Á sừng da đầu là bệnh gì? Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh

Á sừng da đầu là bệnh lý da liễu chỉ tình trạng viêm ngứa và bong vảy trên da đầu khi quá trình tạo tế bào sừng không hoàn chỉnh. Bệnh lý này được coi là bệnh lý lành tính, ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh.

Á sừng da đầu là bệnh gì?

Á sừng da đầu là một thể của bệnh á sừng và là một loại bệnh viêm da cơ địa khá phổ biến. Tình trạng này thường xuất hiện ở vùng da đầu, vùng sau gáy với các biểu hiện viêm, ngứa và bong tróc vảy, tạo sừng trên da.

Thông thường, bệnh á sừng da đầu phát triển mạnh vào mùa đông. Đây là bệnh lý rất dễ tái phát và thường gặp phải ở những người hay làm việc trong môi trường phải thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại.

Á sừng da đầu là một thể của bệnh á sừng và là một loại bệnh viêm da cơ địa khá phổ biến
Á sừng da đầu là một thể của bệnh á sừng và là một loại bệnh viêm da cơ địa khá phổ biến

Đây là một dạng viêm da cơ địa mãn tính, khó điều trị triệt để và không có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Do bệnh không đe dọa đến tính mạng cũng như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên á sừng da đầu được xếp vào dạng bệnh viêm da lành tính.

Tuy nhiên, khi bị á sừng, người bệnh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ, trở nên mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng á sừng có thể lan xuống vùng trán, vùng mặt và thậm chí toàn thân.

Triệu chứng á sừng da đầu

Á sừng da đầu có những triệu chứng bệnh rất rõ ràng. Tuy nhiên các triệu chứng này có thể dễ gây nhầm lẫn tới tình trạng vảy nến, viêm da tiết bã… Một số dấu hiệu điển hình của bệnh lý này bao gồm:

  • Tình trạng da đầu đóng vảy trắng

Đây là triệu chứng điển hình và dễ dàng nhận biết nhất. Khi bị bệnh, trên da đầu người bệnh xuất hiện những lớp vảy trắng và mọc chồng lên nhau trông như gàu và các lớp này có thể kết với nhau thành từng mảng.

Các mảng da đầu này sẽ bong tróc, nhất là trong thời tiết hanh khô và xuất hiện nhiều lớp sừng đỏ trên bề mặt da. Khi các lớp vảy bong tróc để lại lớp sừng non nhạy cảm, dễ tổn thương và dễ bị trầy xước, viêm nhiễm.

  • Khô và ngứa da đầu

Khi các lớp sừng trên da đầu hình thành sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động. Lúc này, dịch tiết bã nhờn có thể gây ra tình trạng ngứa ngáy trên da đầu. Nếu người bệnh cào gãi đầu thường xuyên có thể khiến da bị tổn thương dẫn tới nhiễm trùng da đầu.

  • Triệu chứng rụng tóc

Đây là hệ quả tất yếu của tình trạng á sừng trên da đầu. Người bệnh bị á sừng sẽ khiến nang tóc không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, dẫn đến tóc bị suy yếu và gãy rụng. Ngoài ra, khi bị á sừng, người bệnh cào gãi da đầu quá nhiều cũng khiến tóc bị gãy rụng.

Đặc biệt, tình trạng á sừng da đầu thường bị nhầm lẫn với bệnh vảy nến da đầu, vẩy nến á sừng. Vảy nến da đầu cũng là một tình trạng viêm da mãn tính có dấu hiệu đặc trưng là hiện tượng bong tróc vảy trắng da đầu, đỏ da gần giống với á sừng.

Á sừng thường xuất hiện ở vùng da gáy
Á sừng thường xuất hiện ở vùng da gáy

Tuy nhiên, hai bệnh lý có thể dễ dàng được phân biệt thông qua các dấu hiệu sau:

  • Bệnh á sừng gây ra những mảng bong lớn gây nứt nẻ và khô da đi kèm với cảm giác ngứa ngáy dữ dội.
  • Bệnh vảy nến thường không gây đau và cảm giác ngứa ít hơn. Mảng bong tróc da ở bệnh vảy nến có kích thước nhỏ và dễ cạo hơn.
  • Các triệu chứng của bệnh á sừng thường nghiêm trọng hơn khi thời tiết hanh khô trong khi các triệu chứng của vảy nến tăng nặng khi người bệnh bị căng thẳng thần kinh.

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, á sừng được gọi là bệnh lý viêm da cơ địa. Bệnh lý này cho đến nay vẫn chưa được xác định nguyên nhân cụ thể gây ra nhưng một số yếu tố dưới đây có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

  • Yếu tố di truyền

Á sừng cũng như một số bệnh viêm da mãn tính khác như vảy nến, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn có liên quan đến yếu tố di truyền. Do đó, khi trong gia đình có người thân bị mắc một trong số những bệnh lý này thì bạn có nguy cơ cao bị á sừng.

  • Do cơ địa

Cơ địa nhạy cảm, dễ có phản ứng dị ứng với các tác nhân như thời tiết, phấn hoa hoặc lông động vật khiến hệ miễn dịch trở nên mẫn cảm hơn và những người này có tỷ lệ mắc á sừng cao hơn.

  • Ảnh hưởng bởi thời tiết

Bệnh á sừng da đầu thường phát triển mạnh vào mùa hanh khô khi có không khí lạnh và độ ẩm rất thấp. Lúc này, da đầu có thể bị mất độ ẩm tự nhiên, giảm sức đề kháng và dễ dàng bị các tác nhân gây tổn thương.

  • Dùng dầu gội đầu không phù hợp hoặc dùng nhiều hóa chất

Khi sử dụng các loại dầu gội đầu không phù hợp, da đầu không được cung cấp dưỡng chất để nuôi dưỡng tế bào sừng khiến chúng trở nên khô, dễ bong tróc hơn gây ra bệnh á sừng.

Ngoài ra, khi da đầu thường xuyên tiếp xúc với hóa chất như chất tạo kiểu, nhuộm, tẩy tóc hoặc keo xịt tóc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Một số yếu tố khác có thể khiến tình trạng bệnh á sừng da đầu khởi phát và tăng nặng hơn là do người bệnh bị thiếu hụt dưỡng chất, thường xuyên sống và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc bị nhiễm nấm.

Cách điều trị á sừng da dầu hiệu quả cao

Á sừng là bệnh lý lành tính nhưng lại là bệnh mãn tính dai dẳng, khó điều trị và dễ tái phát. Chính vì thế, các biện pháp điều trị thường có tác dụng ngăn ngừa bệnh bùng phát, hạn chế tổn thương và phòng ngừa bệnh lan rộng.

Điều trị bằng Tây y

Điều trị á sừng da đầu bằng Tây y là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả rất tốt. Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc bôi tại chỗ hoặc dầu gội để trị á sừng. Các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh để đưa ra chỉ định phù hợp. Một số loại thuốc có thể được sử dụng trị á sừng da đầu là:

Dùng thuốc bôi tại chỗ giúp tình trạng bệnh á sừng ổn định
Dùng thuốc bôi tại chỗ giúp tình trạng bệnh á sừng ổn định
  • Nhóm thuốc bôi tại chỗ: Nhóm thuốc bôi tại chỗ phổ biến nhất là acid salicylic. Đây là thuốc bôi giúp bong sừng, bạt vẩy nhờ tác dụng làm mềm, kích thích vảy bong tróc và có tác dụng sát khuẩn.
  • Các thuốc kháng histamin H1 được dùng trong trường hợp muốn cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu của bệnh. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn ngăn ngừa bệnh lan rộng.
  • Các thuốc chống nấm cũng được chỉ định khi bệnh khởi phát do nhiễm nấm men. Người bệnh có thể dùng thuốc này ở dạng thuốc uống, thuốc gội đầu hoặc thuốc bôi ngoài da.
  • Nhóm thuốc kháng sinh có thể dùng để bôi tại chỗ hoặc dùng đường uống theo chỉ định của bác sĩ.
  • Corticoid được dùng để bôi ngoài da giúp giảm viêm, giảm ngứa da đầu.
  • Ngoài ra, các thuốc thuộc nhóm dẫn xuất vitamin D3 hoặc thuốc mỡ vitamin A dạng axit cũng được sử dụng để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

Khi sử dụng thuốc Tây y điều trị bệnh, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý dùng thuốc dễ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Điều trị bằng Đông y

Các bài thuốc Đông y cũng được áp dụng trong điều trị chữa á sừng da đầu tương đối hiệu quả. Các bài thuốc Đông y có thể tác động sâu từ bên trong, giúp loại bỏ căn nguyên gây bệnh và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, từ đó giúp cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả.

Hầu hết các bài thuốc Đông y trị á sừng đều được điều trị theo liệu trình sử dụng thuốc ngâm, gội đầu, thuốc bôi ngoài da và thuốc uống. Khi đó, bệnh được giải quyết khá triệt để và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Để được điều trị bằng Đông y một cách hiệu quả nhất, người bệnh nên đến các phòng khám, cơ sở y tế chuyên điều trị Đông y để được khám bệnh, bốc thuốc một cách chính xác nhất.

Mẹo dân gian trị á sừng da đầu

Các mẹo dân gian được áp dụng trong điều trị á sừng da đầu giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu và đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian trị á sừng da đầu như sau:

  • Dùng bồ kết để gội đầu hàng ngày: Bồ kết là thảo dược gội đầu có công dụng thần kỳ, giúp làm mềm da đầu, nuôi dưỡng tóc, ngăn ngừa tình trạng tạo vảy trên da đầu.
  • Dùng lá trầu không: Lá trầu không có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, giúp làm sạch da đầu và ngăn ngừa tình trạng á sừng lan rộng. Người bệnh chỉ cần chuẩn bị một nắm lá trầu không, rửa sạch và vò nát sau đó cho thêm một chút muối, đun sôi trong khoảng 15 phút sau đó dùng nước này gội đầu hàng ngày.
  • Sử dụng chanh trị á sừng: Đây là phương pháp trị á sừng khá đơn giản. Người bệnh chỉ cần lấy nước cốt chanh, pha loãng sau đó thoa lên vùng da bị á sừng cần điều trị. Để khô tự nhiên khoảng 20 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Có thể sử dụng nước lá trầu không để gội đầu hàng ngày
Có thể sử dụng nước lá trầu không để gội đầu hàng ngày

Ngoài ra, người bệnh có thể dùng nước lá bạch đàn để gội đầu. Một số nguyên liệu như lá lốt, tỏi, mật ong cũng được sử dụng để trị á sừng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên áp dụng trong trường hợp bệnh nhẹ, chưa biến chứng.

Xem thêm

Cách phòng ngừa á sừng da đầu

Á sừng da đầu là bệnh lý có thể gặp phải ở bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Đây lại là một bệnh lý mãn tính, khó điều trị và dễ tái phát nên mỗi người cần lưu ý và biết đến các biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:

  • Hạn chế sử dụng hóa chất tạo kiểu tóc, đặc biệt không sử dụng trong thời gian điều trị bệnh á sừng.
  • Chọn dầu gội đầu phù hợp với da đầu, không gây kích ứng và lành tính, an toàn cho da.
  • Cần hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, có chứa chất độc hại. Nếu phải làm việc, tiếp xúc với môi trường này thì cần có biện pháp bảo hộ da cẩn thận.
  • Không cào gãi và bóc tách lớp vảy trên da đầu.
  • Giữ gìn vệ sinh tay sạch sẽ, cắt móng tay thường xuyên để tránh gây hại cho da đầu khi cào, gãi.
  • Không nên dùng khăn bịt đầu hoặc đội mũ bảo hiểm trong thời gian dài khiến da đầu đổ mồ hôi, bệnh có nguy cơ phát triển.
  • Cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, uống nhiều nước và vận động hàng ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Á sừng da đầu là bệnh da liễu lành tính, dễ gặp phải. Tuy bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do đó, khi có các triệu chứng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và điều trị một cách tốt nhất.

Đừng bỏ qua

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.