp trồi ra ngoài giống như nấm nên được gọi là nấm. Ruột cây có thể có màu vàng hoặc tím, đỏ tùy loại.

Tính vị, công năng: Thân cây có có tính ôn, vị hơi chát hậu ngọt.

Công dụng:

Người ta dùng loại cây này để chữa nhiều bệnh như:

  • Bệnh về sinh lý nam: Rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, liệt dương, di tinh, yếu sinh lý… Một số nơi còn dùng nấm ngọc cẩu làm thuốc kích dục.
  • Bệnh đau mỏi ở hệ xương, đặc biệt là ở các khớp ngón tay, chân.
  • Các bệnh về não như an thần, khả năng lưu trữ thông tin của não bộ…

Ngoài ra, cây này còn được dùng để làm thuốc bổ, kích thích ăn ngon, dùng cho phụ nữ sau sinh, người ốm yếu…

4. Cây thuốc nam quý: Hoàng liên chân gà

Loại cây này mọc nhiều ở miền Bắc nước ta, là thảo dược đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hoàng liên chân gà càng nhiều tuổi thì càng có giá trị cao. Trong các bài thuốc, người ta còn dùng các tên gọi khác để chỉ vị thuốc này như: Vương liên, Chi liên, Nhã liên. Châu xuyên liên…

Đặc điểm mô tả: Là loại cây rễ cọc có độ cao khoảng 30cm, dáng như chân gà. Lá cây mọc so le với nhau, hoa và quả chín màu vàng. Bên trong thân và rễ cũng vàng.

Tính vị, công năng: Theo Đông y, hoàng liên chân gà có vị đắng, tính hàn dùng để thanh nhiệt giải độc, thấp táo.

Công dụng:

Người ta sử dụng phần rễ cây trị các bệnh sau đây:

  • Bệnh do virus, vi khuẩn gây nên: Miệng lở loét, đau mắt đỏ, lẹo mắt, viêm da dị ứng, mụn nhọt, viêm họng…
  • Các chứng bệnh về tinh thần như phiền não, stress, giúp người bệnh an thần.
  • Làm giảm các biến chứng do tiểu đường và bệnh huyết áp…
  • Ngoài ra, cây thuốc này còn có tác dụng giải độc, tiêu khát, hoa mắt, đau bụng…

5. Ba kích – Cây thuốc nam quý trị nhiều bệnh

Ba kích còn có các tên gọi khác là Thao tày cáy, sáy cáy, chồi hoàng kim, chày kiằng đòi… Đây là loại cây dược liệu ngắn ngày, nhưng vẫn có khả năng bị tuyệt chủng do việc khai thác quá đà.

Ba kích loại cây làm thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe
Ba kích loại cây làm thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe

Đặc điểm mô tả: Cây thường mọc thành bụi, dạng thân leo, lá cây màu xanh, có quả ở kẽ lá. Củ ba kích màu vàng, không thẳng mà có nhiều điểm thắt.

Tính vị, công năng: Ba kích có vị cay ngọt, tính khá ôn, quy vào thận giúp trừ phong thấp, kiện gân cốt, bổ thận…

Công dụng:

  • Cải thiện khả năng tình dục: Tăng sinh lực, nhu cầu giao hợp cho các trường hợp yếu sinh lý. Cây thuốc này cũng được dùng để chữa bệnh rối loạn kinh nguyệt và hỗ trợ điều trị vô sinh.
  • Bồi bổ sức khỏe cho người già, người kém ăn, cơ thể gầy yếu, mất ngủ, uể oải.
  • Chữa các bệnh về xương khớp như đau lưng, mỏi gối, gân cốt mềm…
  • Hỗ trợ điều trị ung thư và tăng cường hệ miễn dịch.

6. Cây thuốc quý: Tam thất

Đây là loài thực vật có hoa, còn gọi là kim bất hoán, điền thất nhân sâm, mọc cả ở Việt Nam và Trung Quốc.

Đặc điểm mô tả: Lá cây mọc theo vòng, khoảng 3 – 4 lá. Cụm hoa đơn tính hoặc lưỡng tính, cánh hoa xanh nhạt.

Tính vị, công năng: Tam thất có vị ngọt đắng, tính ôn giúp chỉ huyết, tiêu thũng, tán ứ, bồi bổ cơ thể.

Tác dụng:

Người ta thường lấy rễ cây này để làm thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau như:

  • Bệnh liên quan đến máu: Thổ huyết, thiếu máu, đại tiện ra máu, bệnh hậu sản, chảy máu cam, tụ huyết gây sưng đau, cầm máu ở vết thương…
  • Ngoài ra nó còn dùng để hỗ trợ điều trị ung thư máu, ung thư tuyến vú.
Một loại hoa tam thất
Một loại hoa tam thất

7. Hà thủ ô đỏ – Cây thuốc quý ở miền Bắc

Hà thủ ô đỏ mọc cả ở Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, và miền Bắc Việt Nam. Từ lâu loại cây này đã được đưa vào sử dụng trong các bài thuốc gia truyền.

Đặc điểm mô tả: Cây có dạng thân leo màu tím đỏ, lá hình trái tim, hoa màu trắng, 5 cánh, quả có 3 cạnh. Củ Hà thủ ô đỏ có vỏ màu nâu, bên trong mà đỏ

Tính vị, công năng: Hà thủ ô đỏ có tính ấm, vị đắng chát.

Công dụng:

Người ta dùng Hà thủ ô đỏ để:

  • Làm thuốc bổ máu, đen tóc, cải thiện chức năng thần kinh.
  • Kích thích hệ tiêu hóa, co bóp ruột, giúp cơ thể hấp thu, chuyển hóa chất tốt hơn.
  • Cải thiện nội tiết tố nữ, tác dụng lên nội mạc tử cung.
  • Ngoài ra, nó còn hữu ích với những người bị xơ vữa động mạch, thừa lipid máu…

8. Hà thủ ô trắng – Cây thuốc nam quen thuộc trị được “bách bệnh”

Hà thủ ô trắng mọc ở vùng trung du và núi thấp khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Loại cây này còn được gọi là Dây sừng bò, Mã liên An, Vú bò…

Đặc điểm mô tả: Cây mọc dưới dạng dây leo. Tất cả các bộ phận của cây đều có mủ trắng. Hoa màu vàng hoặc nâu nhạt, quả hình thoi. Bên trong củ có màu trắng như lõi củ sắn,

Tính vị, công năng: Hà thủ ô trắng có tính mát, vị đắng.

Công dụng:

Người ta thường lấy phần củ để chữa một số bệnh như sau:

  • Bệnh về tim mạch: Ngăn ngừa và làm giảm xơ cứng động mạch, tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ điều trị hiện tượng tim đập nhanh.
  • Bệnh do vi rút, vi khuẩn gây ra: Hà thủ ô trắng có tác dụng ức chế hoạt động của trực khuẩn lao, khuẩn lî Flexner và các virus gây cúm.
  • Giải nhiệt trong cơ thể, chữa sốt rét, sốt nóng.

Ngoài ra, loại cây này còn được dùng để giảm cholesterol trong máu, nhuận tràng, chống lão hóa, dùng làm thuốc bổ thận, bổ gan và máu.

9. Mật gấu – Cây thuốc nam quý chữa nhiều bệnh

Cây mật gấu hay còn gọi lá đắng, hoàng liên ô rô, mọc tự nhiên ở miền núi phía Bắc nước ta.

Đặc điểm mô tả: Lá cây giống hình lông chim, màu xanh, phần đầu của lá hơi nhọn. Chiều cao tối đa của thân cây lên đạt khoảng 4 – 6m.

Tính vị, công năng: Cây có vị đắng, tính mát quy vào vị tâm can, thanh nhiệt, hạ huyết

Công dụng:

Cây mật gấu chữa bệnh gì tốt?
Cây mật gấu chữa bệnh gì tốt?
  • Người ta thường dùng loại cây này để trị các bệnh đường tiêu hóa, bệnh xương khớp, béo phì….Uống nước lá đắng cũng có tác dụng làm mát gan, giải rượu, tăng cường hệ miễn dịch.
  • Ở Ấn Độ, cây lá đắng được dùng để chữa bệnh viêm vú, hỗ trợ điều trị HIV.
  • Tại Congo người dân lấy lá và phần vỏ rễ của cây để chữa bệnh viêm gan, viêm dạ dày, kiết lỵ…
  • Khu vực Tây và Nam Phi thì dùng rễ cây chữa bệnh hiếm muộn, nhiễm trùng da và rối loạn kinh nguyệt cho nữ.

10. Cây ráy gai – thuốc nam chữa bệnh

Ráy gai còn được gọi là rau chân vịt, củ chóc, khoai sọ gai… Loại cây này mọc phổ biến ở hầu hết các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Quả ráy gai có mắt như quả na
Quả ráy gai có mắt như quả na

Đặc điểm mô tả: Đây là cây thân cỏ, thường mọc ở khu vực có nhiều nước. Toàn thân, cuống lá đều có gai. Hoa ráy gai có màu đỏ, quả có mắt như mắt na.

Tính vị, công năng: Rễ cây có tính ấm, vị cay có tác dụng tán ứ tiêu đờm, thanh nhiệt, giải độc, bình suyễn

Công dụng:

Ở Trung Quốc, malaysia người ta lấy cây ráy gai để chữa bệnh nước tiểu vàng đậm, ho. Người Indonesia thì dùng loại cây này cho bà đẻ, chữ các cơn đau thắt.

Tại Việt Nam. Ráy gai thường được dân gian dùng trong việc điều trị các bệnh :

  • Vàng da, viêm gan, suy gan.
  • Cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể sau khi bị sốt rét.
  • Chữa các hiện tượng chân tê buốt, lưng gối đau nhức.
  • Tiêu đờm, thanh nhiệt, giải độc.

11. Cây Bình vôi – Vị thuốc nam quý quen thuộc

Loại cây này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được đưa về Việt Nam sử dụng như một thảo dược quý. Hiện loại cây này được trồng tại các vùng núi đá vôi tại các tỉnh miền Bắc nước ta như Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Bình…

Đặc điểm mô tả: Phần củ bình vôi phình to, thân và cuống lá nhỏ. Lá cây màu xanh non, hình tròn.

Tính vị, công năng: Cây vị đắng ngọt, tính lương quy vào 2 kinh Can, Tỳ giúp an thần, trị mất ngủ, hạ huyết áp…

Cây bình vôi có phần củ phình to giống như cái bình
Cây bình vôi có phần củ phình to giống như cái bình

Công dụng:

Bình vôi là một trong những cây thuốc quý có khả năng an thần rất tốt. Ngoài ra, người ta cũng sử dụng cây này để chữa các bệnh khác như:

  • Bệnh đau đầu, ho hen, mất ngủ.
  • Giảm đau, kháng viêm, ổn định huyết áp.
  • Chữa bệnh đau dạ dày.
  • Tác dụng với người bị co thắt do tăng nhu động ruột.

12. Vàng đắng – Cây thuốc quý trong dân gian

Là một loại thảo dược quý có nguồn gốc ở Đông Nam Á và Nam Á, cây vàng đắng có giá lên đến gần 1 triệu/kg. Hiện nay, có rất nhiều người khai thác loại cây này, khiến nó ngày càng cạn kiệt trong tự nhiên.

Đặc điểm mô tả: Là cây thân leo, vỏ cây bóng, nhựa màu vàng. Vàng đắng thường mọc ở rừng hỗn hợp, đất có độ ẩm cao, giàu dinh dưỡng.

Tính vị, công năng: Cây có vị đắng, tính hàn quy vào kinh can, tỳ, phế tác dụng tiêu viêm giải độc.

Công dụng:

  • Người ta thường dùng cây vàng đắng để chữa trị khẩn cấp cho các trường hợp bị rắn độc cắn.
  • Loại cây này cũng có tác dụng rất tốt với những người bị bệnh tim mạch.
  • Điều trị bệnh viêm tai giữa có mủ
  • Trị bệnh viêm ruột, viêm dạ dày, bàng quang
  • Chữa đau mắt, chảy nước mắt thường xuyên, mắt sưng đo
  • Dùng làm thuốc chữa bệnh kiết lỵ

13. Cây thuốc rừng: Lan kim tuyến

Đây là một trong những cây thảo dược được cho là quý nhất thế giới. Kim tuyến xuất hiện ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

Đặc điểm mô tả: Vì kim tuyến mọc thẳng đứng, có hoa giống như bông lan nên được gọi là hoa lan trên cạn. Hoa của cây màu trắng, mọc thành chùm, nhụy hoa màu vàng dạng xoắn.

Tính vị, công năng: Loại cây này có vị ngọt chát, tính mát, quy vào kinh phế, tỳ, can, thận giúp giải trừ u uất, thanh nhiệt, dưỡng huyết

Công dụng:

  • Kim tuyến có khả năng trị các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản.
  • Người ta cũng dùng loại cây này để trị bệnh suy nhược hệ thần kinh và tăng cường sức khỏe.
  • Điều trị các bệnh ho, lao phổi
  • Chữa xương khớp, phong tê thấp
  • Trị bệnh dạ dày, tiểu đường,
  • Kháng khuẩn, kháng viêm
  • Chữa mất ngủ, stress

14. Mài – Loại cây thuốc nam quý có giá trị cao

Thường được tìm thấy ở các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Bình, Nghệ An…, củ mài không chỉ có tác dụng chữa bệnh mà còn đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.

Đặc điểm mô tả: Cây có dạng thân leo, lá hình trái tim, gân lá hình nan quạt, chóp lá nhọn. Hoa cây mài mọc thành từng cành, cánh hoa nhỏ ti. Quả của cây có 3 cạnh dẹt hợp với nhau như hình cánh quạt.

Tính vị, công năng: Củ mài có vị ngọt, tính bình, quy tỳ, tâm, phế, thận, tác dụng sinh tân dịch, bổ phổi, thận

Công dụng:

Người ta thường lấy phần củ của cây mài để làm thuốc. Dược liệu này có vị ngọt, tính bình, dùng để trị bệnh cho các trường hợp sau:

  • Người ho hen, khó tiêu, suy nhược cơ thể, ăn uống kém.
  • Trường hợp bị bệnh đường huyết, tiểu rắt, tiểu tháo kèm triệu chứng khát nước.
  • Phụ nữ bị ra khí hư, nam giới bị di tinh…

15. Chó đẻ răng cưa: Cây thuốc của người Việt

Dược liệu này thường mọc như cỏ dại ở vùng biển. Vì có nhiều công dụng hữu ích nên nó đã được người dân trồng nhiều để bán.

Đặc điểm mô tả: Lá cây mọc đối xứng trên cành giống như lá rau ngót nhưng nhỏ hơn. Quả của cây này mọc ở phía dưới cành, ngay giữa các lá đối xứng nhau.

Tính vị, công năng: Chó đẻ răng cưa có vị đắng ngọt, tính mát.

Hình ảnh cây chó đẻ răng cưa
Hình ảnh cây chó đẻ răng cưa

Công dụng:

  • Cây chó đẻ răng cưa được dùng để sát trùng cho các trường hợp bị mụn nhọt, lở loét.
  • Trị hiện tượng sưng đau do côn trùng đốt.
  • Điều hòa kinh nguyệt và lợi sữa cho phụ nữ nuôi con.
  • Hỗ trợ điều trị viêm gan B cấp tính, ngừa ung thư.
  • Lợi tiểu, trị các chứng đi tiểu phân loãng, viêm đường ruột…

Một số lưu ý khi sử dụng cây thuốc nam quý chữa bệnh

Các loại thảo dược quý ở nước ta mọc ở hầu hết vùng trung du và miền núi. Một số loại cây được tìm thấy ở vùng ven biển hoặc ven sông. Tất cả các dược liệu này đều có tác dụng chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng ta nên lưu ý những điều sau:

  • Không nên sử dụng bừa bãi nếu không biết rõ tác dụng, liều lượng và cách dùng thuốc.
    Cẩn trọng với một số loại cây có thể có độc.
  • Thuốc nam có thể chữa khỏi bệnh cho người này nhưng lại không đem lại tác dụng tốt cho người kia. Tùy vào cơ địa của từng người mà nên chọn loại thảo dược thích hợp.
  • Cẩn trọng khi dùng dược liệu cho các trường hợp phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
  • Nên hỏi ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng các dược liệu quý, bài thuốc để chữa bệnh.
  • Không nên khai thác quá mức các loại cây có nguy cơ bị tuyệt chủng.
  • Cần kết hợp trồng mới các dược liệu này để phục vụ nhu cầu chữa bệnh cũng như lợi ích kinh tế.
  • Để việc điều trị đạt hiệu quả cao, không lãng phí thuốc, người bệnh nên kết hợp với việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt cho phù hợp.

Các cây thuốc nam quý có thể dùng để chữa rất nhiều bệnh, trong đó có những bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng các loại cây này cần có chừng mực. Nên phát triển các vườn dược liệu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc cho người dân.

XEM THÊM:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bài viết liên quan