Bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện trong thai kỳ, giai đoạn chuyển dạ hoặc trong thời kỳ sơ sinh. Các bệnh có diễn biến khá nhanh, nếu tình trạng nặng có thể khiến bé tử vong. Thông thường, sơ sinh đủ tháng, già tháng hay non tháng sẽ gặp những bệnh khác nhau với triệu chứng không giống nhau.

Bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh đủ tháng

Nhiễm trùng sơ sinh, trào ngược dạ dày, hạ đường máu, vàng da hay xuất huyết giảm prothrombin,… là những bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh đủ tháng. Cần quan sát, chú ý sức khỏe của trẻ để tránh những biến chứng nguy hiểm và tránh ảnh hưởng đến tính mạng.

Nhiễm trùng sơ sinh

Bệnh nhiễm trùng sơ sinh có thể mắc phải khi bé mới sinh ra hoặc xuất hiện sớm bởi đường mẹ – thai nhi. Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong thời kỳ sơ sinh với tỷ lệ là 13 – 15%. Nguyên nhân được đánh giá là do sức đề kháng yếu, da trẻ còn non yếu, có nhiều mạch máu hoặc niêm mạc đường tiêu hóa dễ bị xâm nhập.

Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong
Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong

Các đường lây nhiễm khiến bé bị nhiễm trùng

  • Lây qua đường từ mẹ sang con: Là đường lây truyền xảy ra trước khi sinh và thường gặp các tác nhân như: Rubella, giang mai bẩm sinh, HIV, Toxoplasma,…
  • Lây qua đường ối: Do người mẹ bị nhiễm trùng tiết niệu sinh dục, mẹ bị hở cổ tử cung, vỡ ối sớm hoặc do thăm khám âm đạo quá nhiều.
  • Lây qua đường tiếp xúc khi sinh: Trường hợp này thường là do lúc ngang qua tử cung, âm đạo hoặc âm hộ khi chuyển dạ kéo dài.
  • Do môi trường: Trẻ sơ sinh tiếp xúc với kim tiêm, ống chích, nhiễm khuẩn do không vệ sinh sạch sạch sẽ, môi trường ô nhiễm, năm viện lâu gây ngạt, khó thở,…

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bé bị nhiễm trùng

Những yếu tố sau đây có thể khiến trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm trùng hơn:

  • Người mẹ sốt.
  • Người mẹ bị nhiễm trùng đường sinh dục – tiết niệu.
  • Mẹ bị vỡ ối trên 12 giờ, dịch ối bẩn, hôi.
  • Trẻ sinh non nhưng không rõ nguyên nhân.
  • Can thiệp thủ thuật sản khoa khi đẻ.

Biểu hiện

Biểu hiện lâm sàng:

  • Trẻ bị rối loạn thân nhiệt.
  • Bú chậm, bú kém, bú kém và có tình trạng ỉa chảy, chướng bụng.
  • Bé ngủ li bì.
  • Rối loạn trương lực cơ, khả năng vận động kém.
  • Trẻ sơ sinh bị rối loạn tuần hoàn, rối loạn hô hấp.
  • Bị vàng da, xuất huyết, cứng bì hoặc gan lách to.

Biểu hiện cận lâm sàng:

  • Vi khuẩn học: Nhuộm gram, soi tươi, dịch hầu học, dịch dạ dày, cây mẫu bánh nhau, cấy nước tiểu, cấy dịch não tủy,…
  • Huyết học: Bạch cầu có hiện tượng giảm < 5000/mm3 hoặc tăng > 25000/mm3, giảm tiểu cầu < 100000m3, CRP > 20mg/l.

Cách điều trị

Cách chữa nhiễm trùng sơ sinh phổ biến nhất là dùng kháng sinh với liều như sau:

  • Ampicillin: Dùng liều 75mg – 100mg/kg/ngày.
  • Cefotaxime: Dùng liều 100mg – 200mg/kg/ngày.
  • Ceftriaxone: Dùng liều 50-100mg/kg/ngày.
  • Amikacin: Dùng liều 15mg/kg/ngày.
  • Gentamycine, Kanamycin: Dùng liều 4-5mg/kg/ngày.
  • Vancomycin: Dùng liều 10mg/kg/ngày.

Ngoài ra, cần vệ sinh bé thật sạch, người ngoài cũng đảm bảo sạch sẽ trước khi bế trẻ, thường xuyên thay ga, vỏ gối, tiệt khuẩn giường mỗi ngày, chỉ nên thăm trẻ theo giờ,….

Hội chứng vàng da tăng Bilirubin tự do ở trẻ sơ sinh

Vàng da tăng Bilirubin có biểu hiện thường gặp từ 60 – 80%, thường là do vỡ hồng cầu, kém bắt giữ bilirubin hoặc kém kết hợp bilirubin ở gan. Thông thường bệnh chỉ đơn giản là vàng da sinh lý, nếu nặng sẽ diễn biến thành vàng da nhân và gây tử vong hoặc gây ra nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của bé.

bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh
Vàng da tăng Bilirubin có biểu hiện thường gặp từ 60 – 80%

Các nguy cơ gây bệnh

Nguy cơ gây bệnh có thể xuất phát từ người mẹ hoặc chính trẻ sơ sinh.

Từ phía trẻ:

  • Bị sang chấn sản khoa.
  • Bị ngạt.
  • Mẹ cho bú muộn.
  • Chậm thải phân xu.
  • Nhiễm trùng.
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa.
  • Trẻ đẻ non và bị nhẹ cân so với tuổi thai.

Nguy cơ từ người mẹ:

  • Mẹ bị nhiễm trùng.
  • Trong quá trình mang thai, cho con bú có dùng thuốc Sulfonamides, thuốc kháng sốt rét, thuốc Nitrofurantoin,…
  • Anh chị em trong gia đình bị vàng da do bất đồng nhóm máu hoặc do sữa mẹ.

Các loại vàng da

  • Vàng da sinh lý: Xuất hiện sau 24 giờ tuổi và tốc độ tăng khá chậm, thường là 3 – 5 ngày rồi giảm dần. Tình trạng này thường kéo dài dưới 10 ngày và không đi kèm những triệu chứng bất thường khác.
  • Vàng da bệnh lý: Bệnh xuất hiện sớm trước 24 – 36 giờ tuổi, thấy rõ ở toàn thân, tình trạng vàng da tăng nhanh và kéo dài, kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường.

Biến chứng của chứng vàng da tăng Bilirubin

Trẻ bị vàng da tăng Bilirubin có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Vàng da nhân não: Là tai biến nguy hiểm của hội chứng vàng da tăng Bilirubin tự do, xảy ra khi lượng Bilirubin tăng cao. Trẻ sẽ có dấu hiệu bỏ bú, thở chậm, phản xạ kém, ngủ li bì, nặng hơn sẽ bị hôn mê và tử vong.
  • Hội chứng mật đặc: Xảy ra khi vàng da tăng Bilirubin không được điều trị và có dấu hiệu da vàng xỉn, phân bạc máu, lượng bilirubin tăng trong máu.

Phương pháp điều trị

Tất cả trẻ sơ sinh bị chứng vàng da tăng Bilirubin tự do phải được theo dõi màu da hàng ngày. Những trẻ có da vàng sớm, đậm và tăng nhanh phải được điều trị kết hợp cùng nguyên tắc giảm bilirubin trong máu bằng nhiều phương pháp kết hợp.

  • Liệu pháp ánh sáng: Đây là phương pháp phổ biến và được dùng nhiều, chỉ định cho những trẻ bị vàng da tăng Bilirubin tăng gián tiếp 15mg% do bất cứ nguyên nhân nào. Bác sĩ dùng ánh sáng trắng hoặc xanh có bước sóng từ 420 – 500mm với công suất 5W/cm2/nm. Trẻ cần loại bỏ quần áo, bịt mắt đen và nằm trên khăn màu trắng để tăng diện tích da sáng. Nên để trẻ nằm trong lồng ấp, giường nhỏ có nhiệt độ 28 – 30 độ C.
  • Thay máu: Chỉ định cho những trẻ có nồng độ bilirubin tăng cao tên 20mg% do bất cứ nguyên nhân nào. Nên lấy máu tưới hoặc lấy dưới 3 ngày. Lượng máu thay là 150 – 200ml/kg cân nặng, nếu Hb < 12g% thì truyền thêm khoảng 15ml/kg cân nặng. Đường thay là đặt Catheter vào rốn và dùng đường rút máu ra, đẩy màu vào.
bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh
Bệnh có thể được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng

Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh

Những bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh không thể không nhắc đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh đa số xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi và sẽ tự khỏi khi bé biết đi. Nhưng cũng có một số trường hợp, tình trạng này là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Cơ thể trẻ chưa phát triển: Vòng cơ nằm giữa thực quản và dạ dày (LES) có nhiệm vụ giữ thức ăn luôn ở trong dạ dày. Ở trẻ sơ sinh, LES chưa thực sự phát triển và chưa có đủ chức năng, hệ thống tiêu hóa còn yếu nên dễ bị trào ngược.
  • Do sinh hoạt: Trẻ thường xuyên nằm ngửa, chế độ dinh dưỡng đa phần là chất lỏng hoặc trẻ được sinh non.
  • Dấu hiệu bệnh lý: Hẹp môn bị, chứng không dung nạp thực phẩm, viêm thực quản do dị ứng,…

Biến chứng của bệnh

Chứng trào ngược ở trẻ sơ sinh thường không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu bé bị quá nhiều, kéo dài thì trẻ sẽ tăng trưởng kém, đôi khi cần phẫu thuật để trị dứt điểm, hạn chế ảnh hưởng về sức khỏe sau này của bé.

Hạ đường huyết trẻ sơ sinh

Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và có thể thoáng qua trong giai đoạn đầu sau sinh. Nếu bệnh kéo dài dai dẳng, không có phương pháp xử trí đúng cách thì sẽ gây tổn thương não, để lại hậu quả về sau này cho trẻ.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Tăng insulin: Người mẹ bị tiểu đường, dùng thuốc trong giai đoạn thai kỳ, trẻ bị đột biến gen, trẻ bị ngạt,… là những nguyên nhân gây bệnh.
  • Trẻ to hơn tuổi thai: Đây là nhóm có nguy cơ bị hạ đường huyết khá cao nên người mẹ cần được sàng lọc đường huyết.
  • Giảm sản xuất, dự trữ glucose: Thường xảy ra khi trẻ đẻ non, chậm phát triển trong tử cung, trẻ ăn muộn, trẻ không được cung cấp đủ dinh dưỡng,… 
  • Tăng sử dụng glucose: Trẻ bị nhiễm trùng, sốc, thân nhiệt hạ, suy hô hấp sau sinh, một số trẻ bị rối loạn nội tiết, đa hồng cầu,…
bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh
Có nhiều nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Dấu hiệu nhận biết

  • Ở trẻ sơ sinh, hạ đường huyết thường xuất hiện sau 3 – 48 giờ sinh với các triệu chứng như:
  • Thân nhiệt giảm nhanh, tay chân lạnh, da nhợt, tím tái,…
  • Đau bụng, khó chịu, buồn nôn.
  • Nhịp thở mạnh, gấp hơn bình thường.
  • Nếu bệnh nặng sẽ gây hôn mê, co giật.

Phương pháp điều trị

  • Điều chỉnh đường huyết: Truyền dịch với những trẻ có triệu chứng, ngoài ra cũng nên có chế độ ăn khoảng 12 bữa/ngày, có thể vắt sữa nếu trẻ không bú mẹ.
  • Điều trị theo nguyên nhân: Nếu hạ đường huyết dai dẳng với tốc độ truyền đường trên là 8mg/kg/phút hơn 1 tuần thì cần hội chẩn để đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp.

Bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh sinh non

Trẻ sinh non thường có sức đề kháng yếu, các cơ quan chưa phát triển đầy đủ nên dễ gặp phải những tổn thương. Những rối loạn thường gặp ở trẻ sinh non bao gồm:

Hội chứng suy hô hấp

Hội chứng suy hô hấp là tình trạng phổi của bé chưa phát triển đầy đủ sau khi chào đời gây thiếu surfactant và làm giảm diện tích bề mặt phế nang cho quá trình trao đổi khí. Đây là hội chứng rất dễ gặp trong thời kỳ sơ sinh, đặc biệt là trong những ngày đầu mới sinh.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Trẻ được sinh mổ.
  • Người mẹ bị tiểu đường.
  • Tiền sử trong gia đình có người bị suy hô hấp.
  • Sản phụ đa thai.
  • Trẻ bị ngạt và xuất huyết trước khi sinh.
  • Lượng máu cung cấp cho thai nhi trong giai đoạn thai kỳ ít.
  • Dọa sinh non.

Các triệu chứng phổ biến

Những triệu chứng của hội chứng suy hô hấp trẻ sơ sinh có thể phát hiện được ngay khi trẻ mới ra đời nhưng một số dấu hiệu chỉ thực sự xuất hiện sau 24 giờ sinh.

Dấu hiệu lâm sàng:

  • Trẻ bị khó thở, nhịp thở tăng nhanh hơn bình thường.
  • Cánh mũi trẻ phập phồng, phát ra tiếng rên nhẹ khi thở.
  • Hiện tượng co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn xuất hiện, xương ức lõm xuống.
  • Toàn thân tím tái, tim đập nhanh vì bị thiếu oxy trầm trọng.
  • Bị thở khò khè do ngạt thở.
  • Người đổ nhiều mồ hôi.
Hội chứng suy hô hấp khiến trẻ bị khó thở
Hội chứng suy hô hấp khiến trẻ bị khó thở

Dấu hiệu cận lâm sàng:

  • Chỉ số PaO2 < 60 mmHg, SaO2 < 92% và PaCO2 > 50mmHg.
  • Chụp Xquang phổi thấy xuất hiện những tổn thương.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu thấy có rối loạn sinh hóa đi kèm, tăng Kali, giảm Canxi máu.
  • Xét nghiệm vi sinh để phân tích nội khí quản.

Phương pháp điều trị

  • Chỉ định thở oxy nếu trẻ bị tím tái, SaO2 < 92% và/hoặc PaO2 < 60mmHg, trẻ có dấu hiệu co rút lồng ngực nặng và nhịp thở trên 70 lần/phút.
  • Cung cấp oxy cho bé bằng cách dùng oxy gọng mũi, oxy mask hoặc thở oxy qua mũ nhựa.
  • Đảm bảo nồng độ hemoglobin đạt mức tối ưu, thường > 100g/L, đảm bảo cung lượng tim ổn định.
  • Cho trẻ thở oxy đúng cách, đúng liều lượng và thời gian, nên cho trẻ ăn đường miệng hoặc đặt sonde dạ dày, đảm bảo vô khuẩn khi chăm sóc cho bé.

Xuất huyết trẻ sơ sinh

Xuất huyết ở trẻ sơ sinh là tình trạng có nguy cơ đe dọa tính mạng của trẻ. Ngay khi sinh, trẻ nên được bổ sung vitamin K để tránh bị xuất huyết não, xuất huyết màng não. Bệnh thường có 3 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn khởi phát sớm: Bệnh xuất hiện trong vòng 24 giờ sau sinh và có những trường hợp sau 1 tiếng đã có triệu chứng. Nguyên nhân là do tiền sử dùng thuốc làm loãng máu, thuốc chống động kinh từ người mẹ.
  • Giai đoạn khởi phát cơ bản: Hiện tượng này xuất hiện từ 2 – 7 ngày sau sinh và xuất hiện nhiều ở trẻ chưa từng tiêm, uống bổ sung vitamin K dự phòng.
  • Giai đoạn khởi phát muộn: Bệnh thường xuất hiện từ 2 tuần – 6 tháng sau sinh, phần lớn là do thiếu vitamin K.

Nguyên nhân gây bệnh

Phần lớn nguyên nhân gây ra bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh là do thiếu vitamin K, dẫn đến khả năng đông máu giảm. Trong khi đó, ở trẻ sơ sinh, khả năng tổng hợp, lưu trữ vitamin K chưa có, sữa mẹ cũng không đủ để giúp bé phát triển bình thường.

bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh
Xuất huyết ở trẻ sơ sinh phần lớn do thiếu vitamin K

Các triệu chứng phổ biến

  • Trẻ sơ sinh xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc trong phân.
  • Có những vết bầm tím, khối u ở trên đầu.
  • Một số khu vực như vùng rốn, màng nhầy mũi và miệng cũng dễ gặp.
  • Da bé nhợt nhạt, bé thường xuyên khó chịu, buồn ngủ quá mức.

Hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh khi nhiệt độ cơ thể bé dưới 36,5 độ C. Nhiệt độ cơ thể thấp có thể khiến bé gặp nhiều nguy hiểm, thậm chí bị tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh

Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh chủ yếu do yếu tố môi trường, rối loạn của cơ thể gây giảm nhiệt độ cơ thể. Các yếu tố tại phòng sinh của bé cũng là nguyên nhân gây bệnh như: Sinh ở nơi có nhiệt độ môi trường dưới mức khuyến nghị, mẹ bị tăng huyết áp, sinh mổ hoặc điểm Apgar thấp,…

Các triệu chứng của bệnh

  • Da có màu xanh ở tay, chân, da mặt nhợt nhạt.
  • Hạ đường huyết.
  • Tăng đường huyết thoáng qua.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Khó thở, bồn chồn, hô hấp không đều.
  • Suy hô hấp, thiếu oxy máu.
  • Giảm hoạt động, hạ huyết áp.
  • Giảm cân.
  • Bú kém.

Phương pháp điều trị

  • Hạ thân nhiệt khi nhiệt độ từ 35 – 36,3 độ C: Tiếp xúc da trong phòng ấm, đội mũ cho trẻ, bọc mẹ và trẻ bằng chăn ấm.
  • Hạ thân nhiệt vừa phải khi nhiệt độ từ 32 – 34,9: Nằm dưới đèn sưởi, cho trẻ nằm trong tủ ấm, đặt nệm nước ấm,…
  • Hạ thân nhiệt nặng: Sử dụng lồng ấp và điều chỉnh tùy theo nhiệt độ cơ thể bé, nếu không có thì nên dùng kề da hoặc phòng ấm.

Bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh già tháng

Trẻ sơ sinh già tháng thường đối mặt với các bệnh lý như suy thai cấp hoặc mạn, ngạt do hít phải phân su, bệnh lý não cấp thiếu máu cục bộ vì thiếu oxy,…

Ngạt do hít phải khí phân su

Hội chứng hít khí phân xu MAS khá phổ biến và biểu hiện bởi trẻ có tầm vóc lớn, người nhiều phân su, miệng hầu nhiều nước ối phân su. Nếu trẻ bị ngạt thì sẽ bị suy hô hấp, thở nhanh, rên rỉ nhiều, mặt tím tái,…

bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh
Hội chứng hít khí phân xu MAS khá phổ biến và biểu hiện bởi trẻ có tầm vóc lớn

Nguyên nhân gây bệnh

  • Mang thai quá 40 tuần.
  • Sinh khó, tình trạng chuyển dạ kéo dài.
  • Người mẹ đang bị tiểu đường hoặc tăng huyết áp.
  • Nhiễm trùng khi đang mang bầu.
  • Thai chậm phát triển vì bị suy bánh nhau.
  • Hội chứng tiền sản giật.

Các biến chứng nguy hiểm

  • Phân su nếu đi vào phổi sẽ gây nhiễm trùng, viêm nhiễm.
  • Phân su cũng chặn đường thở, làm phì đại phổi và gây suy hoặc vỡ. Lúc này không khí từ bên ngoài sẽ tích tụ trong ngực và phổi gây tràn khí màng phổi.
  • Làm tăng nguy cơ trẻ bị tăng huyết áp phổi dai dẳng.
  • Một số trẻ gặp tình trạng này bị nguy kịch đến tính mạng và có thể hạn chế tình trạng oxy lên não, gây tổn thương não và trẻ gặp các vấn đề về thần kinh.

Phương pháp điều trị

Khi có chẩn đoán bé bị hít phân su, các phương pháp điều trị được áp dụng là:

  • Đặt ống hút ở khí quản để hút phân ra ngoài.
  • Làm ấm cơ thể của bé, lâu khô người bé.
  • Cho bé thở oxy thông qua công cụ hỗ trợ.
  • Cho trẻ nằm ở khoa chăm sóc đặc biệt để tiện theo dõi.
  • Có thể dùng thuốc kháng sinh, có chế độ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
  • Dùng bức xạ ấm để duy trì nhiệt độ cơ thể.

Suy thai cấp

Suy thai là tình trạng thai nhi bị thiếu oxy trong quá trình chuyển dạ hoặc khi đang mang thai. Suy thai cấp thường xảy ra khá đột ngột, trong khi đó suy thai mãn thường có thể kiểm soát và ngăn ngừa được.

Nguyên nhân suy thai cấp

  • Thai phụ mắc các bệnh như thiếu máu, suy tim, tụt huyết áp, suy thận, suy gan, suy hô hấp,…
  • Thai kém phát triển, dị dạng, dây rốn thắt nút, sa dây rau, thai già tháng,…
  • Tình trạng chuyển dạ kéo dài, cơn co quá mạnh hoặc tử cung bị co cứng.

Dấu hiệu nhận biết

  • Màu sắc nước ối thay đổi, màu xanh tức là có lẫn phân su, phản ánh bé bị thiếu oxy, màu đỏ là hiện tượng bánh nhau bong non.
  • Thai nhi có những cử động bất thường, co đập mạnh rồi chậm dần, không cử động sau 1 thời gian. Nó chứng tỏ thai nhi bị thiếu oxy và có thể bị ngừng tim thai.

Phòng ngừa và điều trị

  • Nên chữa khỏi các bệnh mãn tính nếu bạn có ý định mang thai.
  • Hạn chế những ưu tư, phiền muộn trong quá trình mang thai.
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý khoa học để nâng cao sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
  • Không dùng thuốc, không uống rượu bia, thuốc lá khi mang bầu.
  • Khám thai theo định kỳ để nhanh chóng phát hiện những bất thường nếu có.
Mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ để sớm phát hiện những bất thường
Mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ để sớm phát hiện những bất thường

Bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ

Trong quá trình chuyển dạ, trẻ sơ sinh có thể bị xây xát, bầm tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết não, màng não. Một số có thể bị bướu huyết thanh, gãy xương hoặc bị tổn thương gan. Trong số các bệnh trên, bướu huyết thanh là phổ biến và thường gặp nhất.

Bướu huyết thanh là tình trạng da đầu của trẻ bị sưng hoặc phù nề, xuất hiện những cục u hoặc những vết sưng, trẻ sẽ bị đau và quấy khóc. Vị trí thường gặp nhất là phần thấp nhất của ngôi thai, giữa lỗ mở tử cung. Nếu bướu huyết thanh càng to thì chứng tỏ quá trình chuyển dạ càng dài.

Nguyên nhân gây bệnh

Bướu huyết thanh thường được hình thành do áp lực bên ngoài tác động lên bề mặt xương sọ gây sưng và bầm tím. Các áp lực này có thể đến từ thành âm đạo và tử cung khi người mẹ chuyển dạ.

Một số yếu tố nguy cơ làm hình thành bướu huyết thanh:

  • Sinh khó.
  • Chuyển dạ kéo dài.
  • Vỡ ối sớm.
  • Lượng nước ối ít.
  • Sinh con lần đầu.
  • Ca sinh cần hỗ trợ từ Forcep hoặc giác hút.
bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh
Nếu bướu huyết thanh càng to thì chứng tỏ quá trình chuyển dạ càng dài

Triệu chứng thường thấy

Sau khi sinh, bố mẹ sẽ  thấy những cục sưng hoặc các bọng ở trên da đầu. Chỗ sưng thấy được ở phía sau đỉnh đầu vì nó tiếp xúc nhiều xương chậu và tử cung. Một số trẻ bị méo đầu do có nhiều áp lực lên hộp sọ của thai nhi.

Biến chứng của bệnh

  • Vàng da: Bướu huyết thanh trong quá trình tan sẽ tăng lượng bilirubin máu của trẻ. Cần theo dõi trẻ sát sao và phát hiện sớm để có phương án điều trị. Nếu bị vàng da nặng, trẻ có thể bị vàng da nhân não và gây di chứng nặng nề như bại não, điếc não,…
  • Xuất huyết não: Nếu ca sinh tiên lượng khó thì bác sĩ cần hỗ trợ sinh bằng các dụng cụ liên quan, tình trạng chuyển dạ kéo dài sẽ khiến đầu em bé bị va chạm nhiều vào đường sinh dục của mẹ. Các yếu tố này sẽ gây xuất huyết não nên nếu mẹ chuyển dạ kéo dài, có bướu huyết thanh thì cần theo dõi triệu chứng sát sao và cho bé đi siêu âm nếu cần thiết.

Trên đây là những bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và những thông tin liên quan. Trẻ sơ sinh khi sinh ra cơ thể còn non nớt, dễ gặp phải nhiều vấn đề, vậy nên cha mẹ, nhân viên y tế cần theo dõi sát sao và có những biện pháp can thiệp để tránh những nguy hại đến sức khỏe của bé.

Bài viết liên quan