Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý khá nguy hiểm và có thể tiến triển thành mãn tính. Nhiều người bệnh gặp phải tình trạng này ở bàn chân, khớp tay hay khớp gối, khớp lưng. Vậy nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng là gì, làm sao để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất?

Tìm hiểu chung về bệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis). Đây là tình trạng tổn thương xương khớp ở thể mãn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể. Bệnh gây viêm và đau nhức xương, xơ cứng, sưng khớp ở các khớp tay, chân, gối. Bệnh có diễn biến khá phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến các khớp trong, khớp ngoài cũng như toàn thân.

Viêm khớp dạng thấp là tổn thương xương khớp ở thể mãn tính

Dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, các chuyên gia chia bệnh thành 4 giai đoạn. Cụ thể:

  • Giai đoạn 1: Màng trên của khớp bị viêm nhiễm gây ra tình trạng sưng đau tại khớp. Ngoài ra, những tế bào miễn dịch của cơ thể di chuyển đến vùng bị viêm khiến số lượng tế bào tăng cao bất thường trong dịch khớp.
  • Giai đoạn 2: Lúc này tình trạng sưng viêm ở mức độ vừa phải. Người bệnh sẽ có sự lan truyền và gia tăng nhanh chóng của tình trạng viêm trong mô. Sự phát triển của các mô xương cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sụn khớp, khoang khớp. Sụn khớp sẽ dần bị phá hủy và khớp bị thu hẹp vì không còn sụn.
  • Giai đoạn 3: Các khớp bị tổn thương, sụn khớp cũng mất đi và làm lộ xương dưới sụn. Người bệnh sẽ bị đau nhức khớp, khớp sưng tấy, cơ thể suy nhược, khả năng chuyển động khó khăn hơn, buổi sáng bị cứng khớp, các nốt sẩn dị dạng hình thành. Đây cũng là giai đoạn nặng nhất của bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Giai đoạn 4: Tình trạng viêm nhiễm ở khớp sẽ có dấu hiệu giảm đi. Mặt khác, các xương chùng và các mô xơ hình thành khiến các chức năng của khớp bị ảnh hưởng, thậm chí ngừng hẳn.

Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp có những biểu hiện đa dạng tại khớp, tại những cơ quan khác và toàn thân.

Biểu hiện của viêm khớp

Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sẽ có những dấu hiệu như:

  • Cứng khớp: Tình trạng này thường xảy ra vào buổi sáng sau khi thức dậy. Triệu chứng này sẽ kéo dài trên một giờ trước khi bệnh nhân cảm thấy các khớp mềm ra.
  • Sưng khớp: Các khớp bị sưng phù lên hoặc do tụ dịch quá nhiều.
  • Nóng da: Vùng da của khớp bị viêm sẽ có biểu hiện ấm hơn những vùng da không bị.
  • Đỏ da: Da có thể chuyển màu hồng nhạt hoặc chuyển thành màu đỏ.
  • Đau nhức: Tại các khớp người bệnh sẽ thấy đau nhức dữ dội. Nguyên nhân là do tình trạng viêm nhiễm khiến độ nhạy cảm của các khớp tăng cao khiến khớp trở nên căng cứng hơn, đau nhức hơn.

Khớp sưng đau ngày càng nặng

Triệu chứng ở những cơ quan xung quanh

Những cơ quan xung quanh khớp cũng có thể bị ảnh hưởng với những triệu chứng như sau:

  • Xuất hiện các nốt thấp nổi lên trên bề mặt da, không đau, không di động và có đường kính từ 5 – 20mm. Các nốt dính vào nền xương ở dưới, khớp khuỷu và đôi khi gây khó chịu cho bệnh nhân.
  • Một số trường hợp bệnh nhân bị viêm màng phổi không triệu chứng và cần điều trị cho những trường hợp nhịp thở ngắn lại.
  • Thanh quản có thể bị ảnh hưởng và gây khàn giọng.
  • Một số bệnh nhân bị viêm ngoài màng tim nhưng gặp ít triệu chứng. Thi thoảng người bệnh sẽ bị đau ngực, nhịp thở ngắn lại.
  • Khoảng 5% sẽ gặp những triệu chứng ở mắt gây đau mắt, khô mắt hoặc mắt đỏ.

Triệu chứng toàn thân

Ngoài những triệu chứng tại các cơ quan trong cơ thể, bệnh nhân sẽ gặp một số triệu chứng toàn thân như:

  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, trì trệ.
  • Chán ăn, mất ngủ, sụt cân.
  • Toàn thân trở nên đau, nhức mỏi.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các bao hoạt dịch – màng bao quanh các khớp. Điều này khiến chúng bị viêm và dày lên. Khi bệnh nặng hơn thì sụn cùng xương trong các khớp có thể bị phá hủy. Ngoài ra, các gân và dây chằng giúp giữ các khớp với nhau cũng bị giãn ra và suy yếu khiến khớp bị biến dạng, tính liên kết không còn.

Các nhà khoa học chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây rối loạn miễn dịch và viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, theo nhiều thống kê gần đây, yếu tố di truyền có thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Cụ thể là do một số gen trong khiến cơ thể trở nên nhạy cảm, nhất là khi có yếu tố môi trường tác động, cơ thể bị nhiễm virus, vi khuẩn và khiến bệnh khởi phát.

Biến chứng bệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể phá hủy và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niêm mạc khớp của người bệnh, gây đau nhức và sưng viêm trong thời gian dài. Thời gian dài có thể gây biến dạng khớp, xói mòn xương. Tình trạng này gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hoạt động thường ngày cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ngoài ra, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng ở miệng: Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc hội chứng Sjogren và gây rối loạn, giảm độ ẩm của miệng.
  • Biến chứng ở mắt: Bị khô mắt, nghiêm trọng hơn có thể gây mù lòa.
  • Nhiễm trùng: Do dùng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài để điều trị bệnh nên khả năng bị nhiễm trùng ở người bệnh cũng sẽ cao hơn bình thường.
  • Biến chứng về tiêu hóa: Dùng thuốc chống viêm để chữa bệnh có thể gây đau dạ dày, viêm loét dạ dày, ảnh hưởng đến ruột.
  • Bệnh về phổi: Người bệnh có nguy cơ bị chứng xơ sẹo phổi. Trong đó có hiện tượng tắc nghẽn đường dẫn khí nhỏ, gây viêm lớp niêm mạc hoặc tăng áp trong phổi.
  • Biến chứng về tim mạch: Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có nguy cơ bị bệnh tim mạch khá cao, trong đó nguy cơ đột quỵ cũng cao gấp 2 lần và nguy cơ bị đau tim cao gấp 2 – 3 lần thông thường.
  • Tổn thương thần kinh: Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp gặp tình trạng mất thăng bằng, đau cứng cổ sẽ có nguy cơ tổn thương thần kinh.
  • Viêm mạch máu: Mạch máu thường bị giảm kích thước, thu hẹp lại, yếu hơn gây cản trở đến sự lưu thông máu và gây viêm nhiễm.
  • Loãng xương: Khi dùng một số thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, mật độ xương có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc ít di chuyển, ít vận động cũng sẽ khiến xương yếu đi, tăng nguy cơ bị loãng xương.

Chẩn đoán bệnh viêm đa khớp dạng thấp

Thông thường, giai đoạn đầu của bệnh sẽ rất khó phát hiện và chẩn đoán. Khoảng thời gian này những triệu chứng khá mờ nhạt và có thể nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Đến giai đoạn thứ 2, 3 thì bác sĩ có thể đưa ra được kết luận chính xác về bệnh.

Các cách chẩn đoán bệnh như sau:

Dựa vào tiêu chuẩn của ACR (Hội thấp khớp học Hoa Kỳ) 1987

Tiêu chuẩn này được áp dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp ở nhiều quốc gia. Tiêu chuẩn này sẽ chính xác hơn nếu thời gian phát triển bệnh trên 6 tuần và có nhiều biểu hiện tại khớp.

  • Cứng khớp vào buổi sáng khi ngủ dậy, cơn đau kéo dài 1 giờ.
  • Viêm xảy ra ở 3 nhóm khớp: Tràn dịch hoặc bị sưng mềm tối thiểu 3 trong số 14 nhóm khớp của cơ thể. Gồm khớp cổ chân, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ tay, khớp ngon tay, khớp bàn ngón chân, ngón tay.
  • Viêm các khớp ở bàn tay: Hiện tướng ứng xảy ra tối thiểu ở một nhóm khớp trên tổng số hững khớp cổ tay, ngón gần, bàn ngón tay.
  • Hạt dưới da.
  • Viêm khớp đối xứng.
  • Dương tính với dạng thấp có trong huyết tương.
  • Dấu hiệu X quang: Chụp ở khớp cổ tay, bàn tay, khớp bị tổn thương thấy có bào mòn, hình khuyết đầu xương, mất chất khoáng đầu xương, khe khớp hẹp.

Chẩn đoán xác định: Bệnh được xác định khi có kết quả ≥ 4 tiêu chuẩn. Trong đó tiêu chuẩn từ 1 – 4 cần thường xuyên kiểm tra, diễn biến  ≥ 6 tuần và được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa.

Tiêu chuẩn của Liên đoàn chống thấp khớp Châu Âu và Hội thấp khớp học Mỹ 2010

Tiêu chuẩn này được áp dụng với những trường hợp sau đây:

  • Viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn sớm, dưới 6 tuần.
  • Thể ít khớp.
  • Đối tượng:
  • Viêm màng hoạt dịch khớp không đi kèm những bệnh lý khác.
  • Viêm màng hoạt dịch (ít nhất 1 khớp trên lâm sàng).

Biểu hiện tại khớp:

  • 1 khớp lớn: 0 điểm.
  • 2 – 10 khớp lớn: 1 điểm.
  • 1 – 3 khớp nhỏ, khớp lớn có thể có hoặc không có biểu hiện: 2 điểm.
  • 4 – 10 khớp nhỏ, khớp lớn có hoặc không có biểu hiện: 3 điểm.
  • Viêm trên 10 khớp, ít nhất 1 khớp nhỏ: 5 điểm.

Huyết thanh:

  • Anti CCP âm tính, RF âm tính: 0 điểm.
  • Anti CCP dương tính thấp, RF dương tính thấp: 2 điểm.
  • Anti CCP dương tính cao, RF dương tính cao: 3 điểm.

Yếu tố phản ứng pha cấp:

  • Tốc độ lắng máu tăng, CRP tăng: 1 điểm
  • Tốc độ lắng máu bình thường, CRP bình thường: 0 điểm.

Thời gian kéo dài triệu chứng:

  • <6 tuần: 0 điểm.
  • ≥6 tuần: 1 điểm.

Chẩn đoán xác định:

  • Dương tính thấp: Giới hạn cao của bình thường nhỏ hơn hoặc bằng 3 lần.
  • Dương tính cao: Giới hạn cao của bình thường lớn hơn 3 lần.

Cần thăm khám chẩn đoán bằng các biện pháp thích hợp

Xét nghiệm máu

Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sẽ có protein phản ứng C hoặc tốc độ lắng hồng cầu tăng. Những kết quả này cho thấy tình trạng viêm nhiễm xuất hiện trong cơ thể. Một số xét nghiệm máu khác cũng có thể chỉ định để tìm kiếm kháng thể peptide citrullated giúp chống cyclic và yếu tố thấp khớp.

Xét nghiệm hình ảnh

Người bệnh sẽ được yêu cầu chụp X quang để theo dõi tình trạng bệnh cũng như tiến triển của bệnh theo thời gian. Kết quả từ chụp X quang hay MRI cũng giúp bác sĩ xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh, các triệu chứng cũng như khả năng phát sinh những biến chứng.

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý sau:

  • Lupus ban đỏ: Bệnh gặp nhiều ở nữ giới trẻ tuổi và kèm những triệu chứng như sốt, tổn thương nhiều tạng, loét họng, suy thận,… Chẩn đoán bệnh dựa theo tiêu chuẩn ACR 1997.
  • Xơ cứng bì: Gặp nhiều ở nữ giới và biểu hiện bởi tình trạng đau khớp ở bàn tay. Chẩn đoán bệnh theo tiêu chuẩn ACR 1980 bệnh xơ cứng bì.
  • Thoái hóa khớp: Bệnh cũng gặp nhiều ở nữ giới, xét nghiệm máu và dịch khớp không có hội chứng viêm, yếu tố dạng thấp đa số âm tính.
  • Gút mạn tính: Gặp ở nam giới và gây ra tình trạng sưng đau ở bàn tay, chân đối xứng hai bên. Chẩn đoán bệnh theo tiêu chuẩn chẩn đoán 1968 của Wood và Bennett.
  • Thấp khớp cấp: Gặp nhiều ở người trẻ với biểu hiện là sưng đau khớp, viêm cấp tính,… Chẩn đoán theo tiêu chuẩn Jones được tiến hành cải tiến năm 1992.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Các chuyên gia cho biết những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ bị viêm đa khớp dạng thấp cao hơn:

  • Người hút thuốc: Thuốc lá không tốt cho sức khỏe và những chất độc hại trong thuốc lá có thể làm bùng phát bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Người thừa cân, béo phì: Cân nặng quá lớn sẽ khiến xương khớp phải chịu nhiều áp lực và dễ mắc bệnh (đặc biệt là nữ dưới tuổi 55).
  • Người cao tuổi: Bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, trong đó những người trung niên và người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt, phụ nữ cũng dễ bị bệnh hơn nam giới.
  • Phơi nhiễm môi trường: Các phơi nhiễm bên ngoài môi trường như amiang, silica có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhân viên cấp cứu, người tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn sẽ dễ gặp phải tình trạng này.
  • Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người bị viêm khớp thì bạn sẽ có thể bị mắc bệnh do yếu tố di truyền.

Người cao tuổi dễ mắc bệnh

Biện pháp phòng ngừa những biến chứng của bệnh

Trong quá trình điều trị, việc dùng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, bạn nên chú ý và tuân thủ theo những nguyên tắc sau để phòng ngừa:

  • Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần chủ động phát hiện những bất thường ở dạ dày. Tuy nhiên rất ít người nhận thấy triệu chứng lâm sàng nên cần dùng thuốc giảm tiết và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày kèm theo.
  • Để ngăn tình trạng loãng xương, người bệnh cần bổ sung vitamin D, canxi trong quá trình điều trị. Có thể dùng bisphosphonates nếu có nguy cơ loãng xương cao.
  • Bổ sung vitamin B12, sắt, acid folic để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
  • Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh, bạn cũng nên kiểm soát căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ để có hướng điều trị sớm (nếu mắc bệnh).

Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp

Có thể kết hợp các loại thuốc điều trị triệu chứng và thuốc chống thấp khớp ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Ngoài dùng thuốc, phẫu thuật cũng là phương pháp giúp điều trị bệnh.

Dùng thuốc chữa bệnh

Các thuốc điều trị đa số có thể dùng trong nhiều năm, thậm chí nhiều người phải dùng cả đời.

Glucocorticoid

Chỉ định: Dùng trong đợt tiến triển của bệnh khi chờ đợi thuốc điều trị cơ bản có hiệu quả hoặc trường hợp bị phụ thuộc corticoid.

Liều lượng và cách dùng:

  • Đợt tiến triển nặng: Truyền tĩnh mạch 80 – 125mg methyl predinisolon pha với 250ml dung dịch NaCl 0,9% trong 3 – 5 ngày. Sau đó duy trì uống 1,5 – 2mg/kg/24 giờ.
  • Đợt tiến triển thông thường: Dùng liều 1 – 1,5mg/kg/ 24 giờ. Giảm 10% mỗi tuần. Khi ở liều cao thì chia uống ⅔ buổi sáng, ⅓ buổi chiều. Nếu ở liều nhỏ hơn 40mg/ngày uống một lần vào 8 giờ sáng. Sau 1 – 2 tháng sử dụng có thể thay bằng thuốc chống viêm không steroid.
  • Trường hợp phụ thuộc corticoid: Duy trì liều 5 – 7,5ml/24 giờ.
  • Dùng glucocorticoid liều cao kéo dài: Dùng 1 – 2g kali clorua hoặc 2 – 4 viên kaleorid 600mg. Có thể dùng vitamin D 400 IU và 1g calci mỗi ngày.

Các loại thuốc Tây được dùng rất phổ biến

Thuốc chống viêm không chứa steroid

Chỉ định: Bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ và vừa phải, thay thế corticoid.

Sử dụng một trong các thuốc sau (không phối hợp các thuốc này):

  • Diclofenac viên 50g: 2 viên mỗi ngày sau khi ăn no, có thể dùng tiêm bắp 75mg mỗi ngày trong 2 – 3 ngày đầu.
  • Meloxicam viên 7,5mg: Dùng 1 – 2 viên mỗi ngày sau khi ăn no hoặc tiêm 15mg/ngày trong 2 – 3 ngày đầu khi người bệnh đau nhiều.
  • Piroxicam viên hoặc ống 20mg: Dùng uống 1 viên mỗi ngày hoặc tiêm ống trong 2 – 3 ngày đầu.
  • Celecoxib viên 200mg: Dùng liều 1 – 2 viên mỗi ngày và không dùng cho bệnh nhân bị bệnh tim mạch, người cao tuổi.

Thuốc giảm đau

Được dùng theo chỉ định của bác sĩ, gồm:

  • Paracetamol: 2 – 3g mỗi ngày chia uống 4 lần.
  • Paracetamol + Efferalgan Codein: 4 – 6 viên mỗi ngày.
  • Paracetamol + Di-antanvic: 4 – 6 viên mỗi ngày.
  • Floctaphenin (Idarac viên 200mg): Dùng 2 – 6 viên mỗi ngày nếu bệnh nhân bị tổn thương gan, suy gan.

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm

Thuốc Methotrexat:

  • Liều dùng: 10 – 20mg mỗi tuần dạng tiêm hoặc uống. Liều đầu khoảng 10mg, uống 4 viên vò một ngày trong tuần.
  • Chống chỉ định: Người bị hạ bạch cầu, suy gan thận, phổi tổn thương.
  • Tác dụng phụ: Loét miệng, nôn, buồn nôn, ngộ độc gan, tủy,…

Thuốc chống sốt rét tổng hợp:

  • Liều dùng: Hydroxychloroquin 200mg mỗi ngày hoặc Chloroquin 250mg liều 250mg/ngày.
  • Chống chỉ định: Bệnh nhân đang mang bầu, có tổn thương gan.
  • Tác dụng phụ: Chán ăn, nôn, sạm da, đau thượng vị, khô da, mắt tổn thương. Không dùng thuốc quá 6 năm.

Thuốc Sulfasalazin (Salazopyrin):

  • Chỉ định: Khi bệnh nhân có chống chỉ định với Methotrexat.
  • Liều dùng: 2 – 3g mỗi ngày.
  • Tác dụng phụ: Rối loạn tiêu hóa, bọng nước, loét miệng, hội chứng thận hư,…

Thuốc Cyclosporin A (Neoral; Sandimune)

  • Chỉ định: Bệnh nhân thể nặng, không đáp ứng được với Methotrexat.
  • Liều dùng: Liều đầu 2,5mg/kg/ngày. Sau 4 – 8 tuần nếu không cải thiện thì tăng 0,5 – 1mg/kg/ngày.

Các thuốc ức chế Cytokin

Các thuốc thường dùng phổ biến là:

Entanercept-Enbrel 25mg: Dùng tiêm dưới da 25mg 2 tuần một lần hoặc 50mg mỗi tuần.

Infliximab-Remicade 100mg: 

  • Liều dùng: Tiêm liều 3mg/kg/lần trong 2 giờ.
  • Chỉ định: Bệnh nhân nặng, các thuốc trên không đáp ứng được.
  • Tác dụng phụ: Bị bệnh lao và các nhiễm khuẩn cơ hội.

Rituximab (MabThera, Rituxan):

  • Chỉ định: Tất cả bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.
  • Liều dùng: 500 – 1000mg mỗi lần, mỗi lần truyền cách nhau 2 tuần.
  • Cách dùng: Pha 500mg trong 500ml NaCl và truyền tĩnh mạch.

Rituximab được người bệnh đánh giá khá cao

Phẫu thuật viêm khớp dạng thấp

Nếu các thuốc không giúp ngăn ngừa những tổn thương ở khớp, bệnh nhân có thể cân nhắc thực hiện phẫu thuật để làm lành những tổn thương. Các phẫu thuật gồm:

  • Phẫu thuật nội soi: Kỹ thuật này giúp loại bỏ synovium và được thực hiện trên khuỷu tay, cổ tay, ngón tay, đầu gối, hông.
  • Sửa chữa gân: Tổn thương khớp có thể làm vỡ, hỏng phần gân xung quanh khớp. Khi tiến hành phẫu thuật bác sĩ sẽ sửa chữa những gân bị tổn thương cùng những đường gân quanh khớp.
  • Chỉnh trục: Phẫu thuật chỉnh trục được thực hiện để ổn định và điều chỉnh các khớp.
  • Thay thế toàn bộ khớp: Người bệnh có thể thực hiện thay khớp bằng cách loại bỏ những khớp bị hỏng và dùng khớp giả làm bằng nhựa hoặc kim loại.

Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân

Người bệnh cần có chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý để cải thiện bệnh cũng như đẩy nhanh quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp.

Một số động tác cần tránh

  • Tránh cầm đồ vật vì có thể khiến bệnh nhân bị biến dạng bàn tay.
  • Hạn chế thực hiện những động tác gây hại cho khớp, có thể dùng nẹp cổ bàn tay nếu cảm thấy đau nhiều.
  • Không cố cử động cổ tay khiến bàn tay bị lệch, bị đau.

Chế độ ăn uống

  • Bổ sung rau xanh như súp lơ, bắp cải.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu omega 3, giàu canxi.
  • Hạn chế uống rượu bia, ăn thức ăn đã được chế biến sẵn.

Lưu ý khi vận động

  • Thực hiện các bài tập cho tay để duy trì sự mềm dẻo cho các khớp của ngón tay, bàn tay.
  • Những bài tập cho chân sẽ giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn.
  • Tập với cường độ vừa đủ, không quá sức và tránh những hoạt động không cần thiết.
  • Nếu bị đau cổ thì không chạm mạnh hoặc tác động vào cột sống vì có thể gây tổn thương thần kinh.
  • Tập luyện đều đặn và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu người bệnh bị béo phì.
  • Có thể thực hiện bơi lội, đạp xe dựa trên tình trạng sức khỏe, khả năng của mình.

Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người bệnh và việc điều trị dứt điểm là rất khó. Các biện pháp sẽ chỉ giúp đẩy lùi triệu chứng bệnh, ngăn bệnh nặng hơn. Người bệnh cần có lối sống khoa học, đi khám chữa sớm để đảm bảo sức khỏe cũng như việc chữa trị dễ dàng hơn.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Chuyên gia tư vấn


Top phòng khám điều trị Viêm Khớp Dạng Thấp bằng YHCT


Bài viết liên quan